- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Tự Do và Giới Hạn

Mình thích tự do nhưng mình lại dễ cưỡng bức người khác làm theo ý mình. Con người không thông cảm vì người cưỡng bức người. Sự cưỡng bức này truyền từ đời cha sang đời con, đời ông sang đời cháu. Nó ăn sâu trong xương tủy, tới mức biến thành tiềm thức, rồi người này cưỡng bức người kia mà vốn lầm tưởng rằng mình đang kính trọng nhau. Nguyên nhân gây ra cưỡng bức là vì muốn tỏ ra mình quan trọng, có uy quyền, hay vì muốn thủ lợi riêng tư. Kết quả của cưỡng bức, của đàn áp tự do, là muốn người thương yêu phục vụ mình, nhưng mình lại cắt đứt nhịp cầu thương yêu phục vụ này.

Nhịp cầu thương yêu phục vụ chính là sự kính trọng tự do của nhau, với lương tâm chịu trách nhiệm về việc mình làm. Trong ba phần của nghệ thuật cảm thông là lý trí, tình cảm, và tự do. Ở đây chỉ xin đề cập đến phần tự do.

Bàn đến tự do là bàn đến muôn hình vạn trạng của đời sống con người, như tự do suy nghĩ, tự do để râu tóc dài ngang vai, tự do đi câu, tự do ngồi yên trong thánh đường, v.v. Rồi “tự do” trả nợ, tự do mang thai vì anh cho thai mà không cho tình. Bài này nhìn vào những việc cụ thể nơi mình, như chiều nay định nghe nhạc trong nhà, hay định hóng mát ngoài công viên? Hoặc đi thăm người yêu, hoặc đi mua thuốc cảm sốt cho con? Hay “việc đâu sẽ còn đó”, lo quá hoá điên, nên cần… xả láng một ngày cho nhẹ mình? Qua những việc cụ thể này, tự do của tôi thuộc những lãnh vực nào? Làm sao để tôi “chết vui” chứ không “chết buồn”?

I. Lòa thì Vui, sáng thì Lo

– Chào minh tinh màn bạc Hollywood!

Anh Đ. dìu chị C. vào phòng họp giữa tiếng tíu tít của các anh chị cùng đi giúp khoá Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình. Cách đây ít lâu, chị C. bị cảm nặng, các bác sĩ bảo những trường hợp như vậy, đa số đều chết. Chị C. không chết, nhưng người sưng phù, rồi tóc rụng và đầu sần sùi, rồi toàn thân lột hết da, kể cả da đầu, da trong miệng, trong mắt. Sau mấy tháng, chị ra khỏi nhà thương, nhưng da non mỏng như da người bị phỏng nước sôi mà nay bắt đầu lành, đụng mạnh là bật máu tươi. Vì da trong mắt cũng bị lột nên sừa sưng vừa mù loà.

Nếu nghe ai bảo mình “mù” trước khi mắt bị hư, thì chị C. ngượng ngùng, vì không biết người nói ám chỉ gì. Nay chị thấy mình tự do, vượt lên trên những lo toan mà khi xưa chị cho là dĩ nhiên phải có, thí dụ: “Dĩ nhiên” phải tô thêm chút phấn khi ra ngoài. “Dĩ nhiên” phải lựa mầu áo tươi sáng khi đi ăn cưới; còn khi đi đọc kinh lễ giỗ thì “dĩ nhiên” phải mặc đồ đậm nghiêm trang. Nếu ai chào nửa đùa nửa thật như trên, thì “dĩ nhiên” phải tìm cho ra nhẽ. Nay bình tâm suy nghĩ lại, chị mỉm cười sung sướng, vì chị thoát ra ngoài vòng gò bó của những cái “dĩ nhiên” này.

Khi xưa mắt sáng thì chị C. ngột ngạt. Nay mắt loà thì chị thoải mái bình an. Chị hạnh phúc vì tìm thấy tự do trong mù loà, thấy ý nghĩa thương yêu trong mất mát. Chị tâm sự rằng chị muốn gặp gỡ, muốn làm việc tông đồ để có tâm tình yêu thương trong những dằn vặt, tỉ dụ như đi tới đâu là chị đành ngồi yên, chịu trận một chỗ. Ngay “việc cần” cũng… cần người dắt. Nhưng lúc bị lệ thuộc là lúc chị tìm được tự do của giải thoát.

Cười hiền hoà, chị C. dí dỏm trả lời câu “Chào minh tinh màn bạc Hollywood”:

– Chào các anh chị, Hai em T. và Y. chọc chị đấy hả? Đi mà có chồng dìu thế này thì đúng là minh tinh… loà thượng thặng rồi. Em Y. à, em chịu khó dắt chị lên Hollywood để chị đóng phim “Nhất Vợ Nhì Trời” nhé!

Chị Sương chiều anh Nghiêm, vừa tìm hiểu sở thích của anh, vừa dồn tâm tình vào cách thức chiều chồng. Nhưng anh Nghiêm không vui vì anh giống như nhiều người, không thấy mình thoải mái tự do khi mình đang bơi ngụp trong tình thương thoải mái này. Khi chị Sương đau, không pha cà phê cho anh Nghiêm ban sáng được, hay khi chị phải đi xa, thăm cha mẹ già, lúc đó anh mới cảm thấy những lúc có chị ở nhà là có nguồn hạnh phúc. Ít người sung sướng khi mình hít thở thoải mái, cho đến khi ngất sỉu vì ngộp thở, lúc đó mới quý trọng những giây phút hít thở tự do.

Mất mát, chẳng hạn như chị C. mất mắt sáng, có khi lại ích lợi, lại tiến tới bay bổng bình an. Lúc còn vật chất là còn sở hữu, dầu vật chất đó là cánh tay, là lông mày lá liễu, là gò má mịn màng. Mà khi còn sở hữu là còn gò bó ràng buộc, còn nhức đầu mất ngủ vì sợ bị mất mát thiệt thòi. Tâm lý loài người mâu thuẫn vì mục đích giữ gìn sức khoẻ, giữ gìn những vật chất là để được hạnh phúc; nhưng khi giữ gìn những thứ đó, thì lại mất hạnh phúc, mất tự do vì sống trong hồi hộp, trong phập phồng sợ xe hư, sợ động đất nhà sập, sợ cảm sốt, v.v. Những sợ sệt này là nguyên nhân gây cho mình mắc bệnh đau tim, tức ngực, nằm ngủ là ú ớ, mơ bị ma đè, chết trôi sông. Vì mình không an hưởng hạnh phúc đang có, nên mất luôn cả hạnh phúc tương lai. Phải chăng đây là một trong những lý do Thượng Đế để con người cụt chân, gãy xương sống, loét bao tử, để con người tiến tới tự do, giải thoát?

Tàn tật và bệnh hoạn đem lại lợi ích vì khi tay bị liệt chẳng hạn, người liệt tay vừa không lệ thuộc bàn tay, vừa biết quý báu bàn tay còn lại. Không lệ thuộc bàn tay, vì xét đến cùng, bàn tay cũng là phương tiện để một người được hạnh phúc, chứ chính bàn tay chưa phải là hạnh phúc. Vì không phải là hạnh phúc cuối cùng, nên có người thật hạnh phúc mà cụt tay, cũng như nhiều người đủ hai tay mà đau khổ. Người này tự do di chuyển tay chân, nhưng không tự do di chuyển tâm thần. Tâm thần bị trói buộc dày vò là tâm thần khổ sở. Khổ sở vì bị giày vò còn khổ sở hơn vì cụt tay hay liệt tay.

Nếu có hai tay mà cụt một tay, lúc đó mới quý chuộng cánh tay còn lại. Nói khác đi, khi mất tay mới thấy hạnh phúc của người tự do, người muốn cử động bàn tay thế nào tùy ý. Vậy nguyên sự kiện có tự do chưa làm con người hạnh phúc, mà còn cần ý thức, cần biết giá trị của tự do, cần rung cảm chân thật cái ân huệ mình đang hưởng miễn phí nữa.

Một tu sĩ được hưởng ân huệ của nhà dòng không những về tâm lý đạo đức mà còn về thể chất, nhưng tu sĩ đó không biết những ân huệ mình đang tự do hưởng nhận. Tu sĩ này có cơm ăn hằng ngày mà không phải băn khoăn lúc nào hết rau, cá, hết gạo, nước mắm, v.v. Khi xuất tu, nếu không đi làm, không tích sẵn than củi thì không nấu được cơm, lúc đó mới thấy giá trị của lời: “Ai ơi bưng bát cơm đầy, Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”. Hay trường hợp người còn mẹ, hoặc còn chồng, thì không quý trọng những giây phút được tự do bên mẹ tuổi già, bên chồng thủy chung. Khi chồng chết, hay mất mẹ, lúc đó mới thấy thời gian ở bên nhau là quý báu.

Cảm thông chân thật đòi hỏi phải có tự do, nghĩa là có thể nói có hay nói không. Có thể đồng ý chấp nhận tình thương người khác trao tặng cho mình, hay là khước từ tình thương đó. Một người trao tặng tình thương mà không để cho người đối diện được quyền chấp nhận hay từ chối, lúc đó không còn là trao tặng, mà là cưỡng bức. Ngược lại, nhiều trường hợp, một người nhận quà tặng mà không biết ơn, vì tự ái hay vì không biết giá trị của quà tặng. Khi mất quà tặng hay là mất người tặng quà, lúc đó mới bừng tỉnh, mới ngưỡng mộ món quà, hay ngưỡng mộ người tặng quà.

Đôi khi nên xử dụng tâm lý “mất mới quý” này để tăng thêm cảm thông. Thí dụ: con có dư quần áo giầy dép, nên không quý đồ dùng, không cảm ơn cha mẹ. Hay vì tôi luôn ăn uống no đủ, nên không hạnh phúc vì còn đồ ăn uống, còn bao tử lành mạnh, dễ tiêu hoá. Nay để con phải thiếu thốn đôi chút, để mình nhịn ăn, ăn chay chẳng hạn, lúc đó con có thể biết ơn bố mẹ hơn, cũng như mình có thể biết ơn người cấp dưỡng đồ ăn thức uống, biết ơn Đấng cho mình sức khoẻ thoải mái, ăn hoài còn đói, ngủ mãi mà còn muốn ngủ nước, v.v. Trong thiếu thốn, mới nhận ra mình đầy đủ. Trong giới hạn, mới nhận ra mình tự do.

Tại sao có mâu thuẫn khi quả quyết rằng: “trong giới hạn nhận ra mình tự do”? Tự do của con người có giới hạn, vì con người không đủ khả năng để nhận lãnh tự do vô hạn. Này nhé, tôi có tự do ăn, nhưng bao tử của tôi không có tự do chứa thức ăn vô hạn định, nên nếu tôi ăn nhiều, vượt quá giới hạn chịu đựng của bao tử, lúc đó tôi phá hủy tất cả tự do, vì tôi bị bất tỉnh, phải vào nhà thương rửa ruột, nôn mửa ra những gì tôi đã ăn vào. Từ xâm phạm tự do ăn uống này, tôi mất tự do đi lại, vì tôi phải nằm liệt giường. Liệt giường đưa tới mất tự do đi câu, đi phục vụ bác ái, đi làm, kể cả tự do viết thư tình, vì tình cảnh của tôi lúc đó lên cơn cảm sốt, trùm mền kín từ chân tới đầu. Đầu bị giới hạn trong mền nóng ran là đầu không còn tự do để suy nghĩ những vần thơ trao cho người yêu.

Tình tự do là tình trong giới hạn, trong khuôn khổ của luân thường đạo lý, của luật pháp dân tộc. Dân tộc nào văn minh, tự do và dân chủ thực sự, là dân tộc có nhiều luật pháp chi phối, để tự do của người này không xâm phạm đến tự do của người kia. Sự giới hạn tự do này tạo ra liên đới, ra tình thông cảm của xã hội văn minh, một sự thông cảm có khi bị coi như không còn thông cảm.

Thí dụ, để dân chúng trong một thành phố có nửa triệu người “thông cảm” giúp ích cho nhau, hội đồng dân cử của thành phố đó ra nghị luật, buộc mọi nhà phải trồng cỏ và trồng cây trước nhà cho mát mẻ. Lại phải đậu xe trên đường xi măng, chứ không được đậu trên cỏ, mặc dầu cỏ đó do mình trồng ra. Thêm nữa, để phong cảnh thành phố quang đãng, không nhà nào được làm hàng rào cao quá hai thước. Ngoài ra, không ai được cho người ăn xin ngoài đường. Nếu cho, sẽ không được khen là bác ái, mà còn bị cảnh sát bắt, vì như vậy là dung dưỡng những người lười biếng và làm mất vẻ đẹp, vì thành phố có đủ nhà tế bần cho người thật sự nghèo túng. Trong trường hợp của thành phố này, ai không nhận những luật lệ giới hạn trên đây, là người bị coi như man rợ tiền sử, người phá hoại tự do chung, người làm hại mình và làm hại người xung quanh.

Lòng mong muốn thì vô giới hạn, nhưng thể hiện lòng mong muốn thì có giới hạn. Con người không thể làm vô giới hạn, vì chính con người có giới hạn. Giới hạn trong không gian, vì thân xác mình không thể ở nhiều nơi cùng một lúc. Nếu lúc này ngồi đánh máy ở trong nhà, thì mình không thể bắt sâu cắn gốc cây bí ở ngoài vườn, hay không thể trong một khoảnh khắc vừa ở bên Tàu vừa ở bên Tây. Ngoài ra, mình bị giới hạn trong thời gian, vì mình có khởi điểm thì sẽ có kết thúc. Đời chỉ là một “mẩu” thời gian ngắn ngủi. Như thế, làm sao có thể nói tới tự do hoàn toàn? Và giới hạn cuối cùng là sự chết.

Nếu lạm dụng thân xác vô giới hạn, thí dụ, làm vô độ, nghĩ ngợi vô chừng mực, hưởng lạc bất kể ngày đêm, say sưa trác táng liên hồi, v.v., thì hậu quả là mất hết vì chết sớm. Vậy nếu muốn sống lâu hơn để làm nhiều hơn, để hưởng trăng thanh gió mát thoải mái hơn, để thông cảm thân tình hơn, lúc đó cần trung dung. Trung dung tức là nhận rằng tự do của mình có giới hạn. Lúc khiêm nhường nhận rằng mình thể hiện tình thương yêu chưa được trọn vẹn, lúc đó mình làm cho người khác được yên vui hơn. Khi nhận mình cũng yếu kém như người, nhận mình đồng cảnh ngộ nay còn mai mất, lúc đó người và mình gần gũi nhau hơn, chia sẻ vui buồn, cảm thông với nhau hơn.

Đó là lý do khi anh Đ. dẫn chị C. mù loà lên làm trợ tá cho Khoá, cả Khoá đều lên tinh thần. Anh chị giúp mọi người ý thức giới hạn của mình. Giúp biết hạnh phúc với những gì đang có. Nhất là có thêm nghị lực trong những yếu kém, vì chị C. cũng là người như mình, mà chị bị mất nhãn quan, mất ánh sáng, nhưng chị không mất niềm vui. Trái lại, chị trao tặng an vui cho người còn mắt mà mù loà, còn thấy ánh sáng mà lòng tối tăm cay đắng.

II. Nên Điên, Hay Nên Tỉnh?

Bà Toàn khi điên thì cười nói vui vẻ, nhưng khi tỉnh thì ủ rũ đau khổ. Bà muốn cái đẹp tuyệt đối, muốn tự do hoàn toàn. Bà nghĩ rằng bà: “muốn là phải được”. Và bà đã được, rồi đã mất. Đời bà bắt đầu bằng tuổi ô mai quý phái, bằng thời con gái kiêu sa, để kết thúc bằng đời về già trong nhà thương điên.

Khi còn bé, bà Toàn là con một nhà buôn lớn. Thật ra, ông bà nghèo nàn, nhưng nhờ mạo hiểm, dám vào sinh ra tử chở hàng hoá và thuốc lậu đến những vùng âm u chướng khí, nên sau mấy năm ông bà lắm tiền nhiều của. Khi sinh con đầu lòng, ông bà đặt tên là Toàn, để muốn con mình toàn vẹn chứ không cơ cực như cha mẹ thuở hàn vi. Bé Toàn muốn gì được nấy. Có tới hai người hầu hạ bé, một người nấu ăn giặt giũ, còn một người lo đồ chơi và dạy bé đánh vần. Bé quen ra lệnh cho người ở từ khi lên 2, lên h. Trong tiềm thức, bé tưởng bé có quyền đòi hỏi mọi chuyện, và chuyện gì cũng phải hoàn hảo. Bé muốn là được.

Đến tuổi con gái, em Toàn tới trường là tới nơi “lên xe xuống ngựa” theo nghĩa nhiều thầy cô chiều em không nguyên vì em đẹp đẽ, mà vì chiều em là được lòng ba má em. Được lòng ba má em thì dễ nhờ mua máy móc rẻ, quần áo đồ dùng rẻ, kể cả mua xe, mua nhà rẻ. Cha mẹ, thầy cô trong trường, cho đến những người em tiếp xúc, hoặc vô tình hay cố ý thủ lợi, đều góp phần để tạo cho em một tâm lý kiêu sa. Em chuyển từ em Toàn thành cô Toàn, vì em đã biết yêu thương. Một đàng cô muốn bản thân mình thong dong, không bị gò bó vì bất cứ chuyện gì. Hậu quả là cô ăn nhiều để rồi bày bẩn ly chén nhiều. Mặc đẹp nhiều để rồi liệng quần áo dơ bẩn lôi thôi nhiều. Đàng khác, cô gò bó kẻ ăn người ở, gò bó cả người yêu của cô phải chiều theo ý cô. Người tốt là người vâng lời cô như con cừu. Còn ai có tự do sáng kiến đều bị cô kết tội là chống đối, nên cô cho nghỉ việc, hay cho tuột dù tình yêu vì “anh chàng này không thương được”. Nhưng nếu ai rụt rè, không dám ứng biến để công việc cô trao được xuôi chảy, thì cô lại ghép vào tội lười biếng. Kết quả giống nhau, vì cô cũng cho nghỉ việc, hay cũng cho tuột dù tình yêu vì “anh chàng này ngố quá”.

Vì cô Toàn độc đoán, nên không ai có thể tự do bộc lộ tâm tình với cô. Người nói yêu cô không phải vì yêu cô chân thật, mà vì lợi dụng cô. Về phần cô Toàn, cô càng trở thành bất toàn vì cô không muốn biết kẻ khác phản ứng thế nào về cô. Cô chỉ nghe người nói xuôi theo những điều cô tưởng tượng, chứ không nghe để tìm hiểu người khác nghĩ gì về cô.

Khi muốn cưới chồng, cô bĩu môi chê nhiều đàn ông, cũng như nhiều đàn ông bĩu môi chê cô. Sự liên hệ giữa cô và người khác chỉ có dáng vẻ niềm nở, còn trong thâm tâm không ai tự do muốn đến với ai. Tuy nhiên, một người đàn ông vì ham tiền, đã luồn cúi cô và gia đình cô. Bề ngoài, người đàn ông này chiều chuộng, để cô tự do tùy ý, nhưng trong lòng cay đắng, tìm cách phỉnh gạt. Anh nói với bạn bè rằng: “Chiều nó, để nó tưởng mình hoàn toàn theo ý nó. Khi xỏ được mũi, sẽ bắt nó hoàn toàn theo ý mình.” Cô Toàn cưới anh thật. Và anh cũng thật sự làm đúng kế hoạch đã định. Anh muốn đào mỏ bố mẹ vợ chứ không yêu vợ, muốn thoả mãn tự ái cho bạn hữu biết “tao muốn cưới nó, là nó phải vào tay tao”.

Cô Toàn đã vào tay người đàn ông này, để anh có cô như có vỉ nước ngọt, như có bộ ghế ngồi êm ái. Khi khô cổ khó chịu, thì anh dùng cô cho khỏi thèm khát, cho có chỗ ngả lưng dựa đầu. Có cô cũng như có món đồ vật để thoả mãn nhu cầu, mà không cần biết đồ vật đó có nhu cầu của nó hay không. Anh tự do xử dụng cô cho bõ thời gian theo đuổi nhục nhã.

Đang thất vọng về duyên phận chồng con, thì bố mẹ cô Toàn lại bị tai nạn trầm trọng. Bà chết tại chỗ. Còn ông hôn mê. Nay ông tỉnh nhưng bán thân bất toại. Trước đây cô Toàn quen sung sướng, ra lệnh cho người khác, nay dồn dập đau khổ, không còn gì xảy ra đúng ý cô. Ít lâu sau, chính bản thân cô thành ngẩn ngơ rồi hoá điên.

Điên là thần kinh không chịu nổi đau đớn, nên nó lẩn trốn bằng cách mất ý thức suy nghĩ. Hết suy nghĩ là hết đau đớn. Người điên là người không đau đớn, là người muốn hoàn toàn, nên thành bất toàn, không làm được việc gì, lại còn trở thành gánh nặng cho người khác. Người điên muốn tự do, tự lập, nên mất tự do, lệ thuộc vào quyết định của kẻ khác về vận mạng, về sự sống chết của mình.

An phận vươn lên từ những yếu đuối không thể tránh được, như vậy lại tránh được nhiều đau khổ. Nếu bất mãn, than trách Chúa, than trách người, rồi uất ức với mình, thì đó là mở đường cho đại hoạ của thiếu thông cảm, của lẩn trốn vào vô thức, vào cõi bất lực mà lại tưởng như mình toàn lực.

Chị Toàn mang theo các đặc tính của người điên. Đó là khi tỉnh trí thì chị ủ rũ buồn sầu. Còn khi điên, thì chị vui vẻ, cười nói huyên thuyên, và nói những chuyện danh giá khi xưa. Nếu thế, phải chăng nên điên để hết đau khổ? Đâu là khác biệt giữa cái vui của người điên và niềm vui của người tỉnh?

Người tỉnh là người ý thức, nối kết được việc đã qua với việc hiện tại, và ý thức rằng mình cần chuẩn bị cho việc tương lai. Người tỉnh trí cảm thấy vui khi mình có khả năng liên kết, có khả năng thông cảm để uyển chuyển tùy hoàn cảnh. Còn người điên mất khả năng uyển chuyển, không thể thích ứng với hoàn cảnh mới. Người điên vui với cái vui đã mất rồi, cái vui trong vô thức của những việc đã qua. Lý trí của người điên giống như cuốn băng thâu sẵn, chỉ phát lại âm thanh hay hình ảnh đã ghi. Những hình ảnh này có thể đẹp, rất đẹp, nhưng là những hình ảnh chết. Đa số người điên chỉ còn ký ức của những việc đã qua, mà mất lý trí, mất khả năng tìm hiểu việc hiện tại. Đó là lý do người điên vui cười, nói huyên thuyên những điều mà người đứng xung quanh không hiểu gì.

Nếu ở lâu với người điên, thì thấy họ nói đi nói lại cùng một điều. Giọng cười khanh khách hôm nay giống giọng cười khanh khách hôm qua, vì tâm trí họ quay lại cùng một việc đã làm. Giữa lúc vui cười, khoe mình nhiều tiền, gặp người quyền quý sang trọng, thì họ có thể… làm ướt quần một cách vui vẻ! Có khi họ bốc lên, để “nhập cảnh” lại cái họ vừa “sản xuất” ra. Trong khi đó, người này tuyên bố mình là vua thứ 14 trên thiên đình! Cũng người này, khi tỉnh trí, anh cư xử giống như chị Toàn. Đó là anh ủ rũ ít nói. Nếu nói thì giọng nói chán nản, cho rằng hoàn cảnh hiện tại của mình đầy đau thương. Nghĩa là anh, chị Toàn, cũng như những người điên khác, tất cả đều chối bỏ thực tế, không can đảm đối diện với khó khăn hiện tại. Khó khăn này là giới hạn của tự do, làm mình bị hạn chế trong phạm vi chi tiêu tiền bạc, bày biện đồ đạc trong nhà, đi lại mua bán. Hay bị hạn chế vì mắt mờ, không tự do đọc sách báo, không tự do nhìn rõ người yêu đánh má hồng môi son, v.v.

Người an vui thông cảm, người phấn khởi vươn lên, là người nhận rằng tuy mình có tự do, nhưng tự do của mình có giới hạn. Họ quý trọng phần mảnh tự do này nơi mình, cũng như thận trọng thông cảm, để không xâm phạm phần mảnh tự do của người. Người điên là người không nhận rằng mình điên. Khi nhận ra mình điên là lúc bắt đầu hết điên. Người điên tâm lý hay người bị tâm bệnh, cũng là người không nhận rằng mình thiếu kém khả năng nào đó. Thiếu kém tức là thiếu tự do. Người được tự do, được giải thoát khỏi những ràng buộc hàng ngày, là người nhận rằng mình không được tự do, nhận rằng trong đời sống hàng ngày mình có nhiều ràng buộc. Khi nhận mình không tự do, nhận mình có ràng buộc, thì người này vui vẻ với những điều mình đang có. Họ tự do bơi lội trong hồ bơi của họ chứ không mơ mộng một hồ bơi to lớn mà họ không có.

Vì khả năng và tự do của mình còn thiếu kém, nên mình cần phát triển bằng cách đọc sách báo, thảo luận học hỏi, tham dự những buổi thuyết trình nghiên cứu, v.v. Khả năng làm thức ăn, ruộng vườn, hay khả năng bày tỏ câu chuyện, chinh phục con cháu nghe theo mình, v.v., những khả năng này tiến hay lùi, là tùy theo ý mình có kiên tâm trau dồi hàng ngày hay không. Nếu không thăng tiến, lúc đó dễ mất cả khả năng và tự do đang có, như lời Kinh Thánh: “Kẻ đã có thì được thêm. Kẻ không có thì bị lấy mất cả cái họ đã có” (cf. Mt 13:12).

III. Chết Buồn, Hay Chết Vui?

Mù loà như chị C. nhưng chị phấn khởi an vui. Vậy vui hay buồn không lệ thuộc vào các phần cơ thể, hay vào các tiện nghi vật chất bên ngoài. Buồn vui trước tiên là do Tinh Thần Tin Tưởng bên trong. Tin tưởng này có thể là ảo mộng khi cho rằng mình có tự do tuyệt đối. Trái lại, tin tưởng này sẽ thực tế hơn, khi cho rằng mình chỉ có tự do tương đối. Tin tưởng mình tự do tuyệt đối, nên mình thất vọng. Chết buồn. Chết buồn vì không có ai để chia sẻ, để cảm thông. Cảm thông là nhận mình cần người, mình còn yếu kém. Người và mình cần nương tựa nhau để sống. Nhưng người đòi tự do tuyệt đối là người khước từ, người khinh khi trịch thượng người khác, nên trở thành cô đơn, buồn nản, không có ai để tâm sự.

Cha Andy chống gậy, chân đi lập cập, hay ngồi thở dài. Ngài 78 tuổi, về hưu từ lâu. Nhưng tâm trí ngài chưa muốn hưu vì mắt ngài còn thèm nhìn thấy hồ Geneve bên Thụy Sĩ, và tai ngài còn thèm nghe đại hoà tấu tại Cologne bên Đức. Ngài còn mơ ước nhiều loại tự do, nhất là tự do đi lại, trong khi thực tế ngài bị giới hạn vì ngài tự làm mình té ngã gãy chân hai lần. Cha tin Chúa trong ý nghĩ trừu tượng, nhưng ai oán nghi ngờ trong những biến cố xảy ra cho đời mình. Vì nghi ngờ nên không nhìn thấy chân gãy là để mình được tự do hơn trong tinh thần phó thác, trong an vui vì mình bớt bị lệ thuộc vào vật chất của vòi nước phun, của tiếng động ồn ào, cho dầu vòi nước đó là vòi nước phun cao nhất thế giới của hồ Geneve, tiếng động đó là tiếng động của dàn nhạc lừng danh nước Đức.

Sự thèm muốn tự do vượt giới hạn này làm cha Andy buồn với mình, không chấp nhận những ngày tháng mình đang sống. Sống lanh quanh trong khu vực nhà hưu, nhưng lại mơ mộng như sống tung hoành khắp các nẻo đường thế giới của 30 năm về trước. Kết quả là cha ít cười, hay cau mày, mặt lúc nào cũng nhăn nhó như bực tức với ai. Trong 70 linh mục sống cùng một cộng đoàn, thì cha Andy nổi tiếng là người khó thông cảm. Dần dần ai cũng tránh cha, vì nói không đúng ý là cha vừa xẵng giọng vừa có bộ mặt tức tối. Nếu không nói về linh hồn, mà chỉ nói theo những điều đã xảy ra, thì cha Andy sống buồn tủi cho đến lúc chết, vì trước khi chết mấy ngày, cha còn nói mê sảng là cha sắp bay đi Thụy Sĩ! Không phải mọi người tu trì đều tỏ ra chán chường như cha Andy, nhưng truyện đời cha chứng tỏ khung cảnh tu trì bên ngoài không thay thế tâm trạng bên trong. Người muốn mọi việc xảy ra theo ý mình, muốn được tự do hoàn toàn, là người dễ thất vọng.

Người hy vọng là người biết chấp nhận mình đang bị mù loà về vật lý và bị điên về tâm trí. Mù loà vì mắt đeo kiếng to, mở lớn, nhưng không trông thấy điều gì sáng sủa cho tương lai. Điên vì những toan tính của mình không phù hợp với hoàn cảnh hay với người mình tiếp xúc. Mình muốn người thương yêu cộng tác, nhưng lời nói cử chỉ và cách thức mình cư xử khiến người khinh chê, tránh né mình.

Anh chị Nhãn và Tiền bị “mù loà” về việc anh chị có thể sinh con hay không, vì hai người cưới nhau 11 năm mà không có con. Đi khám bác sĩ, được biết tinh trùng của anh quá yếu và chu kỳ trứng rụng của chị không đều. Chạy chữa nhiều thầy thuốc, tới nhiều bệnh viện danh tiếng quốc tế (có những tỷ phú từ các quốc gia khác đến đây để hy vọng có con), nhưng không có hiệu quả.

Sau khi tham dự Khoá Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình, anh chị Nhãn và Tiền an phận, nhận chân thật rằng có con hay không là việc ngoài khả năng của mình. Đó là việc thuộc quyền tự do của Chúa. Trước đây anh chị hăm hở đi tìm các phương pháp để có con, thì tâm trí anh chị căng thẳng, lo lắng mất ngủ hơn. Tình trạng tâm lý này làm cho tinh trùng của anh thêm yếu kém, và kinh nguyệt của chị thêm trồi sụt. Nhưng từ khi an phận nhận rằng “có con thì tốt, mà không có con, vợ chồng vốn thương yêu nhau”, thì tâm trạng hai người thay đổi. Anh chị vui vẻ, dành nhiều thời giờ cho nhau, và tìm ra những việc để hai người làm chung trong lúc rảnh rỗi, chứ không im ỉm lạnh lùng như xưa.

Hai người ăn uống ngủ nghỉ điều hoà, tâm thần thoải mái. Anh chị lại an ủi nhau rằng: Một trong các mục đích có con là để tăng thêm hạnh phúc bên nhau. Vậy tại sao không tăng hạnh phúc cho nhau ngay bây giờ, mà lại làm khổ nhau? Vả chăng, hạnh phúc tối hậu nằm trong tay Chúa, vậy tại sao không hy vọng vào Chúa, mà lại chỉ hy vọng vào mình? Tại sao thất vọng khi mình không được như ý? Niềm vui tự nhiên phối hợp với niềm tin siêu nhiên này đã thay đổi nếu sống buồn nản của hai người. Ít lâu sau, tinh trùng của anh Nhãn mạnh hơn, và trứng của chị Tiền cũng rụng điều hoà hơn. Rồi chị Tiền mang thai. Cháu đầu lòng nay gần hai tuổi, và anh chị vừa thêm cháu thứ hai. Nhiều người coi đây như “Dấu Lạ của Niềm Tin”, của khiêm nhường nhận mình yếu kém, của phó thác vào Tự Do Quan Phòng của Chúa. Thật ra, không phải cứ hy vọng là có phép lạ. Nhưng người hy vọng sẽ được “dấu lạ”, đó là cõi lòng bình an, không cay đắng thất vọng. Người hy vọng là người vượt ra ngoài phạm vi tự do hạn hẹp của mình.

Điều kiện để thông cảm, để vui vẻ với bản thân và với người khác là:

1. Cần nhận rằng tự do của mình có giới hạn.

2. Tin rằng Chúa Quan Phòng có Tự Do toàn năng.

3. Tin rằng Chúa dùng Tự Do Toàn Năng của Ngài không phải để hãm hại mình, mà để Thương Yêu Săn Sóc mình.

4. Kết quả là mình lệ thuộc, nhưng là sự lệ thuộc giải thoát, sự lệ thuộc an vui phấn khởi.

Tuy mình vốn đau khổ, vốn chết, nhưng là chết trong hy vọng. Chết để tham dự vào niềm vui và tự do của Đấng Thương Yêu mình: “Giavê đã gọi con từ trước khi con sinh ra; từ trong lòng mẹ, Ngài đã nhắc tên con” (Is 49:1).

Cô Hồng Thọt là điển hình của người chết vui vì nhận tự do của mình yếu đuối mong manh. Cô có biệt hiệu là “Thọt”. Sự kiện thọt chân không đẹp cho cô vì cô đi cà nhắc khó khăn. Cũng không đẹp cho người nhìn cô, vì đa số ưa nhìn người bước đi duyên dáng, chứ ít ai ưa nhìn kẻ tàn tật xấu xí. Khi cô Hồng lên 17 tuổi, thân hình cô dịu dàng, bước đi uyển chuyển, và tâm hồn cô trong sáng. Nhiều cậu trai ngấp nghé nhìn trộm cô, nhưng cô không để cậu nào ăn trộm được tấm lòng trinh trong của mình.

Ngày nọ, cô đi tập Thánh Ca như thường lệ. Khi hết tập dượt, cô ra xe về nhà. Một chàng theo sát nút, tìm đủ cách chèn cô, miễn sao cô phải ngưng giữa đường. Bất thần, anh này chồm lên trước, chặn ngang đầu xe của cô. Cô không kịp thắng, nên hai xe tông vào nhau. Lệ thuộc dâm dục và tự ái, không còn tự do sáng suốt để chống cưỡng đam mê thèm khát, chàng nhảy chồm tới, xô đẩy, chờm hớp, xé rách quần áo cô. Cô chống cự mãnh liệt như ngang sức với chàng. Chàng điên tiết chộp được cục đá to bên lề đường, nện túi bụi lên người cô. Chàng đánh đập như điên vì giây phút đó chàng điên khùng mất trí. Cô ngã quỵ. Chàng không buông tha, tiếp tục giáng chí tử lên đầu, lên chân. Cô hôn mê bất tỉnh, ú ớ như tiếng kêu cầu từ vực thẳm rợn rùng. Ngưng đánh đập, chàng nhảy lên xe, trốn biến vào đêm tối mịt mù.

Sau những ngày tháng điều trị tại bệnh viện, khi cô Hồng về nhà với thân thể tàn tật, thì thanh niên này cũng bị bắt. Người ta hỏi cô muốn anh phải làm gì để đền bù tội ác? Cô đằm thắm trả lời: “Em mong anh hối cải vì anh là người đáng thương. Nhục dục làm anh mất tự do sáng suốt. Em yếu đuối mà chống cử nổi để khỏi bị hãm hiếp, cũng là nhờ Chúa gìn giữ”. Mặt cô bị thẹo vì đá nện tứ tung, xương chân trái cô bị gãy nát. Nay chân cao chân thấp, thành cô Hồng Thọt! Cô Hồng Thọt chống nạng vào nhà tù thăm người đánh mình thành thọt. Thọt chân nhưng không thọt tâm hồn. Người thọt chân chống nạng vào nhà tù thăm người thọt tim, và sửa chữa tim thọt thành tim lành, thay thế tim chai đá bằng tim thịt mềm rung cảm (cf. Ez 36:26).

Tấm hình chụp cô gái thọt ngồi trong tù, ân cần hỏi thăm người đánh mình phai tàn nhan sắc, tấm hình này phải là tấm hình đẹp nhất nhân loại! Nhân loại nhận mình tàn tật là nhân loại đẹp vì lúc đó nhân loại sẽ hết tàn tật. Còn nhân loại chối bỏ tàn tật là nhân loại tàn tật kinh niên, bất trị.

Khi cô Hồng trở thành cô Hồng Thọt, cô Hồng không còn tự do khoe mẽ về nhan sắc bên ngoài, về thoải mái đi lại dễ dàng. Lúc cô bị giới hạn về thể lý như vậy, lại là lúc cô tự do thênh thang về tâm lý và tinh thần. Thật ra, không ai nỡ gọi cô là “Hồng Thọt”, nhưng vì cô không tự ái mắc cở, lại vui vẻ, tự diễu cợt về cái chân thọt của mình, nên dần dần những người cảm mến cô, đã thêm tiếng “Thọt” vào sau tên “Hồng”, để lúc gọi “Hồng Thọt”, là lúc yêu thương kính phục một người con gái cao thượng, bay bổng trong thương yêu cảm thông. Tối nọ, như linh cảm mình sắp chết, cô nói vừa thánh thiện vừa vui vẻ trong bữa ăn: “Chưa đưa chén cơm lên miệng con đã thấy ớn. Không muốn ăn, nhưng con muốn ngửi mùi nước mắm thơm phức. Chắc nước mắm trên Thiên Đàng mà chấm với đậu hũ thì ngon hơn nước mắm Phan Thiết!” Vài ngày sau, trong lúc vui vẻ kể truyện Sấm Truyền Cũ cho mấy cháu nhỏ trong nhà, thình lình cô ngả gục đầu xuống xe lăn. Cô bị đứt mạch máu trong óc não vì đá đập vào đầu mấy năm trước. Cô chết bình an. Cô thể hiện tình yêu lớn lao qua những việc làm bé nhỏ, với bước chân thọt tràn đầy tình thương.

Cô Hồng Thọt chết vui, chết thánh.
“Thánh Hồng Thọt, cầu cho chúng tôi”.
Chúng tôi không thọt thân xác, nhưng thọt tâm hồn.

Con người có thể bị thọt, bị mất quân bình trong khi tìm tự do, trong khi hiểu lầm về cách thức xử dụng tự do. Thông cảm chân thật đòi hỏi được tự do để nói “Có” cũng như để nói “Không”. Có đi ăn tiệc hay không đi ăn tiệc tối nay? Có đi tu hay không đi tu? Có nhận lời đính hôn hay từ chối? v.v. Những việc này liên hệ đến tình nghĩa thông cảm. Mà thông cảm chỉ có trong tự do chứ không thể có trong cưỡng bức.

Lm. Phêrô Chu Quang Minh

Cảm Thông Để Vơi Đau Khổ II, trang 503-520

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]