- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Hành trình của đau khổ cứu độ

Cái đau, cái khổ là những người bạn trung thành của đời tôi. Đau khổ như những sự kiện, thì qua đi. Nhưng đã đau đã khổ thì hậu quả của chúng không qua đi bao giờ.

Càng về già, với những khổ đau đủ loại, tôi càng thấm thía với sự thực này: Đau khổ là một mảng của cuộc đời. Một mảng vừa lớn, vừa rộng, vừa sâu. Nó sống động như một dòng chảy. Nó bắt đầu từ lúc tôi vừa vào đời, và sẽ chỉ chấm dứt khi tôi từ giã cuộc đời.

Đau khổ là cái gì chẳng ai thích. Nhưng nó cũng có giá trị giúp cho con người. Như thanh luyện, nhất là góp phần vào việc cứu rỗi.

Khi sống mật thiết với Chúa Giêsu trong Tuần Thánh, tôi thấy vai trò của đau khổ rất được đề cao trong việc cứu độ. Tôi không học được nhiều về chuyện đó. Tôi chỉ nhấn mạnh đến mấy điểm, mà Chúa Giêsu đã đi qua trong hành trình đau khổ cứu độ. Những điểm đó sẽ giúp tôi. Ở đây, tôi xin chia sẻ vắn tắt.
1/ Cảm thấy đau khổ thực sự

Đau khổ của Chúa Giêsu không phải nằm trong lý thuyết, nhưng sống động trong bản thân Ngài. Ngài cảm thấy đau khổ trong thân xác. Ngài cảm thấy cô đơn, nhục nhã trong tâm hồn.

Ngài cảm thấy bị khinh chê bởi một đám đông đã chịu ơn Ngài.
Ngài cảm thấy bị hắt hủi bởi đoàn tông đồ mà Ngài đã tuyển chọn, cất nhắc.
Ngài cảm thấy bị bỏ rơi bởi chính Đức Chúa Cha là Đấng đã sai Ngài xuống thế.
Ngài cảm thấy những đau khổ đó một cách sâu sắc. Đến nỗi Ngài đổ mồ hôi máu ra (x. Lc 22,44). Ngài đi năn nỉ môn đệ hãy ráng thức bên Ngài. Và than: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được” (Mt 12,34).

Như vậy đau khổ, mà Chúa Giêsu phải chịu thực là kinh khủng. Ngài cảm thấy nó hoành hành trong xương thịt Ngài, trong tâm trí Ngài, trong toàn thể con người của Ngài. Ngài than đau một cách rất nhân loại.

Khi tôi nhận biết sự thực đó nơi Chúa Giêsu, tôi sẽ bớt đi nỗi kinh hoàng lúc tôi phải đau khổ. Nhất là tôi sẽ không lấy làm lạ, nếu tôi hay người khác than khổ, than khóc trong những trường hợp quá đau, quá khổ. Cử chỉ như thế là rất “người”, không gì phải xấu hổ cả. Trái lại nhiều khi cũng có thể coi đó là một yếu đuối mang tính cách liên đới gần gũi lại với những người yếu đuối.

Từ cảm nghiệm đó, Chúa Giêsu đi lên một bước, đó là cầu nguyện.
2/ Cầu nguyện khi đau khổ

Phúc Âm thánh Luca viết về lời Chúa Giêsu cầu nguyện: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha. Bấy giờ có thiên thần từ trời hiện đến tăng sức cho Ngài” (Lc 22,42-43).

Như vậy, Chúa Giêsu, khi quá đau khổ, Ngài đã than. Nhưng liền đó, Ngài đã cầu nguyện. Ngài cầu xin Chúa Cha cứu Ngài. Lời Ngài cầu toát ra một tâm tình khiêm tốn. Đó là “Nếu Cha muốn. Xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Lc 22,42).

Đây là gương sáng dạy tôi một điều hữu ích. Đó là khi tôi gặp đau khổ, bất cứ vì lý do nào, tôi nên cầu nguyện. Lời cầu nguyện sẽ là một chìa khoá mở lòng tôi đón nhận ánh sáng Chúa và sức mạnh của Chúa.

Chúa sẽ cho tôi biết: Nếu đau khổ tôi chịu là do chính tôi gây nên, thì tôi xin Chúa ban ơn cho tôi biết cách sửa. Nếu đau khổ tôi chịu là do người khác gây nên, thì tôi xin Chúa ban ơn sửa giúp tôi, nếu được. Nếu đau khổ tôi chịu là hoàn toàn không do tôi và cũng không do ai, nhưng tôi cứ phải chịu, thì xin Chúa cũng thương cứu tôi, nếu đẹp ý Chúa.

Bất cứ trong trường hợp nào, khi đau khổ, tôi vẫn cứ cầu nguyện. Chúa sẽ chẳng sai thiên thần từ trời xuống tăng sức chịu đựng cho tôi. Nhưng tôi sẽ chịu đau khổ với ơn trơ giúp của Chúa. Tâm hồn tôi sẽ được bình an, khiêm nhường. Nhờ đó, tôi dần dần hiểu ý nghĩa sự đau khổ.
3/ Hiểu ý nghĩa sự đau khổ

Thực vậy, kinh nghiệm cho tôi thấy thế này: Nhờ cầu nguyện, tôi cảm thấy Chúa đến bên tôi và cũng đau khổ với tôi.

Nhiều trường hợp, Ngài không rút bớt đau khổ đi. Nhưng Ngài cho tôi biết đặt tên cho các đau khổ của tôi. Như đau khổ để đền tạ Trái Tim Chúa và Trái Tim Đức Mẹ. Đau khổ để cầu cho những người thân được ơn trở lại. Đau khổ để cầu cho Đức Thánh Cha, hàng giáo phẩm, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân. Đau khổ để thanh luyện chính bản thân mình, vv…

Một ý nghĩa của đau khổ, mà tôi hay để ý, đó là nhờ kinh nghiệm bản thân về đau khổ, như bệnh nạn, nhục nhã, cô đơn, thiếu thốn, tôi mới biết thương cảm với những người cùng hoàn cảnh.

Tôi thiết nghĩ một yếu tố mạnh đã thu hút tôi đến với Chúa Giêsu chính là sự Ngài chia sẻ thân phận con người đau khổ. Chia sẻ không phải bằng cách thỉnh thoảng đi phát quà cho người nghèo, người bệnh, nhưng bằng cách trở nên giống họ. Sống nghèo như họ. Bị nhục như họ. Vất vả nhọc nhằn như họ.

Một yếu tố mạnh nữa cũng thu hút tôi đến với Chúa Giêsu. Chính là sự Ngài chịu đau khổ, để đền tội cho tôi, cho nhân loại, nhất là cho Hội Thánh của Ngài.

Những yếu tố này nơi cuộc đời đau khổ của Chúa Giêsu giúp tôi cũng hiểu phần nào những đau khổ của tôi.
4/ Chịu đau khổ trong ơn Chúa

Trong cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, tôi thấy rõ Ngài chịu đau khổ một cách thánh thiện, với một thái độ khiêm nhường, nhưng không thiếu tinh thần trách nhiệm tuyên xưng sự thực. “Lạy Cha, xin Cha tha cho họ, vì họ lầm không biết” (Lc 23,34). Lời nguyện cầu đó của Chúa Giêsu nói lên sự thật. Sự thật là Ngài vô tội, và sự thực là những kẻ giết Ngài có lỗi lầm. Tuy nhiên Ngài xin Chúa Cha tha cho họ. Lời nguyện đó nêu gương sáng cho ta. Hãy xin Chúa ban ơn cho ta biết chịu đau khổ trong tình mến Chúa yêu người.

Trên thực tế, tôi thấy đau khổ, dù do bất cứ nguyên nhân nào, đều rất đáng sợ. Nó có khả năng làm cho con người suy sụp. Nó có khả năng đưa con người tới tự tử, tới bất mãn, tới chỗ mất niềm tin vào bạn bè, vào những người xung quanh. Thậm chí người đau khổ có thể mất cả niềm tin vào Chúa và Hội Thánh. Hãy tế nhị với người đau khổ.

Lịch sử cho thấy nhiều người đã chịu đau khổ cho Hội Thánh, nhưng những đau khổ đó thực sự cũng do Hội Thánh gây nên cho họ. Lịch sử Hội Thánh cũng đã có những trang làm ta đau đớn. Ở chỗ có những người, những nơi là nạn nhân bị bách hại thê thảm. Nhưng cũng có người, có nơi của Hội Thánh tự cho mình có quyền bách hại những ai không nghĩ như mình. Người có chức quyền trong đạo nhiều khi không tránh được nguy cơ biến chất. “Nhân danh Thiên Chúa”, đó là cạm bẫy mà Satan vẫn dùng, để xúi người ta làm bao nhiêu việc tưởng là tốt, nhưng thực ra rất xấu. Xưa chính các vị lãnh đạo tôn giáo đã chủ mưu sát hại Chúa Giêsu, chứ không phải những tín hữu thường, không chức không quyền.

Riêng tôi, tôi xin ơn được theo Chúa Giêsu, luôn tha thiết nói lên lời nguyện cầu sau hết: “Lạy Cha, con xin dâng phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

Ðức Cha J.B. Bùi Tuần

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]