- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Được dẫn vào sa mạc

Đối với tôi, nhiều lúc, cô quạnh có nghĩa là sống chơ vơ một mình.

Nhưng, nhiều khi, cô quạnh lại được cảm nghiệm như một tình trạng ngao ngán, giữa những sự đời ồn ào giả dối.

Cũng không thiếu trường hợp, cô quạnh còn được thành hình trong tâm hồn như một sự ngán ngẩm, ngay trong những lễ hội linh đình, tiệc tùng sang trọng, chúc tụng tưng bừng.

Trong những lúc như vậy, tôi muốn tìm cho mình một cảnh sống thích hợp. Vừa xa vắng, vừa hiện diện. Xa vắng những gì là phù du. Hiện diện những gì là chân thật.

Chính tâm trạng đó làm tôi nhớ lại lời Chúa phán qua tiên tri Hôsê: “Bởi thế, Ta sẽ quyến rũ nó. Ta sẽ đưa nó vào sa mạc, để nói vào trái tim nó” (Hs 2,16).

Vào sa mạc.

Tôi xin Chúa áp dụng lời đó vào trường hợp kẻ đang lo âu giữa thế giới quay cuồng này.

Chúa thương nhậm lời. Người dẫn tôi vào sa mạc. Sa mạc này mang chiều kích nội tâm. Cụ thể là trái tim Mẹ Maria. Tôi coi đây là một sa mạc tình yêu. Tình yêu mênh mông. Tình yêu bao la. Tình yêu cao vời. Đâu đâu cũng là tình yêu.

Tình yêu như khí thở. Tình yêu như hương thơm. Tình yêu như dòng suối. Tình yêu như sức sống êm đềm.

Tình yêu của Mẹ toát ra một sự khiêm tốn khác thường. Lời Mẹ nói xưa: “Này con là tôi tớ Chúa” (Lc 1,38) trở nên như tia sáng lung linh chiếu dọi vào trí khôn người lữ hành đang đi trong sa mạc tình yêu.

Được tia sáng khiêm nhường của Mẹ thanh luyện, kẻ lữ hành hiểu được dần dần: Muốn được nhận tình yêu Chúa, tâm hồn phải rất khiêm nhường.

Mẹ Maria có biết bao nhiêu chức cao sang, biết bao nhiêu tước tuyệt vời, biết bao nhiêu quyền lớn lao. Nhưng suốt đời, Mẹ vẫn sống ẩn dật, che giấu mọi đặc ơn Chúa ban cho mình trong cuộc đời “Người tôi tớ”.

Mẹ sống như vậy, với tinh thần vâng phục ý Chúa, cảm tạ ơn Chúa, trong sự bình an, phó thác tuyệt đối nơi Chúa giàu lòng thương xót.

Với đức khiêm nhường sâu xa và đầy khôn ngoan đó, Mẹ nên giống Chúa Giêsu, người con yêu của Mẹ và cũng là Đấng cứu độ nhân loại.

Chúa Giêsu đã cứu độ nhân loại và làm vinh quang Chúa Cha bằng sự từ bỏ mình, tự nguyện bước xuống: “Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thánh giá” (Pl 2,7-8). Cũng trong tinh thần vâng ý Chúa Cha và phó thác nơi Chúa Cha để cứu độ nhân loại.

Khi ánh sáng chân lý Phúc Âm chiếu vào trí khôn, tôi nhận được một sự hiểu biết sâu xa. Nhưng chỉ với sự hiểu biết đó, tôi vẫn thấy thiếu một cái gì quan trọng. Cho tới khi Chúa nói vào trái tim tôi, chứ không còn nói vào trí khôn tôi nữa.

Nói vào trái tim.

Chúa phán: “Trong sa mạc, Ta sẽ nói vào trái tim nó” (Hs 2,16). Nói vào trái tim là nói bằng lửa tình yêu.

Khi trái tim được lửa tình yêu đốt cháy, nó sẽ không còn dửng dưng, không còn lạnh lùng, không còn cứng cỏi. Nhưng nó sẽ cảm nghiệm được thế nào là yêu. Trong trường hợp lửa tình yêu đốt nó là lửa tình yêu bởi Chúa và của Chúa, nó sẽ có cảm xúc, cảm động, cảm thông phần nào như tình Chúa.

Lúc đó, ta sẽ hiểu tình Chúa là tình đi bước trước và rất đỗi xót thương, như thánh Gioan viết: “Tình yêu cốt ở điều này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa trước. Nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (Ga 4,10).

Và cũng lúc đó, ta cảm được ý nghĩa sâu sắc của lời thánh Gioan về sự yêu thương ta đối với nhau: “Phần chúng ta, chúng ta hãy yêu thương, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước. Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa, mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối. Vì ai không yêu thương người anh em, mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa, mà họ không trông thấy” (Ga 4,19-20).

Cũng lúc đó, trái tim cùng với lý trí sẽ biết phân định điều gì là hợp ý Chúa, điều gì chỉ là ý riêng ta.

Từ những sự kiện trên đây, tôi có ba tạm kết luận:

1/ Sa mạc tình yêu là trái tim Đức Mẹ Maria, nơi đợi chờ những tâm hồn tìm kiếm sự thực. Trái tim ấy luôn mở cửa đón nhận ta. Nếu ta bước vào với lòng khiêm nhường, khao khát chân lý và thinh lặng lắng nghe, Mẹ sẽ cho ta một sự tự do khác, một sự khôn ngoan khác, để ta biết sống làm vinh danh Chúa hơn và sinh ích lợi hơn cho các linh hồn.

2/ Sự hiểu biết bằng lý trí là một ơn Chúa ban. Nhưng sự hiểu biết ý Chúa, nhất là ý nghĩa đau khổ là rất cần cho sự khôn ngoan, mà Chúa Thánh Thần thường ban cho những người có phận sự dạy dỗ về đàng thiêng liêng, khi họ cầu xin.

3/ Cảm nghiệm thiêng liêng về Chúa là một yếu tố hết sức cần thiết cho việc truyền giáo, và tu đức. Thiếu nó, đạo đức và giáo lý sẽ chỉ còn là mớ lý thuyết suống.

Xưa, Chúa Giêsu đã nói với hai môn đệ của thánh Gioan Tiền Hô: “Hãy đến mà xem, và họ đã ở lại nơi Người ngày hôm ấy” (Ga 1,39).

Hai môn đệ nhờ đã đến, đã xem, đã ở lại, nên đã có những cảm nghiệm bản thân về Chúa. Những cảm nghiệm sống động đó đã thuyết phục các ngài hơn bất cứ bài giảng nào.

Hôm nay, Chúa cũng đang mời chúng ta: Hãy đến mà xem sa mạc tình yêu. Và hãy ở lại đó, không phải chỉ một ngày, nhưng nhiều ngày, và suốt cuộc đời.

Rồi ta sẽ thấy mình thay đổi. Nhiều người thuộc về ta cũng sẽ thay đổi. Nhất là chúng ta sẽ được bình an sống hợp thánh ý Chúa, trong tin yêu phó thác vào tình Chúa xót thương, dưới sự che chở của Mẹ nhân lành.

Đây cũng là một cách tốt chúng ta có thể dùng, để giúp nhiều người biết sống hy vọng và bình an trong tình Chúa và Mẹ. Các bệnh nhân, các người tội lỗi, các người nghèo, nhất là nghèo về nội tâm, đang rất cần được dẫn vào sa mạc tình yêu là trái tim Mẹ, để đón nhận được an ủi, niềm tin và hướng đi của cuộc sống mình.

Thiết tưởng đi vào sa mạc tình yêu là trái tim Mẹ khiêm nhường, xót thương, dịu dàng chính là dấu chỉ cứu rỗi của thời điểm lịch sử nhân loại hôm nay.

GM Bùi Tuần

VietCatholic News

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]