Chúa Giêsu Phục Sinh với những thành tích và những thương tích

1. Chúa Giêsu, khi sống lại rồi, đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ của Người.

Các môn đệ Chúa, khi thấy Người hiện ra, đã tin nhận Thầy mình chính là Đấng Cứu Thế, Đấng Cứu độ, Đấng Cứu chuộc. Người đến để cứu. Sự ác  nguy hiểm nhất mà Người muốn cứu con người ra khỏi, chính là tội lỗi.

Đấng Cứu Thế hiện ra trước mắt họ, đã được chú ý đặc biệt do 2 nét đẹp sau đây.

2. Nét đẹp thứ nhất là những thành tích về đời sống khó nghèo và khiêm nhường. Khó nghèo và khiêm nhường từ hang đá Bêlem, qua Nazareth, đến những năm rao giảng đó đây, cho tới Núi Sọ. Bề dày thành tích khó nghèo và khiêm nhường đó vẫn còn nơi Chúa Phục Sinh. Các môn đệ nhận thấy Người vẫn đơn sơ, gần gũi, như một người nghèo, nhưng đầy yêu thương khiêm tốn. Người không kết án những kẻ đã muốn tiêu diệt Người. Người không thách thức những ai sau này dám bắt bớ Hội Thánh của Người. Người vẫn giữ phong độ người bạn của kẻ nghèo.

3. Nét đẹp thứ hai là những thương tích về cuộc tử nạn. Cuộc tử nạn của Người gắn liền với thánh giá. Nên thương tích nhắc đến nhục hình thánh giá là những dấu đinh ở chân tay Chúa và vết đâm ở cạnh sườn Người. Những thương tích ấy vẫn còn nơi Chúa Phục Sinh. Người mời gọi các môn đệ hãy nhìn vào và đụng vào, như những dấu tích của tình yêu.

4. Với những thành tích và với những thương tích ấy, Chúa Phục Sinh đã lôi cuốn tôi. Bởi vì, khi nhìn thấy những thành tích ấy và những thương tích ấy, tôi nhận ra tình thương của Chúa là vô cùng bao la.

Những thành tích ấy và nhất là những thương tích ấy nói lên rằng: Chúa, vì thương yêu, đã gánh tội thay cho người khác, đã đền tội thay cho người khác, đã chịu mọi khổ đau và chịu chết nhục nhã, để cứu những người tội lỗi trong đó có tôi.

5. Chúa Phục Sinh với những thành tích về đời sống khó nghèo khiêm nhường, kèm với những thương tích của cuộc tử nạn của Người đã là gương cho các môn đệ của Người.

Thánh Phêrô, Thánh Phaolô đã rất nổi về sự theo gương ấy trong sứ vụ đứng đầu các cộng đoàn của Hội Thánh.

Thành tích về đời sống khó nghèo và khiêm nhường nơi các ngài được nhận ra ngay chính đời thường của các ngài, một đời chỉ lo cứu người khác bằng yêu thương chấp nhận hy sinh quên mình.

Thương tích về cuộc tử nạn nơi các ngài cũng được nhận ra ngay trong thánh giá thường ngày của các ngài, nhất là trong các biến cố Chúa muốn các ngài chết thay, để cứu những người tội lỗi khổ đau. Chết thay như một của lễ tình yêu vẹn tuyền, không pha chút gì là kiêu căng, thù hận và thách thức.

Thành tích và thương tích của Chúa Cứu Thế và của các tông đồ xưa vẫn được tiếp tục trong Hội Thánh, ở mọi nơi mọi thời.

6. Tôi rất vui mừng nhận ra gương sáng ấy trong thời đại này, ngay chính hôm nay, ở nơi hai Đức Giáo Hoàng hiện còn đang sống.

Ngày 23-3 vừa rồi, Đức Thánh Cha Phanxicô tại chức đến chào thăm Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã từ chức. Tôi nhìn hai đấng và rất cảm động.

Cảm động của tôi phát xuất từ cái nhìn của tôi về Chúa Phục Sinh đang hiện diện nơi hai vị giáo hoàng, là hai môn đệ yêu dấu của Người.

Hai môn đệ này đều mang trong mình những thành tích về đời sống khó nghèo, khiêm tốn và những thương tích về cuộc tử nạn của Chúa.

7. Nếu tôi không lầm, thì Đức Bênêđictô XVI đã không giấu được những thương tích. Những thương tích ấy đã toát ra ở khuôn mặt của ngài, ở những bước đi của ngài. Còn Đức Phanxicô cũng đã không giấu được những thành tích về đời sống khó nghèo, khiêm nhường của một người nổi tiếng là bạn của kẻ nghèo.

Thành tích và thương tích đều có nơi hai Đức Giáo hoàng. Mỗi vị có những mức độ riêng, với những hình thức riêng.

8. Điều quý giá tôi học được nơi hai Đức Giáo Hoàng là các ngài không hề tự phụ về những thành tích và thương tích của các ngài. Các ngài vẫn luôn coi mình là đầy tớ vô dụng trước mặt Chúa.

9. Các ngài, mặc dầu mang thành tích và thương tích của Chúa, vẫn không chống ai, cũng chẳng thách thức ai, cũng chẳng đe doạ ai, cũng không đòi ai phải làm như các ngài. Nhất là các ngài, tuy bị thương tích có thể do chính nội bộ và những người gần với mình, nhưng các ngài vẫn yêu thương đến cùng.

10. Thành tích về đời sống nghèo khó khiêm nhường và thương tích về cuộc tử nạn thánh giá vì yêu thương, hiện nay đang là những yếu tố cần nơi những người lãnh đạo dân Chúa. Nếu những yếu tố đó không luôn cần để dân Chúa tin tưởng, thì vẫn luôn cần để Chúa dùng ta vào chương trình cứu độ của Chúa.

Dân Chúa đang cần được cứu. Nhân loại đang cần được cứu. Chính Hội Thánh cũng đang cần được cứu. Gia đình chúng ta cũng đang rất cần được cứu. Tôi càng rất cần được cứu.

Chúa Giêsu chính là Đấng Cứu chuộc. Chúa muốn mỗi người chúng ta hãy cộng tác với Người.

11. Cộng tác, mà Chúa muốn, là hãy noi gương Chúa Giêsu, mà sống khó nghèo khiêm nhường và tham gia vào thánh giá, chỉ vì yêu thương.

Khó nghèo khiêm nhường nhờ cuộc sống đơn sơ, biết từ bỏ ý riêng để thuận theo ý Chúa nhất là ở sự gần gũi, chia sẻ và cảm thông với những người nghèo khổ bất cứ trong phương diện nào. Khó nghèo khiêm nhường rất cần cảnh giác trước chủ nghĩa chiến thắng hiện nay rất mạnh: Mình phải thắng, nó phải thua, bởi những kết án và thách thức kiêu căng. Dửng dưng trì trệ trước bổn phận cứu các linh hồn, đó cũng là điều mà khó nghèo khiêm nhường đòi phải hết sức tránh.

Tham gia vào thánh giá nhờ những hy sinh thường ngày và những hy sinh khác thường, mà Chúa muốn ta chịu. Nhưng không vì thế mà ta tự tạo nên cho mình và cho kẻ khác những khổ đau, rồi cho rằng Chúa muốn.

Chỉ vì yêu thương mà thôi. Như một của lễ tình yêu mà thôi. Tình yêu ấy rất khiêm nhường. Nếu ngược lại, bênh Chúa sẽ trở thành chống lại Chúa. Sẽ thực sự chống lại Chúa, khi muốn biến Hội Thánh trở thành một Hội Thánh thách thức, kích động, áp đặt và trịch thượng.

12. Tới đây, tôi nghĩ tới sự cần phải đào tạo nhân sự và chọn nhân sự để là môn đệ Chúa cho thời nay.

Lúc này, Hội Thánh Chúa tại Việt Nam, đang rất cần những môn đệ Chúa mang thành tích về cuộc sống khó nghèo và khiêm nhường của Chúa.

Lúc này, Hội Thánh Chúa tại Việt Nam, đang rất trân trọng những môn đệ Chúa mang thương tích của thánh giá Chúa trên mình.

Để được như vậy, thiết tưởng các môn đệ Chúa cần đón nhận Chúa Phục Sinh vào lòng mình và cần sống mật thiết với Người. Tôi vui mừng tin tưởng Chúa Phục sinh đang và sẽ làm những điều tốt đẹp nhất cho Hội Thánh của Người tại Việt Nam yêu dấu của tôi.

Lạy Chúa Phục Sinh, xin thương cứu chúng con.

Long Xuyên, ngày 01 tháng 4 năm 2013

Gm. G.B. Bùi Tuần

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment