Bài 4. Tâm trạng sau khi ly dị

Không phải ai cũng trải qua những tâm trạng giống nhau, nhưng có lẽ ở giai đoạn này nhiều người sẽ có một tâm trạng phức tạp hơn cả những điều tôi vừa trình bày.

Tâm trạng thứ nhất là tâm trạng hụt hẫng, trống vắng. Tôi đã quen một mình trách nhiệm về tài chánh cho gia đình nên không bị hụt hẫng về đời sống vật chất, nhưng hoàn toàn trống vắng về tình cảm.

Tâm trạng thứ hai là xấu hổ với người khác, nhất là những người có gì đình hạnh phúc, vì mình là kẻ thất bại trong hôn nhân. Tâm trạng này khiến người ta muốn tránh né những cuộc gặp gỡ với người quen biết, và cảm thấy vô cùng trống vắng, cô đơn. Khi nhiều người đã biết về chuyện ly dị của mình rồi, thì hình như người ta bắt đầu theo dõi xem mình sắp sửa làm lại cuộc đời ra sao, trong khi chính mình còn đang lúng túng chẳng biết phải làm gì.

Với những tâm trạng nêu trên, cộng thêm với mặc cảm bị loại trừ sẵn có, tôi nghĩ người ta có khuynh hướng dễ “phải lòng” với người khác phái. Vừa khoả lấp được khoảng trống tình cảm, vừa “gỡ gạc” lại đươc giá trị của mình. Dù sao thì vẫn cần phải chứng mình rằng mình chưa phải là “đồ bỏ” chứ! Có lẽ đây là lý do khiến không ít người đã vội vã lập gia đình ngay sau đó, để rồi lại đổ vỡ và ly dị còn nhanh hơn lần trước!

(Vì vậy tôi lưu ý: Nếu bạn ở trong hoàn cảnh ly dị và cảm thấy cô đơn thì nên đề phòng vì mình có thể gặp kẻ lợi dụng, hoặc nếu có người thật tình giúp đỡ nhưng lại có gia đình, thì cũng nên tế nhị né tránh để giữ thân và không làm cớ cho một gia đình khác phải đổ vỡ. Còn nếu bạn là người muốn giúp đỡ ai đó ở trong hoàn cảnh này, và bạn cũng độc thân và có ý muốn xây dựng thì rất tốt, bằng không thì cũng cần tế nhị để khỏi gây đau khổ cho đương sự và có cơ nguy tan cửa nát nhà của chính mình. ‘Nhà cửa’ của tôi tan nát cũng vì người phối ngẫu đã hết lòng giúp đỡ một người vừa ly dị; chuyện đổ bể khiến cả ba phía đều xấu hổ với bạn bè và người thân, và cuối cùng chính tôi lại trở thành kẻ “ly dị và cô đơn”.)

Ngoài ra, có thêm tâm trạng nữa là cảm thấy có lỗi với con cái, vì mình đã để chúng phải xấu hổ vì có một gia đình “què quặt”. Rồi lo sợ con cái bị chấn thương về tình cảm và tâm lý, khiến sau này khó thành công trên đường đời, và mình sẽ là người có lỗi. Tôi nghĩ tâm trạng này khiến tôi và mấy chị bạn cố gắng chấp nhận sự trống vắng của mình để dồn hết tất cả cho con cái, để bù trừ lại cho sự thiếu thốn của chúng. Nhiều khi nghĩ đến những người đồng cảnh ngộ như mình và đang có bạn trai, cuối tuần có người đi chơi thì chắc là vui rồi, nhưng người bạn trai cũng chiếm nhiều thì giờ của họ. Cả tuần đi làm, còn mỗi cuối tuần dành cho con cái thì lại phải chia cho bạn trai một phần không nhỏ, khác nào có thêm bổn phận với …người dưng! Con cái đã không được đầy đủ cha mẹ, mà phải chia sớt người cha hay mẹ còn lại với một người không liên hệ gì tới mình, làm sao chúng không bất mãn được? Dĩ nhiên khi con cái lớn hơn và có cuộc sống riêng thì có lẽ chúng dễ thông cảm và cũng muốn cha hay mẹ của mình có bạn cho bớt cô đơn.

Ðó là những tâm trạng mà tôi và những bạn bè cùng hoàn cảnh đã trải qua, và chúng tôi là phụ nữ. Vậy những đấng nam nhi đã trải qua hoàn cảnh này có tâm trạng ra sao? Có thể không khác bao nhiêu chăng? Tôi biết một người đàn ông đã ly dị 14 năm nay, một mình anh nuôi cô con gái duy nhất từ khi cô còn nhỏ xíu, năm nay con gái anh sắp xong trung học và anh vẫn ở vậy.

Nguyễn Thị Kim Loan

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment