Bài 4. Một vài ảnh hưởng nơi trường học

Phần trước, tôi chia sẻ những gì mình học được khi đương đầu với những đổi thay của con trong lứa tuổi mới lớn. Nhiều sách vở đã nói về những nguyên nhân của sự đổi thay này, còn tôi chỉ quan sát để thấy những điều sách vở nói đã xảy ra rất tự nhiên với con mình. Tôi nhận ra rằng con mình muốn tập tành khả năng chọn lựa, quyết định, khám phá… để tìm cách trưng bày con người của chúng theo ý riêng mà chúng thích. Ðây cũng là lúc chúng tập tành việc tự trách nhiệm cho những chọn lựa và quyết định của mình, vì mỗi lựa chọn và quyết định đều có những hệ quả nào đó.

Một nguyên nhân nữa là sự ảnh hưởng của bạn bè mà từ bậc tiểu học con tôi đã bị rồi chứ không phải đợi tới tuổi mới lớn. Nhưng cũng may là tôi vô tình cho một cháu có cơ hội thử nghiệm khá sớm. Ðó là khi cháu học lớp 2 hay 3 gì đó, cháu thích một đồi giày rất mắc tiền mà chỉ có một hai đứa bạn có thôi mà ai cũng thích và ao ước có được. Cháu lại có tài thuyết phục mẹ. Cháu lý luận rằng giày đó tốt gấp 2,3 lần giày thường, đi lâu hư, và vì là giày mắc nên tự nhiên là cháu biết giữ gìn cẩn thận, mẹ có mua mắc thì cũng bõ đồng tiền,v.v… Tôi nghe có lý nên bóp bụng mua cho con. Gớm, ngày đầu đi học với đồi gìày mới mắc tiền, con tôi hớn hở ra mặt. Về hỏi bạn có thích không, con tôi trả lời rằng bạn cứ trầm trồ “Wow!” và có vẻ thích lắm. Vài ngày sau vần còn thấy hớn hở, nhưng từ từ rồi chắc những tiếng “Wow!” cũng đã ngưng, bạn bè đã quen mắt với đồi giày và chẳng ai để ý nữa, mọi chuyện lại bình thường như không có gì xảy ra. Tôi đoán rằng con mình đã rút ra một bài học là sự ganh đua với bạn bè và những tiếng trầm trồ kia chẳng có nghĩa lý gì. Và cũng chỉ sau một thời gian ngắn là đồi giày cũng hư nhanh như mọi đôi giày khác. Con tôi cười bẽn lẽn khi đưa đôi giày hư ra để được mua giày khác.

Vì biết bạn bè có ảnh hưởng nhiều tới sự phát triển tâm lý của con, nên tôi thường hỏi thăm con về những chuyện ở trường học. Ngoài việc học ra, có hai điều mà tôi luôn theo dõi. Thứ nhất, ở bậc trung học việc giáo dục về sinh lý ra sao. Bên California trường con tôi học có mời các phụ huynh đến theo dõi những phim ảnh và tài liệu mà họ sẽ dùng trong việc này để quyết định cho con em tham dự hay không. Tôi xem qua thì thấy có tính cách khoa học nhiêù hơn nên an tâm cho con tham dự. Bên Ohio cha mẹ không được hỏi ý gì cả, nhưng con tôi cũng nhận xét là các tài liệu họ dạy đề có tính cách khoa học mà thôi.

Thứ hai, ở cả hai bậc trung và tiểu học tôi đều muốn biết các nhóm bạn được tụ hợp theo những lựa chọn nào. Theo lời con tôi, ngay cả ở tiểu học đã có những em có sức thu hút sao đó nên có nhiều bạn. Sự thu hút này có thể là do tính tình hay khả năng học hành, có tài, đi trước bạn bè trong nhiều lãnh vực,v.v… Nhưng lại cũng có những em do tánh tình khác thường, khả năng kém cỏi hoặc quần áo lôi thôi, nên thường ít bạn và hay lủi thủi, có khi bị chúng bạn hất hủi, trêu chọc hoặc tránh xa. Các em này cũng khó học giỏi, vì mọi người kể cả thày cô thường “dán nhãn hiệu” xấu cho các em, như ù lì, khó ưa, chậm hiểu, v.v…. khiến các em không có cơ hội phát triển cách bình thường. Ở trung học thì việc chọn bạn phức tạp hơn, vì các em đã biết đua đòi về thời trang, biết đua đòi ăn chơi, nhiều em được cha mẹ có tiền mua xe riêng để lái tới trường, v.v… nên các em nhà nghèo hoặc cù lần dễ bị “tẩy chay”.

Những em lanh lẹ và hài hước thường thu hút đám đông và có ảnh hưởng lớn trên các bạn, và chính những em này hay xách động các bạn để chọc ghẹo những em kém cỏi và ít người muốn chơi. Tội nghiệp những em kém cỏi và bị chọc ghẹo, các em đã cô thế càng cô thế hơn. Khi cứ bị chọc ghẹo mãi các em có thể mang mặc cảm suốt đời, hoặc bị dồn vào chân tường mất cả kiểm soat nên đã có những trường hợp học sinh xách súng vào trường bắn loạn xạ. Nhiều bài báo đã đưa ra nhừng nhận xét như trên, và khuyên phụ huynh nên chú ý xem con mình ở phe chọc ghẹo, hay con mình là nạn nhân của những vụ chọc ghẹo này. Họ có những câu chuyện chứng minh rằng nếu được hướng dẫn đúng, các em dẫn đầu những vụ chọc ghẹo có thể trở thành những người lãnh đạo giỏi sau này, trong khi các em bị chọc ghẹo có thể trở thành những nghệ sĩ tài ba nhờ biết tìm niềm vui sáng tạo trong nghệ thuật.

Tôi rất sợ con mình hùa theo các bạn để trêu chọc các em kém cỏi, và tôi cũng rất lo nếu con mình là nạn nhân của những vụ trêu chọc vì là dân Á Ðông không giống đa số các học sinh khác. Tôi hỏi cặn kẽ con mình ở trường được bạn bè đối xử ra sao, và khuyên con không được hùa theo kẻ mạnh mà ngược lại nên gần gũi và bênh đỡ những người bạn kém cỏi hơn mình. Tôi nói nếu con bị trêu chọc thì cho mẹ biết ngay, để có thể giúp con đối phó. Tôi nghĩ các trường học tìm cách kiểm soát và ngăn chặn không cho học sinh đem khí giới đến trường vẫn chưa đủ, mà phải đòi hỏi phụ huynh phải trách nhiệm trong việc hướng dẫn con cái cách cư xử với mọi người. Có thể khi cha mẹ đặt nặng đời sống vật chất và không có giờ hướng dẫn con, lại thêm có thái độ kiêu hãnh về sự giàu có của mình và khinh thường người nghèo trước mặt con, nên vô tình đã làm cho con có thái độ hống hách và khinh thường các bạn kém cỏi hơn mình chăng?

Nguyễn Thị Kim Loan

VietCatholic News

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment