- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Linh Hưóng trong đời sống của mọi Kitô hữu

Tục ngữ Việt Nam ta có câu: “Không thầy đố mày làm nên.” Điều này cho ta thấy người hướng dẫn đóng một vai trò quan trọng và hầu như không thể thiếu được trong quá trình phát triển của đời sống con người. Khi mới chào đời ta có ba mẹ hướng dẫn, lớn lên đến trường học có thầy cô hướng dẫn, khi trưởng thành bước vào đời sống gia đình, tu trì hay nếp sống khác ta cũng có người cùng đồng hành và cùng hướng dẫn nhau. Khi chúng ta đi đến một nơi mới lạ, nếu có người chỉ đường cẩn thận ta sẽ bớt lúng túng, ngập ngừng, ta có thể tin tưởng và mạnh dạn đi tới nơi một cách an toàn và nhanh chóng.

Đời sống Kitô hữu cũng là một hành trình bước theo chân Chúa Kitô về Nhà Cha mà ta chưa bao giờ có kinh nghiệm ở đó, và là một hành trình thi hành thánh ý Chúa trong cuộc sống. Đây là một hành trình không phải dễ dàng thực hiện. Chính vì vậy mà đời sống tâm linh của chúng ta cũng cần thiết có một người hướng dẫn hay còn gọi là linh hướng để giúp cho hành trình theo Chúa của chúng ta nhẹ nhàng, vui tươi, phấn khởi, vững vàng và hăng say hơn. Linh hướng là một điều cần thiết cho đời sống tâm linh của một Kitô hữu. Nhưng để biết, hiểu, chọn và đến với linh hướng cách nào để nhận được ý Chúa quả là một vấn đề. Trong bài này, xin được trình bày sơ lược về nguồn gốc lịch sử, phương cách lựa chọn và lợi ích của sự linh hướng trong đời sống tâm linh.

Trước hết ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa và mục đích của linh hướng. Theo Shalem:
‘Linh hướng là mối liên hệ giữa hai cá nhân với nhau, trong đó vị linh hướng la øngười hướng dẫn người kia xét lại cuộc sống của họ dưới ánh sáng ơn gọi của mình để họ trở nên người trung thành và vâng lời bằng tận đáy con tim của mình. Người linh hướng là một dụng cụ dùng để mở rộng khả năng nhận thức rõ ràng tiếng nói bên trong của Chúa Thánh Thần và phát triển lòng can đảm, đức tin, cùng sự tự nguyện vâng theo tiếng nói của Chúa một cách thật tự do.’1

Thiên Chúa đã dùng con người để thúc giục và hướng dẫn con người tìm ra đường lối của Chúa. Linh hướng đã có từ thời xa xưa trong Giáo Hội. Ta thấy Heli là một vị linh hướng cho Samuel nhận ra được tiếng Chúa muốn nói chuyện với Samuel (Is 3:1- 14) Đến thời Chúa Giêsu, ta thấy ngài cũng là một vị linh hướng thật tài giỏi cho riêng biệt từng người, điển hình như Nicôđêmô vào ban đêm (Jn 3: 1- 21), Nathanael (Jn 1: 47- 49), người thanh niên giầu có (Mt 19: 16- 22), người phụ nữ thành Samari (Jn 4:7- 30)2 Rải rác nhiều chỗ trong Tin Mừng, ta thấy Chúa Giêsu là linh hướng cho các môn đệ. Thời Giáo Hội tiên khởi ta cũng thấy các tông đồ là linh hướng, rồi đến thế kỷ thứ bốn có các thánh tu rừng, đến khoảng thế kỷ thứ sáu linh hướng được bành tướng thêm ở các đan viên.3

Thế kỷ 21 này linh hướng không chỉ đơn thuần hướng dẫn đời sống tâm linh cho những người sống cách biệt với xã hội, nhưng nối liền đời sống tâm linh với những thực tại của thế giới với trách nhiệm của một công dân như bình an, công bằng trong gia đình, và công sở. Vậy, linh hướng cần thiết cho mọi Kitô hữu chứ không chỉ dành riêng cho giới tu sĩ.

Thứ đến, chúng ta nên chọn một vị linh hướng như thế nào cho đúng với tinh thần của một Kitô hữu? Theo sự hướng dẫn của Cha Jordan Aumann,O.P trong sách Đời Sống Tâm Linh:

Một vi linh hướng cần có những phẩm tính chuyên môn. Thứ nhất, vị linh hướng là người có kiến thức: ngoài việc nắm vững kiến thức nền tảng về thần học tâm linh, cần thông thạo về tâm lý, cần hiểu biết ít nhất những nguyên tắc căn bản về tâm bệnh học. Thứ hai vị linh hướng phải là người khôn ngoan, gồm có ba yếu tố căn bản: khôn ngoan trong phán đoán, rõ ràng khi cho lời khuyên và kiên quyết trong việc đòi hỏi sự vâng phục. Thứ ba, vị linh hướng là người có kinh nghiệm. Đây là phẩm giá quí nhất của người linh hướng. Ngay cả khi vị linh hướng kém hoàn chỉnh về kiến thức và chậm chí chưa khôn ngoan đủ. Kinh nghiệm có thể bù đắp những thiếu xót này. Nhưng kinh nghiệm không cần thiết là của riêng ngài, nhưng ngài cũng có thể có kinh nghiệm nhờ việc quan sát và sự chỉ dẫn của người khác.

Vị linh hướng cũng cần có những phẩm tính luân lý như: lòng đạo đức, lòng nhiệt thành đối với việc thánh hóa các linh hồn, lòng khiêm tốn và lòng vô vị lợi.

Vị linh hướng không chỉ cần có những phẩm tính luân lý không. nhưng ngài cần phải có những bổn phận nữa: biết rõ linh hồn mình hướng dẫn, cho lời chỉ giáo, khuyến khích linh hồn, giám sát đời sống thiêng liêng của họ, sửa chữa lỗi lầm của họ, hướng dẫn theo các giai đoạn tiến triển và giữ bí mật.4

Chọn linh hướng là chọn một người đại diện Chúa để hướng dẫn mình trên hành trình về nước trời. Đây là một việc hết sức quan trọng. Do đó, ta không nên chọn linh hướng theo cảm hứng, sở thích hay một cách vội vã, thiếu thận trọng. Chọn linh hướng được coi như một trong những quyết định quan trọng của cuộc sống. Vậy, trước khi làm việc này chúng ta cần xin Chúa ban ân sủng và ơn khôn ngoan. “Xin Chúa hướng dẫn cho việc tìm kiếm này của con và xin Chúa mở mắt con, để con nhìn thấy những khả năng saün có Chúa dành cho con”.5 Sau đó, chọn vị nào trong số những linh mục hay người nào mình biết có khả năng, khôn ngoan, và kinh nghiệm sống trong việc linh hướng tốt.6 Kinh Thánh cũng dậy chúng ta: biết người khôn ngoan con hãy tìm đến mà bàn hỏi (Cf. Hc 14b). Sau đây là một vài điểm cần chú ý khi chọn linh hướng:

1. Chọn linh hướng không phải là chọn cha mẹ tinh thần
2. Linh hướng cần thiết, nhưng không bắt buộc phải có. Vì thế, nếu một người khao khát sự thánh thiện cảm thấy cần một linh hướng, nhưng không tìm được, hay không có điều kiện, thì chính Chúa Thánh Thần sẽ là người lo liệu cho.
3. Tất cả các Cha và tu sĩ có thể là cố vấn (adviser). Nhưng không phải tất cả mọi ngưởi đều có thể làm linh hướng.
4. Vị cố vấn không phải là linh hướng, vì cố vấn thiếu sự hướng dẫn và khuyên bảo về luân lý và những giáo huấn của Giáo Hội. Nên cố vấn khó có thể giải quyết được những khúc mắc của tâm linh.
5. Có phải bên Mỹ này bày vẽ thêm chuyện linh hướng không? Thưa không, cuộc sống ở Mỹ quá tự do, xô bồ vật chất, quá đầy đủ tiện nghi, nền luân lý bế tắc. Nên ta khó mà phân biệt được đâu là tiếng của Thiên Chúa.

Linh hướng mang lại nhiều lợi ích cho đời sống tâm linh của mọi Kitô hữu. Nếu phải kể hết ra thì thật nhiều. Ở đây, xin được nêu lên ba điểm đáng chú ý.

Thứ nhất, linh hướng giúp người thụ hướng nhận ra ơn gọi của mình và đáp trả qua đời sống gia đình, tu trì, độc thân v.v…). Giúp họ saün sàng nghe tiếng Chúa với thái độ như Môisen (Ex 3:4), Samuel (1Sm 3:10), Isaiah (Is 6:9), Đức Mẹ(Lk 1:38). “Lạy Chúa, con đây, con là tôi tớ đang lắng nghe tiếng Chúa.”7 Linh hướng cũng giúp thụ hướng sống xứng đáng là con của Ngài (Eph 4:1).8 Linh hướng còn giúp thụ hướng tìm hiểu, lựa chọn. Linh hướng sẽ dậy bảo, cho ý kiến, bổ sung những gì thiếu xót và giúp vượt qua những khúc mắc9 … trong bước đầu hầu giúp người thụ hướng sống sung mãn hơn với ơn gọi mà Chúa muốn họ sống.

Thứ hai, linh hướng giúp thụ hướng nhận ra chính con người thật của họ, nhận ra những giá trị trong đời sống, nhận ra sự thật và sống theo sự thật, nhận ra thần lành và thần dữ, biết sống hòa hợp giữa thân xác – lý trí và tinh thần – với Thiên Chúa và tha nhân, biết áp dụng những nguyên tắc tốt lành để thăng tiến tinh thần sống.10 Họ khám phá ra thế giới con người của chính mình, biết những chỗ yếu để làm cho nó mạnh hơn, ‘biết dùng những quà tặng và tài năng Chúa ban để phục vụ tha nhân ,11 làm cho chúng được phát triển một cách sung mãn. Một người biết mình sẽ sống rất lạc quan yêu đời và hạnh phúc trong tất cả mọi việc họ làm và họ cũng là người luôn mang lại niềm vui và hạnh phúc cho mọi người họ gặp gỡ. Linh hướng cũng giúp cho con người, tâm thần và đời sống thiêng liêng của ta được phát triển theo đúng môi trường. Chính vì vậy trong thời gian bị thay đổi văn hóa (cultural shift), đòi hỏi sự cần thiết của linh hướng.12

Thứ ba, linh hướng giúp người thụ hướng đi sâu vào đời sống cầu nguyện, nói cách khác là sống mật thiết với Thiên Chúa. Nếu là một Kitô hữu, hơn ai hết, chúng ta hiểu rằng cầu nguyện là hơi thở, là sức sống không thể thiếu trong đời sống tâm linh. Có thể nói rằng linh hướng là một quá trình cầu nguyện. Vì trước khi đi linh hướng thì vị linh hướng đã phải cầu nguyện để người thụ hướng tìm ý Chúa trong cuộc gặp gỡ. Còn phần của người thụ hướng cũng phải cầu nguyện đắc lực hơn trước khi bước vào linh hướng, để có thể nhận ra được ý Chúa và can đảm thi hành. Buổi gặp gỡ linh hướng được diễn ra như một buổi cầu nguyện đàm đạo tay ba Chúa Thánh Thần, người linh hướng, và người thụ hướng. “Họ cùng nhau chăm chú tìm sự hướng dẫn của ChúaThánh Thần là người hướng dẫn chủ yếu.”13 Người thụ hướng tiếp tục cầu nguyện và tìm ý Chúa sau lần bàn hỏi này. Khóa họp khoáng đại của bộ tu sĩ năm 1980 đã nâng cao tầm quan trọng và lợi ích của linh hướng trong cầu nguyện, “Linh hướng… khôi phục lại vai trò chân thực của tiến trình phát triển thiêng liêng và chiêm niệm nơi các tâm hồn.”14

Chúng ta nên có một vị linh hướng, vì linh hướng đúng nghĩa sẽ mang lại lợi ích chứ không làm hại ta. Nếu ta không có được linh hướng thì ít nhất là cũng có được người cố vấn khôn ngoan (Advisor: không buộc phải nói mọi sự, chỉ nói những gì họ muốn bàn hỏi. Điều nghịch lý của linh hướng là: ‘linh hướng để dẫn tới không còn linh hướng nữa. Người linh hướng phải nhỏ lại để Đức Kitô được lớn lên (Jn 3: 30).’15 Chúng ta không chỉ cần có linh hướng thôi, nhưng đời sống của của mọi Kitô hữu, sau khi lãnh nhận bí tích rửa tội, mỗi chúng ta còn được mời gọi sống làm chứng cho Chúa và dẫn dắt người khác đến với Chúa. Nên mỗi người chúng ta cần phải thao luyện cho mình có được những đức tính của người linh hướng. Đặc biệt là những người sống đời sống tu trì, chúng ta không những được mời gọi làm chứng nhân mà còn để dẫn dắt người khác đến với Chúa.

1. An Online Version of The Shalem Pamphlet on Spiritual Direc tion, Spiritual Direction (http://www. Shalem.org/sd.html) p. 1
2. Downey Michael, “The New Dictionary of Catholic Spirituality.” (Minnesota: The Liturgical Press, 1993), p.912
3. Downey Michael, p. 912
4. Jordan Aumann, O.P., Đời Sống Tâm Linh (Việt Nam: Nhóm người chuyển dịch, 1993) p. 303- 317
5. Shalem On Line, p.2
6. Jordan Aumann, O.P.,P. 323
7. Michael Glazier, The Way of Spiritual Direction (Minnesota: The Liturgical Press, 1985) p. 210
8. Michael Glazier, p.15 – 16
9. Rushman, Spiritual Direction, (http://www. rushman. org/higher/spirdir.html) p. 3
10. Lm gioan Khả Trần, Sống Đời Sống Kitô Hữu (Houston: Người Tín Hữu,1999) p. 195- 196
11. Rushman, p. 3
12. Theo Chúa Kitô: Chièu kích chiêm niệm trong đời tu, p. 376: c.4
13. Shalem, p.1
14. Theo Chúa Kitô: Chièu kích chiêm niệm trong đời tu, p. 379- 380: c.11
15. Michael Grazier, p.. 215

Sr. Nắng Hạ, OP
Dòng Nữ Ða Minh Việt Nam

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]