- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Người Tín Hữu Chúa Kitô Phải Có Những Nhân Đức Nào?

Hỏi: xin cha giải thích các nhân đức mà người Công giáo phải có để sống đức tin trước mặt người khác.

Đáp: Nói đến những nhân đức ( Virtues) mà người Công Giáo phải có để sống xứng đáng với địa vị của mình là Kitô hữu trước mặt người đời, chúng ta nhớ ngay đến lời Thánh Phaolô đã nói với tín hữu Phi-Lip-Phê xưa như sau :

“Ngoài ra, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quí, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến, và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh (nhân đức) đáng khen, thì anh em hãy để ý. Những gì anh em đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã nghe , đã thấy nơi tôi, thì hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ ở với anh em.” ( PL 4 : 8-9)

Qua lời khuyên trên đây của Thánh Phaolô, chúng ta thấy tầm quan trọng phải trang bị cho mình những đức tính và những nhân đức cần thiết để xứng đáng là người Kitô hữu sống trong Giáo Hội và ngoài xã hội

Thật vậy, sở dĩ phải nói đến các nhân đức -nói chung – là vì Thiên Chúa chỉ ban riêng cho con người trí hiểu biết và ý muốn tự do.(Intelligence and free will) Nhờ trí hiểu con người biết phân biệt giữa cái xấu và cái tốt, giữa sự lành, sự thiên hảo và mọi điều gian ác, nhơ nhuốc và sự dữ đầy rẫy ở khắp nơi trên trần thế này. Biết phân biệt ranh giới giữa thiện và ác, giữa tốt và xấu sẽ đưa đến tự do chọn lựa để đứng về phía nào và chịu trách nhiệm về chọn lựa của mình trước Thiên Chúa là Đấng cực tốt, cực lành, nhưng rất gớm ghét mọi sự dữ, sự xấu , sự gian ác và ô uế, hư thân mất nết..

Do đó, sống xứng đáng là con người thôi cũng đòi hỏi đức hạnh để phân biệt mình với loài vật chỉ có bản năng sinh tồn. Là người tín hữu , càng cần có nhân đức hay đức hạnh để sống đẹp lòng Chúa hơn. Đức hạnh là nét đẹp của tâm hồn không phải tự nhiên mà có.Trái lại, đó là kết quả luyên tập của lý trí và ý chí nhằm tô điểm cho mình những vẻ đẹp tinh thần không những để phân biệt mình với loài vật mà cả với những người không chú tâm tập luyện cho mình những nhân đức cao đẹp giúp nâng cao phẩm giá con người là thụ tạo có lý trí và ý muốn tự do..

Trong lãnh vực thiêng liêng, nhân đức là những vẻ đẹp của tâm hồn đưa ta đến gần Thiên Chúa là Chân Thiên Mỹ tuyệt đối, với ước muốn tha thiết là được trở nên giống Người và “ được thông phần bản tính Thiên Chúa, sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian này.” ( 2 Pr 1: 4) Nói khác đi, ta không thể sống đẹp lòng Chúa mà không cố gắng trở nên giống Chúa trong mọi sự, từ lời nói đến suy tư và cung cách hành động trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống con người trên trần thế này.

Giáo lý Giáo Hội phân chia ra hai loại nhân đức sau đây :

A- Nhân đức nhân bản hay đối nhân ( Human Virtues)

B- Nhân đức thần học hay đối Thần ( Theological Virtues).

A- Nhân đức nhân bản là những đức tính luân lý đã được tập thành do nhận thức được những gì là tốt đẹp, là xứng đáng với phẩm giá con người, khác xa thảo mộc và loài vật chỉ có bản năng mà không có lý trí và ý chí.Nhận thức rồi cố gắng tập luyện với quyết tâm của ý chí tự do để trở thành tập quán (habit) vững chắc chỉ đạo cho mọi hành vi con người qui hướng về những mục đích thiện hảo mà lý trí đã nhìn ra và thúc đẩy con người tiến tới.

Có 4 nhận đức gọi là nhân đức trụ ( Cardinal Virtues) vì vai trò quan trọng của nó trong việc hướng dẫn hành vi con người tiến đến mục đích tốt.

Bốn nhân đức trụ đó là khôn ngoan, công bằng, dũng cảm và tiết độ.

1- Nhân đức không ngoan ( Prudence) là nhân đức luân lý nhờ đó con người phân biệt điều thiện hảo và sự gian ác để từ đó, tự do chọn lựa điều thiện hảo trong thực hành để hành vi nhân linh của mình có giá trị luân lý, đạo đức.. Hành vi nhân linh ( Human act) thì khác xa với hành động của con người ( act of man) ở điểm căn bản là hành vi nhân linh mang tính luân lý,( morality) còn hành động của con người thì không. Thi dụ : đi, đứng, nói ,cười , nằm nghỉ , ăn, uống, hít thở không khí….là những hành động tự nhiên của con người, không mang tính luân lý. Trái lại,chửi bới, lăng mạ người khác, giơ tay chém giết người, chân bước đi tìm thú vui dâm ô, ngoại tình, hoặc đi đến các nơi cờ bạc và vui chơi thác loạn… là những hành vi nhân linh vì xuất phát từ ước muốn của tâm hồn, của lý trí và tự do chiều theo những đòi hỏi của các khuynh hướng ( tendencies) xấu trong bản năng nên mang tính luân lý. Về mặt đạo đức, con người chỉ chịu trách nhiệm trước Thiên Chúa về mọi hành vi nhân linh của mình mà thôi.

Nghĩa là, nếu con người sử dụng đức khôn ngoan khi hành động thì sẽ tránh được những tội lỗi , những nguy cơ đưa đến hành động xấu và gian ác, trái nghich với những đòi hỏi của luân lý , đạo đức

2- Đức công bằng ( Justice) là nhân đức luân lý xuất phát từ Thiên Chúa là Đấng chí công vô tư. Chính Người đã truyền cho dân Do Thái xưa mệnh lệnh này: “ ngươi không được trộm cắp.” )Xh 20: 15; Đnl 5: 19, Mt 19: 18)

Đức công bằng đòi buộc con người tôn trọng tài sản, sinh mạng và danh dự của người khác như của chính mình khi sống chung trong cộng đồng xã hội.Nó cũng đòi buộc trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa như Chúa Giêsu đã nói bọn Biệt phái xưa kia: “ của Xê-da ( Caesar) trả về cho Cê-da, của Thiên Chúa , trả về Thiên Chúa.” ( Mt 22: 21; Mc 12: 17); Lc 20: 25).

Mỗi người chúng ta nhận lãnh từ Thiên Chúa một linh hồn và những tài năng trí tuệ khác nhau.Do đó, chúng ta phải trả lời Thiên Chúa về những gì mình đã làm cho linh hồn cùng những tài năng Chúa đã ban ; ví như chủ nhà kia đã trao cho các đầy tớ mỗi người một số nén vàng khác nhau, và cuối cùng chủ sẽ đỏi các đầy tớ đó tính sổ về những gì họ đã làm với những nén vàng họ đã nhận lãnh. ( x Mt 25: 14-30)

Liên quan đến đức công bằng, Thánh Phaolô đã khuyên tín hữu Cô-lô-xê như sau :

“Người làm chủ hãy đối xử công bằng và đồng đều với các nô lệ, vì biết rằng cả anh em nữa cũng có một Chủ ở trên trời.” ( Cl 4: 1)

Chúa là Đấng chí công vô tư, nên Người sẽ phán đoán chúng ta theo lòng nhân từ và công bằng của Người.Vì thế, đừng ai lầm tưởng rằng cứ bỏ nhiều tiền ra xin lễ, mua lễ đời đời và mua “hậu” của những nơi buôn thần bán thánh, là chắc chắn sẽ được vào Nước Trời sau khi chết. Trái lại, phải biết khôn ngoan sắm lấy cho mình kho tàng không hư mất ở trên Trời, nơi “trộm cắp không bén bảng, và mối một không đục phá” ( Lc 12 :33), bằng quyết tâm yêu Chúa và sống theo đường lối của Người ngay từ bây giờ thì đó mới là bảo đảm vững chắc cho phần rỗi mai sau để vui hưởng hạnh phúc Nước Trời. Không có cố gắng cá nhân công tác với ơn Chúa, mà chỉ dựa vào người khác cầu nguyện cho thì sẽ không ích gì, vì không ai có thể “ăn hộ “cho người khác được no nê về mặt thiêng liêng và tự nhiên được.

3- Đức dũng cảm ( Fortitude) là nhân đức luân lý giúp con người cương quyết thi hành điều thiên hảo mà lý trí đã nhận biết và thúc dục ý chí theo đuổi cho đến cùng, dù gặp nhiều khó Khăn cản trở.Nó cũng giúp con người chống lại mọi cảm dỗ của xác thịt, của ma qủi và gương xấu của thế gian, nhất là giúp con người dám chết cho niềm tin của mình như các Thánh Tử Đạo, cha ông ta. Đây chính là điều Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ xưa:

“ Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó.

Nhưng can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian.” ( Ga 16: 33)

Như thế., nếu không có đức dũng cảm và nhờ ơn Chúa nâng đỡ thì khó lòng đứng vững trước mọi nguy cơ cám đỗ hướng về sự dữ, sự xấu và tội lỗi.

4-Đức tiết độ ( Temperance ) là nhân đức luân lý giúp ta chế ngự những đòi hỏi, lôi cuốn của vui thú bất chánh hoặc tham mê những của cải và vui thú xác thịt trái nghịch với đức công bằng và với luân lý, đạo đức mà người tín hữu phải tránh cho được sống đẹp lòng Chúa. Không có đức tiết độ, người ta sẽ dễ chiều theo những đòi hỏi hay đam mê của dục vọng, và tội lỗi.

Đó là lý do vì sao Thánh Phaolô đã khuyên môn đệ Ti Tô như sau :

“ Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục , mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này.” ( Tt 2: 12)

B- Nhân đức đối thần hay thần học:

là những nhân đức hay động lực giúp ta hướng về Thiên Chúa là cùng đích của đời mình.Các nhân đức này minh chứng cụ thể niềm tin yêu và hy vọng của chúng ta đặt nơi Thiên Chúa là Đấng vô hình nhưng chắc chắn có thật và đã mặc khải Người cách trọn vẹn và cụ thể cho ta nơi Chúa Kitô, là Đấng cứu chuộc nhân loại, đã mang xác phàm để cho ai “ Thấy Thầy, thì cũng thấy Chúa Cha” như Chúa đã trả lời cho môn đệ Phi-lip Phê một ngày kia.( Ga 14:9)

Có 3 nhân đức đối thần là Tin, Cậy và mến.

1- Đức Tin ( faith): nhân đức đối thần này trước hết là một quà tặng ( gift) của Thiên Chúa ban nhưng không cho ta nhưng cũng đòi hỏi sự đáp trả của mỗi cá nhân bằng cố gắng cộng tác với ơn Chúa để đức tin được lớn lên theo thời gian trong chiều kích thiêng liêng. Khi được rửa tội, thì hạt giống đức tin này được gieo vào tâm hồn ta. Nhưng khi lớn lên, nếu không có sự giúp đỡ của cha mẹ và người đỡ đầu bằng gương sáng và lời giảng dạy về Thiên Chúa trong gia đình, và sau đó ở môi trường đức tin là giáo xứ hay công đoàn thì hạt giống đức tin kia không thể tự nó lớn lên được và sẽ không sinh hoa trái gì cho người nhận lãnh. Ngược lại nếu được hướng dẫn từ bé, lớn lên với niềm tin có Chúa và siêng năng cầu nguyện và lãnh các bí tích hòa giải và nhất là Thánh Thể thì sẽ giúp cho đức tin lớn lên đến mức trưởng thành. Sau đó, với quyết tâm của cá nhân cộng tác với ơn thánh để bước đi theo Chúa mỗi giây phút trong cuộc sống thì chắc chắc đức tin sẽ càng lớn mạnh nhờ đời sống đạo đức, vì “ đức tin không có việc lành là đức tin chết.” như Thánh Gia-cô-bê Tông Đồ đã quả quyết. ( Gc 5:6)

2- Đức Cậy : ( hope) là nhân đức đối thần giúp ta trông cậy vững vàng vào Chúa và hy vọng được vui hưởng Thánh Nhan Người một ngày kia sau khi kết thúc hành trình đức tin trong trần thế này.Dĩ nhiên phải nhờ cậy vào ơn thánh nâng đỡ để ta không nản chí, thất vọng khi gặp gian nan khốn khó trong cuộc sống và trong niềm tin có Chúa. Nếu ta bền chí trông cậy thì chắc chắn Chúa sẽ ban ơn nâng đỡ như Người đã hứa mà tác giả Thư Do Thái đã nhắc lại như sau:

“ Chúng ta hãy tiếp tục tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta cách vững vàng, ví Đấng đã hứa là Đấng trung tín.” ( Dt 10 :23)

3- Đức mến ( love, charity) là nhân đức đối thần rất quan trọng vì nhờ đó ta thể hiện cách cụ thể lòng yêu mến Chúa trên hết mọi sự và yêu thương anh em như chính bản thân mình. Thánh Phaolô đã coi đức mến ( đức ái) quan trọng hơn cả đức tin và đức cậy trong thư thứ nhất gửi tín hữu Coi-rin-tô như sau:

“ Hiện nay đức tin , đức cậy, đức mến

Cả ba đều tồn tại

Nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.” ( 1 Cor 13: 13)

Đặc biệt hơn nữa là chính Chúa Giêsu đã gọi đức ái là một điều răn mới Chúa ban cho các Tông Đồ sống và thực hành để chứng minh họ là môn đệ của Chúa:

“ Thầy ban cho anh em một điều răn mới

Là anh em hãy thương yêu nhau, như Thầy đã yêu thương anh em

Ở điểm này , mọi người sẽ nhận biết: anh em là môn đệ của Thầy

Là anh em có lòng yêu thương nhau.” ( Ga 14: 34-35)

Chính Chúa cũng vì yêu thương mà đã hy sinh mạng sống mình cho tất cả mọi người

Chúng ta được sống như Người đã nói với các môn đệ trước giờ tử nạn:

“ Không ai có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh

Tính mạng vì bạn hữu của mình.” ( Ga 15: 13)

Tóm lại, những nhân đức nói trên- nhân bản và đối thần- là những vẻ đẹp lỗng lẫy của mọi tâm hồn tín hữu Chúa Kitô sống trong Giáo hội và trong xã hội loài người để qua thực hành những nhân đức đó, người tín hữu sẽ là nhân chứng hùng hồn cho Chúa trước mặt người đời chưa nhận biết Chúa và chưa ý thức được giá trị thiêng liêng của các nhân đức ấy.Ước mong mọi người tín hữu chúng ta cố gắng trang bị cho mình những nhân đức nói trên để cho người đời cứ dấu này “ mà nhận biết chúng ta là môn đệ của Thầy” sống giữa họ. ( x. SGLGHCG số 1803- 1829)

Lm Phanxicô Xaviê Ngô tôn Huấn

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]