- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Thái Tử

LỄ GIÁNG SINH A

(Is 52, 7-10; Dt 1, 1-6; Ga 1, 1-18)

Tinh thần của Lễ Giáng Sinh đã mang lại niềm vui cho rất nhiều người. Thời Cựu Ước xa xưa, tiên tri Isaia đã khơi dậy niềm hân hoan cho những tâm hồn đang mòn mỏi khao khát chờ mong Đấng Cứu Thế. Người sẽ đến rao giảng tin mừng bình an, Isaia viết: Đẹp thay chân người rao tin trên núi, người rao tin thái bình, người rao tin mừng, người rao tin cứu độ, nói với Sion rằng: Thiên Chúa ngươi sẽ thống trị! (Is 52, 7). Gần 700 năm, trước khi Con Chúa giáng trần, tin vui được loan báo cho dân Chúa chọn. Thiên Chúa đang thực hiện một sự kiện vĩ đại trong lịch sử nhân loại. Tin mừng cứu độ và sự giải thoát phổ quát cho mọi người qua mọi thời.: Chúa đã chuẩn bị ra tay thánh thiện Người trước mặt chư dân; và khắp cùng bờ cõi trái đất sẽ nhìn xem ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta (Is 52, 10).

Khi thời gian đã mãn, chương trình cứu độ đã được thực hiện. Tác giả thơ Do-thái đã trình bày về sứ mệnh của Ngôi Hai Thiên Chúa: Trong những ngày sau hết đây, Ngài đã phán dạy chúng ta qua Người Con mà Ngài đã đặt làm vị thừa kế vạn vật, và cũng do bởi Người Con mà Ngài đã tác thành vũ trụ (Dt 1, 2). Công cuộc Cứu Rỗi được thực hiện trong thời gian và không gian. Thiên Chúa vô hình đã hạ sinh làm người để giao hòa giữa trời và đất. Mầu nhiệm Nhập Thể là mầu nhiệm quan trọng nhất trong Đạo. Tất cả vũ trụ và con người đều qui hướng về một mối là Chúa Giêsu Kitô. Chúa Kitô cội rễ của niềm tin. Chính Chúa đã mạc khải cho loài người về hiện hữu của Thiên Chúa, về cùng đích của mọi tạo vật và con người trên trần gian. Chúa Kitô chính là trung tâm điểm của vũ trụ vạn vật. Thơ gởi tín hữu Do-thái viết: Phải, vì có bao giờ Thiên Chúa đã phán bảo với một vị nào trong các thiên thần rằng: “Con là thái tử của Cha, hôm nay Cha đã hạ sinh Con”? Rồi Chúa lại phán: “Ta sẽ là Cha Người, và Người sẽ là Con Ta” (Dt 1, 5).

Cách đây 2 ngàn năm, Chúa Giêsu đã giáng sinh làm Người. Ngài đến với gia nhân của Ngài nhưng các gia nhân đã không tiếp rước Ngài. Ngài là ánh sáng thế gian nhưng thế gian không tiếp nhận ánh sáng, thánh Gioan viết: Sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không tiếp nhận sự sáng (Ga 1, 5). Thế gian đã tẩy chay và loài trừ Ngài khỏi cõi sống. Dân chúng cùng thời đã đồng lõa kết án tử hình Ngài. Họ đã mỉa mai chê bai và phỉ báng danh thánh Ngài. Qua mọi thời và hiện nay, danh Chúa Kitô tiếp tục chịu sự khinh chê, nhạo báng và tẩy chay. Danh Chúa bị phỉ báng và khinh thường bởi những người không tin. Chúng ta tự hỏi rằng tại sao danh Chúa bị người đời khinh mạn dể duôi như thế? Trước hết là bởi chính chúng ta, các Kitô hữu nói một đường, làm một nẻo. Lời nói không đi đôi với việc làm. Khi người đời nghe lời Chúa qua môi miệng của các tín hữu, họ rất ái mộ những nét đẹp và uy quyền của lời Chúa. Khi họ nhận biết Lời đó không mang lại hiệu qủa tốt đẹp gì cho đời sống của chính người Kitô hữu, thì sự ngưỡng mộ ban đầu của họ sẽ đổi thành sự nghi ngờ, phỉ báng và miệt thị. Người đời xem niềm tin vào Lời Chúa như là những câu truyện thần tiên hoặc không tưởng.

Người không có niềm tin khi nghe chúng ta ca hát ‘Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm’. Lời ca nghe quá thánh thiện và rất đáng ngợi khen. Chúa ban bình an cho người có tâm thiện, nhưng trong thực tế, vì bon chen cuộc sống, tâm thiện của người tín hữu đôi khi trở thành vô tâm, ác tâm, dã tâm và vô cảm. Vì thế, người đời đánh giá cách sống của các Kitô hữu cũng chẳng hơn gì họ, từ lời ăn tiếng nói, cách hành xử và thái độ sống, nên họ đã chối bỏ danh thánh Chúa. Hoặc khi họ lắng nghe chúng ta cao rao lời Chúa: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em (Mt 5, 44).  Người đời quá thán phục về sự cao quí của nhân đức yêu thương, nhưng khi họ quan sát cuộc sống của chúng ta thì thấy hầu như trái ngược. Chúng ta không những thất bại trong việc yêu thương những người đang thù ghét, mà còn ghen ghét ngay cả những người yêu thương chúng ta. Thế là họ cười nhạo chúng ta và khinh dể cả Danh Thánh Chúa. Khi chúng ta tuyên xưng mình là người Kitô hữu, chúng ta là thành viên trong Hội Thánh và là con dân của Nước Trời. Khi chúng ta không thực hành Lời của Chúa là chúng ta đang góp phần làm ô danh Chúa.

Chúng ta lược qua những Danh Thánh của Chúa Giêsu trong Kinh Thánh. Các tác giả Kinh Thánh được linh ứng đã dùng rất nhiều danh xưng khác nhau để diễn tả về Chúa Giêsu Kitô: Ngôi Lời, Đấng Bào Chữa, Đấng được sinh ra, Đấng Quyền Năng, Đấng Tự Hữu, Đấng Thánh, Đấng Xức Dầu, Đấng Sáng Tạo, Đấng Được Chọn, Đấng Kitô của Chúa, Đấng An Ủi, Đấng Sáng Tạo Muôn Loài, Đấng Hằng Hữu, Đấng Xét Xử, Đấng Gương Mẫu, Đấng Thống Trị, Đấng Chữa Lành, Đấng Thánh của Thiên Chúa, Đấng Thừa Kế, Đấng Messia, Đấng Thánh của Israel, Đấng Công Chính, Đấng Ban Sự sống, Đấng Trung Gian, Đấng Công Chính, Đấng Khiêm Hạ, Đấng Tiên Tri, Đấng Cứu Độ, Đấng Cứu Thế, Đấng Sống Lại và là Sự Sống, Đấng Công Chính, Đấng Mạc Khải, Đấng Phán Xét, Đấng Chí Công, Đấng Hy Sinh, Đấng Không Hề Thay Đổi, Đấng Khôn Ngoan và Con của Đấng Tối Cao…

Emmanuel – Chúa ở cùng chúng ta, Cha Muôn Thuở, Trưởng Tử, Là Nguyên Thủy và Cùng Đích, Tân Lang, Mặt Trời Công Chính, Tảng Đá Góc, Chúa Kitô, Hài Nhi, Chúa Chiên Lành, Cửa Chuồng Chiên, Hoa Quả Đầu Mùa, Nhiệm Thể, Chúa của Abraham, Isaac, Giacob và Israel, Chúa Giêsu, Chúa Giêsu Kitô, Giêsu thành Nazareth, Giêsu xứ Galilêa, Con Chí Ái, Con Yêu dấu, Con Thiên Chúa, Con Chiên, Con bác Thợ mộc, Con của ông Giuse, Con Vua Đavít, Con Đức Maria, Con Người, Con Chúa Cha, Con của Đấng Hằng Sống. Chúa Giêsu được gọi là Vua, Vua các Vua, Vua dân Sion, Vua dân Do-thái, Chúa, Chúa Từ Trời, Chúa Trời, Chúa Uy Quyền, Chúa Các Chúa, Chúa Jehovah, Chúa Muôn Loài, Chúa của Kẻ Chết, Chúa Kẻ Sống, Chúa của Ngày Thứ Bảy, Chúa Toàn Năng, Chúa Thiên Triều, Dòng Dõi vua Đavít, Hoàng Tử, Hoàng Tử Bình An, Rabbi, Thầy, Ánh Sáng Trần Gian, Sư Tử của Giuđa, Bánh Hằng Sống, Viên Đá Sống Động, Nước Hằng Sống, Gốc Jesse, Chiên Thiên Chúa, Sự Sống, Cây Nho Thật, Là Đường, Là Sự Thật, Đá Tảng, Lời Hằng Sống, Bánh Hằng Sống, ….

Thánh Gioan Tông Đồ đã xác tín về nguồn cội của Ngôi Hai Thiên Chúa. Ngài là trung gian giao hòa giữa trời đất. Ngài là trung tâm điểm của vũ trụ vạn vật: Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa. Người vẫn ở với Thiên Chúa ngay từ nguyên thuỷ (Ga 1, 1-2). Đây là mầu nhiệm cao siêu được mạc khải cho loài người. Chính Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta nhận biết về Thiên Chúa và cùng đích của vũ trụ vạn vật và con người: Mọi vật đều do Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác thành (Ga 1, 3).

Trong Mùa Giáng Sinh, chúng ta cố gắng sống tinh thần Nhập Thể của Con Thiên Chúa làm người. Chúa đã sinh ra trong hang đá nghèo hèn và tanh hôi. Chúa chọn một đời sống khiêm hạ phó thác và vâng lời. Với lòng thương xót vô bờ, Chúa đã chữa lành, tha tội và cảm thông những khổ đau của dân chúng. Đói cái đói của họ. Khát cái khát của họ. Chúa Kitô đã đi vào đời sống và chia sẻ phận người. Chúa chịu mọi xỉ nhục cay đắng của sự phản bội, chối bỏ và nhạo cười. Thánh Gioan viết: Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của nhân loại (Ga 1, 4). Chúng ta hãy cùng dõi theo những lối bước của Chúa để học sự hiền lành và khiêm nhượng trong lòng. Chúng ta hãy tôn trọng và cư xử tốt với nhau.

Lạy Chúa, chỉ vì yêu thương nhân loại, Chúa đã hạ thân làm người để hiện diện giữa chúng con. Xin cho chúng con biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa chỉ dạy. Lời Chúa là thần khí, là ánh sáng soi đường và lời hằng sống. Xin cho Danh Chúa được cả sáng đến muôn đời.

 

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Bronx, New York

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]