Thực tập nếp sống nhân bản: Nguyên nhân làm thất nhân tâm

1. LỜI CHÚA: Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dêbêđê đến gặp Đức Giêsu, có các con bà đi theo. Bà bái lạy và kêu xin Người một điều. Người hỏi bà: “Bà muốn gì?” Bà thưa: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây: Một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy”… Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó.” (Mt 20,20-21.24).

2. CÂU CHUYỆN

Mới đây TP. Đà Lạt ra lệnh cấm bán báo dạo và bán vé số. Báo TS có đăng một bài của tác giả Trần Bạch Đằng phê bình lệnh cấm như vậy là “thất nhân tâm”. Trong bài báo có đoạn viết:

“Tôi thật tình ngỡ ngàng: Bán báo dạo thì tội gì, bán vé số thì tội gì? Tại TP. HCM báo dạo rất nhiều, mặc dù cũng có khá nhiều sạp báo. Nhưng sạp báo và người bán báo dạo là hai bộ phận hợp thành để phổ biến văn hoá phẩm rộng rãi. “Cấm” là sai lầm, sai lầm về hành chính, về xã hội và cả về văn hoá. Bán vé số dạo cũng vậy, người bán vé số dạo có tội gì mà phải cấm, họ làm cái gì bất hợp pháp cần ngăn ngừa? Không có câu trả lời.

Tôi vừa đi Singapore về, mua báo của người bán dạo. Ai bán? Trẻ em, học sinh trong giờ nghỉ học kiếm thêm ít tiền tiêu vặt. Lành mạnh quá đi chứ. Ở TP. HCM, bán báo là một nghề để sinh sống của hàng trăm người, nếu cộng với người bán vé số thì là hàng ngàn người, len lỏi khắp các xóm, từ sáng đến tối mong có thêm chút gạo, chút rau giúp mẹ giúp cha. Đó là các em, còn phụ nữ từ nông thôn lên không có nghề, trông mong thu nhập ở tiền bán báo dạo, bán vé số để nuôi mình và nuôi con. Biết bao nhiêu bà mẹ bán báo dạo, bán vé số mà nuôi con ăn học thành tiến sĩ. Đó là chưa kể những người đi xe lăn bán báo dạo, bán vé số, những người mất một chân, thậm chí mất hai chân lê lết trên đường, chỉ mong kiếm một tỉ lệ hoa hồng còm cõi.

Chính phủ chưa giải quyết hết các hiện tượng đau lòng này thì không nên ngăn cản. Tôi mong UBND TP. Đà Lạt xét lại chủ trương cấm bán báo, bán vé số dạo của mình. Thất nhân tâm lắm! Tiện thể xin nói thêm: thực hiện văn minh đô thị ở Đà Lạt còn quá nhiều việc, ngay những nơi thanh lịch nên lo cho tốt. Đừng lấy những người cơ cực nhất thành phố làm thí điểm.”

3. SUY NIỆM

Trong bất cứ tập thể nào cũng có người xấu kẻ tốt: có người thật thà, có kẻ mưu mô; có người chăm chỉ, có kẻ chây lười… Những “kẻ đáng ghét” ấy đôi khi lại rất khôn khéo khiến người trên không nhận ra, còn người chung quanh dù biết cũng đành chấp nhận. Sau đây là một số lối sống khiến người khác thiếu thiện cảm và bất hợp tác, và chúng ta phải làm gì để gây thiện cảm với tha nhân bên cạnh?

1) Thái độ nhẫn tâm vô cảm

Một số người có chức có quyền đã tỏ ra nhẫn tâm khi đề ra các biện pháp để đạt mục đích như trường hợp TP. Đà Lạt trong câu chuyện trên: Vì muốn giữ cho thành phố được sạch đẹp trước mặt du khách nước ngoài nên Uỷ ban Nhân dân TP. Đà Lạt thay vì dùng các biện pháp ngăn ngừa kẻ xấu, lại ra lệnh cấm việc làm ăn lương thiện là bán báo dạo và bán vé số dạo. Lệnh cấm này ảnh hưởng trực tiếp đến chén cơm manh áo của rất nhiều người nghèo, đặc biệt là những người khuyết tật, người giá cả cô độc, trẻ em đường phố và cả các sinh viên học sinh nghèo hiếu học…, đang khi đến ngay chính phủ trung ương, Uỷ ban Nhân dân hai thành phố lớn là thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là nơi có đông du khách nhất nước vẫn chưa có quyết định nào về vấn đề này. Tác giả Trần Bạch Đằng đã yêu cầu UBND TP. Đà Lạt xét lại chủ trương mà ông gọi là “thất nhân tâm” này.

2) Thái độ ích kỷ hại nhân

Có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy khó chịu bất mãn khi phải sống chung hay làm việc chung với loại người chỉ biết nghĩ đến quyền lợi của mình mà không biết nghĩ đến người bên cạnh. Lối sống ích kỷ thường biểu lộ qua thái độ: chỉ lo cho nhà mình sạch đẹp nên sẵn sàng vất rác, xác chuột chết… bừa bãi ra đường hay sang mái tôn nhà bên cạnh, không cho nhà hàng xóm trổ cửa thoát hiểm hay lỗ thông gió để lấy chút thông thoáng dù việc đó không ảnh hưởng gì tới nhà mình, dửng dưng vô trách nhiệm thể hiện qua việc từ chối đóng góp tiền bạc công sức với khu xóm tập thể khi làm đường hẻm chung, khơi thông cống rãnh thoát nước chung, xây dựng nhà thờ nhà sinh hoạt giáo lý chung… Thái độ ích kỷ của họ làm thất nhân tâm, khiến người chung quanh khinh thường và quay lưng khi gia đình họ có chuyện cần phải nhờ vả hàng xóm.

3) Thái độ kiêu ngạo tự mãn

Hạng người này thường có chút ưu điểm nào đó như học vị cao, có chút địa vị quyền hành nên tỏ ra cao ngạo coi thường người khác, thể hiện qua thái độ phớt lờ khi được người dưới chào hỏi, phát biểu với giọng “cha chú”, thích nghe lời xu nịnh và ghét những lời phê bình thẳng thắn, có thành kiến với những ai bất đồng ý kiến và tìm cách “đì” cấp dưới nếu không đứng về phía mình. Thái độ kiêu ngạo tự tôn như vậy sẽ làm thất nhân tâm, gây bất mãn và bất hợp tác của thuộc cấp nên công việc họ làm sẽ khó thành công.

4) Thái độ phản cảm bất lịch sự

Hạng người này thường tỏ ra vụng về trong cách ứng xử, thể hiện qua việc luôn gây phiền hà cho người khác qua thái độ không nghiêm túc, cử chỉ thiếu kềm chế, quần áo lôi thôi, nói năng bỗ bã bất lịch sự, ứng xử thiếu tế nhị, nói chuyện điện thoại oang oang thiếu tôn trọng người chung quanh… Thái độ của họ dễ làm thất nhân tâm, nên dù họ có chức có quyền cũng khiến người khác bất phục và nói hành phê phán sau lưng.

5) Chúng ta nên làm gì?

– Trước hết, chúng ta cần phải khiêm tốn để sẵn sàng nhận lỗi khi được người khác góp ý phê bình và thành tâm tu sửa để ngày một nên hoàn thiện hơn. Vì như người xưa đã dạy: “Biết mình biết người trăm trận trăm thắng.”

– Khi nghe người khác phê bình một khuyết điểm của mình, chúng ta cần lắng nghe và chân thành cám ơn như người xưa dạy: “Ai khen ta mà khen phải thì là bạn ta. Ai chê ta mà chê phải thì là thầy ta. Kẻ nịnh hót ta ấy mới chính là kẻ thù của ta vậy.” Nếu lời phê bình có cơ sở, chúng ta hãy mau mắn nhìn nhận khuyết điểm và hứa sẽ sớm khắc phục. Nếu lời phê bình thái quá hoặc chỉ là sự vu khống đầy ác ý, chúng ta vẫn phải bình tĩnh lắng nghe và tránh cướp lời người đang nói. Sau đó hãy cám ơn người góp ý và từ tốn chứng minh điều họ nói thiếu cơ sở bằng những lý chứng có giá trị thuyết phục, để tránh bị tiếp tục hiểu lầm. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cần tránh thái độ mất bình tĩnh thể hiện qua lời nói to tiếng hoặc những lời thóa mạ khiếm nhã. Vì đó thường là nguyên nhân dẫn đến tranh cãi và hận thù lâu dài về sau.

– Khi thấy bạn bè hay người thân chỉ mắc phải những sai lỗi nhẹ, chúng ta không nên vội sửa lỗi ngay để tránh bị coi là kẻ nhỏ nhen khó tính. Hãy chờ dịp thuận tiện sẽ nhắc bảo chung. Nếu bạn bè hay người thân mắc lỗi nghiêm trọng làm thất nhân tâm, cũng đừng vội phê phán công khai trước mặt người khác, vì “dục tốc bất đạt”, “mau nói mau lỗi”. Hãy nhớ rằng chuyện đâu còn đó. Trước hết, hãy xét xem mình có lỗi giống như vậy không để tự tu sửa. Tiếp đến, hãy cầu xin ơn Thánh Thần soi sáng và chờ cơ hội thuận tiện để góp ý giúp bạn bè và người thân sửa lỗi cách tế nhị, kín đáo và thận trọng theo Lời Chúa dạy (x. Mt 18,15-17).

4. THẢO LUẬN

1) Ngoài các điều trên, hãy bổ sung những thái độ nào thường làm thất nhân tâm để phòng tránh, hầu gây thiện cảm với tha nhân?

2) Khi nghe người khác phê bình, chúng ta cần làm gì để ngày một hoàn thiện?

3) Có nên bạ đâu nhắc đó không? Khi người thân mắc phải thói hư nghiêm trọng, bạn nên làm gì?

5. LỜI CẦU

Lạy Thiên Chúa toàn năng nhân hậu! Xin sai Thánh Thần đến giúp chúng con luôn biết khiêm tốn học tập để ngày một nên hòan thiện hơn như người xưa dạy: “Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng.” Xin cho chúng con biết khiêm tốn nhận ra những sai sót khuyết điểm của mình, hầu canh tân tu sửa. Xin cho chúng con tránh những nguyên nhân gây thất nhân tâm, hầu gây được thiện cảm với mọi người là điều kiện thành công trong mọi việc. AMEN.

Lm. Đan Vinh
Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment