Chúng ta phải nghĩ như thế nào về những thiên tai như bão lụt, động đất khiến cho bao người phải chết, nhà cửa, tài sản tiêu tan?

Hỏi: Nhân trận bão lụt khủng khiếp vừa xẩy ra ở Phi Luật Tân khiến cho hàng chục ngàn người bị giết , hàng triệu người mất nhà cửa, tài sản, xin cha giải thích vì sao có sự khốn khó như vậy cho con người.

Trả lời: Tôi đã có dịp giải thích sự dữ, sự ác, sự đau khổ, nói chung, là một bí nhiệm (mystery) mà không ai có thể giải thích thỏa đáng lý do được. Những sự dữ đó vẫn thường xảy ra cho con người ở khắp mọi nơi và mọi thời đại, và người ta không có cách nào để ngăn ngừa, và tránh thiệt hại về nhân mạng và tài sản mỗi khi có thiên tai như bão lụt, động đất..xảy ra.

Thánh Augustinô (454-430) cũng đã suy nghĩ nhiều về sự kiện này, nhưng cuối cùng ngài cũng phải thú nhân như sau: “Tôi cố tìm xem do đâu mà có sự ác. Và tôi đã không tìm được câu giải đáp.” (Confessions 7: 7,11)

Thánh Phaolô cũng nhìn nhận như sau: “Thật vây, mầu nhiệm của sự gian ác đang hoành hành.” (2 Tx 2: 7)

Đúng thế, sự dữ, sự ác, nghèo đói, bệnh tật và thiên tai như bão lụt, động đất, sóng thần (Tsunami) vẫn tiếp tục gây đau khổ cho con người ở khắp mọi nơi. Một thực tế trái ngược và khó hiểu nữa là những kẻ gian ác, giết người, cờ bạc, sống vô luân, vô đạo vẫn cứ nhởn nhơ sung túc, trong khi biết bao người lành, người lương thiện lại gặp những đau khổ, như nghèo đói, bệnh tật, tai nạn xe cộ, thiên tai v.v. Cụ thể tháng 8 năm 2008, một xe buýt chở mấy chục người Công giáo ở Houston, Texas đi dự Đại Hội Thánh Mẫu ở Dòng Đồng Công (Carthage, Misouri) đã gặp tai nạn kinh hoàng khiến hàng chục người chết và bị thương nặng!

Tại sao họ đi làm việc đạo đức mà lại gặp tai nạn khủng khiếp như vậy, trong khi các xe buýt khác hàng ngày chở người đi đánh bạc ở Las Vegas, Lake Charles… hoặc phi cơ chở người di du hí ở Cancun (Mexico ) và Jamaika…thì lại chưa lần nào gặp tai nạn tương tự?

Lại nữa, phụ nữ sinh con thì dễ mắc bệnh ung thư ngực hay tử cung, nhưng các nữ tu sống độc thân thì có người cũng mắc chứng nan y này! Người uống rượu và hút thuốc nhiều thì dễ bị ung thư phổi hay bệnh bao tử, nhưng nhiều linh mục, tu sĩ không hút thuốc, không nghiện rượu vậy mà có người cũng bị ung thư phổi, bệnh bao tử!

Thật là điều quá khó hiểu xét theo lý trí và khôn ngoan của con người.

Xưa kia, người Do Thái thường cho rằng những đau khổ như bệnh tật, nghèo đói, đui, mù, què v,v là hậu quả của tội con người đã phạm. Ví thế. khi thấy một anh mù từ khi mới sinh, các môn đệ Chúa Giêsu đã hỏi Chúa xem có phải vì tội của anh này hay tội của cha mẹ anh, Chúa đã trả lời như sau :”Không phải anh ta, cũng không phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng chuyện đó xảy ra để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh.” (Ga 9: 3)

Việc của Thiên Chúa được tỏ hiện là Chúa đã cho anh mù được trông thấy để anh vui sướng đi ca tụng Chúa đã chữa cho anh khỏi mù lòa về thể lý, đồng thời cũng giúp mở mắt thiêng liêng cho anh được biết Chúa là Đấng Thiên Sai (Messiah) khi anh trả lời Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, tôi tin” (Ga 9 :38).

Như thế, đủ cho ta thấy rằng không thể cắt nghĩa những tai họa xẩy ra ở khắp nơi như động đát, bão lụt, sóng thần..v.v theo nhãn quan con người được. Nói rõ hơn, không thể suy đoán là Thiên Chúa đã phạt dân này, nước kia vì tội họ đã phạm mất lòng Chúa nên phải chịu những tai họa đó.

Cụ thể, cách nay 8 năm một cơn sóng thần đột nhiên xẩy ra ở các bờ biển chạy dài từ Thái Lan đến Nam Dương quần đảo khiến cho hàng trăm ngàn người bị nước cuốn đi cùng với nhà cửa, tài sản vào lòng biển cả. Lại nữa trong tháng 3 năm 2011 , một trận động đất dữ dội cũng gây ra sống thần ở Nhật Bản khiến hàng chục ngàn người bị giết hay mất tích cùng với nhà cửa, tài sản của họ.

Mới đây nhất là trận “siêu bão Haiyan” đánh vào Phi Luật Tân tuần trước khiến hàng chục ngàn người phải thiệt mạng và hàng triệu người khác bị lâm vào cảnh màn trời chiếu đất vì nhà cửa của họ đã bị bảo cuốn đị hay phá đổ.

Trước những thảm họa nói trên,.có người đã vội kết luận là vì Nhật Bản gây nhiều tội ác với cc dân Trung Hoa, Triều Tiên và cả ViệtNam trong thời kỳ đệ nhị thế chiến trước đây, nên bây giờ phải trả nợ máu! Cũng chung một lập luân như vây, nên Vương quốc Ả Rập Saudite cách nay 8 năm đã từ chối không trợ giúp nạn nhân các nước Thái Lan, Nam Dương, Ấn Độ bị sống thần gây nhiều thiệt hại về nhân mang và tài sản, chỉ vì chọ cho rằng các vùng bải biển bị sóng thần cuốn đi là những nơi ăn chơi tội lỗi của dân địa phương và những du khách khắp nơi trên thế giới tìm đến để mua vui bất chính nên đáng bị phạt!

Chúng ta phải nghĩ thế nào về những lập luận đó ?

Để trả lời cho câu hỏi này, ta cần đọc lại một trình thuật trong Tin Mừng Thánh Luca nói về mấy người Ga-li-lê-a bị Tổng trấn Phila-Tô giết chết rồi lấy mấu hòa lẵn với máu tế vật, và mười tám người khác bị tháp Si-lô-a đổ xuống đè chết. Trước những thảm họa này, có mấy người đã đến hỏi Chúa Giêsu xem có phải vì tội của họ mà những nạn nhân trên phải đền phạt cách nhãn tiền hay không. Chúa đã trả lời như sau: “Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối thì các ông cũng sẽ chết y như vậy.” (Lc 13:5)

Câu trả lời trên của Chúa dạy chúng ta 2 điều quan trọng như sau:

1- Trước hết, không thể vội kết luận rằng những người gặp tai họa như động đật, bão lụt, sống thần v.v. đều là những người tội lỗi hơn người khác và đáng bị Thiên Chúa phạt cách nhãn tiền.

Cứ nhìn vào thực trạng thế giới ngày nay cũng đủ cho thấy là suy nghĩ như trên không đúng

Đây là thực tế: có biết bao nhà độc tài, chế độ cai trị hà khắc, làm khổ người dân chẳng may rơi vào ách thống trị độc ác của họ. Lại nữa, cũng đầy rẫy ở khắp nơi những kẻ đang làm những việc vô đạo như giết người, cướp của, cờ bạc, buôn bán phụ nữ và trẻ em cho bọn vô lương tâm đang làm giầu với kỹ nghệ mãi dâm vô cùng khốn nạn và tội lỗi . Dầu vậy, bọn người này và những nhà độc tài cùng với chế độ ác nghiệt của họ vẫn tồn tại đã bao nhiêu năm qua, và những kẻ làm điều gian ác, tội lỗi đó vẫn sống phây phây không biết đến bao giờ mới bị trừng phạt và lật đổ ???

Tại sao Chúa chưa phạt nhãn tiền những kẻ gian ác này để giải phóng cho bao triệu dân lành vô tội phải chịu ách thống khổ triền miên như vậy? Tại sao những kẻ làm những việc vô luân vô đạo vẫn sống phây phây và sung túc để thách đố những người lương thiện lại gặp gian nan, nghèo đói, đau khổ?

2- Dầu vậy, tội lỗi cũng có thể gây nên tai họa như lời Chúa nói trên đây: “nếu không sám hối thì sẽ chết”. Như thế có nghĩa là dù Chúa biết và chê ghét tội lỗi của con người, nhưng còn khoan dung chờ kể gian ác, kẻ có tội, sám hối, cải tà qui chánh để khỏi phải chết không nhữngvề thể xác mà còn cả về mặt thiêng liêng, tức là phải vĩnh viễn xa lìa Thiên Chúa là Nguồn an vui, hạnh phúc bất diệt.

Tin Mừng Thánh Gioan cũng kể lại một bênh nhân kia đã được Chúa Giêsu chữa cho lành khỏi. Nhưng sau đó, khi Chúa gặp lại người này trong Đền Thờ, Chúa đã nói với anh ta như sau: “Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa kẻo lại phải khốn khó hơn trước.” (Ga 5: 14). Như thế có nghĩa là tội lỗi có thể tức khắc gây ra hậu quả tai hại cho con người căn cứ theo lời Chúa nói trên đây.

Kinh nghiệm thực tế cũng chứng minh điều này: kẻ lưu manh đôt nhập vào tư gia để ăn cắp có thể bị chủ nhà bắn chết tại chỗ ( ở Mỹ, đa số người dân có súng đạn trong nhà để tự vệ). Gian dâm cũng có thể đưa đến án mạng cho dâm phu hay dâm phụ và tan vỡ hạnh phúc gia đình vì nghen. Say mê tốc độ để lái xe quá nhanh có thể gây tai nạn tử vong cho chính mình và cho người khác. Đó là một vài thí dụ điển hình để minh chứng là tội lỗi có thể gây hậu quả tai hại tức khắc cho những ai liều mình làm những việc sai trái, tội lỗi.

Tuy nhiên, thường tình chúng ta thấy những kẻ làm điều gian ác độc dữ vẫn sống nhởn nhơ ở khắp mọi nơi như thách đố những người lành, người lương thiện đang bị nghèo đói, bệnh tật, bất công xã hội, tai nạn xe cộ v. v.

Nhưng, có lẽ lý do vững chắc để giải thích vì sao những kể gian ác chưa bị trừng phạt nhãn tiền là vì Thiên Chúa còn khoan dung cho chúng cơ hội để ăn năn hối cải trước khi Người bất đắc dĩ phải đánh phạt họ như Chúa đã phán qua miệng ngôn sứ Ê-dê-ki-en như sau

“Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi thấy nó thay đổi đường lối để được sống, Hãy trở lại, hãy từ bỏ đường lối xấu xa của các người mà trở lại.” (Ed 33: 11)

Như thế, cho thấy rõ Thiên Chúa quả thực là người Cha nhân lành, đẫy lòng thương xót và mong muốn cho kẻ tội lỗi thống hối ăn năn để được tha thứ như Người đã nói thêm như sau:

“Hoặc giả Ta nói với kẻ gian ác “chắc chắn ngươi phải chết. Nhưng nếu nó từ bỏ tội lỗi mà trở lại, và thực hành điều công minh chính trực…. thì chắc chắn nó sẽ được sống và không phải chết.” (Ed 33: 14)

Nói khác đi, Thiên Chúa muốn kẻ có tội nhận biết tội mình đã phạm và còn tin tưởng nơi lòng thương xót vô biên của Người để xin tha thứ thì chắc chắn sẽ được thứ tha, trừ tội phạm đến Chúa Thánh Thần, tức tội chổi bỏ Thiên Chúa hoàn toàn, thì sẽ không được tha thứ mà thôi. (x. Mc 3: 28-29; Lc 12:10)

Tóm lại, không thể căn cứ vào tai họa của người khác mà kết luận họ là những kẻ tội lỗi đángphải phạt. Cũng không thể nghĩ rằng những kẻ đang làm điều gian ác mà chưa bị phạt vì tội của họ không đáng phải phạt. Họ chưa bị phạt vì Thiên Chúa còn khoan dung chờ đợi họ sám hối để xin Người tha thứ và được sống.

Mặt khác, khi thấy những tai họa lớn lao như bão lụt, động đất, sóng thần, bất ngờ xảy ra ở đâu và cho ai, thì đó cũng là dịp thức tỉnh mọi người chúng ta về sự cần thiết phải chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng vì “chính giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến.” (Lc 12: 40)

Sau hết, khi thấy người khác bị tai họa, không may thì đó cũng là dịp thích hợp cho ta thực hành đức bác ái Công giáo để tỏ tình thương, thông cảm và rộng tay cứu giúp những anh chị em chẳng may gặp hoạn nạn như chiến tranh, bão lụt, động đất và sóng thần … không phân biệt mầu da, tiếng nói và tôn giáo. Chính Chúa Giêsu đang hiện diện nơi những nạn nhân đau khổ đó và Người mong đợi chúng ta mở lòng nhân ái cứu giúp họ để sau này xứng đáng được nghe lời Chúa phán như sau: “Nào những kẻ Cha ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thủa tạo thiên lập địa, vì xưa Ta đói các ngươi đã cho ăn; Ta khát các ngươi đã cho uống. Ta đau yếu các ngươi đã thăm nom….” (Mt 25: 34-35)

Ước mong giải đáp trên đây phần nào thỏa mãn câu hỏi được dặt ra

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment