Gương Soi

            Hằng ngày tôi vẫn soi gương nhiều lần, có khi nhiều hơn tôi tưởng. Mỗi lần soi gương, ít nhiều nó cũng để một cảm giác nhẹ nhàng khoan khoái.  Nhưng rồi gần đây, một chiều lặng lẽ bên dòng suối, khi soi mình dưới mặt nước, tôi thấy gương mặt mình giao động, hình dạng thay đổi và trông khác với khuôn mặt mà mình thường soi trong gương mỗi ngày.  Một ý nghĩ chợt đến, một thắc mắc gợi về.  Đâu là khuôn mặt thật của tôi?

Cuộn theo dòng tư tưởng nối tiếp, một kỷ niệm ngày xưa trở lại.  Nhớ có lần bạn bè thốt lên: “Sao dạo này mặt cậu ốm thế?”  Tôi tự tin phản ứng: “Đâu có, vẫn tròn trĩnh như ngày xưa chứ có gì thay đổi đâu.  Vẫn soi gương và thấy mình khỏe mạnh”

Sau này khám phá ra, mới biết chính cái gương soi mỗi ngày đã tạo cho khuôn mặt của mình luôn ú mập, chứ thật ra má đã hóp và mắt đã sâu.  À, thì ra có loại gương khi soi vào ta thấy mặt mình dài ra như toa xe lửa, nhưng cũng có loại gương cho ta một khuôn mặt tròn trĩnh như cái bánh tét ngày xuân.  Còn có loại gương khi soi vào mà giật mình đánh thót, tưởng mình như ông cụ đến tuổi “thất thập cổ lai hy”.  Rồi cũng loại gương mà khi soi vào, nó cho ta cảm giác thấy đời xuân vẫn còn phơi phới.  Phức tạp qua!  Có chuyện soi gương mà cũng lắt léo làm sao!

Soi gương một đời mà chưa bao giờ trông thấy chính xác khuôn mặt thật của mình.  Có mỉa mai làm sao không chứ!  Rồi trách gương dối trá không phản ánh sự thật, dù sự thật đang sững sờ trong gương.  Trách gương dối trá lại tội nghiệp cho gương, có phải gương dối trá hay lòng người quanh co?  Biết đâu người sản xuất vì vô tình hay hữu ý đã tạo cho gương méo mó trong phản ánh.  Vì pha chất không chính xác hay bất cẩn trong cân đo để tạo nên mặt thủy tinh lừa gạt?  Đâu là nguyên do của méo mó, hay chấp nhận méo mó như một thực tại tương đối của cuộc sống?  Thật khó mà đánh giá.

Chỉ là chuyện tí tẹo giữa khuôn mặt với gương soi.  Chỉ là chuyện bên ngoài, thật ngoài của một con người mà lắm khi cảm thấy quanh co méo mó.  Mà cuộc sống đâu chỉ là chuyện đầu tóc dáng vóc, đâu chỉ là chuyện mặt tròn mặt méo, mũi cao mũi tẹt, hay cặp mắt với hàng mi.  Ẩn sâu trong ánh mắt nụ cười ấy còn cả một cuộc sống muôn màu của một con người mà ta thường gọi là nhân cách nữa chứ.

            Muốn biết nhân cách của mình ra sao tôi cũng phải nhờ đến gương soi. Không phải dùng tấm thủy tinh tráng sơn một mặt, rồi trông vào đó nổi lên nhân cách của mình.  Mà tôi phải dùng đến một loại gương phức tạp hơn, tinh tế hơn.  Gương cuộc đời.

            Môi trường của tôi đang sống, hoàn cảnh tôi đang chung đụng, bạn bè tôi đang giao du hay vợ chồng con cái tôi đang gắn bó.  Tất cả là tấm gương diệu kỳ phản ánh toàn bộ con người của tôi.  Nó cho biết nhân cách của tôi ra sao, lối cư xử của tôi thế nào.  Tôi là người dễ thương hay đáng ghét, là người rộng mở hay khép kín, chân thành hay gian dối?  Tôi phải soi vào tấm gương diệu kỳ ấy để thấy rõ chính mình.  Khi được nhiều người thương yêu, bạn bè quý mến, xóm giềng viếng thăm, tôi biết mình đang an vui trong vòng tay rộng mở của cuộc đời và niềm vui được gia tăng trong từng quan hệ.

Khi mọi người “phớt tỉnh ăng lê”, xóm giềng qua lại thưa dần, người thân thì ngại đến, vậy là tôi cũng linh cảm phần nào về nhân cách của mình rồi đó.  Chắc có gì không ổn đây!  Tín hiệu cho biết có những vết nhăn nheo đang làm cho khuôn mặt tâm hồn của tôi mất duyên.  Có lẽ tôi phải rà lại đâu là nguyên nhân đã làm cho sợi dây quan hệ rỉ sét.  Lắm khi tôi muốn người khác quan tâm, nhưng tôi lại chẳng bao giờ muốn cầm “phone” để gọi.  Muốn nhận được nhiều cánh thư nhưng chẳng bao giờ muốn viết đôi dòng gửi đi.  Muốn có ai đó chân thành, nhưng lòng thì vẫn luôn khép kín.  Muốn có thật nhiều bạn tốt, nhưng lòng tôi thì cứ mãi lắt léo quanh co.

Gương cuộc đời cho tôi cái nhìn thật rộng trong từng quan hệ, nhưng cũng cho tôi cái nhìn thật sâu trong nhân cách của mình.  Dù vẫn lắm lúc bất toàn trong phản chiếu, vẫn méo mó khi rọi soi, nhưng dù sao nơi đó tôi cũng đọc được đời tôi trong từng tương quan với cuộc sống.  Cũng như khuôn mặt phải soi gương mỗi sớm, phải ngắm nghía mỗi chiều thì nhân cách của tôi cũng phải được rọi soi mỗi ngày để cái nhìn thêm sáng, để cư xử thêm tươi.

Gương thủy tinh phản ánh trọn vẹn bên ngoài của một khuôn mặt.  Gương cuộc đời chiếu lên toàn bộ của một nhân cách.  Vậy gương gì phản chiếu cái thâm sâu của một tâm hồn?  Cái độc đáo và giá trị của một con người không chỉ dừng lại nơi mái tóc hàm răng, hay ánh mắt bờ mi.  Nó cũng không dừng lại nơi cái thế giới đa dạng của nhân cách, cho dù nó phong phú đến đâu đi chăng nữa. Nhưng còn có cái gì đó sâu thẳm hơn, giá trị hơn, và trường cửu hơn.

Ẩn sâu dưới khuôn mặt và đôi mắt, khuất lấp sau bề dày của nhân cách, có một thế giới huyền nhiệm, đó chính là tâm hồn. Vì tâm hồn quá sâu, quá huyền bí nên tôi không thể lấy gương thủy tinh để rọi, cũng chẳng có thể lấy gương cuộc đời để soi.  Tôi phải nhờ đến chính Chúa là tấm gương nhiệm mầu có thể soi rọi mọi ngỏ ngách thầm kín sâu xa của hồn mình.

Để muốn biết rõ tâm hồn tôi ra sao, đời sống đạo tôi thế nào? Để có thể thấy được niềm tin của tôi còn đủ thắp sáng cho cuộc lữ hành trần thế hay không?  Tôi phải soi gương.  Gương Giêsu.

Tôi không thể chạy đến cha xứ hỏi, “Cha ơi, cha thấy tâm hồn con dạo này ra sao?” Tôi cũng chẳng thể chạy đến ông trùm rồi nói, “Ông thấy đời sống đạo của tôi dạo này thế nào?”  Mà tôi phải chạy đến chính Chúa, để chính Ngài soi cho tôi biết tình trạng tâm hồn của mình.  Có thể lâu nay tâm hồn tôi bất an, khuôn mặt tôi u buồn, tôi tìm đủ mọi loại gương để ngắm nghía, tôi tìm đủ mọi loại người để hỏi han, nhưng có khi tôi lại quên tìm đến gương Giêsu để khám phá ra mọi nguyên nhân xáo trộn.  Có khi hồn tôi đang vương vấn, tim tôi đang đi hoang, óc tôi đang xao xuyến trăm bề, thì dù tôi có soi gương trăm lần mỗi ngày, có bỏ công trang điểm “full-time”, thì nụ cười tôi vẫn gượng gạo, ánh mắt tôi vẫn u uẩn nét buồn.

Khi soi gương Giêsu mỗi ngày, tâm hồn tôi có sự bình an, tôi tìm được niềm vui và niềm tin giữa muôn xáo trộn của cuộc sống.  Và thế là hiện lên ánh mắt rạng rỡ và nụ cười hân hoan.  Không điểm trang nhiều mà đôi mắt vẫn đẹp, không ngắm nghía nhiều mà nụ cười vẫn tươi.  Phải chăng đó là điều kỳ diệu của cuộc sống con người khi liên kết đời sống thể lý với cuộc sống tâm linh?  Khi dìm mình trong gương soi Giêsu, không những tôi tìm cho mình được câu trả lời về vấn nạn của cuộc sống, mà còn đem lại cho tôi một sức biến đổi diệu kỳ.  Rồi sự biến đổi ấy toát ra nơi ánh mắt nụ cười đưa tôi đến gần với con người, đến gần với cuộc sống như dòng suối mát chan tưới cả đồng xanh.

Trong thinh lặng chiều nay, tôi tự hỏi: bấy lâu tôi soi gương thật nhiều, tôi điểm trang thật công phu, có bao giờ tôi nghĩ đến gương Giêsu nhiệm mầu đang đóng vai trò quyết định cho vẻ đẹp thanh thoát của tôi.  Tôi tự nhủ với lòng mình, có lẽ phải bắt đầu từ hôm nay, mỗi tinh sương trong nắng ấm hay cô quạnh khi đêm về, tôi phải dìm sâu trong gương soi Giêsu, để đời mình thêm đẹp và hồn mình thêm vui.  Rồi trong đêm vắng, tôi thổn thức thì thầm như lời kinh sám hối.

            Chúa ơi, lâu nay con vẫn một đời mê mãi điểm trang cho khuôn mặt để tìm cái đẹp trong ánh mắt của người khác, nhưng con lại quên tìm vẻ đẹp trong ánh mắt Chúa.  Con có ngờ đâu, khi con tìm được vẻ đẹp hồn con trong cái nhìn của Chúa, thì con cũng có được vẻ đẹp thanh thoát dịu dàng trong cái nhìn của những người xung quanh.  Khi con trở về với Chúa, con nếm cảm được sự bình an để rồi con có niềm vui chan chứa khi đến với con  người.  Ước gì mỗi lần soi gương để điểm tô khuôn mặt, con cũng biết thì thầm: “Chúa ơi, xin thánh hoá hồn con!”

Nguyễn Thảo Nam
SNHN

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment