- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Ràng Buộc Trong Hôn Nhân Tự Nhiên

Kính thưa cha,

Tại sao một đôi hôn phối: một bên không có đạo, một bên có đạo và vẫn giữ đạo của mình, thì được ban Phép chuẩn (hai bên chưa lập gia đình).

Còn trường hợp: một người không có đạo đã lập gia đình (có hoặc không có con), không chịu theo đạo và một người có đạo chưa lập gia đình, thì không được ban Phép chuẩn. Xin cha giải thích cho con. Con cám ơn cha

(Con chiên)

Câu trả lời
Con chiên thân mến,

Vì con không ghi rõ họ tên nên cha không biết phải xưng hô làm sao đành phải dùng lại cái tên rất hiền lành mà con đã nhận.

Thắc mắc con nêu ra ở trên cũng là điều mà rất nhiều người Công giáo đã hiểu lầm vì cho rằng hôn nhân của người lương (không có đạo) thì không có giá trị. Sự hiểu lầm này có thể phát sinh từ việc cho phép một người lương đã có gia đình nay xin theo đạo lại được kết hôn thêm một lần nữa với người Công giáo. Cha sẽ giải thích điều này.

Thực ra, tất cả mọi hôn nhân dù là Công giáo hay ngoại giáo khi đã thành sự (có sự ưng thuận và cử hành cách công khai) thì đều được nhìn nhận có giá trị. Những đặc tính đơn nhất (một vợ một chồng) và bất khả phân ly là những đặc tính chính yếu của tất cả mọi hôn nhân như đã được xác định trong Giáo Luật điều 1056 :

Những đặc tính chính yếu của hôn nhân là sự đơn nhất và sự bất khả phân ly, những đặc tính này có một sự bền vững đặc biệt trong hôn nhân Kitô giáo vì có tính cách bí tích.

Như vậy hôn nhân Kitô giáo (chứ không chỉ hôn nhân Công giáo) đã được Chúa Kitô nâng lên hàng bí tích nên có được sự đặc biệt bền vững đến nỗi không thể được tháo gỡ do bất cứ quyền bính nhân loại nào và vì bất cứ lý do nào, trừ lý do tử vong (xem Giáo Luật điều 1141). Đến đây chắc con lại nảy sinh một thắc mắc là có những trường hợp hôn nhân được giải gỡ thì sao? Đó là những hôn nhân được tuyên bố là không thành sự vì có những lý do xảy ra trước khi kết hôn làm cho hôn nhân bất thành chứ không có chuyện hủy bỏ hôn nhân cũ vì một khi hôn nhân đã thành sự thì không ai có thể vô hiệu hóa được.

Bây giờ chúng ta trở lại với thắc mắc là tại sao một người có đạo kết hôn với người ngoại thì được phép chuẩn? Trường hợp này rõ ràng cả hai không bị trở ngại hay vướng mắc gì nên Phép chuẩn là để cho người Công giáo có thể giữ đạo và lãnh nhận các bí tích cách bình thường. Hôn nhân này vẫn là hôn nhân tự nhiên.

Còn trường hợp người lương đã lập gia đình thì hôn nhân tự nhiên của họ trước đây đã thành sự nên họ vẫn bị ràng buộc với người phối ngẫu cũ cho dù họ đã li dị nhiều năm. Li dị chỉ là thủ tục dân sự chứ không thể cắt đứt dây hôn phối đã kết hợp hai người về mặt tự nhiên. Vì thế, người lương vẫn không thể kết hôn một lần nữa với người Công giáo nếu không được hưởng đặc ân có lợi cho đức tin .

Trường hợp người lương, sau khi đã li dị rồi lại quen với người Công giáo và muốn tiến tới hôn nhân. Nếu họ gia nhập đạo Công giáo thì họ có thể được hưởng Đặc ân Thánh Phaolô mở rộng, gọi là Đặc ân có lợi cho đức tin, và phải đáp ứng những điều kiện mà đặc ân này đòi hỏi. Đây cũng không phải là chuyện đương nhiên cứ theo đạo là được, nhưng phải xin và nếu được chấp thuận thì họ mới được phép kết hôn với người Công giáo.

Vì vậy, hôn nhân của người Công giáo hay của người lương đều có đặc tính bất khả phân ly, mà nhờ Đặc ân Thánh Phaolô là đặc ân có lợi cho đức tin mới cho phép người lương đã có gia đình được kết hôn thêm một lần nữa. Còn nếu họ không theo đạo thì họ không được hưởng đặc ân này và do đó, người Công giáo không thể kết hôn với họ.

Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Bích, DCCT

Trung Tâm Mục Vụ DCCT

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]