- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Đường Lối Thực Hành

          Con người từ trong thâm tâm, ai cũng  muốn  có  cho mình  cuộc sống an lành hạnh phúc. Thế nhưng  thực tế cho thấy một điều khác hẳn. Càng lăn xả đi kiếm thì càng mất tăm mất tích. Điều này giống như người rượt đuổi theo cái bóng của chính mình mà không bao giờ  gặp.

          Câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao  con người  muốn hạnh phúc  an vui lại chỉ gặp toàn những khổ đau tranh chấp ? Câu trả lời một là tại người ta ước muốn hạnh phúc nhưng  thực  sự chẳng biết nó là gì. Hai là có khi  được  dạy bảo cho biết nó là gì, ở đâu nhưng lại không có đủ năng lực thực hành. “  Biết bao nhiêu thì giờ và nghị lực  để có được sự bình an và phục vụ Cha. Đây quả là một bí quyết giải đáp cho mọi tình huống. Tại sao con không tự chứng minh điều đó bằng cách đem ra thực hành xem sao ? Bao lâu con chưa làm gì để thử nghiệm điều đó, nó vẫn chỉ là lý thuyết. Cuộc sống này là một cuộc sống rất thật, rất thực tế, một cuộc sống thực hành. Nó không có gì là lý thuyết nhưng nó tùy thuộc vào con để đem ra thi hành một điều gì đó có đúng không. Ánh sáng ban ngày vẫn còn đó, nhưng bao lâu con chưa vén màn lên, con vẫn ở trong tối tăm. Nước vẫn ở trong ống dẫn nhưng bao lâu con chưa mở vòi nước ra thì nước không chảy. Thức ăn có thể đang ở trên đĩa nhưng nếu con không đưa nó lên miệng mà ăn thì nó chẳng đem đến gì cho con cả. Vậy con hãy bắt đầu hành động đi và làm việc đó ngay bây giờ” ( Aileen  Caddy  Sđd  ngày 4 tháng 3 ).

          Phải thực hành, không thực hành thì không thể đạt được bất cứ  thứ gì. Tuy nhiên đâu có phải  cứ lăn xả vào làm mà được đâu ? Minh triết Đông Phương đưa ra lời cảnh báo “ Đi trong đường lớn, nếu có một chút tri thức, cái đáng sợ nhất duy chỉ là muốn thi thiết thực hành” ( Sử ngã giới nhiên, hữu tri hành ư đại đạo, duy thi thị úy ).

          Tại sao Đạo lớn phải hết sức cẩn thận trong việc thực hành như thế ?  Bởi vì Đạo lớn rất khó để “ Vào”. Muốn “ Vào”  thì phải đi bằng lối….cửa hẹp “ Hãy gắng sức mà vào cửa hẹp. Vì Ta nói cùng các ngươi nhiều người sẽ tìm vào mà không thể được” ( Lc 13, 24 ). Đạo lớn ở đây chính là một thứ  cứu cánh có thể làm cho con người có được an vui hạnh phúc thật sự, vĩnh viễn và đó cũng là Sự Sống Đời Đời là Đấng Cha Hằng Hữu.

          Muốn đi cho đúng đường  thì trước hết phải xác định được mục đích của nó là để tìm kiếm  Sự Sống Đời Đời, hạnh phúc vĩnh cửu.  Nếu không xác định  đúng được mục tiêu thế nào cũng lạc. Cửa vào càng hẹp bao nhiêu thì  nguy cơ trệch mục tiêu càng lớn bấy nhiêu, chỉ sai một ly thì…đi một dặm “ Con đừng mất thì giờ, cũng đừng mất sức lực vùng vẫy như con cá ở ngoài nước, cho rằng những điều kiện sống những hoàn cảnh con đang có là do kẻ khác. Con hãy chỉ cần biết mọi sự đều  ở trong tay Cha. Bởi thế con có thể tự điều chỉnh mọi sự mà không cần đến ai khác khi con biết dành thì giờ tìm sự bình an và sự tĩnh lặng trong tâm hồn và phụng sự Cha. Không một cái gì  sẽ bị che giấu nếu con tìm kiếm nó và nếu con đặt mọi sự trước mặt Cha và chỉ muốn làm theo Ý Cha, chỉ Ý Cha thôi. Con chỉ có thể hiểu được thế nào là Ý Cha khi con tập để trong lòng lắng đọng lại thanh thản và bình lặng” ( Aileen  Caddy  Sđd ngày 10 tháng 12 ).

          Như vậy là đã rõ, con  người muốn có được hạnh phúc thực sự thì phải quay về với cõi lòng mình. Việc quay về này gọi là “ Vào” là hết lòng tìm kiếm Thánh Ý Thiên Chúa là thực hành Đạo lớn. Công việc ấy cần phải được thực hiện trong thinh lặng hoàn toàn “  Con hãy học cách tìm ra những câu trả lời trong con. Hãy dành thời giờ ngồi yên  tĩnh và tìm ra câu trả lời trong thinh lặng. Đừng bao giờ thất vọng nếu câu trả lời chưa đến ngay tức khắc. Con chỉ việc chờ đợi Cha và hãy biết rằng Cha hoạt động đúng lúc và rất ư  nhịp nhàng với toàn thể tạo vật. Khi cuộc sống không mấy tốt đẹp thì thật dễ dàng mà giơ tay lên cầu trời. Đó là tâm trạng thất vọng và để cố gắng lẩn tránh mọi sự  thay vì trực diện với những trách nhiệm của mình và dựa vào sự bình thản và tin tưởng. Hãy tìm Ý của Cha trước mọi chuyện khác. Khi con yêu mến Cha thật tình, con sẽ muốn làm theo Ý Cha bởi  Tình Yêu luôn có lòng ao ước mãnh liệt làm tất cả vì người mình yêu. Vì thế khi con nghe Tiếng Thầm Lặng và êm nhẹ của Cha tận đáy lòng thì hãy làm đến cùng tất cả những gì Cha xin con, chỉ vì Tình Yêu Mến Cha” ( Aileen  Caddy  Sđ ngày 10 tháng giêng ).

          “ Hãy tìm kiếm Ý của Cha trước mọi chuyện khác”. Mệnh lệnh này cũng là một trong hai điều răn quan trọng nhất của Đạo Chúa “ Hãy hết lòng hết ý mà thương yêu Chúa là Thiên Chúa ngươi” ( Mt 22, 37 ).  Chúng ta chỉ có thể hiểu  và thi hành được mệnh lệnh này khi Thiên Chúa là Đấng nội tại trong ta. Bởi lẽ làm sao có thể biết được Thánh Ý cũng như yêu mến Ngài khi Thiên Chúa lại…ở bên ngoài hoàn toàn tách biệt khỏi ta ?

           Về  Đấng Thiên Chúa…nội tại, đây là vấn đề  hết sức lớn lao  đặt ra cho thần học  nhưng  trong tính chất Duy Lý, nó không bao giờ có thể  giải quyết.  Tại sao ? Bởi  Duy Lý chẳng qua chỉ là Ý Thức phân biệt mà  bản chất của Ý Thức  là hướng tâm vọng ngoại. Đang khi đó  mạc khải của Đức Ki Tô  cho thấy  việc cầu nguyện chân thật là phải  xoay cái Tâm vào bên trong mà cầu “ Còn ngươi khi cầu nguyện, hãy vào phòng kín đóng cửa lại rồi cầu nguyện Cha ngươi là Đấng ở trong nơi ẩn mật và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho ngươi” ( Mt 6, 6 ).

          Thiên Chúa ở nơi ẩn mật tức là ở sâu kín trong cõi lòng, còn vào phòng kín đóng cửa lại tức là phải thu thúc lục căn ( Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và Ý ) đừng để cho nó dong duổi ra bên ngoài nơi ngoại vật. Tâm ý  là cái Tâm phan duyên vọng động  được ví như  loài khỉ vượn ngựa hoang ( Tâm viên ý mã )  nó cứ chuyền níu  không ngớt chỗ này sang chỗ khác khiến cho  Chân Tâm  Bản Tính bị che lấp không thể  được nhận ra.

          Chân Tâm tức cái Tâm chân thật không bao giờ thay đổi, vĩnh viễn trường tồn  không sinh không diệt. Con người khi chưa ngộ được Chân Tâm  thì tất cả đều sống  trong vọng động mê lầm mà đã sống trong mê thì không thể không bị nghiệp  dĩ lôi cuốn để rồi lăn lóc trong bể khổ trầm luân không có ngày ra.

          Chính  bởi  lẽ đó mà mười phương chư Phật mới ra đời mục  đích  để khai thị ( mạc khải ) cho  chúng sinh con đường trở về   sống với Bản Tính chân thật của mình hầu  thoát khỏi mọi nỗi  khổ ách.

          Đường về thì rất nhiều, nhà Phật nói có tám vạn  bốn ngàn pháp môn để đối trị  tám vạn bốn ngàn phiền não. Còn Đức Ki Tô ở đây nói mỗi người cần tìm ra phương cách Tu cho mình “  Tại sao con không trực tiếp đón nhận ngay từ những cảm hứng và cách ứng xử cho cuộc sống tâm linh mà phải hỏi han ai khác ? Con không  thấy rằng con đang có trong con mọi khôn ngoan, mọi hiểu biết, mọi sáng ý ? Con đâu phải tìm kiếm những thứ đó ở bên ngoài, nghĩa là con phải dành thời giờ để ở yên tĩnh và để đi sâu vào đáy lòng mình mà tìm ra chúng. Không có gì tuyệt vời hơn hay bõ công hơn để tiếp xúc trực tiếp với Cha là nguồn mọi sáng tạo. Điều đó có nghĩa là con phải dành thời gian và nếu cần, phải sáng chế ra cách nào đó để tiếp xúc với Cha. Con phải đạt tới mức độ con mong ước là đem Cha đi vào thấu suốt cuộc đời con và song hành với Cha. Cả những thành công cũng như thất bại, khi nào tình yêu lai láng và con là một với Cha con sẽ thật sự muốn chia xẻ hết với Cha hơn bao giờ hết.” ( Aileen  Caddy  Sđd  ngày 19 tháng 8 ).

          “ Tiếp xúc với Cha” có nghĩa là nhận ra sự hiện hữu của Giác Tánh nơi mình. Sự nhận biết này thỉnh thoảng chỉ lóe lên rồi tắt nhưng nếu cứ tiếp tục cố gắng thực hành thì Giác Tánh sẽ  thể hiện thường trực hơn đến độ có thể nói là mình  sống đồng hành cùng với nó trong cuộc sống. Mặc dầu vậy công việc thực hành để có được sự tiếp xúc ấy đòi hỏi rất nhiều công phu. Vọng tưởng như những đám mây đen dày đặc cứ hết lớp này lại đến lớp khác che mờ khiến cho ánh sáng mặt trời Chân Tâm khó  bề ló dạng.

          Tu Thiền chẳng qua cũng chỉ là cái việc quét hết lớp mây vọng tưởng ấy thế thôi. Công phu này đòi hỏi cần  hết sức kiên trì bền bỉ coi một năm như một ngày, một ngày như một phút.  Tuy nhiên để có thể  theo đuổi  công phu ấy  thì  cần thiết lập một  thời khóa rõ ràng  để rồi cứ thế áp dụng không  bao giờ  biếng trễ  mà nếu có lần  …thối chí muốn bỏ cuộc  thì  phải  trỗi dậy ngay “ Nếu một em bé đang tập đi mà té ngã, nó không thất vọng nhưng lại lồm cồm bò dậy và cố gắng rồi cố gắng nữa cho tới khi nó làm chủ được bước đi. Sự sống tâm linh cũng vậy đó, con chớ bao giờ để cho những thất bại bên ngoài khiến con nản lòng không còn muốn bước tới trên con đường trọn lành. Nếu có té ngã, con hãy bò dậy một cách bình thản  để lại tiếp tục đi. Con đừng ngồi ỳ ra đó mà than thân trách phận nói rằng mình không thể tiếp tục vì cuộc sống khó khăn quá. Thái độ của con luôn phải dựa trên niềm thâm tín tuyệt đối trong con rằng con sẽ đạt tới đích, bất kể những cản trở con sẽ gặp. Con sẽ thấy  là thời gian con ngồi thinh lặng một mình sẽ tích lũy cho con về mặt thiêng liêng và giúp con đương đầu với tất cả  và những gì có thể xảy đến mà không do dự cũng không nao núng. Vì thế, thời gian ngồi một mình với Cha mỗi buổi sáng sẽ giúp cho con có sức mạnh để đối phó với tất cả những gì mà ngày sống  có thể đem lại” ( Aileen  Caddy  Sđd  ngày 12 tháng giêng ).

          Ngồi một mình với Cha” đó chính là Tọa Thiền là tìm cách tiếp xúc với Giác Tánh ( Tánh Biết ) ở nơi mình.  Tại sao phải ngồi ? Bởi vì trong bốn oai nghi: Đi, Đứng, Nằm, Ngồi  thì ngồi thế hoa sen kiết già là một tư thế vững chắc  lại vừa  giúp cho tinh thần được tỉnh táo nhất. Thế nhưng Thiền không cứ chỉ là…ngồi. Tổ Huệ Năng đã nặng lời phê phán những kẻ chỉ biết chấp vào việc…ngồi thế này: “ Khi sống ngồi không nằm, chết rồi nằm chẳng ngồi. Gốc thiệt đầu xương thối, làm sao lập công tội ? ( Kinh Pháp Bảo Đàn ).

          Vấn đề quan trọng của Thiền không phải là tư thế mà ở nơi sự tỉnh thức của hành giả và sự tỉnh thức  ấy kho6ngm phải chỉ đòi hỏi ở chỗ thời công phu mà  là trong tất cả mọi thời với bất cứ tư thế nào. Đức Ki Tô đã nhiều lần nói đến sự tỉnh thức ( Mt 25. Mt 26, 41 v.v…)Thế n hưng trước đây chúng ta vẫn hay hiểu đó chỉ là để ….khuyến cáo trong lúc lâm chung hoặc….ngày tận thế mà quên đi rằng sự tỉnh thức ấy phải được thực hiện ở  hết mọi nơi mọi thời.

          Lúc bình thời không tỉnh thì làm sao lúc lâm chung hấp hối có thể…tỉnh. Đợi cho đến lúc khát mới lo đào giếng thì sao mà kịp ? Trong Tin Mừng Mới này Đức Ki Tô đặc biệt đề cao sự Tỉnh Thức, coi đó là một lẽ sống cần phải đạt “  Bằng cách sống tràn đầy và nồng cháy trong cái hiện tại vĩnh viễn, con luôn tươi trẻ như cái hiện tại. Con liên tục tái sinh trong Thánh Thần và Chân Lý. Con không thể ở mãi trong dạng tĩnh của cuộc đời tâm linh vì luôn luôn sẽ có cái gì mới và rất lôi cuốn để con học tập và làm sự tỉnh thức luôn giữ con trong tình trạng tinh tường lanh lợi và trẻ trung. Khi mà tinh thần trở nên già nua và chán ngán thì lúc đó cuộc đời mất cả tia sáng của nó và cái vô giá của nó nữa. Nếu con không thể hiểu được một chân lý mới với lý trí thì con hãy bình tĩnh và nâng tâm hồn lên. Hãy hòa nhập với trí tuệ phổ quát và hãy là một với nó.  Với Cha, rồi con sẽ hiểu được mọi sự. Hãy giữ cho tinh thần con được lanh lẹ và như vậy con sẽ không bao giờ già đi. Tâm hồn con là mạch nước tươi mát trẻ trung, niềm vui sống là một thứ rượu bổ của cuộc đời” ( Aileen  Caddy  Sđd  ngày 31 tháng giêng ).

          Sống trong hiện tại tức là tỉnh thức mà tỉnh thức tức là sống trong hiện tại. Chân lý huyền vi nằm ngay ở nơi từng giây phút hiện tại đó chứ chẳng ở đâu khác. Tuy n hiên để có thể sống từng giây phút thực tại đó là điều vô cùng khó. Chính bởi vậy Đức Ki Tô đã đề ra một phương cách để ta có thể thực hiện bằng cách hãy bắt đầu sống tỉnh thức một ngày mới trong tinh thần hiệp nhất với Đấng Cha nội tại.

 Sự hiệp nhất ấy  thoạt đầu còn là một  cố gắng hết sức khó khăn  trong  cách Tọa Thiền và trong  mọi  giao tiếp  với tha nhân. Nhưng lâu dần thì nếp sống hoàn thiện bản thân đã đi vào nề nếp thì đây quả là một cuộc sống đầy tính chất lạc quan hăng nồng “  Con hãy bắt đầu một ngày cho thật tốt  trong sự hiệp nhất với Cha. Như vậy không gì có thể làm con mất quân bình trong suốt ngày đó. Lúc ban đầu khi con bắt đầu cuộc sống tâm linh này con phải cố gắng để tự hài hòa với mọi sự rồi trong quá trình con sống như thế mỗi ngày mỗi sâu đậm hơn và cuộc sống đó trở nên thành phần cuộc đời con, nó không đòi hỏi phải cố gắng nữa và con sống với nó với một tư cách như thể nó chính là bản thân con. Con sẽ tìm được một sự vui mừng lớn lao và một sự tự do thênh thang. Con không phải dành một nửa thời gian của mình để cầu nguyện xin tha thứ, để lo sợ làm điều không nên hay lo lắng đang đi lạc đường hoặc chạy ngược chiều. Khi con phạm sai lầm, lập tức con hãy lãnh nhận ơn tha thứ và cương quyết không lập lại sai lầm đó nữa. Con cứ thế mà tiến, đến nỗi sống như thể đối với con không còn là một cố gắng nhưng trở thành một niềm vui thật sự và như vậy con biết thế nào là Nên Một Với Cha và hoàn toàn trong sự bình an” ( Aileen  Caddy  Sđd ngày 8 tháng giêng ).

Ở đây con đường tâm linh khi được  trình bày bằng phương thức Thiền Đạo, ta thấy tín ngưỡng dường như không giữ một vai trò nào: Chẳng có cầu nguyện xin tha thứ. Chẳng có Bí Tích Hòa Giải v.v.. Tuy nhiên bởi vì Đức Ki Tô trước sau vẫn y nguyên là một  và Ngài chẳng có rao giảng một Tin Mừng  nào khác…thế nên dù là với hình thức của Đạo Cứu Rỗi bởi đức tin hay giải thoát bằng Thiền Đạo thì vẫn cần có đầy đủ ba nhân đức  đối thần: Tin, Cậy, Mến. Duy có điều khác biệt mang tính chất nền tảng thế này. Trước đây với Đạo Cứu Rỗi  mà nếu chỉ biết dựa vào tha lực ( Thiên Chúa, Nước Trời ngoại tại ) hoàn toàn không có một chút tự lực nào thì nay  trong Tin Mừng mới  lại không như thế. Giờ đây  tuy vẫn có đầy đủ ba nhân đức đối thần nhưng “ Thần” ở đây chính  là Thần Khí nội tại  “ Hãy nhớ, luôn luôn đặt niềm tin và lòng cậy trông vào Cha, Chúa của Thiên Chúa con, Thần Tính ở trong con” ( Aileen  Caddy  Sđd ngày 5 tháng 3 ).

Thiên Chúa là Thần Tính” ở trong con” nhưng đó mới là chân lý mạc khải phải tin thế nên đường lối thực hành tâm linh là phải làm cách sao để có thể đi đến sự hiệp nhất, có thể Thấy ( Kiến Tánh ) được Đấng là Thần Tính đó ở nơi mình. Tất cả đường lối  thực hành tôn giáo đều phải nhắm đến mục đích  là sự hiệp nhất ấy nếu không đều chỉ là những hoạt động lăng xăng vô bổ và rồi sẽ bị trách cứ “ Dân này chỉ kính thờ Ta ngoài môi miệng còn lòng trí chúng thì xa Ta lắm” ( Mt 15, 8 -9).

Việc cầu nguyện phụng thờ  đẹp lòng Thiên Chúa nhất chinh là phụng thờ và sống với Giác Tánh trong chính mình và có thể nói cũng chỉ trong ý hướng đó mà sự cầu nguyện mới mang tính chất tỉnh thức của Thiền Đạo như lời Đức Ki Tô “ Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn” ( Mt 26,4 ) và nay trong Tiếng Thì Thầm, Ngài nhắc lại “ Cuộc sống không có cầu nguyện thì trống rỗng và vô nghĩa, bởi cầu nguyện là hiệp thông với cái phần cao đẹp nhất trong con. Từ đó con khám phá ra sự viên mãn của cuộc đời tươi sáng này vốn thật là gia tài của con. Chớ gì những lời cầu nguyện của con thật tích cực và xây dựng. Con hãy cám ơn cho những gì con sắp sửa nhận được ngay cả trước khi con cầu xin. Khi con cầu nguyện con hãy cảm nhận ra sự hiệp nhất của trọn cuộc đời mà không gì phân chia được bởi tất cả là một. Lời cầu nguyện làm cho mọi sự nên một. Lời cầu nguyện tập trung tất cả và tạo nên sự hiệp nhất toàn vẹn. Hãy nói với Cha và hãy nghe Cha nói. Đừng mất thì giờ mà kêu xin Cha điều này điều kia và mọi thứ bởi đó không phải là cầu nguyện thực sự. Kêu nài thì sinh ra chia rẽ và Cha muốn rằng trong mọi lúc con phải xây dựng sự hiệp nhất. Chúng ta chỉ là một thôi, Cha ở trong con, con  chẳng phải  tìm Cha ở bên ngoài. Cha luôn ở đó đang chờ con nhận ra  Cha. Con hãy nhận ra sự hiệp nhất bây giờ: Cha trong con và con trong Cha” ( Aileen  Caddy  Sđd ngày 17 tháng giêng ).

Cầu nguyện là để xây dựng sự hiệp nhất giữa Cha và con chứ không phải để kêu xin điều này điều kia. Quan điểm này  thật  mới, hết sức mới và cái mới ở đây sở dĩ như thế là ở nơi mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Trước đây mối tương quan ấy không thể thiết lập bởi lẽ người con trong mối quan hệ ấy chưa bao giờ được hiểu đó là con người mà chỉ có thể là Chúa Giê Su Ki Tô, duy chỉ có Ngài mới nói được “ Ta với Cha là một” ( Ga 10, 30 ). Còn con người thì hoàn toàn không. Bước vào Thời Mới này chân lý về sự hiệp nhất lại được xiển dương và Đức Ki Tô lần này trong vai trò của một vị Thầy ( Đấng Tôn Sư ) Ngài sẽ hướng dẫn để chúng ta thực hiện mối tương quan Thần Thánh  ấy./.

 

Phùng  Văn  Hóa

(  Kỳ sau: Đức Ki Tô, vị  Thầy của Thời Đại Mới )

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]