- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Bí Tích Hôn Nhân

Trọng kính cha, đầu thư chúc cha mạnh khoẻ để phục vụ tha nhân và giúp đỡ nhiều linh hồn về cùng Chúa. Đã từ lâu con rất thao thức về vấn đề quan trọng bí tích hôn nhân, mà không hỏi được các đấng bản quyền cho thoả đáng. Nay mạnh dạn viết thư này xin hỏi cha cho tỏ tường. Nhân đọc được bài báo có mục Hỏi Để Sống Đạo có một đề tài liên quan vấn đề: “Một thảm hoạ?” Trường hợp một bên là Công Giáo, một bên ngoại giáo, vẫn có quyền kết hôn; miễn sao, buộc sinh con phải cho rửa tội. Khi nghe vấn đề này, con đã trực tiếp hỏi một linh mục, “chịu chức tại Việt Nam, tỵ nạn tại Hoa Kỳ sau 1975”. Ngài trả lời là đúng vậy; ở Hoa Kỳ thì phổ biến cho giáo dân biết, còn ở Việt Nam thì các đấng bản quyền không phổ biến cho giáo dân biết. Thưa cha, chúng con là những con chiên chỉ tin Thiên Chúa. Giáo Hội thay mặt cho Thiên Chúa phán thế nào thì theo thế vậy. Nhưng đứng trước một vấn đề mà trái ngược lại những điều mình đã học từ khi có trí khôn, nên không khỏi thắc mắc. Đây chỉ là cách giải quyết tạm thời, có nay mà không có mai; vì không răn được cha mẹ sao dạy được con? Rồi mai đây họ sẽ lại có nhiều lý do để ly hôn. Nhìn lại bao nhiêu đôi hôn phối hợp pháp, chính thức; vậy mà còn viện nhiều lý do để được tái hôn, như hai trường hợp sau đây.

a/ Đôi hôn phối có cha, có mẹ và cả họ hàng làm chứng. Họ trưởng thành, có nghĩa rằng: không tảo hôn, không bệnh tật, không bị ép buộc, không bị lừa dối v.v… Vậy không có một lý do nào để các đấng bản quyền cho ly hôn. Thế mà chỉ vài năm sau họ ly dị. Nay người phụ nữ đó đã đi lấy chồng và được hợp pháp đến nhà thờ. Còn người chồng cũng đang đến toà nọ, toà kia để xin tháo gỡ, và đi lập gia đình lần thứ hai. Đó là trường hợp sống và trưởng thành ở Hoa Kỳ.

b/ Đôi hôn phối thứ hai này ở Việt Nam. Sống với nhau có 4 mặt con. Năm 1975 chồng đi cải tạo. Năm năm sau khi trở về viện lý do là vợ phản bội, xin các đấng bản quyền cho cưới vợ khác, nhưng không một linh mục nào chấp nhận. Ông vẫn tổ chức đám cưới và mời họ hàng, bạn bè tham dự. Cha xứ trình lên giám mục của mình. Cuối cùng giám mục địa phận phán rằng: Ai đi tham dự đám cưới đó sẽ bị rút phép thông công. Do vậy, đám cưới ngày hôm đó không ai tham dự, nhưng họ vẫn ăn ở với nhau và sinh con như thường. Dòng đời thay đổi. Họ có cơ hội định cư tại Hoa Kỳ. Và họ trình cha xứ thế nào đó mà được lên bàn thờ làm các phép bí tích.

Kính thưa cha, đây là những trường hợp trong rất nhiều trường hợp mà nếu ở Việt Nam, sẽ không bao giờ được phép tái hôn; mà ở Mỹ này các đấng bản quyền vẫn cho phép. Vậy có phải chăng, con người sống ở nước văn minh, tự do thì sẽ có những điều luật thay đổi để phù hợp? Theo như nhận định của nhiều người hiện nay. Đứng trước những trường hợp này, cha nghĩ gì? Xin chào cha. (Quang Vũ)

Ông Quang thân mến,
Thông cảm với nỗi lo lắng hợp lý của ông. Ông hỏi tôi nghĩ sao, tôi nghĩ tôi không nên kết luận vội điều gì. Có nhiều điều tôi chưa biết, nhiều điều chỉ xem bên ngoài vậy mà sự thực không vậy. Tuy thế, chúng ta phải thành thực nhận rằng một sự lành cấp mấy, ma quỉ cũng có thể lợi dụng làm sự dữ được. Tuy nhiên người ta có thể nói dối, đánh lừa các đấng trong Giáo Hội nhưng người ta có thể dối được, lừa được Thiên Chúa không? Lừa được lương tâm mình không? Ông yên chí, Chúa mới là người nói tiếng sau cùng!

Trong một số trường hợp có thể có sự khác biệt văn hóa. Một số trường hợp nếu một người bị như thế ở Mỹ đã là ép buộc nhưng ở văn hoá Á châu đó là chuyện dĩ nhiên của mọi người. Cách đây nhiều thập niên, khi nhà trai mang trầu cau đến, cha mẹ hỏi cô nào không trả lời “con chả”. Đưa câu “con chả” đó làm chứng bị ép thì chắc là không thật lòng với Đức Chúa Trời rồi. Tôi nghĩ không dễ lừa được ông cha Mỹ đâu!

a. “Một bên là Công Giáo, một bên ngoại giáo, vẫn có quyền kết hôn; miễn sao, buộc sinh con phải cho rửa tội” Không có quyền đâu ông! Nếu “một bên là Công Giáo, một bên chưa rửa tội” kết hôn mà không xin phép chuẩn là ‘hổng’ thành đó. ‘Hổng’ thành nghĩa là không có quyền. Phải có phép “chuẩn” chước cho với điều kiện như ông đã nêu là điều kiện bên ngoài. Còn cả hai phải học hỏi để sửa soạn hôn nhân là điều kiện dĩ nhiên. Ai có trách nhiệm xin phép cho họ phải có trách nhiệm cho cả hai cùng trưởng thành!

b. “Nay người phụ nữ đó đã đi lấy chồng và được hợp pháp đến nhà thờ. Còn người chồng cũng đang đến toà nọ, toà kia để xin tháo gỡ, và đi lập gia đình lần thứ hai.” Tôi không tin câu chuyện này của ông là sự thật khách quan hoàn toàn. Có thể là sự thật với ông mà thôi! Một điểm nhỏ là kết hôn là chuyện cần hai người. Nếu một người được tháo gỡ hợp pháp – nghĩa là hôn phối từ ban đầu đã không thành – thì người kia cũng chẳng còn gì mà ràng buộc. Nếu “người chồng cũng đang đến toà nọ, toà kia để xin” là xin xét lại việc tháo gỡ, vì ông ta có lý chứng không thể tháo gỡ như trường hợp Sheila Rauch sang tận Roma để bảo vệ dây hôn phối với dân biểu Jose Kennedy, dù hai người đã ly dị vì lương tâm không cho bà nói dối với Chúa. Vậy ông biết chuyện ông hãy ráng hy sinh giúp làm chứng cho người chồng nha!

c. Về câu chuyện sau, tôi xin thưa thế này, ngay tại Mỹ một người “viện lý do là vợ phản bội, xin các đấng bản quyền cho cưới vợ khác,” thì chắc chắn chả một linh mục nào dám chấp nhận! Tôi thấy sự thật đó vẫn đúng tại Mỹ cũng như Việt nam. Khi vợ chồng phản bội nhau, người ta có thể xin phép để ly thân, chứ không phải lý do để cưới người khác. Tôi không nghe ông kể người đó làm đơn xin tòa Giáo Hội xét lại phép hôn phối của ông ta ở Việt nam. Nếu thế sao ông dám quả quyết “đây là những trường hợp trong rất nhiều trường hợp mà nếu ở Việt Nam, sẽ không bao giờ được phép tái hôn” ? Người chồng ở Việt nam đã không theo luật để cưới lần sau. Ở thời kỳ đó, ai ở Mỹ mà cưới như vậy là bị rút phép thông công tự động, chứ không cần toà Giám mục nào tuyên bố nữa. Chỉ cách đây ít năm, các Giám Mục Mỹ xin bỏ án rút phép thông công đó cho giống các nơi khác trên thế giới. Vậy ông thấy trước đây, ở Mỹ ngặt hơn chứ. Ngày nay tại Mỹ nhiều trường hợp tòa án tuyên bố không đủ lý để tuyên bố hôn phối vô hiệu dù cả hai đều xin hủy bỏ. Tôi nghĩ điều quan trọng hơn là chúng ta làm gì để hôn phối được bền vững và thánh thiện.

Lm. Francis Lương Minh Tri,CMC

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]