Hôn nhân không bao giờ là một cuộc sống nhàm chán (1)

Cũng như tất cả những sợi chỉ màu sắc khác nhau đã cùng đan kết làm thành một tấm thảm đẹp, quý hiếm và đắt tiền; cũng vậy, những sắc thái và góc cạnh khác biệt của đời sống hôn nhân, như tình phu phụ nồng cháy và những bất cập ngoại tại, sự âu yếm vợ chồng và những dị biệt cá nhân, sự chung thủy và những thách đố đời thường, hạnh phúc và thất vọng, nhân đức và sự bất toàn, v.v… Tất cả đã đan chéo và thêu dệt nên một cuộc sống đôi lứa đầy sắc màu sinh động.

honnhan

Cái đẹp thủa ban đầu ấy

Chẳng phải thời gian đẹp nhất của hôn nhân giữa hai người nam nữ là lúc tình yêu giữa hai người mới chớm nở, là lúc họ mới bắt đầu yêu nhau, là lúc cả hai con tim luôn dạt dào và tràn ngập những tình cảm nồng nàn mỗi khi tưởng nhớ về nhau trước những buổi hẹn hò? Tất cả thật mê ly tuyệt vời! Tất cả những cảm xúc hạnh phúc của cả hai con tim thủa ban đầu ấy tưởng như vô tận, tưởng như vĩnh cửu, đến nỗi cả hai cùng có chung một cảm nghĩ là họ được sinh ra trên cõi đời này là để cho nhau. Và từ đó, khi tình yêu đã ngấm sâu, cả hai đã quyết định đi tới hôn nhân, quyết định sống trọn đời bên nhau cho tới lúc tóc bạc răng long, và rồi quyết định chọn ngày lành tháng tốt cử hành hôn lễ.

Dù dưới hình thức nào đi nữa thì hôn lễ, thì ngày cưới của đôi nam nữ còn mang nhiều ý nghĩa sâu xa trọng đại, chứ không chỉ là một ngày hồng phúc đầy vui mừng mà thôi. Hôn lễ là một khởi đầu mới, là sự ngắt quãng, là một bước ngoặt định mệnh của cuộc đời hai người: Chấm dứt cuộc sống độc thân và khởi đầu một cuộc sống mới, cuộc sống chung giữa hai người nam nữ, cuộc sống hôn nhân. Vâng, một quyết định quan trọng nhất đời người đã được thực hiện.

Sau lễ cưới, khi đôi tân hôn bước ra khỏi Thánh Đường trước những cái nhìn đầy hân hoan, ngưỡng mộ và đồng tình của bạn bè, của người thân và có lẽ của cả những người tò mò nữa, với những lời chúc mừng xen lẫn tiếng vỗ tay và tiếng nhạc reo vang, cả hai đã trở nên những con người mới, chứ không còn là những con người như trước đó khi mới bước chân vào Thánh Đường. Họ đã thực sự trở nên vợ chồng với bao an ủi và niềm hạnh phúc cũng như trách nhiệm và sự ràng buộc trọn đời đối với nhau. Họ cảm nhận rõ được điều ấy. Nhưng chính tình cảm ấy, chính sự cảm nhận tận sâu thẳm tâm hồn ấy là nền tảng, là lý do biện minh cho sự kết hôn của hai người nam nữa, của đôi tân hôn.

Nhất là sự cảm nhận đầy hạnh phúc và trách nhiệm ấy của đôi tân hôn là một trợ lực cần thiết cho đời sống hôn nhân của họ, đặc biệt khi họ phải đối mặt với những thử thách nghiệt ngã trong cuộc sống chung vợ chồng. Nói cách khác, khi phải đứng trước những thách đố của hôn nhân trong đời thường, cả hai vợ chồng sẽ có đủ can đảm và nghị lực hơn để vượt qua được những thách đố ấy khi họ hồi tưởng lại những cảm nhận hạnh phúc năm xưa, khi họ mới yêu nhau và nhất là lúc mà họ cùng thề hứa trước bàn thờ Chúa và sự chứng giám của Giáo Hội là sẽ suốt đời sống chết có nhau, dù cho sao trời có đổi ngôi, vũ trụ có xoay vần ra sao đi nữa, thì không gì có thể chia lìa được tình yêu đôi lứa của họ. Qua đó, cả hai như đã mặc nhiên dựa theo ý Chúa (x.Mt 19,6) mà thề hứa với nhau: “Anh/em yêu, từ nay chúng ta không còn là hai nữa, nhưng là một, và không có gì có thể phân ly được chúng ta nữa, vì Người đã tác thành chúng ta nên vợ chồng. Tất cả những gì của anh/của em – dù vui hay buồn, thành công hay thất bại – cũng đều là của em/của anh; vâng, là của chung của hai chúng ta.”

Tình yêu hôn nhân hoàn toàn khác với tình yêu máu mủ hay tình yêu bạn bè. Tình yêu hôn nhân có mục đích chính là để cộng tác với Tạo Hóa trong việc truyền sinh giống nòi, nên là tình yêu xác thịt, là tình yêu dựa trên sự tương quan thể xác giữa hai vợ chồng qua cuộc sống chăn gối. Nhưng đời sống chăn gối vợ chồng phản ảnh sự hợp nhất sâu thẳm và trọn vẹn nhất của hai vợ chồng trong toàn bộ mọi lãnh vực của cuộc sống, chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi thể xác mà thôi. Những giờ phút hạnh phúc và thỏa mãn tính dục trong đời sống chăn gối vợ chồng giúp cho cả hai người cùng cảm nhận được một cách rõ rệt và sâu xa rằng họ thực sự hoàn toàn thuộc về nhau và cho nhau, sẵn sàng hy sinh và sống chết cho nhau cũng như cho con cái của họ. Quả thật những giờ phút yêu thương âu yếm vợ chồng thật quan trọng và cần thiết trong đời sống hôn nhân và gia đình. Những giờ phút hạnh phúc ngắn ngủi ấy là động lực trọng yếu giúp cho vợ chồng chẳng những thắng vượt được mọi thách đố khó khăn của cuộc sống đời thường, mà còn cho họ có được những cảm nhận hạnh phúc bên nhau cũng như sự xác tín chắc chắn họ thực sự thuộc về nhau và nhất thiết cần phải có nhau.

Sự rắc rối bỗng nhiên xảy đến

Nhưng một ngày nào đó, giữa bầu trời quang đãng trong xanh của đời sống vợ chồng bỗng nhiên ùn kéo đến một làn mây đen nào đó, bỗng nhiên một người trong hai vợ chồng khám phá ra, hay nói đúng hơn: nghi ngờ một điều gì đó nơi người bạn đời của mình và coi đó như một đe dọa nguy hiểm muốn làm xáo trộn, muốn can thiệp vào cuộc sống đôi lứa của họ. Đây thực sự là một điều bất hạnh mà không một cuộc sống hôn nhân nào muốn đối mặt. Nó xuất phát từ những lý do mù mờ thiếu rõ ràng, chỉ mới nghi ngờ và đang trong vòng “điều tra” cách kín đáo thôi, chứ chưa phải là điều “bắt tận tay day tận trán.”

Chính vì thế, đó mới là vấn đề. Chẳng hạn khi người vợ bắt gặp nơi áo khoác người chồng có sợ tóc dài hay có mùi nước hoa lạ, hay khi người vợ thấy chồng mình không còn vui cười săn đón với mình hoặc sau bữa ăn không còn “ga-lăng” đứng dậy thu dọn và giúp rửa bát như mọi ngày, mà lại ngồi đọc báo hay xem Tivi; hoặc ngược lại, khi người chồng bắt gặp sự thay đổi đột ngột trong thái độ của người vợ, như thái độ lạnh lùng, thiếu vồn vã như mọi ngày, hoặc thường vắng nhà lâu và không cho biết lý do, v.v… Và như đã nói là sự việc đang trong vòng “điều tra” kín đáo, tuy nhiên bầu không khí trong gia đình cũng dần dà trở nên nặng nề ngột ngạt, nhất là sự thất vọng đã từ từ nhen nhúm vào trong suy tư của người kia, và nếu người ta thiếu cẩn thận và không tìm ra lối thoát hợp lý kịp thời, thì chỉ một lý do nhỏ nhoi nào đó cũng có thể làm bùng nổ. Đây là một hiện tượng tâm lý bình thường trong cuộc sống hôn nhân, mà người đời thường gọi là sự ghen tương.

Cũng như sự gia giảm các hương vị vào trong các món ăn: Nếu người ta biết pha chế vừa phải và đúng độ, thì món ăn sẽ trở nên thơm ngon mặn mà và hấp dẫn; ngược lại, nếu người ta vụng về và cho quá nhiều gia vị vào trong món ăn, thì sẽ làm cho món ăn trở nên mặn chát hay chua cay quá độ, không thể ăn được nữa và phải đổ đi. Cũng tương tự như vậy, thái độ ghen tuông trong đời sống vợ chồng là dấu chỉ của tình yêu đích thực, nhưng một khi người ta ghen tuông thái quá và không hợp lý, thì lại là dấu chỉ của sự ích kỷ, thiếu khôn ngoan và có thể đưa tới chỗ làm sứt mẻ hay phá vỡ chính tình yêu hôn nhân. Thái độ tốt và cần thiết trong đạo vợ chồng là luôn phải cẩn thận, khôn ngoan, hợp lý và tôn trọng lẫn nhau, ngay cả khi “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt.” Chớ bao giờ có thái độ “cạn tàu ráo máng” đối với nhau, từ trong tư duy, lời nói cho tới hành động, hầu tránh đi những hậu quả tai hại không cần thiết.

Những nỗi thất vọng

Thật ra, trong đời sống vợ chồng sự thất vọng chán nản luôn là một điều khó tránh. Nó thường được thể hiện ra bên ngoài qua hình thức hay bất bình, nóng nảy và cãi vã nhau vì những lý do nhỏ mọn không đâu. Sự thất vọng ấy nếu không kịp thời được giải mã, được đưa ra ánh sáng hay không kịp thời được xua đi một cách hợp lý, thì nó sẽ đục khoét và bào mòn dần tâm hồn con người, làm ngưng đọng các tư tưởng tích cực và sáng tạo của con người và giết chết mọi hy vọng đợi chờ của cuộc sống.

Dù vì lý do gì đi nữa, thì những nỗi thất vọng đầu tiên trong đời sống lứa đôi thường là những trải nghiệm đau buồn nhất, làm thương tổn người trong cuộc nhiều nhất. Dĩ nhiên, những nỗi thất vọng ấy không luôn đồng đều và giống nhau. Có những thất vọng làm cho vợ chồng nghi ngờ và xa nhau, nhưng cũng có những thất vọng càng làm hai vợ chồng thêm gắn bó với nhau hơn nữa. Nhưng trong mọi nỗi thất vọng cả hai vợ chồng đừng bao giờ quên rằng họ không hề lẻ loi một mình trong các thử thách, mà còn luôn có Thiên Chúa hiện diện bên họ và cùng đồng hành với họ, cốt để đỡ nâng và trợ lực cho họ, hầu cuộc sống hôn nhân và gia đình của họ được bền vững và hạnh phúc.

Đó là một điều không chỉ được suy diễn theo đức tin, mà là một minh chứng cụ thể. Đôi tân hôn xưa kia tại Ca-na (x. Ga 2,1-10) đã phải buồn sầu và đau lòng biết mấy khi họ bó buộc phải đột ngột tuyên bố chấm dứt tiệc cưới nửa chừng và phải nhìn từng đoàn khách mời đứng dậy và lũ lượt ra về, vì rượu đã không còn nữa. Nhưng thật phúc cho họ: Trong chính cơn ngặt nghèo đầy tuyệt vọng ấy, họ còn có Đức Kitô và Mẹ Người hiện diện bên cạnh và họ đã được cứu nguy. Cuộc vui ngày cưới của họ nhờ thế đã hoàn toàn trọn vẹn và mỹ mãn trước sự bất ngờ của mọi khách mời, ngoài Đức Kitô, Mẹ Người và các Môn Đệ có mặt.

Vâng, khi có Đức Kitô hiện diện và cùng đồng hành với cuộc sống hôn nhân và gia đình, thì không bao giờ lo sợ phải thất vọng, phải thiếu đi “rượu vui mừng và an ủi” cả. Mọi sự sẽ lại được tái điều chỉnh và sửa sai ngay. Vì “đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37) và Người luôn lắng tai nghe những kêu cầu của con cái loài người để che chở cứu vớt họ, nên không bao giờ có thể gọi là muộn màng khi phải giơ tay cầu xin cùng Thiên Chúa cả. Bởi vậy, trong những lúc phải đối mặt với các gian nan khốn khó trong cuộc sống đời thường, những người vợ người chồng cần phải xác tín rằng cuộc sống hôn nhân của họ không chỉ có hai vợ chồng mà thôi, nhưng còn có “đệ tam nhân” vô hình cùng hiện diện và cùng đồng hành với họ nữa: Còn có Thiên Chúa toàn năng, Đấng đầy lòng yêu thương họ! Chỉ cần họ đừng bao giờ tuyệt vọng và buông xuôi; trái lại, luôn cùng nhau tin tưởng phó thác vào sự quan phòng của Cha trên trời và tự nỗ lực không ngừng để tìm cách vượt qua cơn sóng gió. Và rồi như một phép lạ sẽ xảy đến cho họ, đó là mọi bão táp sẽ qua đi, biển lại yên lặng và con thuyền hôn nhân lại xuôi buồm êm trôi.

Người ta cũng đừng quên rằng thái độ biết giữ được bình tĩnh và tin tưởng khi tương quan vợ chồng gặp phải thử thách này nọ, để có thể rút tỉa ra được những kinh nghiệm sống cần thiết và lại trao cho nhau một tình yêu thương mới, là cả một nghệ thuật vô cùng cao quý và đáng cho xã hội kính nể, mà người ta có thể thực hiện được, nếu người ta muốn, nhất là nếu người ta biết loại bỏ được sự tự ái cá nhân và biết nhìn đến hạnh phúc chung của đôi lứa và hạnh phúc của cả gia đình. Đây là một ý thức nền tảng và quan trọng mà những người sống bậc vợ chồng cần xác tín, để có thể tránh được những ân hận về sau, vì do những bực dọc thiếu tự chủ, quá vội vàng và nông nổi không cần thiết. Các đôi vợ chồng cũng cần xác tín là những thất vọng to nhỏ đầu tiên trong cuộc sống hôn nhân của họ thường là những điều xảy đến một cách bất chợt, dĩ nhiên và khó tránh. Bởi vì khi bước vào cuộc sống chung, cuộc sống hôn nhân, cả hai người đều mang theo một thế giới riêng rẽ và khác biệt của mình mà họ từng sống trong suốt mấy chục năm của đời độc thân với các thói quen và sự tự do cá nhân, nhất là với một mạng lưới những tương quan bạn bè, v.v… mà cả hai người chỉ có thể từ từ chắt lọc, lựa chọn hay từ bỏ!

Mặc dù không ai trong hai người muốn và tìm kiếm những thử thách khó khăn đó, nhưng chúng vẫn thường xảy tới. Nhưng điều quan trọng ở đây là cả hai vợ chồng phải ý thức được một cách rõ ràng nguyên nhân và thực chất những điều ấy, không quá quan trọng hóa chúng, không để “cái bé xé thành cái to”, nhưng biết thông cảm cho nhau và cùng nhau vượt lên mọi thử thách và mọi mặc cảm, hầu tích lũy thêm kinh nghiệm sống cho đời hôn nhân của mình thêm phần hương sắc.

Trên thực tế, những thử thách và thất vọng trong đời sống hôn nhân thường gây ra cho những người liên hệ những vết thương lòng đầy đau đớn. Nhưng nếu một khi họ biết giữ bình tĩnh và tự chủ để vượt qua được, nhân cách của họ sẽ trở nên trưởng thành, chín chắn và thực tế hơn, nhất là giúp họ thoát ra được sự ảo tưởng nông cạn về hôn nhân, như quá lý tưởng hóa đời sống hôn nhân đến xa vời thực tế hay sự quên đi con người cụ thể của người bạn đời của mình và rồi mong đợi nơi người ấy những tính chất quá trọn hảo, mà chính bản thân mình cũng không có hay chưa có được.

Nhưng ngược lại, nếu những người liên hệ trong những thử thách ấy không biết dẹp bỏ tự ái vì hạnh phúc hôn nhân và gia đình mình, thì những thử thách và thất vọng mới khác lại ùn kéo đến và càng chồng chất thêm lên, và chỉ chờ một sơ sẩy nhỏ mọn, như một lời nói hay một cử chỉ vô tình nào đó làm người kia mích lòng, là sẽ bùng nổ. Nói cách khác, khi tâm lý con người bị rơi vào hoàn cảnh bị dồn ép quá, mà không tìm ra được lối thoát hợp lý cần thiết, thì sự thất vọng ấy không còn thuần túy là sự cảm nhận nội tâm nữa, mà sẽ được thể hiện ra bên ngoài qua những thái độ đầy bất mãn và những hành động bạo lực thiếu tự chủ. Từ đó, họ đâm ra ngờ vực cả chính mình nữa, đến nỗi đã phải tự hỏi là việc mình lập gia đình năm xưa có đúng không? Hay: Người vợ/chồng của mình có phải là chính người mà mình đã yêu thương và cùng xe duyên nên vợ chồng hay không?

 

Lm. Nguyễn Hữu Thy

Nguồn: Lam Hồng

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment