- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Đời có gì là trọn vẹn?

Bạn thân mến,

Cuộc đời này đâu có gì là trọn vẹn. Không trọn vẹn về nhân cách. Không trọn vẹn về ngoại hình. Không trọn vẹn trong đời sống hôn nhân gia đình hay trong những mơ ước đời mình.

Thật vậy, đời không như là mơ. Người không trọn vẹn bao giờ. Được cái này sẽ mất cái kia. Vì thế, hãy sống trọn vẹn từng ngày với giây phút hiện tại như là món quà quý giá mà Chúa trao ban.

Bạn tôi là con trai út của một gia đình giàu có nhất nhì vùng Gia Kiệm, tỉnh Đồng Nai. Cha mẹ anh có nhiều cây xăng, nhà cửa, xe tải và đất đai, tiền của. Bạn ấy muốn gì mà chẳng có. Anh ta học tiếng Anh khá, giao tiếp tốt, biết đánh đàn, tập hát và tốt nghiệp đại học chuyên ngành xã hội học, hiện đang làm cho một tổ chức phi chính phủ ở bên Mỹ.

Tuy nhiên, bạn ấy không có ngoại hình tốt: người thấp, không đẹp trai. Có lần bạn muốn tới cầu Sài Gòn nhảy xuống sông tự tử vì bị bạn gái phụ tình. Anh ta giàu có, học giỏi nhưng lại bị phụ tình. Phải chăng ngoại hình của anh không tốt? Hay tại cuộc đời này đâu có gì trọn vẹn, nhất là chuyện tình cảm mong manh của con người?

Thật vậy, nhà khoa học Einstein thật có lý khi khám phá ra thuyết tương đối của vạn vật vũ trụ. Cuộc đời con người cũng thế thôi. Đâu có gì là tuyệt đối. Đâu có gì là trọn vẹn. Vì thế, một triết gia nọ đã nói: “Trên đời này không có gì là tuyệt đối cả. Tất cả chỉ là tương đối. Chỉ có một điều tuyệt đối là không có gì tuyệt đối mà thôi.” Vậy, triết lý này được biểu hiện như thế nào trong đời sống thường ngày của con người?

Không trọn vẹn trong hôn nhân gia đình

Trước tiên, đời sống hôn nhân gia đình thường không trọn vẹn. Bạo hành. Ngoại tình. Không hợp. Ly dị v.v… Có ai ngờ đâu một đôi uyên ương “trai tài gái sắc” như ca sĩ Quang Dũng và Jenni Phạm lại sớm chia tay khi đã có chung với nhau một cậu con trai kháu khỉnh. Điều mà họ có là ước mơ của biết bao người: tiền bạc, tiếng tăm, sắc đẹp, phương tiện vật chất v.v…

Thế nhưng, những thứ đó chưa chắc để đảm bảo hạnh phúc cho một gia đình. Hôn nhân là chuyện hệ trọng của cả một đời người. Hôn nhân cần hòa hợp về vật chất lẫn tinh thần và tâm hồn của con người. Vì thế, những người đã trải nghiệm trong tình yêu và đời sống gia đình thường cảm thấu: “Tìm người mình yêu thì dễ nhưng tìm người yêu mình thật không dễ tí nào”.

Ở góc nhìn tôn giáo, vua Đavid đâu thiếu thứ gì trong cuộc đời của ông: quyền lực, danh vọng, tiếng tăm, thành công, cung tần mỹ nữ, gấm vóc lụa là, vật chất xa hoa v.v… Vậy mà Đavid vẫn cảm thấy thiếu một điều gì đó trong sâu thẳm đáy lòng mình.

Một lần đi dạo trên sân thượng triều đình, ông thấy bà Bethsebath đang tắm. Từ đấy, ước muốn chiếm đoạt và ngọn lửa dục tình bắt đầu sôi sục trong lòng ông. Đavid là kẻ ngoại tình, chiếm đoạt vợ của Uria. Đavid nhận ra con người thật của mình.

Sống trong đầy đủ mà vẫn thấy thiếu một điều gì đó rất con người. Cuộc đời là thế. Đôi khi một ông vua lại không có một hạnh phúc giản dị của một thường dân đang có. Cuộc đời này biết bao giờ cho đủ. Bởi vậy, anh tôi thường nói: “Biết đủ là đủ. Có ai thỏa mãn được thứ gì bao giờ. Đã có lại muốn có thêm.”

Thật vậy, gia đình nào cũng có cái khổ. Dù là giàu hay nghèo. Có những gia đình nhà lầu, xe hơi, tiếng tăm cả vùng nhưng lại có những đứa con nghiện xì ke ma túy, ăn chơi thác loạn, vào tù ra khám v.v… Hay có những cặp vợ chồng “môn đăng hộ đối” nửa đường gãy gánh sau khi đã sống chung với nhau mấy mặt con suốt quãng thời gian dài. Quả vậy, có mấy gia đình được trọn vẹn như ước mơ.

Thế nên, một nhạc sĩ nọ mới viết: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở. Đời mất vui khi đã vẹn câu thề.” Cuộc đời đôi khi có những bất ngờ khó hiểu mà con người ta không lý giải được. Đời không trọn vẹn.

Không trọn vẹn trong nhân cách và đường đời

Tiếp đến, đời không trọn vẹn về nhân cách: “Nhân vô thập toàn.” Đã là con người ai cũng có khiếm khuyết, yếu đuối và sai lầm. Mấy ngày trước, tờ báo Phụ Nữ có đăng bài viết về một cô giáo trẻ phải sống đời thực vật sáu năm nay sau khi bị một tai nạn xe. Người gây ra tai nạn là ông Đặng Văn Đạt, cha của tân hoa hậu Việt Nam 2012, Đặng Thu Thảo. Bài báo phê bình sự thiếu quan tâm đúng mức đối với người bị nạn là cô giáo Xuân.

Cuối cùng, ông phải ra tòa. Phiên tòa buộc ông phải bồi thường 117 triệu đồng và chi phí mỗi tháng 1,6 triệu đồng cho cô giáo Xuân thuốc men, ăn uống đến cuối đời.

Bạn thân mến, báo chí mới khen ngợi cô hoa hậu Việt Nam Đặng Thu Thảo con nhà nghèo, chân chất thật thà của một người miền Tây sông nước An Giang. Ba mẹ cô vất vả lo lắng, quanh năm với ruộng vườn. Vừa mới vui vì đứa con gái đoạt vương miện hoa hậu Việt Nam thì tin buồn bắt đầu xảy đến cho gia đình ông Đạt. Ông bị báo chí chỉ trích về mặt nhân cách. Ông thiếu sót vụng về trong đối nhân xử thế. Thiếu sót trong tình người.

Bởi vậy, có tiền, có tiếng tăm chưa chắc đã có sự bình an và hạnh phúc cho cuộc đời. Đời không có gì là trọn vẹn. Ai cũng có một thời. Nổi tiếng đó rồi sẽ đi vào quên lãng sau đó. Cầu thủ nổi tiếng một thời, sau đó xuống phong độ và giải nghệ. Nhiều ca sĩ vang bóng một thời rồi cũng chìm vào lãng quên. Vì thế, hạnh phúc ở trong hiện tại. Đời không trọn vẹn nên hãy sống trọn vẹn từng ngày. 

Sống trọn vẹn từng ngày

Đời không có gì là trọn vẹn. Bởi thế, một bạn trẻ đã cảm nhận: “Suy cho cùng thì, dẫu có trót mang trong mình sự nghiệt ngã của một trái tim đầy đa cảm và một kí ức từng chất chứa đầy những giọt nước mắt trong trẻo của tuổi thanh xuân, thì tôi vẫn muốn cảm ơn những đắng đót ngọt ngào của những ngày đã qua ấy, để nhận thức rõ được một điều rằng: Mình đã sống những ngày thật trọn vẹn!” Còn mỗi Kitô hữu chúng ta thì sao?

“Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34). Chúa Giêsu yêu chúng ta ngay giây phút hiện tại. Ngài muốn chúng ta sống hết mình với Chúa và với anh em. Ngài đã sống như thế. Một Giêsu trở nên trọn vẹn cho mọi người.

Trọn vẹn với người nghèo. Trọn vẹn với người đau khổ và tội lỗi. Trọn vẹn với người bệnh tật. Trọn vẹn với những phận người bị xã hội lên án loại trừ. Trọn vẹn trong phục vụ. Trọn vẹn trong yêu thương… Đời không trọn vẹn. Người không trọn vẹn. Nhưng Chúa luôn trọn vẹn.

Vậy, bạn và tôi phải sống như thế nào với những điều không trọn vẹn, hoặc chưa trọn vẹn trong đời? Chúng ta có thật sự xác tín Chúa là tuyệt đối và luôn trọn vẹn với con người?

Tâm Thương

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]