Hết Lòng Tìm Kiếm

          Bản chất khủng hoảng hiện nay là khủng hoảng niềm tin vào Thiên Chúa “ Sau đệ nhị thế chiến, tư tưởng của Bonhoeffer một mục sư Tin Lành đã chết trong trại tập trung Đức Quốc  Xã  năm 1945 lan tràn sang Mỹ, ảnh hưởng mạnh mẽ trên một số mục sư và dần dần tạo thành một  khuynh hướng thần học gọi là “ Khoa thần học tuyên bố sự cáo chung của Thiên Chúa” như ở Mỹ, Anh với những tên tuổi  như J. Robinson  qua tác phẩm “ Honest to God”. Tác phẩm này được xếp vào loại sách bán chạy nhất trong năm 1963 ở Mỹ. Điều ấy chứng tỏ dân Mỹ đón nhận các sứ giả của nền thần học mới vừa khai nguyên một cách nồng nhiệt đến mức độ nào. Chủ trương của khuynh hướng thần học Tin Lành  mới này mỗi ngày một lan rộng và gây thêm uy thế khiến cho nhiều người đặt lại vấn đề  Chúa và dường như muốn kéo Chúa xuống gần con người, gần quá đến nỗi làm giảm thiểu tính siêu việt của Người để chỉ còn lại tính “ người” ở nơi Chúa mà mất tính Chúa ở nơi “ người” ( Nguồn Simonhoa Dalat – Lm Đỗ Xuân Quế O. P ).

          Thật sự thì nguyên nhân khủng hoảng không phải vì …đã kéo Thiên Chúa xuống…gần con người. Trái lại là  do từ bấy lâu nay  thần học  đã …đẩy Thiên Chúa  ra xa ( siêu việt )  khỏi con người. Thiên Chúa một khi đã bị …đẩy xa khỏi con người như thế thì việc tìm kiếm  trở nên hoàn toàn bất khả. Đang khi đó  Thiên Chúa lại là Đấng hiện hữu ngay ..ở trong  ta và đòi hỏi mỗi người cần  hết lòng tìm “ Ngài  do một người  mà làm nên mọi dân tộc trong loài người để ở khắp mặt đất, định niên hạn và cương giới  cho chỗ ở của họ cốt để họ tìm kiếm  ĐCT hầu mong tìm kiếm được Ngài dẫu Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta. Vì trong Ngài chúng ta sống động và tồn tại như một vài thi nhân của các ông đã vịnh rằng: Chúng ta cũng là dòng dõi của Ngài” ( Cv 17, 26 -28 ).

          Có thể nói sống tôn giáo là sống trong  cuộc tìm kiếm Thiên Chúa  Đấng chưa ai từng thấy biết ( Ga 1, 18 ). Mặc dầu không thấy biết  thế nhưng  bởi  chúng ta  thuộc dòng dõi được tuyển chọn  thế nên từ trong tâm khảm  vẫn hằng mong mỏi  gặp được Ngài. Thánh Augustin dâng lời khẩn nguyện “ Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con vì Chúa thế  nên  tâm  hồn con còn  xao xuyến  mãi cho đến khi gặp được Ngài”.

          Tìm kiếm để gặp được Thiên Chúa  đó là mệnh lệnh của Đức Ki Tô dành cho hết thảy “ Trước hết  hãy lo tìm kiếm Nước ĐCT và sự công chính của Ngài” ( Mt 6, 33 ). Chữ “ Trước hết” ở  đây cho thấy ý của Chúa là muốn cho ta phải lấy sự tìm kiếm Nước  Trời làm ưu tiên  hàng đầu, đừng nên lo lắng thái quá cho những nhu cầu bản thân hay gia đình…..Ngay cả Mattha lo phục vụ bữa ăn cho Chúa và các môn đệ khi Ngài đến thăm nhà mà cũng bị Ngài quở trách “ Ớ Mattha, con lo lắng và bối rối về nhiều việc quá nhưng chỉ có một điều cần yếu mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất không ai có thể đoạt được” ( Lc 10, 41 -42).

          Những thứ có thể bị đoạt mất là của cải, sức khỏe, danh vọng chức quyền v.v. Đó là những thứ …ở bên ngoài mình, còn thứ không ai có thể đoạt mất đó là Nước Trời vẫn luôn sẵn đủ ở nơi mình. Quả là Nước Trời vẫn sẵn đủ nhưng nó lại là thứ vô hình vô tướng chẳng những giác quan không thể nhận biết mà lý trí cũng chẳng thể suy thấu. Chính vì Nước Trời  là thực tại vượt ngoài ngôn ngữ  diễn tả thế nên Đức Ki Tô khi nói về mầu nhiệm  ấy Ngài  đã  chỉ dùng dụ ngôn: Nước Trời giống như viên ngọc chôn giấu trong ruộng. giống như hạt cải, như men trong bột v.v…

          Diễn tả của ngôn ngữ  luôn có giới hạn của nó nhưng cũng chính vì điều này  mà Nước Trời  chỉ có thể có được thông qua  cuộc tìm kiếm lâu dài “ Có tia sáng của Chúa chiếu trong mỗi tâm hồn. Nhưng ở nhiều tâm hồn cần phải khơi gợi nó lên để làm cho nó cháy  bừng, con hãy ra khỏi giấc ngủ của con đi. Hãy nhận ra Thiên Chúa đang ở trong con. Hãy nuôi dưỡng sự hiện diện Ngài và làm cho nó lớn lên và bừng sáng ra. Một hạt giống phải được vùi xuống đất trước khi nó mọc lên. Nó mang trong mình cả một tiềm lực nhưng tiềm lực này như đang ngủ cho đến khi  người  ta tạo điều kiện tốt cho nó được mọc lên và tăng trưởng. Con đang mang trong con Nước của Thiên Chúa, Nước Trời nhưng nếu con không đánh thức nó dậy và không khởi sự tìm nó, con sẽ không thể thấy nó và nó cứ nằm đó y nguyên như cũ. Có nhiều linh hồn không biết  thức tỉnh mình về điều đó. Họ như những hạt giống được đóng gói kín. Con phải lo bứt hết các xiềng xích của mình ra để được tự do. Ngay khi con ước muốn điều đó thì con đã được sự trợ giúp từ mọi phía nhưng trước hết con phải ước  muốn đã” ( Aileen Caddy Sđd ngày 15 tháng 12 ).

          Trong việc tìm kiếm, Chúa nói phải bứt hết xiềng xích của mình ra để được tự do. Vậy ta nên hiểu xiềng xích đó là những gì ? Xin thưa có hai loại xiềng xích, một là những đam mê dục vọng gọi là phiền não chướng và hai là những thành kiến kể cả những quan niệm lập trường thần học, triết học đủ loại mà mình đã tiếp thu trong nhiều năm gọi là Sở tri chướng. Trong hai thứ  chướng ngại này thì phiền não chướng tuy rằng nó có vẻ ồn ào đáng sợ nhưng thật ra nó lại dễ cởi xiềng tháo cũi hơn là chướng sở tri rất nhiều. Với sở tri chướng con người như bị tê liệt trí não, nó  chính là tội phạm đến Chúa Thánh Thần mà  Đức Ki Tô đã  có lần đề cập.

          Mặt khác và điều này mới thật nghiêm trọng, người ta  cứ  đinh ninh rằng chân lý có thể đạt được bằng cách học hỏi, nghiên cứu  công phu này khác  khiến cho việc tu tập tức Thánh hóa bản thân trở thành vô nghĩa. Lại nữa  chẳng biết từ bao giờ, giáo dân nói chung đều chỉ biết …khoán trắng cho các cha các thầy còn mình thì hoàn toàn thụ động hầu như không đụng đến một ngón tay để cải tạo con người mình. Tuy nhiên cái lỗi này chẳng biết là từ đâu ??? Chân lý không thể nào có bằng sự thụ động mà phải hết lòng tìm “ Nếu con chăm chỉ tìm kiếm, chắc chắn con sẽ tìm ra cái “ Trở nên một với Cha” là nguồn mạch của mọi cuộc đời. Nhưng con phải dành thời giờ để tìm ra nó. Vì đó không phải là cái gì rớt xuống đã chín sẵn cho con ăn mà phía con chẳng có một chút ước muốn da diết nào để tìm hiểu Cha,  hiểu chân lý của Cha. Và tìm kiếm cho đến khi con thấy được điều gì có ý nghĩa đối với con. Kinh nghiệm sâu sắc của tâm linh về sự hiểu biết ở bên trong chỉ đến với những tâm hồn thực tình muốn biết. Vậy con đừng  có bì bõm mơ hồ trong những kinh nghiệm tâm linh. Việc tiến lên và từ đó rút kinh nghiệm cho nội tâm là điều tùy thuộc vào con” ( Aileen Caddy Sđd ngày 14 tháng 5 ).

          Thấy được điều có ý nghĩa sau khi đã hết lòng tìm kiếm, điều ấy chẳng phải là cái gì khác mà là một kinh nghiệm giác ngộ tâm linh để có thể đi đến chỗ kết hợp mật thiết với Đấng Cha ở nơi chính mình./.

 

Phùng  Văn  Hóa

( Kỳ sau: Tìm kiếm để kết hợp )

Chia sẻ Bài này:

Related posts