Thinh lặng hay phân bua?

Kính thưa cha, Chúa có nói rằng cầu nguyện trong thinh lặng; hãy thinh lặng để cầu nguyện, để lắng nghe. Khi thấy thánh Giuse nghi ngờ về phẩm hạnh của mình, Ðức Mẹ thinh lặng, không phân bua, không cải chánh, không làm cho rõ chuyện. Ðức Mẹ trả lời bằng sự “vô ngôn”. Ðức Mẹ làm được như vậy vì trong Mẹ có Thiên Chúa, có Chúa Kitô (trích từ Con Ðường Tình Yêu, của Sr. Têrêsa Thanh Thủy).

Thưa cha, còn đối với con người thì sao? Khi bị nghi ngờ một điều gì oan ức, không nói lên để đính chánh, mình cứ thinh lặng, thì mình cứ bị oan hoài sao, đem nỗi oan ức đó đi vào cõi chết sao? Không nói ra để người ta hiểu, thì con có mắc lỗi với Chúa không, khi biết người ta mắc cái lỗi đó mà mình cứ thinh lặng? Thưa cha con đã thinh lặng mấy chục năm rồi. Xin cha giúp con bây giờ có nên nói ra không? Một điều rất oan ức cho con, làm sao cho con yên ổn được tâm hồn. Và một điều nữa, khi con người chết đi, già trẻ, lớn, bé, đều có đủ, đến ngày phán xét, ra trước toà Chúa, con người có lớn theo thời gian không? hay cứ ở mức độ tuổi thời gian mình đã chết? (Ẩn Danh)

Thưa “Ẩn Danh” thân mến,
Tôi xin thưa là bà vì đoạn trích trên nói về việc Ðức Mẹ bị nghi ngờ và Ẩn Danh cũng bị nghi ngờ nên tôi xin được thưa bà cho ngắn gọn. Thưa bà, rất tiếc tôi chưa được đọc cuốn sách bà trích dẫn nên tôi không dám nói về cuốn sách. Tôi chỉ coi đó là quan điểm của bà thôi.

Thưa bà, tôi nghĩ rằng quan điểm bà vừa ghi lại là giải thích phổ thông và rất cảm động quen thuộc trong Giáo Hội về đoạn Phúc Âm mà thánh Mattheo ghi lại. Giải thích như thế làm nổi bật lòng tin cậy Chúa của Ðức Mẹ cũng như của thánh Giuse. Tuyệt vời! Theo giải thích này “chàng” tự mắt nhìn thấy “nàng” ngày càng đẫy đà hơn sau những tháng vắng nhà để giúp đỡ bà chi họ Isave. Rõ ràng đó là dấu “nàng” mang thai. Rồi “chàng” nghi ngờ và muốn bỏ “nàng” vì theo luật thì “chàng” phải tố cáo và nếu như thế thật tội nghiệp cho “nàng” quá. Xin đành phó mặc cho Chúa định liệu. Nhiều nhà văn, nhà giảng thuyết còn thêm mắm muối nghe đến não nuột vô cùng.

Chúng ta biết các sách Phúc Âm đặt trọng tâm vào thời gian từ lúc Chúa chịu phép rửa trên sông Jordan đến lúc lên trời. Chỉ có hai thánh Mattheo và Luca cho một vài nét về thời thơ ấu trước đó. Ngày nay nhiều chuyên gia thánh kinh như Xavier Léon Durfour thấy lối giải thích cổ điển này không ổn ở nhiều điểm. Chẳng hạn, ngay từ đầu câu truyện (câu 18), thánh Mattheo đã nói Maria thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần, nghĩa là Giuse biết mầu nhiệm thụ thai đồng trinh chứ không chỉ thấy Maria ngày một đẫy đà và đòi ăn chanh chua vì mang thai mà thôi. Ngoài ra, nếu Giuse “là người công chính” như thánh Mattheo nhấn mạnh, Giuse bắt buộc phải làm trọn luật cách tỉ mỉ; luật nào cho Giuse trốn trách nhiệm dễ dàng thế. Cùng với nhiều lý do khác người ta phải hiểu là Giuse biết Maria “thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần.” “Vì là người công chính” Giuse nghĩ mình không được phép “đánh lận con đen” để hưởng cái vinh dự làm cha vị Thiên sai thần linh này. Chúa đã chọn Maria và Chúa đã trực tiếp hành động trên nàng. Giuse phải tôn kính Chúa và đừng ở bên nàng vì như thế che lấp, không ccccho muôn dân thấy việc Chúa làm. Không cách nào hơn, Giuse chỉ còn cách bỏ trốn. Trong lúc định tâm như thế, thiên thần can thiệp, xin Giuse cứ nhận làm cha bằng cách “đặt tên cho con trẻ” dùm Thiên Chúa. Chưa phải lúc Chúa muốn cho muôn dân thấy việc lạ lùng này.

Nếu thế, chính Ðức Mẹ là người nói cho thánh Giuse tất cả sự việc. Nếu Ðức Mẹ mến thánh Giuse lắm mà có thể để thánh Giuse khổ đau không cần thiết? Thánh Giuse và Ðức Mẹ tinh tế và biết lắng nghe là điều kiện đầu của thông cảm. Khi nói không phải để huênh hoang, để cãi nhau nhưng để chia sẻ, để thông cảm thì cái nói đó là nhân đức cao vời của đức ái. Ca tụng đức phó thác, tin cậy nơi Chúa là điều phải lẽ nhưng thông cảm của đức ái cũng là điều cao cả.

Trở lai chuyện bà hỏi ” còn đối với con người thì sao? Khi bị nghi ngờ một điều gì oan ức, không nói lên để đính chánh, mình cứ thinh lặng, thì mình cứ bị oan hoài sao, đem nỗi oan ức đó đi vào cõi chết sao?” Bộ bà tưởng Ðức Mẹ, thánh Giuse không phải người sao? Vậy chúng ta cũng cần có một đức tin cậy nơi Chúa như hai đấng. “Chúa là nơi con nương tựa! dù người đời gian ác, hại nổi con nỗi gì!” Chúng ta hãy dâng những oan ức, những đau khổ lên Chúa để Chúa thánh hoá chúng ta, thánh hoá mọi người. Dù chúng ta phải oan suốt đời, oan lớn như “oan thị Kính” và ” bị oan hoài sao, đem nỗi oan ức đó đi vào cõi chết” đi nữa, chúng ta tin có sự sống lại, chúng ta tin có phán xét chung, trễ lắm là ngày đó mọi người sẽ thấy chúng ta vô tội! Với lòng tin Chúa, chúng ta đừng sợ hãi gì! Với lòng tin chúng ta hãy sẵn lòng chấp nhận tất cả, hãy can đảm chấp nhận để Chúa làm và thường Chúa làm cách tốt đẹp quá điều chúng ta mong đợi.

Nhưng đức bác mời gọi chúng ta chia sẻ, thông cảm với nhau. Chúng ta có thể tìm dịp thuận tiện, bằng lời lẽ chân thành đượm tình bác aí để nói cho nhau nghe những gì còn u uất trong lòng.

Quả thật, ” Chúa có nói rằng cầu nguyện trong thinh lặng; hãy thinh lặng để cầu nguyện, để lắng nghe.” Thinh lặng chứ không phải im lặng đâu. Im lìm không nói có thể, có thể giúp tạo thinh lặng nhưng cũng có thể cản trở, gây xáo trộn. Thinh lặng là sự bình an gồm cả thể lý, tâm linh. Bà đã im lặng nhưng cái im lặng đó dày vò, làm xáo trộn. Bà đâu tìm được bình an vì im lặng đâu. Ðể tìm được thinh lặng bà cần nói để chia sẻ thông cảm. Có thể trong lúc bên nhau, bà nhỏ nhẹ bày tỏ tâm sự giữ kín bao năm nay, nhưng nay vì thương nhau muốn thông cảm chia sẻ chuyện xưa thôi. Bà nhớ mang sẵn chén và ít khăn bông vì tôi sợ ông nhà khóc hết nước mắt.

Bà thân mến, trường hợp cụ thể có những phức tạp riêng của nó, bà có thể bàn với một vài người khôn ngoan đáng tin cậy để dễ dàng hơn. Chúc bà giải tan nỗi “oan thị Kính” đã dày vò bà nhiều năm tháng. Nguyện Chúa Kitô Phục Sinh ban bình an cho bà.

L.m. Francis Lương Minh Tri,CMC
Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment