- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Những mê hồn trận của cảm xúc

Trong tiếng Việt, từ “trưởng thành” thường được dùng để chỉ “người lớn”, là người đã có khả năng tự lập, có thể tự lo cho cuộc đời của mình. Trong tiếng Anh, từ “maturity” thường được dùng để chỉ mức độ tăng trưởng của một người về từng khía cạnh riêng biệt như thể xác, trí tuệ, tình cảm, xã hội, và tâm linh… Và mỗi lứa tuổi đều có những mức độ trưởng thành khác nhau. Thí dụ một em nhỏ có thể được coi là “trưởng thành” hơn các em cùng tuổi khi em có thể tự lo cho mình nhiều hơn, có tinh thần trách nhiệm trong vai trò của mình nơi gia đình và trường học,v.v… Trong khi có nhiều người lớn tuy đã trưởng thành về thể xác và trí tuệ, đã có thể sống tự lập, nhưng có thể vẫn chưa trưởng thành về mặt tình cảm, xã hội, hoặc tâm linh…

Tôi thích hiểu từ “trưởng thành” như được dùng trong tiếng Anh, nên thường hay nói chuyện với con cái về cách xử thế của một người trưởng thành, và dĩ nhiên tôi nói cách khác nhau với từng đứa tuỳ theo tuổi của chúng. Vậy chứ tôi đã khá lúng túng khi bị đứa con út 9 tuổi bất ngờ hỏi: “Trưởng thành nghĩa là gì?”. Hà, nói với nó về trưởng thành hoài mà bữa nay nó câu đơn giản này mình lại không biết phải trả lời làm sao!!! Để nhớ coi tôi trả lời nó ra sao hè… À, tôi nói trưởng thành là “tự mình biết cái gì đúng cái gì sai, tự mình biết việc phải làm và việc không nên làm, biết điều cần nói và điều không cần nói,v,v…. chứ không cần phải chờ người khác nói cho biết để làm theo…”

Đó là định nghĩa về trưởng thành theo sự hiểu biết của tôi. Trên thực tế, cũng theo nhận xét của tôi, thì người trưởng thành sống với người chưa hay không trưởng thành sẽ rất là khổ, và những người không trưởng thành sống với nhau thì đúng là một …bể khổ như Phật đã nói vậy! Trong khuôn khổ bài viết này, tôi muốn nói đến sự trưởng thành của một người đối với những cảm xúc của chính mình. Lẽ tự nhiên là người trưởng thành vẫn có những khiếm khuyết và những cảm xúc vui buồn giận ghét (vì nếu không đâu phải là con người!), nhưng không để những khiếm khuyết và những cảm xúc này lôi mình vào “mê hồn trận” của chúng.

MÊ HỒN TRẬN CỦA CẢM XÚC TỨC GIẬN:

Tôi đã từng, và vẫn có thể, rơi vào những mê hồn trận này trong nháy mắt và không ra được. Ðó là mỗi khi có một câu nói hay thái độ của ai đó làm cho tôi cảm thấy bực bội hay tức giận, thì tôi sẽ phản ứng giống hệt như một người vừa ra trận. Ðạn dược ở đâu tự hồi nào cứ ào ào cứ phát ra ở miệng tôi, nhanh hơn cả sự suy nghĩ của cái đầu nữa. Tôi muốn nói chứ không muốn nghe, hoặc chỉ cần nghe một “viên đạn” nặng ký nào là tôi “bắn xối xả” lại 2,3 viên đạn nặng ký hơn. Ða số những lần như vậy thì phe địch cũng thế, và càng lúc trận chiến càng leo thang… Cho tới khi không còn gì để nói nữa thì tôi cảm thấy mệt nhoài như vừa làm xong một việc nặng nhọc. Chắc chắc cãi nhau hay tranh luận là phải tốn rất nhiều năng lượng rồi. Ðiều rất buồn cười mà tôi nhận ra, là ai cũng muốn nói mà không muốn nghe một cách đầy đủ, rõ ràng điều người kia muốn nói. Coi như có hai người cùng phí phạm năng lượng để nói, nói, và nói, nhưng chẳng có ai là người nghe hết.

Vốn là người thực tế, tôi quyết định từ nay sẽ cố bảo toàn năng lượng và đợi tới khi người ta để cho đôi tai của họ có cơ hội làm việc thì tôi mới nói. Còn bây giờ họ nói thì tôi nghe. Ngay cả đối với con tôi cũng vậy, có những chuyện tôi vừa đề cập tới là chúng đã có thể bực bội ngay, và lúc đó tôi sẽ không nói nữa nhưng chỉ nghe. Ðợi cho chúng nói xong, hay cơn bực bội qua rồi, tôi sẽ nói thì may ra tai của chúng mới nghe được điều tôi muốn trình bày. Tuy nhiên, thỉnh thoảng tôi vẫn cố tình lộ vẻ giận dữ khi chúng làm điều sai quấy, để xem chúng có biết xử sự như một người trưởng thành khi gặp những phản ứng giận dữ của người khác hay không.

Riêng tôi vẫn luôn cố gắng để không để rơi vào những mê hồn trận của cảm xúc tức giận nữa. Nếu tôi luôn làm được điều này thì nghĩa là tôi đã trưởng thành thêm được một chút rồi. Dĩ nhiên người trưởng thành vẫn thường là cái “đích” để những kẻ không trưởng thành “bắn xối xả”, và chỉ còn cách luyện cho thành …mình đồng da sắt, chờ đối phương xài hết đạn dược rồi may ra sẽ …tóm gọn con tim họ tuỳ theo mức độ trưởng thành của mình mà thôi

Nói theo kiểu nhà Phật, thì có lẽ phải có con mắt “huệ” mới thấy được người trưởng thành, bằng không ta sẽ có lúc ta tưởng họ là những kẻ khù khờ vì “có khí giới mà không biết xài”. Bởi vậy Đức Giêsu mới nói “phải nên như con trẻ thì mới vào được nước Trời”. Nhưng không còn là con trẻ nữa thì phải “lớn” đủ rồi mới biết cách để “nên như con trẻ” được. Và tôi rất sợ mình cũng sẽ bị như nhiều người, là chỉ “già đi” mà “không lớn”.

MÊ HỒN TRẬN CỦA CẢM XÚC CÔ ÐƠN, CHÁN NẢN:

Tôi cũng có thể rơi vào “mê hồn trận” của những cảm xúc cô đơn, chán nản, lo sợ… Trước đây, khi những cảm xúc này chợt đến, tôi thường phản ứng bằng cách muốn tìm gặp ai đó, hay làm một việc gì để mong được khây khoả. Và nếu không gặp được ai hết, hoặc không muốn làm gì hết, tôi sẽ miên man cả buổi hay nhiều giờ trong trạng thái bị dằn vặt. Công việc bị đình trệ không làm đi được, hoặc có làm cũng không để hết tâm trí vào được, mà thân xác thì mệt mỏi rã rời… Khi những cảm xúc này qua rồi thì tôi nhận ra đó quả là một sự phí phạm về thời giờ và năng lượng. Người Mỹ gọi những phản ứng này là “fight or flight”, nghĩa là ở lại để đương đầu hoặc tìm cách chạy trốn những cảm xúc tiêu cực của mình.

Cũng vẫn với đầu óc thực tế, sau khi đã đọc những cuốn sách giúp cho đời sống cá nhân được thăng tiến, tôi quyết định không để những cảm xúc này lôi mình vào mê hồn trận của chúng nữa. Tôi sẽ nhanh chóng nhận ra cảm xúc vừa chợt đến nhưng sẽ không chạy trốn nó. Ðiều đầu tiên là tôi ý thức rằng những cảm xúc này rất tự nhiên và bình thường, đã là con người thì vẫn có những cảm xúc như vậy. Ý thức như vậy, tôi sẽ bình tâm dừng lại để xem xét nó là cảm xúc gì, đến vì có lý do hay chỉ lang thang “ghé” tới, cảm xúc ấy đang muốn nói gì với tôi, v.v… Ðôi khi những cảm xúc này phản ảnh rất rõ thực trạng cuộc sống của tôi, như thiếu quân bình trong việc sử dụng thời giờ hay tiền bạc, chưa chuẩn bị cho những gì sắp xảy tới, hay lãng quên những bổn phận nào đó, v.v… Và có thể tôi sẽ biết mình phải làm gì…

Những cảm xúc ấy vẫn thường đến bất ngờ, và chúng ra đi lúc nào cũng không phải do tôi định đoạt. Nhưng tôi biết chúng không còn hành hạ tôi được nữa, mà coi như tôi đã biến những cảm xúc tiêu cực này thành những đóng góp tích cực cho cuộc sống của mình. Ấy thế mà có những người đã để cho những cảm xúc cô đơn, phiền muộn này hoành hành tới mức kinh hoàng và họ đã đi tới chỗ tự kết liễu đời mình, đáng sợ thật!

Như vậy là tôi có thể tự cho là mình đã trưởng thành thêm một bước nữa rồi đó.

MÊ HỒN TRẬN CỦA CẢM XÚC VUI SƯỚNG:

Cũng như nhiều người, tôi thích mơ mộng. Nhiều lần tôi tự bảo mình là nếu tôi có khả năng tài chánh khá hơn một tí, tôi sẽ mua căn nhà lớn hơn, đẹp hơn… Nó sẽ như thế này, thế này này… Căn nhà đó hiện ra thật hấp dẫn trong trí tưởng tượng của tôi… Tuy là chỉ mơ mộng một tí cho cuộc đời có vẻ tươi đẹp hơn, nhưng rốt cuộc tôi cũng phí mất những phút giây quý báu cho một ý tưởng tầm phào! Thôi thì cứ coi như được xem một mẩu phim trong đó chính mình được đóng vai nhà giàu, và bây giờ hãy trở lại với thực tế …

Với những cảm xúc vui sướng như thế, tôi cũng có thể bị lôi vào mê hồn trận của chúng như chơi đấy. Có thời gian gia đình tôi sống ở Nam California, thấy địa ốc là cách đầu tư có lời nhanh chóng vì nhà cửa lên giá vù vù, chúng tôi mua một căn để ở, một căn cho thuê… Trị giá của hai căn nhà lúc đó (cách đây hơn mười năm rồi) cộng lại cũng khoảng nửa triệu, thế là suốt thời gian đó tôi cứ yên chí là mình đang có một đời sống hết sức khá giả. Tôi đọc báo tìm mua xe cũ, nhưng phải là Mercedes, BMW hay ít nhất cũng Volvo, mặc dầu lương lậu cũng chỉ vừa đủ sống, và vốn liếng thực sự trong hai căn nhà đó chỉ có vài chục ngàn mà thôi!

Cũng đã có những câu chuyện tiếu lâm, đại khái về một cặp vợ chồng vừa mới mua xổ số xong, liền nghĩ đến lô độc đắc mình có thể trúng, và sẽ tiêu xài ra sao, mua sắm những gì… Tới lúc không ai chịu ai và đã gây gỗ, chửi bới lẫn nhau… mới chợt nhớ ra là mình chưa hề trúng gì cả! Hay chuyện ngụ ngôn của La Fontaire về cô bán sữa một buổi sáng đội bình sữa ra chợ, vừa đi vừa nghĩ đến số tiền bán được sẽ mua trứng về ấp cho nở ra bầy gà, gà lớn cô đem bán được một số tiền lớn hơn và sẽ mua con dê con… Cô nghĩ đến cảnh được vui đùa với con dê nhỏ chạy tung tăng… Và cô vui sướng nhảy chân sáo… Bỗng cô vấp té, bình sữa đổ nhào, chảy oà trên mặt đất… Cô tỉnh người ra, thôi thế là mộng vỡ tan tành…Dê, gà, trứng đều đi đoong, mà sữa cũng không còn… Thế mới biết ngay cả những cảm xúc vui sướng cũng có thể đưa ta vào những mê hồn trận rất thê thảm!

KẾT LUẬN:

Tóm lại, người trưởng thành vẫn có những lúc cảm xúc ở đâu chợt ào đến, nhưng ta nhất định không để chúng lôi vào mê hồn trận nữa… Rồi thì chúng cũng sẽ tự ra đi lúc nào không hay, chứ có ai buồn mãi hay vui mãi được đâu, và cuộc đời rồi cũng chấm dứt với từng người một. Nếu người Kitô hữu nghĩ xa hơn chút nữa, sẽ thấy những mê hồn trận do cảm xúc giận dữ, buồn khổ, hay vui sướng… đều có thể là nguyên nhân của tội lỗi Mê hồn trận của cảm xúc giận giữ có thể đưa tôi đến hận thù hay tội ác. Mê hồn trận của cô đơn, buồn khổ.. có thể đưa tôi đến chỗ mất niềm tin hoặc sa ngã. Mê hồn trận của vui sướng có thể đưa tôi đến chỗ kiêu hãnh, tự mãn, hoặc đam mê tiền của thế gian, vật chất một cách quá độ… Và còn nhiều mê hồn trận của những cảm xúc khác nữa. Vậy để trở thành một người trưởng thành về mặt tâm linh, hay là một Kitô hữu trưởng thành, tôi sẽ cố tránh không để bị lôi cuốn vào những mê hồn trận của những cảm xúc rất bình thường của con người, và như vậy may ra tôi tránh được phần nào tội lỗi chăng?

Nguyễn Thị Kim Loan

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]