- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Quan niệm luân hồi của Phật Giáo

Thưa cha con có câu hỏi: Quan niệm luân hồi của Phật giáo có hợp với Công Giáo không? (Dũng, NC)

Dũng thân mên,
Luân hồi nói lên điều thứ nhất là chết chưa hết. Công Giáo quả quyết điều như thế: có một cuộc sống sau cái chết. luân hồi xác quyết điều thứ hai là cuộc sống sau cái chết là kết quả của cuộc sống hiện nay. Ðó là dựa trên thuyết nhân quả. Chúa Giêsu bảo cây tốt sinh trái tốt. Cây xấu sinh trái xấu. Trong Giáo thuyết Công giáo, cuộc sống của tôi sau khi tôi chết là tùy thuộc vào sự cộng tác của tôi với ơn Chúa ban dư tràn hôm nay. Trong dụ ngôn nén bạc của Phúc Âm, tôi là một trong những tên đày tớ được Chúa trao tặng những nén bạc. Tôi sẽ xử dụng những nén bạc cuộc sống hôm nay thế nào? Cuộc sống tôi, những tài năng, thời giờ, của cải, những may lành, cả con người tôi có sinh lợi cho Chúa, cho tha nhân hay chỉ ích kỷ cho mình tôi.

Khi thuyết luân hồi tiến xa để cho rằng con người sẽ đầu thai tiếp cho đến khi biết sống đúng đạo làm người, nó không còn hợp với giáo lý Công giáo. Giáo lý Công giáo dạy con người được Chúa dựng nên và cho sống trên trần này chỉ một lần để biết và yêu mến Chúa và tha nhân để được hạnh phúc muôn đời. Mỗi người chỉ có một cuộc đời nên cuộc đời đáng quí vô cùng. Nếu biết dùng nó, chúng ta đạt hạnh phúc; không biết dùng nó chúng ta phải phạt. Hôm nay tôi sống thế nào, ngày sau tôi sẽ nhận quả của kiếp này. Suy nghĩ về điểm này đã giúp một người tin nhận Chúa vì đây là cách khôn ngoan nhất. Ông kể lại rằng khi đó ông rất mơ hồ không biết chỉ có một kiếp sống hay sẽ trở lại sống nhiều kiếp khác nhau. Ông quen thuộc với luân hồi và thoải mái với thuyết đó. Nhưng nếu chỉ có một kiếp thì sao? Nếu chỉ có một kiếp mà mình tin có nhiều kiếp: chết là mình sẽ khốn nạn mãi. Còn nếu có nhiều kiếp mà mình tin có một kiếp thì mình vẫn còn nhiều kiếp sau để đổi lại! Nên theo lẽ khôn tự nhiên, “common sense”, bắt ông phải nhận chỉ có một kiếp đã!

Thật ra, “ông bổn đạo mới này” chỉ thực hành lời Phật Tổ dạy, “Ðừng lẫn ngón tay ta với mặt trăng khi ta dùng ngón tay chỉ cho các người thấy mặt trăng! Chân lý như mặt trăng còn giáo lý ta dạy như ngón tay.” Ngón tay không phải mặt trăng cũng như giáo lý Phật chưa phải chân lý! Tạ ơn Chúa đã soi cho ông bổn đạo mới này suy nghĩ như vậy.

L.m. Francis Lương Minh Tri,CMC

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]