Huyền Nhiệm Đời Sống Đạo

“Từ bỏ chính mình…”  

(x. Mt 16, 24; Mc 8, 34; Lc 9, 23)

Trong một thế giới đang chạy theo khoái lạc, lợi nhuận và sở hữu không ngừng mà nói đến sự từ bỏ thì quả là xa xôi, không tưởng. Bị ảnh hưởng bởi não trạng hưởng thụ vật chất, chúng ta thường coi những giá trị ở đời này như tiền bạc, danh lợi, địa vị là trên hết. Nhưng đối với những ai đã từng kinh qua với nhiều trải nghiệm trên đường đời mới nhận thấy rằng, ngắn ngủi thay con đường hưởng thụ, chẳng đưa người ta tới đâu, mà cuối cùng chỉ thấy phiền não, lo âu và thất vọng. Càng hưởng thụ càng thấy mình trở nên tầm thường, bạc nhược, và chán ngán chính mình. Vả lại, ngay trên con đường thành đạt hay danh vọng chóng qua cũng đòi người ta phải từ bỏ rất nhiều, huống chi con đường thành nhân, và hơn nữa, thành một môn đệ Đức Kitô.

  1. Dục vọng và từ bỏ

         Nhiều người cho rằng, dục vọng là sức mạnh bản năng sinh tồn, làm cho con người ước muốn không ngừng, không có gì ngăn nổi, nên từ bỏ xem ra là một sự nghiệt ngã, vô vọng. Đồng ý với Schopenhauer rằng, dục vọng là cái gốc sinh tồn của con người, là cơ sở của sinh mệnh, nên bản chất của ý chí sinh mệnh chính là đau khổ. Tuy nhiên không vì thế mà chủ trương tiêu diệt dục vọng (diệt dục của Phật giáo). Không vì thế mà mà đẩy lý tính ra ngoài sinh mệnh của con người. Trên thực tế, lý tính của con người có khả năng kềm chế và điều chỉnh dục vọng. Con người còn có tâm hồn để cảm nhận sức sống thần linh từ chính trái tim mình; còn có khả năng tinh thần siêu vượt để chuyển hóa dục vọng thành những ước vọng cao thượng. Vả lại, có ý chí ham muốn thì cũng có ý chí từ bỏ: muốn thế này và không muốn thế khác. “Idem velle atque idem nolle” (ước muốn cũng một điều và không ước muốn cũng một điều), nhưng rồi lại khác nhau cũng trong một điều, vì không ước muốn cũng là một cách ước muốn.

         Dục vọng như cánh đồng hoang, như con thú dữ, như con nước lũ. Nhưng cánh đồng hoang nào cũng có thể khai hoang để làm thành mảnh đất trù phú và mầu mỡ; con thú dữ nào cũng có thể được thuần hóa để trở thành hữu ích và lợi thế cho người chủ; con nước lũ nào cũng có thể có những biện pháp ngăn ngừa, làm thành nhiều dòng chảy để đem lại phù sa cho những vùng đất khô cằn.

         Con người đã được Tạo Hóa ban cho khả năng làm chủ thiên nhiên và làm chủ chính mình. Tất cả mọi loài mọi vật trong thiên nhiên đều cần đến bàn tay và khối óc của con người để tô điểm cho chúng thêm tốt đẹp và vẹn toàn hơn cho những lợi ích chân chính. Khả năng ngoại tại đó cũng chính là sự biểu hiện của khả năng nội tại của con người để có thể cải hóa, tái tạo, chuyển đổi, thăng hoa và “biến thiên” mọi tình trạng của mình. Nhờ đó, con người có thể ra khỏi chính mình và vượt lên chính mình trong sự từ bỏ để hoàn thành định mệnh cao cả của mình theo Thiên ý.

  1. Từ bỏ – tiến trình thành nhân

         Sống là chấp nhận từ bỏ. Từ bỏ trở thành qui luật để sống và vươn lên. Thai nhi không thể nào ở mãi trong bụng mẹ, dù đó là chỗ an toàn êm ấm. Đứa bé chẳng bao giờ trưởng thành nếu nó sống mãi bằng sữa mẹ. Lớn lên, theo đuổi một lý tưởng cao đẹp lại càng phải từ bỏ. Từ bỏ là dấu hiệu chứng tỏ ta muốn được tự do phát triển bằng cách tẩy trừ những mầm mống độc hại đã ít nhiều thâm nhập vào đời sống mình. Có biết bao điều hèn kém và xấu xa đòi hỏi ta phải từ bỏ để làm đẹp tính cách của mình. Ngay cả những điều tốt cũng phải từ bỏ để chọn một điều tốt hơn. Có nhiều người không có can đảm từ bỏ nên suốt đời bị giằng co, ray rứt.

         Từ bỏ thường làm  ta phải sợ hãi và luyến tiếc, vì cảm thấy bị mất mát và nhiều khi bị thương tổn. Sự cắt tỉa nào mà không đau đớn, xót xa. Đó là điều nhất thiết phải có để  cây đời thêm sinh hoa kết trái. Khi một phiến đá thấy mình trở thành một tác phẩm nghệ thuật, lúc đó nó mới biết ca ngợi sự đau khổ mà người thợ điêu khắc đã đục đẻo nó qua bao ngày tháng. Cũng vậy, chính khi trở nên một con người thành toàn hơn về mọi phương diện, con người mới biết yêu chuộng sự từ bỏ mà Đấng tác tạo đã làm nên. Chính sự từ bỏ sẽ giải phóng con người khỏi những gì đang bị kìm hãm, những gì làm giảm bớt cơ hội thăng tiến, những gì làm tê liệt sự phát triển nhân tính, để còn mở ra cho con người một chiều kích siêu việt, linh thánh, “cùng thần tri hóa”.

         Từ bỏ xem ra quá khó khăn vì bản tính con người vẫn ưa thích sự dễ dãi, và dung dưỡng bản thân mình, muốn được cái này nhưng lại không dám từ bỏ cái kia. Dục vọng càng cao thì sự từ bỏ càng trở nên không thể. Ít ai thấy được cái nguy cơ chết chóc của lòng ham muốn, cũng như con cá nhìn thấy mồi mà không thấy lưỡi câu. Khi lòng ham muốn của con người thắng thế, thì tất nhiên lẽ trời phải mất: “Nhân dục thắng nhiên thiên lý vong”. Thiên lý vong thì con người cũng không còn là con người.

  1. Tình yêu – động lực của sự từ bỏ

         Không có một tình yêu lớn lao thì không thể nói tới sự từ bỏ. Sự từ bỏ của Kitô hữu đặt nền tảng trên chính sự tự hủy của Đức Giêsu: Ngài đã từ bỏ vinh quang thần linh để làm người như ta, đã sống và đã hiến mạng sống mình vì yêu Cha và nhân loại (x. Ep 2, 6-11). Chọn lựa con đường theo Đức Giêsu là chọn con đường từ bỏ. Ngài đòi ta đặt tất cả bên dưới Ngài để yêu Ngài trên hết mọi sự, trên những người thân yêu, trên của cải tinh thần, vật chất, trên hiện tại và tương lai, trên cả mạng sống mình: Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14, 26). Thiên Chúa lớn lao và cao quí hơn mọi sự, nên tình yêu dành cho Ngài cũng phải vượt trên mọi điều. Đó cũng là giới răng trọng nhất: “Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn.” (Đnl 6,5).

            Người Kitô hữu lớn lên nhờ chọn lựa và từ bỏ, để đặt Đức Kitô trên mọi giá trị khác. Trung tâm điểm là Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, nên mọi giá trị trở nên tương đối trước Đấng Tuyệt Đối. Tiền bạc, của cải là một giá trị của cuộc sống. Cha mẹ, vợ con, gia đình là những giá trị tinh thần. Mạng sống là một giá trị trổi vượt hơn tất cả, nhưng chỉ khi nào ta hy sinh chính mình, mới thực là tình yêu. Ngay những giá trị lớn lao nhất cũng phải từ bỏ khi cần, để chọnĐức Giêsu là Giá Trị của mọi giá trị.

         Ai cũng yêu gia đình, yêu bạn bè, yêu tổ ấm, yêu khung trời riêng đầy thơ mộng và êm ấm của cuộc đời mình, yêu cuộc sống làm người với bao niềm vui và nước mắt. Tất cả những điều đó đã trở nên gần gũi và thân thiết sâu xa như là lẽ sống của mình. Nhưng rồi định mệnh cao cả cuối cùng của cuộc đời ta phải là Đức Giêsu, nên phải yêu Ngài trên tất cả, nên lại phải từ bỏ tất cả để lên đường theo tiếng gọi.

         Yêu mến Đức Giêsu hơn cả cha mẹ, vợ con, không phải là coi thường lòng hiếu nghĩa, nhưng là yêu thương bằng một tình yêu mãnh liệt hơn và bao la hơn, nhân danh Đức Giêsu Kitô. Dù sao đi nữa thì mọi tình yêu trong cuộc sống cũng phải có một khoảng cách riêng tư. Chính trong khoảng cách riêng tư đó mà ta luôn sống trong tự do vàbình tâm để chọn Chúa là tất cả trong tất cả.

  1. Từ bỏ không ngừng

         Đừng cho mình là khôn ngoan để rồi từ chối không muốn tiến xa hơn nữa trên con đường từ bỏ. Sự khôn ngoan kiểu đó chỉ là khờ dại. Muốn dành phần riêng cho mình để khỏi mất hết là một tính toán sai lầm. Phép Rửa đã cho chúng ta trở thành môn đệ Đức Kitô. Nhưng để là môn đệ đích thực của Ngài, chúng ta cần từ bỏ hoài, từ bỏ mãi, từ bỏ hết cho đến suốt đời: “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14, 33).

         Chính Tagore đã cảm nhận chân lý trên qua dụ ngôn người hành khất gặp Đức Vua [1]: Khi xe Vua ngừng, người hành khất thầm nhủ duyên may đã đến, tưởng rằng Vua sẽ thương ban vàng bạc, nào ngờ Vua lại chìa tay xin: “Có gì cho Ta không?”. Người hành khất bối rối, lưỡng lự một hồi rồi móc ra từ trong bị một hạt lúa rất nhỏ bé dâng cho Vua. Khi chiều về và ngày đã tàn, anh ta giốc túi ăn xin ra, thì lạ thay có một hạt lúa vàng cũng rất nhỏ bé. Nghẹn ngào anh ta khóc nức nở :“giá phải chi tôi dâng hết cho Người”.

         Trong xác tín thâm sâu đó, Tagore mới dâng lời nguyện ước: “Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế gọi được Người là tất cả của tôi. Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi chốn, mọi nơi, đến với Người trong mọi thứ mọi điều, và dâng Người tình tôi lúc nào cũng được. Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi chẳng bao giờ lẫn tránh được Người…” [2]

         Sự tiến bộ thiêng liêng chỉ phát khởi trên con đường từ bỏ. Từ bỏ điều tôi có, và cứ có thêm mỗi ngày. Điều hôm nay chưa dính bén, mai đã thấy có. Điều đã bỏ từ lâu, nay lại dính bén. Chính vì vậy, từ bỏ phải là thái độ nội tâm liên tục. Tình yêu không thể chỉ nửa vời hay chỉ trong những lúc hứng khởi, nhưng là trọn vẹn và trung kiên cho đến cùng. Tháp đã bắt đầu xây, cuộc chiến đã khai mào (x. Lc 14, 28-33), không thể lừng khừng và thỏa hiệp. Không còn là lúc mà ngồi xuống để tính toán nữa. Cần đầu tư toàn lực để xây tháp; cần tập trung toàn tâm để tiến quân. Cần từ bỏ mọi vướng víu và níu kéo để lên đường cho một sứ mạng, đồng thời cũng dám dùng chính mạng sống mình để làm chứng cho chân lý. Từ bỏ hoàn toàn là cách diễn tả một tình yêu tột bậc, để sống tận tình và thuộc trọn về người mình yêu.

  1. Từ bỏ chính mình

         Từ bỏ những gì mình có để lớn lên đã là khó khăn lắm rồi, huống chi từ bỏ chính mình, và cả mạng sống mình khi Chúa cần thì còn khó khăn biết bao. Vì thế, không có một tình yêu sâu thẳm triệt để thì không ai có thể sống sự từ bỏ ở mức độ cuối cùng đó. Thật ra, chính mạng sống mình là do Chúa ban cho. Khi Chúa cần lấy đi, chính vì Ngài muốn ban cho ta một sự sống mới bằng chính sự sống thần linh của Ngài. Hiểu và cảm nghiệm được tình yêu của Chúa đã dâng hiến cho ta, ta mới dám khước từ chính mình để dâng hiến lại cho Chúa.

         Điều thứ nhất trong 14 điều chân nhận của Đức Phật là: “Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”. Chính mình mới thật sự đối chọi, cản đường ngăn lối, làm bế tắc đời sống mình chứ không phải ngoại vật hay người khác. Chính mình mới tạo nên tham vọng, ngạo mạn, kiêu căng, ích kỷ… Do đó, phục vụ bản ngã mình là phục vụ một bạo chúa xấu xa hơn tất cả các bạo Chúa. Trong ý nghĩa đó thánh Augustinô cũng đã nói: “Sự khinh chê chính mình là hạt giống được gieo vãi trong lòng đất để nó mục nát đi, ngõ hầu sinh được nhiều hoa trái”. Người chỉ biết quan tâm đến mình là người chứa đầy tham, sân, si, lo âu, buồn phiền và thất vọng. Người từ bỏ chính mình mới là người trút được gánh nặng ngàn cân đó để hưởng bình an, thanh thoát và tạo được khả năng nếm cảm được những hương vị hạnh phúc thần linh.

         Thật ra, “Con người là không trước mặt Thiên Chúa.” (Tv 39, 6). Chân lý đó phải giúp ta nhận ra thân phận bèo bọt của mình, nay còn mai mất, để sống khiêm tốn trong sự từ bỏ. Danh từ khiêm tốn do tiếng La-tinh: “humus”, nghĩa là đất. Điều này nhắc ta nhớ đến nguồn gốc của ta là bụi tro, có được sự sống nhờ hơi thở của Thiên Chúa, và có gì cao cả đi nữa thì cũng do Chúa làm nên. Đối với Chúa, cần trở nên giống như bé thơ trong lòng mẹ. Đứa trẻ có ham mê cái gì đi nữa thì cũng chỉ trong phút chốc nó rời bỏ tất cả để quay vào lòng mẹ nó là tất cả. Bản thân nó chỉ có thể hình thành và phát triển nơi mẹ nó mà thôi. Cũng vậy, từ bỏ chính mình là hoàn toàn đặt mình trong sự sống của Thiên Chúa khi khước từ sự sống của chính mình.

  1. Thấy mới ham

         Khi nói Nước Trời là kho báu bền vững, Đức Giêsu là viên ngọc quí đích thực (x. Mt 13, 14-52), có vẻ như là một cái gì mơ hồ, xa xôi, thậm chí không có thật. Chính vì thế mà ta thường ngần ngại khi từ bỏ, và rồi dè sẻn, nuối tiếc khi phải hy sinh cho Chúa. Do đó, vấn đề là khả năng thấynhờ lòng tin. Không thể nói tới từ bỏ nếu ta không thấy được sự thực quý giá vô vàn là Đức Giêsu hay Nước Trời. Chỉ khi thấy được thực tại vô hình, bị choáng ngợp và ngây ngất trước giá trị của chúng, ta mới hồn nhiên và vui mừng “bán đi tất cả những gì mình có” để mua cho được kho báu bất diệt (x. Mt 6, 20).

         Những ai khao khát tìm kiếm của cải chân thật, thì Chúa đang khơi rộng tâm hồn và nâng cao đôi mắt của đức tin để họ có thể nhìn thấy Ngài như kho báu tràn trề hay viên ngọc sáng chói. Kho báu hay viên ngọc đó còn đang chôn chặt dưới đáy lòng ta, cũng như đang hòa trộn vào mọi sinh hoạt thường ngày của đời ta. Những tiếng gọi bí ẩn vẫn dội lên từng ngày và trong mọi trường hợp của cuộc sống ta. Ta có thể đối diện với nó mà không hay, bước đi trên nó mà không biết, nghe thấy nó mà không hiểu, chạm tới nó mà không cảm. “Dấu chỉ” không thiếu, chỉ thiếu “tấm lòng”để biết  hướng nhìn và nhận ra.

         Thực sự, qua mọi giây phút và hoàn cảnh, Chúa Giêsu đang ở trong ta, đang nói với ta, đang sống cho ta, và đang hiến mình vì ta. Thánh Thể là một bằng chứng hùng hồn và sống động để nói lên chân lý đó trong đức tin. Thánh Thể là phút dừng chân đặc biệt trong cuộc săn đuổi tìm kiếm kho báu là chính Chúa. Chỉ khi chợt bắt gặp Ngài, ta mới có thể vụt ra khỏi cái tôi tầm thường, và dám bán đi những ham mê ích kỷ đang kềm chặt chính mình để mua lấy tình bằng hữu với Ngài.

         Nếu ta còn ngần ngại bán đi tất cả, chỉ vì ta chưa thấy, hay chưa muốn thấy. Nhưng nếu ta dám bán đi tất cả những gì mình có, ắt ta sẽ thấy. Người ta ham thích những điều thấp kém là vì chưa biết ngẩng đầu lên cao. Người ta ham những điều phù phiếm cũ, vì chưa dám buông mình cho một lẽ sống mới. Người ta da diết bám lấy con người đã qua, vì chưa có can đảm mạo hiểm đi vào con người sắp tới. Con đường sống đạo có thể đang mơ hồ hay viễn vông, có thể đang bị chao đảo hay ngưng trệ là vì thế.

         Cần xác định rằng, Kitô giáo không phải là tôn giáo sùng bái những hy sinh và từ bỏ để thấy mình cao cả. Điều đó cũng chỉ làm cho người ta càng thêm ảo tưởng về chính mình, và thần tượng hóa bản thân mình. Đức tin mới là trường học sôi động và hấp dẫn nhất, để dẫn bước ta khám phá ra tài sản đích thực, làm phong phú hóa vượt bậc đời sống mình bằng chính sự sống của Thiên Chúa đang tiềm ẩn trong tâm hồn mình.

  1. Từ bỏ để được

         Từ bỏ, hai chữ ngắn gọn nhưng thật gay cấn mà thâm sâu. Gây cấn, vì chỉ duy Đức Kitô là người từ bỏ vẹn toàn nhất, đẹp lòng Chúa Cha nhất. Thâm sâu, vì đó là một gắn bó toàn diện con người với đời sống với Chúa Cha. Khi sống nhự vậy, Đức Giêsu đã mất tất cả nhưng cũng đã được lại tất cả. Đó là lý do khiến ta dám từ bỏ. Không cần đợi sau cái chết, ta mới thấy mình được. Bình an, niềm vui, triển nở trong tự do và yêu thương là những cái được mà ta có ngay từ đời này. Thái độ từ bỏ chính là lời tuyên xưng hùng hồn, vững vàng và có giá trị lớn lao nhất của lòng tin.

         Khi từ bỏ quyền quyết định của cá nhân để phó thác vào tay Chúa, hẳn ta phải tin tuyệt đối vào sự hướng dẫn khôn ngoan và tình yêu thương của Người như Abraham (x. Stk 12, 1-2).

         Khi từ bỏ mọi sự theo lời kêu gọi để được “lãnh nhận hơn gấp bội và được sự sống đời đời làm cơ nghiệp.”(Mt 19, 29), hẳn ta đã tin không chút nghi ngờ về hiệu năng vô giới hạn của Lời Chúa.

         Khi hy sinh chính mạng sống để làm chứng cho Chúa, hẳn ta đã xác tín Chúa Giêsu đã sống lại, và vì cùng chết với Ngài , ta sẽ được sống vĩnh cửu như Ngài (x. Rm 6, 5tt).

         Khi đòi hỏi con người từ bỏ, cũng chính là lúc Thiên Chúa hứa ban cho con người nhiều nhất. Thật vậy, có Thiên Chúa là có tất cả, và chỉ duy một mình Người là đủ. Đó là một chân lý chỉ có thể hiểu được nhờ kinh nghiệm sống. Não trạng “trần tục” của ta, lòng lo sợ mất mát, nỗi ám ảnh muốn được bảo đảm an toàn, chương trình sống và hoạt động đơn độc do mình đề ra, tất cả những cái đó sẽ luôn va chạm với chân lý căn bản này: chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm mãn nguyện những cõi lòng hiến dâng cho Ngài trọn vẹn.

         Khi đòi hỏi người bán đi tất cả để mua lấy Nước Trời, không phải Thiên Chúa muốn hủy diệt mọi thứ hạnh phúc của con người có thể tìm thấy một cách chân chính qua những phương tiện vật chất hay tình cảm đó, nhưng qua đó Người muốn chiếm đoạt trọn vẹn chính mình ta, chiếm đoạt tất cả để rồi trao ban lại tất cả trong một chiều kích và một ý nghĩa tuyệt đối, vĩnh cửu và sung mãn. Cái nhân bản không bị xua trừ, nhưng được nâng cao lên để biến đổi, canh tân và đi vào thiên giới. Người ta chỉ dẹp bỏ trong cái nhân bản ấy những gì là chướng ngại vật của tình yêu.

         Kẻ đã tìm thấy Nước Trời là một người mới, sinh động trong Thánh Thần để có thể rũ bỏ mọi thần tượng, và trở nên trắng tay để nhận lãnh từ Thiên Chúa hiện tại và tương lai của mình.

         Khi dâng hiến tất cả cho Thiên Chúa để chỉ sống gắn bó với Ngài, cũng là cách sống tốt nhất để liên kết với anh em trong sự hợp nhất với Thiên Chúa. Điều đó đồng nghĩa với việc chia sẻ tình thương tuyệt đối, được tham dự vào dự khôn ngoan toàn bích, được đi vào con đường vĩnh cửu toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ.

 

Lạy Chúa, có biết bao điều hấp dẫn đang len lỏi trói buộc thân con trong cuộc sống này, có những khi làm cho con không còn tự do ngước lên cao để sống cho những giá trị trường tồn.

            Xin giải thoát con khỏi những mê hoặc và ảo tưởng về chính mình và về cuộc đời này, nhờ việc gặp gỡ Chúa trong cầu nguyện và cuộc sống hằng ngày.

            Xin cho con đừng bao giờ tránh né lời mời gọi và cái nhìn đầy yêu thương của Chúa trong từng sự việc và biến cố, là những bước chân âm thầm của Chúa đang đi qua cuộc đời con.

            Từ bỏ là con đường và cách thế của Chúa để gặp gỡ và cứu độ con, xin biến sự từ bỏ trở thành con đường của con để gặp gỡ Chúa và thuộc trọn về Chúa. Amen.

 

Lm. Thái Nguyên

Simon Hòa Đà Lạt

[1] Rabindranath Tagore, Lời Dâng, số 50.

[2] Như trên, số 34.

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts