Bài 8. Nói với con cái về sự chết

Sống dưới thời chiến tranh ở Việt Nam, tôi ở trong một ca đoàn nhỏ nên hay đi hát lẽ mồ, hồi đó còn hát tiếng Latinh, bài Requiem và nhiều bài cầu hồn khác nghe buồn lắm. Khi có ai qua đời thì ca đoàn chúng tôi cũng đến tận nhà để phụ trách những giờ cầu nguyện cho linh hồn người quá cố. Buồn nhất là những người chiến sĩ tử trận để lại vợ trẻ con thơ. Cảnh người vợ khóc chồng và những đứa con đầu đội khăn tang, mặt mày ngơ ngác, làm tôi không cầm được nước mắt. Tôi thương người nằm xuống khi bổn phận gia đình chưa làm tròn, nhưng tôi thương người ở lại còn nhiều hơn nữa. Tôi nghĩ chắc người còn lại cũng khóc thương cho chính họ nữa.

Thương cảm một hồi thì tôi lại như chợt tỉnh ra. Ô hay, đâu phải chỉ có người nào đó chết, rồi người còn lại khóc thương cho người ra di và cho chính mình. Chính mỗi người còn đang sống và đang khóc lóc đây, cũng sẽ có ngày nhắm mắt lìa đời, vì đâu có ai thoát khỏi được cái chết? Cho nên khi buồn vì một người thân quen qua đời, thì tôi cũng nghĩ đến ngày mình cũng chết như vậy, chỉ không biết là khi nào và bằng cách nào thôi. Và có lẽ nghĩ nhiều tới cái chết nên tôi không thấy mình sợ chết. Nhưng tôi nghe nói nhiều người lúc trẻ không sợ chết, nhưng càng về già, càng gần với cái chết thì càng sợ chết. Có thể sau này tôi cũng sợ như thế không chừng.

Tôi cũng luôn nghĩ đến ngày mình phải trải qua những cái tang trong gia đình. Đối với tôi, cha mẹ già chết đi chắc không đến độ làm cho con cái phải đau khổ nhiều lắm. Nhưng cha mẹ chết khi con cái còn nhỏ dại, bổn phận làm chưa xong đã phải ra đi để lại con cái bơ vơ, thì thật đáng thương quá. Lại còn có những cha mẹ phải chịu tang con cái, cảnh tre khóc măng thật là đau đớn quá sức tưởng tượng của tôi. Những cái tang như vậy có thể xảy ra cho bất cứ ai, nên tôi luôn cầu xin Chúa cho mình xong bổn phận nuôi dưỡng con cái rồi tôi sẽ sẵn sàng chờ ngày Chúa gọi về, và nhất là xin Chúa cho tôi đừng mất một đứa con nào. Tôi xin, vì Chúa nói “hãy gõ, cửa sẽ mở”, nhưng biết mình vẫn phải tuân theo sự định đoạt của Chúa, cho nên tôi cũng muốn chuẩn bị cho con mình về tinh thần trong vấn đề này.

Sở dĩ tôi can đảm nói với con cái về sự chết, vì đã lâu lắm rồi tôi chợt thấy ở thư viện công cộng có buổi hướng dẫn cho trẻ em về sự chết. Tuy không đưa con đến dự, nhưng tôi ý thức được tầm quan trọng của vấn đề. Nhưng phải nói thế nào đây? Mãi nhiều năm sau, khi đời sống của tôi trở nên gần Chúa hơn, tôi mớI có thể chia sẻ với con cái điều mình suy nghĩ như sau:

“Sự sống của mỗi người đến từ Thiên Chúa và sự sống hiện diện nơi thân xác này. Thiên Chúa cũng trao cho mỗi người một sứ mệnh nào đó. Các con hãy xem người đổ rác mỗi tuần. Dĩ nhiên mẹ không muốn các con sẽ thành người đổ rác sau này, nhưng mẹ con mình phải cảm phục những người làm công việc tầm thường không ai muốn làm đó. Vì nếu không có người đổ rác, thì các bác sĩ hay nhà nhà thương cũng phải bó tay khi rác rến ngập ngụa và vi trùng lan tràn khắp mọi nơi. Như vậy người đổ rác có một sứ mệnh quan trọng là giữ gìn vệ sinh cho xã hội, cho con người.

Hơn nữa, khi nhìn những trẻ em ngây thơ, trong sáng, ai biết được rằng trong đó có em sau này sẽ trở thành người đổ rác? Nhưng sự thật khi các con lớn lên, một vài em cùng trang lứa với con bây giờ sẽ là người làm công việc đó để gìn giữ vệ sinh và sức khoẻ cho mọi người.

Như vậy ai cũng có sứ mệnh phục vụ và đóng góp cho đời sống bằng cách này hay cách khác, hoặc trực tiếp hay gián tiếp. Và khi một người đã hoàn tất sứ mệnh của mình, thì sự sống sẽ lại trở về với Thiên Chúa. Khi mẹ chết, thân xác mẹ chỉ là một cái áo đã mặc xong, không còn cần đến nữa, và sẽ được bỏ vào hộp cất đi dưới lòng đất, hoặc được đốt thành tro bụi để tan biến vào vũ trụ. Lúc đó, có lẽ Chúa đã cho mẹ một cái áo khác mà các con không còn nhìn thấy nữa đó thôi. Thay vì thương tiếc chiếc áo thân xác này, các con hãy nhớ rằng mẹ vẫn hiện diện trong một cái áo khác. Chết chỉ là một sự thay đổi về hình thức của sự sống vĩnh cửu.”

Lần đầu nghe những điều này, đứa con út của tôi đã như rươm rướm nước mắt rồi Nhưng sau đó thỉnh thoảng có dịp nói về sự chết, con tôi đã có thể trao đổi với tôi trong một trạng thái bình an, vui vẻ. Dù sao, tuổi trẻ đầy tràn sức sống và luôn hướng về tương lai sáng lạn, nên tôi không muốn nói nhiều về sự chết với con cái. Cầu mong Chúa thương ban cho mẹ con tôi được tận hưởng thật nhiều những ngày tháng hạnh phúc bên nhau.

Kết:

Tạ ơn Chúa đã cho tôi có cơ hội làm mẹ để học những bài học thực tế này. Ngài đã cho tôi học bằng phương pháp nhận thức và phân biệt, và phương tiện để học chính là những kinh nghiệm sống mà tôi trải qua. Tuy đây là những kinh nghiệm cá biệt của một người, nhưng khi đem chia sẻ những bài học của cá nhân mình, tôi hy vọng người đọc cũng cảm thông được qua kinh nghiệm riêng của mỗi người. Con tôi đã đóng góp rất nhiều cho sự trưởng thành của tôi, nhất là hai đứa con đầu đã phần nào lãnh chịu hậu quả của sự non nớt, ấu trĩ của tôi trong bước đầu làm mẹ. Bây giờ hai cháu này đã lớn đủ, để tôi thành thật chia sẻ với chúng những gì tôi học được, như món quà tặng làm hành trang vào đời. Còn hai cháu nhỏ hơn thì coi như được hưởng lợi ích từ những bài học này rất nhiều. Và chính tôi đã nhận được những phần thưởng mà Chúa luôn dành sẵn cho những cố gắng của mình trong vai trò một người mẹ. Phần thưởng này là những tháng ngày mẹ con tôi được sống bên nhau thật hạnh phúc. (Hết)

Nguyễn Thị Kim Loan

VietCatholic News

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment