ĐỨC KI TÔ VỊ THẦY CỦA THỜI ĐẠI MỚI

        Giáo hội hiện trong cơn khủng hoảng và có thể nói nguyên nhân sâu xa của nó là do việc cầu nguyện đã không được thực hiện trong tinh thần tìm kiếm. Đức cố hồng y F.X Nguyễn Văn Thuận có lần đã đặt câu hỏi và tự trả lời thế này: Tại sao Hội Thánh khủng hoảng ? Vì đã hạ giá việc cầu nguyện” ( ĐHV 134 ). Nhận định này rất xác đáng. Tuy nhiên nên hiểu thế nào là hạ giá cầu nguyện ? Đó là đã không coi sự cầu nguyện như là  một  nhu cầu  cầu   thiết yếu và sở dĩ  như thế là vì con người ngày nay không  còn  tìm kiếm Thiên Chúa  như là  cứu cánh  đời sống  mình.

        Thay vì phải hết lòng tìm kiếm theo  mệnh lệnh của Đức Ki Tô “ Trước hết hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài” ( Mt   ) thì người ta lại quay ra  phân tích, suy luận về  Thiên Chúa như là đối tượng của tri thức. Không thể suy mà lại cứ…suy thì cái đạt được chỉ có thể là những ý niệm vế Thiên Chúa chứ không phải  Thiên Chúa của thực tại.

        Cứ nhất định suy tư về cái không thể suy tư  đó là  cái  tai họa cho việc nhận biết chân lý đúng như  Bồ Tát Mã Minh nói “ Phàm phu thời mạt pháp, căn cơ thấp kém, có cái nạn thiên chấp danh tướng một cách kiên cố. Muốn mổ xẻ luôn cả hư không để rồi thành ra cái lỗi chuốc lấy văn tự mà quên mất ý chỉ” ( Đại Thừa Khởi Tín Luận ).

        Ý chỉ ở đây là phải hết lòng tìm kiếm Thiên Chúa bằng cách quay trở về với Bản Tâm và bởi vì đường về này là đường tâm linh  là sự sống đời  đời thế nên đòi hỏi  cần  có Đức Ki Tô  Đấng là đường là sự thật mới có thể dẫn  đến với  Đấng Cha nội tại  trong ta được “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 -7 ).

        Nếu cơn khủng hoảng hiện nay là do đã hạ giá sự cầu nguyện thì ngay trong cầu nguyện mặc nhiên đã có khủng hoảng. Người ta chẳng còn biết cầu nguyện mục đích để làm gì ngoài ra chỉ để xin hết ơn này ơn kia  mà thường là những ơn nhỏ nhặt mang tính vị kỷ. Bởi không  còn tìm kiếm Thiên Chúa nữa thế nên khi cầu nguyện với Chúa Giê Su, người ta không coi Ngài như Đấng dẫn đường mà đơn thuần chỉ  là …vị thần ban ơn giáng phúc.

        Dì  Briege Mc Kenna OSC, một  nữ tu chuyên giảng tĩnh tâm cho các linh mục theo yêu cầu của Chúa Giê Su, hàng ngày phải có 03 giờ trước Thánh Thể đã nói về ý nghĩa việc cầu nguyện thế này: “ Tôi  phải luôn nhớ rằng tôi cần Chúa Giê Su hơn những vị cần đến tôi ( giảng tĩnh tâm ). Nếu tôi không cầu nguyện Chúa Giê Su tôi chẳng có gì tặng  cho họ. Không phải vì đã Thánh thiện mà tôi cầu nguyện nhưng tôi cầu nguyện vì tôi ao ước trở nên Thánh thiện  và tôi cần được Chúa Giê Su dạy bảo” ( Trích !Quyền năng của Chúa Giê Su Thánh Thể ).

        Cần được Chúa Giê Su dạy bảo đó là thực tế cuộc sống của bất kỳ một tín hữu nào dù là giáo sĩ hay giáo dân nếu kẻ đó muốn sống cuộc sống tâm linh thực sự. Toàn bộ sự dạy bảo này cũng không ngoài mục đích để cho ta tìm kiếm và gặp được Đấng Cha ở trong ta.

        Nếu nghĩ rằng Thiên Chúa là Đấng ở bên ngoài mình hoặc có thể dùng lý luận để suy tư thì với cả hai trường hợp này Đức Ki Tô sẽ không thể thể hiện được chức  năng vị Thầy dẫn đạo của mình. Ngược lại nếu hiểu tìm kiếm là tìm Thánh Ý Thiên Chúa mà Thánh Ý lại là lương tâm giác tánh mình thì vấn đề lại khác.

        Giác Tánh là cái vẫn luôn sẵn có đó nhưng  tự mình không thể nhận biết mà cần phải có Đức Ki Tô chỉ và dẫn đường cho mới biết và nhờ đó có đủ sức mạnh để đương đầu với ưu tư phiền não, cám dỗ nặng nề của ba thù thế gian ma quỷ xác thịt “ Những tâm hồn cư ngụ trong Cha, họ sống, rung động và lấy chất liệu ở trong Ánh Sáng và Tình Yêu của Cha thì họ được che chở hoàn toàn khỏi mọi thế lực thù đích. Vậy con đừng để mình bị đè bẹp bởi những ưu tư thế gian hay những điều kiện cuộc sống của  bạn bè trần thế. Nếu con bị dằn vặt, con sẽ không thể giúp đỡ được ai, bởi con cũng sa vào sự lộn xộn và cái lộn xộn trong thế gian này. Trong lúc bóng tối của trần gian đang gia tăng thì ánh sáng trong con phải tăng cường năng lực và sức mạnh để có thể vượt  thắng thế gian và biểu lộ sức sống và ánh sáng bất diệt. Đừng để cho điều gì tiêu cực trong con làm lu mờ ánh sáng cho dù bộ mặt thế gian này ra sao đi nữa. Bởi gương sống động của con, con có thể giúp vào việc biến đổi  bóng  tối thành ánh sáng. Con hãy liên lỷ tiếp xúc với Cha. Hãy để Cha soi sáng cho con trong mọi sự” ( Aileen  Caddy  Sđd ngày 9 tháng giêng ).

        Trong việc liên lỷ tiếp xúc với Cha, tức hết lòng tìm kiếm  thực thi Thánh Ý  Thiên Chúa  này, mục đích trước hết là để nhận biết đúng về Ngài. Thế nhưng sự nhận biết ấy hoàn toàn không giống như tri thức tức cái biết về sự vật nhưng biết ở đây là yêu mến là..sống. Đây chính là chỗ khác biệt sâu xa giữa triết học và tôn giáo. Một đàng cứu cánh ấy là tri thức. Một đàng  là sự sống và cũng do nơi khác biệt  này mà vai trò của người thầy cũng khác. Nếu vị thầy thế gian nhiệm vụ của họ là truyền đạt kiến thức thì vị thầy tâm linh lại là Sự sống Đời Đời.

        Với Đức Ki Tô việc truyền trao Sự sống này không phải đã được  thực hiện bằng cách trình bày hay diễn giảng  về sự sống  nhưng là trao ban Sự Sống  của chính mình. “ Điều răn của Ta đây này: Các ngươi hãy thương yêu nhau cũng như Ta đã thương yêu các ngươi. Chẳng ai có sự thương yêu lớn hơn là vì bạn hữu mà bỏ mạng sống mình” ( Ga 15, 12 -13).

        Vì đã hiến dâng Tình Yêu bằng chính mạng sống mình thế nên Đức Ki Tô có quyền đòi buộc những ai tin theo Ngài cũng cần thực hiện cùng một công việc hiến dâng  như vậy. Chính bởi  đó, Đạo Cứu Rỗi là đạo được làm nên bởi những chứng nhân chứ không phải của những người chuyên việc tuyên truyền.

         Để có thể xứng đáng với vai trò của những chứng nhân  thì cần phải được huấn luyện đào tạo. Khi còn tại thế Chúa Giê Su đã đào tạo  được những Tông Đồ cốt cán làm trụ cột cho Giáo Hội và giờ đây để dựng xây Thời Đại Mới Ngài cũng cần có những con người như vậy “ Khi trách nhiệm được giao cho con. Con hãy nhận lấy mà vác trên vai cho vui vẻ và đừng để nó đè bẹp. Con hãy thi hành nhiệm vụ của con, không bỏ sót trong lúc đó nó có thể là nặng nề lắm. Hãy luôn nhớ rằng Cha không bao giờ bắt con phải chịu đựng quá sức mình mà lại không giúp sức cho con. Khi con thi hành nhiệm vụ, con sẽ lớn lên về thể xác cũng như năng lực và được mọi người tin tưởng. Như vậy Cha có thể trao cho con những nhiệm vụ lớn hơn. Cha luôn luôn cần nhiều tâm hồn có thể tin tưởng để giao phó nhiệm vụ. Cha cần con phải sẵn sàng và đủ khả năng nhận lãnh trách nhiệm mà không lo sợ. Con đừng bao giờ, chớ khi nào trở thành một kẻ phá hoại. Con có thể làm được bất cứ điều gì, nếu con quả quyết là mình có khả năng và nhất định không chịu thua. Chỉ cần biết con sẽ thành công là con sẽ như vậy” ( Aileen  Caddy  Sđd ngày 5 tháng 2 ).

        Lòng tin là một yếu tố quyết định để đi đến thành công thế nhưng lòng tin ấy cần  được đặt trên hai  điều kiện. Một là khả năng. Hai là không được chùn bước. Khả năng ở đây dĩ nhiên không phải là những kiến thức phần đời nhưng  là Tuệ Giác do việc giác ngộ Bản Tâm mang lại. Cũng chính Tuệ Giác ấy sẽ giúp cho những chứng nhân tiến sâu vào cuộc hành trình tâm linh  hết sức mới mẻ, nó hoàn toàn khác với những giáo huấn chính tông mà mình đã tiếp nhận từ trước tới giờ và tính chất mới này có thể nói là cuộc phiêu lưu đầy cam go và thử thách. Như vậy, người môn  đệ Chúa cần  có  đầy đủ khả năng trí tuệ cùng với quyết tâm vững chí mới có thể tiến bước trên con đường tự giác, giác tha này “ Xe của con đang ngừng ở số không. Hãy chuyển nó qua một tốc độ đi và hãy làm một cái gì từ cuộc đời mình. Có nhiều đại lộ mà sao con không thám  hiểm nó ? Đừng bao giờ sợ bước vào vùng xa lạ trong cái mới. Con cứ tiến bước đi và luôn tin cậy vào cái tốt nhất. Cuộc đời thì rất hấp dẫn và rất lôi cuốn. Nhưng con phải ham muốn phiêu lưu trong cái mới với một đức tin và đức cậy tuyệt đối. Hãy để Cha làm hướng dẫn viên và làm bạn đường trung thành của con. Có rất nhiều cái đang chờ được tỏ lộ ra nếu con sẵn sàng. Con phải được trang bị đầy đủ cho cuộc phiêu lưu này. Con phải học những bài học nền tảng về đức vâng lời và về tính  kỷ luật. Vì thế con phải được thử thách và được thăm dò. Con đừng bực bội khi phải chịu thử thách và thăm dò nhưng hãy biết ơn vì đã được chọn để đi theo con đường linh thiêng này”( Aileen  Caddy Sđd ngày 22 tháng giêng ).

        Tôn giáo lại có thể là cuộc phiêu lưu mạo hiểm hay sao ? Nội cái việc nhen nhúm ý tưởng này thôi cũng đủ để phải e dè phân vân bởi lẽ nó trái ngược hẳn với truyền thống của một Giáo Hội  đã được khuôn đúc từ bao thế kỷ nay và luôn sẵn sàng can thiệp để bảo vệ  cái cơ chế vốn rất hoàn hảo của mình. Thế nhưng nếu cứ ở yên trong tình trạng như bấy lâu nay hoặc vẫn còn đắn đo với cái mới thì đây là trường hợp được ví như “ Cái xe đang ngừng ở số không” tức vẫn còn…ở lỳ trong cơn khủng hoảng không lối thoát.

        Mặc cho bao gian nan hiểm trở đang chờ,  người môn đệ vẫn cứ một lòng tiến bước bởi vững tin rằng  cuộc đi này đã có Đấng là đường là sự thật dẫn dắt “ Không ai đòi hỏi con phải đi vào vùng đất xa lạ mà không có người đưa đường dẫn lối. Cha là người dẫn đường cho và Cha sẽ không bao giờ để con vấp ngã đâu. Hãy hoàn toàn tin tưởng vào Cha, nếu đường có khó đi con đừng sợ. Dù có nguy hiểm con cũng đừng lo Cha sẽ dẫn con đi ngang qua tất cả. Nhưng con hãy nhớ rằng phải buông lỏng ra, cứ để Cha làm và đừng chống lại” ( Aileen  Caddy  Sđd ngày 29 tháng giêng ).

        “ Cứ để Cha làm và đừng chống lại”. có nghĩa cứ để cho Giác Tánh tự thể hiện. Giác Tánh như đã nói là kho tàng ẩn giáu sâu kín nơi tâm hồn mỗi người. Khai thác, làm cho Giác Tánh thể hiện bằng cách Tọa Thiền hoặc cầu nguyện trong tính chất  Tỉnh Thức. Cả hai cách thế này  đều lấy …lìa tướng dứt vọng hay “ buông lỏng” làm phương châm hành động. Với pháp môn Tọa Thiền không cần có công án ( kung an ) hay đề mục quán chiếu gì cả chỉ cần niệm khởi biết đó là vọng, không theo vọng liền dứt. Phương pháp này tuy hết sức đơn giản  nhưng lại khó cực kỳ, trong muôn một họa may có một người. Trái lại với phương pháp cầu nguyện trong tỉnh thức thì ai cũng có thể thực hành và một khi đã quyết chí theo đuổi  thì chắc chắn sẽ thành công kết quả,

        Tất cả các việc đọc kinh, lần chuỗi Mân Côi, ngắm Đàng Thánh Giá v.v..đều thực hành trong tỉnh thức, có nghĩa không c hia lòng chia  trí giữ cho  có sự nhất tâm là được. Phương pháp này rất  dễ chỉ cần bền bỉ trung thành lâu dần sẽ nảy sinh lòng yêu mến tin cậy Chúa Giê Su và lòng tin yêu ấy sẽ lớn dần tỷ lệ thuận với việc cầu nguyện.

        Giữa niềm tin yêu Chúa Giê Su Ki Tô và việc thực hành Đạo như vậy có quan hệ hai chiều và quan hệ này có được là do sự thúc đẩy của một động cơ khác đó là sự tìm kiếm Thánh Ý Chúa. Không có động cơ này thúc đẩy thì không thể nhận ra được Tin Mừng Nước Trời nội tại mà Đức Ki Tô rao giảng.

        Với động lực thúc đẩy là sự tìm kiếm Thánh Ý đồng thời được Đức Ki Tô Đấng Trung Gian duy nhất ( 1Tm 2, 5 ) dẫn đường thì con đường tâm linh ắt sẽ trở nên xuông xẻ. Mặc dù không thể tránh được những gian nan thử thách nhưng chắc chắn cuối cùng thì sự…nên một với Cha sẽ được thành  tựu. “ Không hề có thể có những giây phút chán nản nếu Cha chỉ đường và dẫn dắt con. Con hãy tìm Cha và sẽ thấy Cha  trong mọi lúc. Con không phải nhìn xa lắm đâu. Cha ở  chính trong tâm con nhưng con phải  nhận ra Cha một cách có ý thức. Nếu con sống và rạo rực sống và đặt nhựa sống của con ở trong Cha là con dđã tạo Trời Mới Đất Mới đó. Trong việc tác tạo này, không cần phải phải một cố gắng nào bởi Cha đã từng nói: Hãy có ánh sáng và ánh sáng liền có. Bây giờ thì Cha nói: Hãy nhìn ngắm Trời Mới Đất Mới của Ta. Vậy con hãy nhìn ngắm đi. Hãy muôn đời tạ ơn cho chúng và hãy ở lại trong Tình Yêu hoàn hảo, sự bình an và hài hòa trọn vẹn” ( Aileen  Caddy  Sđd ngày 15 tháng 7 ).

        Với Tin Mừng Mới, ta thấy  quan niệm về Tạo Hóa đã hoàn toàn thay đổi. Trước đây công cuộc tạo dựng ấy được hiểu là do Đấng thần linh tạo. Còn nay lại là do Tâm tạo. Tất cả đều do ở nơi Tâm ( Vạn pháp  duy Tâm tạo ). Tâm tạo địa ngục, Tâm tạo Thiên Đường và như vậy Tâm cũng tạo Trời Mới Đất Mới. Trước đây bởi lời phán “ Hãy Có” mà từ hư không đã trở thành có. Còn nay thì cái có ấy có từ vô thủy mà đã vô thủy thì cũng vô chung chẳng bao giờ diệt.

        Trong quan niệm Thần Tạo thì địa vị con người  trong không gian mờ mịt kia và thời gian bất tận này trở thành vô nghĩa. Còn với Trời Mới Đất Mới chẳng ở đâu khác ngoài Tâm thì con người trở thành vô giá. Chẳng phải chỉ là một thứ tiểu vũ trụ mà toàn thể vũ trụ đã được nó gồm thâu chỉ trong một niệm.

        Để cho quan niệm Trời Mới Đất Mới  ở trong Tâm hết sức mới mẻ này được khai sinh hầu có thể triển khai trong Thời Đại Mới, chắc chắn đó không phải bỗng dưng hoặc bất chợt nhưng đã được chính Đức Ki Tô chuẩn bị và sắp xếp từ rất lâu trong quá khứ và mặt khác sự chuẩn bị không phải chỉ có tính chất chung chung cho cả thời đại mà là cho từng mỗi cá nhân với những giai đoạn  cụ thể của mình “ Con đã phải ngỡ ngàng vì những cuộc biến đổi đã đến quá mau lẹ. Từ lâu con đã được chuẩn bị cho những cuộc đổi thay này. Qua muôn thế hệ, từng ngày từng tháng từng năm. Cha đã kiên nhẫn chuẩn bị từng hoàn cảnh để những cuộc đổqi biến được thực hiện, mọi cơ hội đã được đem đến cho con  nên con phải được tiến lên một cách dễ dàng. Đây là vấn đề của sự hiểu biết của sự khả dĩ nâng tâm hồn lên và lắp ráp mình vào tất cả những gì đang xảy đến” ( Aileen  Caddy  Sđd ngày 24 tháng 12 ).

        Tất cả những gì đang xảy đến” mà ta thấy đó là gì ? Đó là cuộc khủng hoảng đang ở vào giai đoạn cuối cùng của nó với hai đánh giá khác hẳn nhau thế này. Hoặc bi quan thì đây là ngày tận số của cả nhân loại vẫn được gọi là Ngày Tận Thế. Hoặc lạc quaan thì lại cho rằng cuộc khủng hoảng  này là để …tiến lên ( Crise de croissance ).  Thật ra trong việc đánh giá này cả hai đều đã không hề nhận thức được vai trò của cá nhân đối với khủng hoảng và vì thế không thể trung thực. Nếu hiểu khủng hoảng là hậu quả của những sai phạm thì bất cứ khủng hoảng về phương diện nào cũng là do sai phạm của con người tức là của mỗi cá nhân.

        Đáng giá khủng hoảng với thái độ bi quan tức là đã tự để mình rơi vào hoàn cảnh không thể cứu vãn. Còn nếu cho đây là khủng hoảng để tiến lên, vậy thử hỏi căn cứ vào yếu tố nào để nói như vậy ? Chính tự mình có làm gì để …tiến lên hay không và…tiến lên tới đâu ? Nếu tự mình đã không làm gì để tiến lên và như thế cũng sẽ chẳng biết  mình tiến về đâu thì còn trông mong vào ai được  nữa ?

        Không có năng lực tự cứu thì Thiên Chúa cũng…bất lực dẫu lời nói cuối cùng của Đức Ki Tô sau khi nếm giấm chua khi còn trên thập giá “ Công cuộc cứu chuộc đã hoàn tất” ( Ga 19, 30 ) Sự hoàn tất ấy mới là phần công nghiệp của Ngài còn về phần mỗi một con người nếu muốn hưởng nhờ công nghiệp ấy để vào Nước Trời cùng cai trị với Ngài thì về phần mình cũng cần phải “ Hoàn Tất” mới được.

        Quả thật đã qua rồi cái thời mà các tín hữu chỉ biết  thụ động giữ đạo như một thứ xưa bày nay làm để được cứu. Bất kỳ là ai trong Thời Đại Mới này cũng phải góp phần mình cùng với Đấng Cứu Thế mới có thể cứu được mình  và thế giới “ Con là tay của Cha, chân của Cha. Cha phải làm việc trong con và qua con để mạc khải những kỳ công và vinh hiển của Cha. Cha phải dùng con để cho Nước Cha trị đến cho Trời Mới Đất Mới được thực hiện. Bao lâu  con chưa ý thức được là Cha đang cần con thì con còn cứ tiếp tục nghe nói về Trời Mới Đất Mới thật kỳ diệu đó nhưng con sẽ không được chiêm ngưỡng nó. Sẽ không được sống ở đó và sẽ không được nó ảnh hưởng đến con và xung quanh con, ước mơ hão huyền thì có ích gì ? ( Aileen  Caddy  Sđd ngày 30 tháng 12 ).

        Phải chăng từ bao lâu nay chúng ta đã chỉ…nghe hoặc luận bàn về Nước Trời chứ không hề tìm kiếm, không hề sống với Trời Mới Đất Mới  vốn sẵn đủ ở trong ta ?

 

Phùng  Văn  Hóa

( Kỳ sau: Trời Mới Đất Mới )

Chia sẻ Bài này:

Related posts