Bài 2. Cộng tác với việc của con

Trong lãnh vực giúp con cái hoàn tất việc của chúng, tạ ơn Chúa đã cho tôi sớm nhận ra những bài học cần thiết và đã áp dụng rất hiệu quả. Việc nhà tôi trước đây không dành thì giờ cho gia đình, và sau này đã lìa xa hẳn, khiến mẹ con tôi sống rất gần gũi và thương yêu nhau, nhất là trong khoảng 10 năm nay. Âu cũng là việc Chúa an bài, và những lúc cùng cực nhất của mẹ con tôi cũng là lúc để Chúa ban thật nhiều ân sủng của Ngài. Những bài học tôi gặt hái được là do Chúa Thánh Thần hướng dẫn tới đâu thì tôi biết đến đó mà thôi, và Chúa cũng cho tôi có cơ hội để chia sẻ với bạn đọc những bài học này.

Khi con tôi phải làm những project ở bậc tiểu và trung học, chúng phải nhờ tôi chở đi mua các vật liệu cần thiết như giấy cứng lớn, giấy màu, que gỗ, cọ vẽ và sơn màu,v.v… Hồi chưa có internet tôi còn phải chở chúng đi thư viện mượn sách nữa. Trong những dịp này tôi hỏi xem chúng phải làm gì. Ðôi khi chúng cần có sáng kiến nhưng chưa nghĩ ra thì tôi góp ý. Khi chúng còn nhỏ tôi phụ chúng làm, và cảm thấy thích thú lắm. Nhiều bậc cha mẹ giúp con nhưng không để ý, làm một hồi thấy thích thú rồi cao hứng làm hết như thể là project của mình vậy. Khi tới trường xem triển lãm các sản phẩm của các em, tôi thấy một vài sản phẩm được hoàn tất ngoài sức của một đứa nhỏ là biết ngay. Con tôi nói các giáo viên cũng nhận ra điều đó, và chỉ cho điểm thật cao những sản phẩm tuy thô thiển nhưng có vẻ do chính tay các em làm ra.

Tuy tôi không tham gia vào các hội phụ huynh ở trường học, nhưng mỗi khi cha mẹ được dịp tới gặp thày cô là tôi thu xếp giờ để tới gặp họ. Nhiều giáo viên Mỹ không biết gì về người tỵ nạn VN, và dễ cho rằng gia đình dân tỵ nạn “kém văn minh” dù có thể các em học rất giỏi. Nhưng khi tôi đến gặp và nói chuyện, họ có cơ hội tìm hiểu văn hoá Việt Nam và các giá trị gia đình được tôn trọng và gìn giữ, nên họ tỏ vẻ thích thú và nể nữa. Con tôi thường phàn nàn về hệ thống chấm điểm gắt gao của học khu, phải 93 điểm trở lên mới được A, còn nếu được 92 vẫn ăn con B mới đau. Khi có dịp đến gặp các giáo sư ở trường trung học và được viết điều mình muốn yêu cầu, tôi đã yêu cầu họ nên chấm điểm rộng rãi hơn để khuyến khích các em. Tôi lý luân rằng khi các em đạt được tới 92 điểm là các em đã cố gắng tối đa để đạt được A, mà lại cho các em B thì các em sẽ thất vọng và nản chí lắm, và cảm thấy như bị trừng phạt thay vì được khuyến khích cho những cố gắng của mình. Sau đó không lâu, cả học khu thay đổi việc chấm điểm giống như lời tôi yêu cầu, và có thể là do nhiều cha mẹ chứ chẳng phải mình tôi. Các con tôi rất vui mừng và cũng học được bài học về sự can đảm nói lên yêu cầu của mình như mẹ chúng đã làm.

Ngoài việc học ra, con tôi tham gia chơi các môn thể thao như đá banh, các môn điền kinh như chạy nhanh và nhảy xa, football, và ngay cả môn đô vật (wrestling) mà tôi rất sợ. Tôi đã từng bỏ cả nửa ngày cuối tuần chở con đi xa và ngồi xem con chơi dù công việc còn chờ đợi ngổn ngang ở nhà. Nghĩ lại cậu em út tôi hồi gia đình mới qua Mỹ năm 75, cậu còn học tiểu học và cũng chơi đá banh. Bố mẹ tôi lúc đó bận đi làm và lo cho gia đình 7 đứa con, và ông bà chẳng rành rẽ về đời sống ở Mỹ bao nhiêu. Chị em chúng tôi lo học hành và đánh vật với Anh Văn nên cũng rất bận. Thế là cậu em nhỏ xíu của tôi phải đi theo với gia đình của bạn bè, dù đi tập dợt hay đi đấu với các đội banh khác cũng vậy, và chẳng có ai trong gia đình chia sẻ những vui buồn, thắng bại của cậu hết. Bây giờ cậu đã là một bác sĩ, tôi nghĩ cũng ân hận đã không để ý tới em nên hỏi cậu lúc đó có buồn không, cậu nói: “Thì buồn chứ, nhưng phải chịu vậy thôi!”

Tôi nhớ mãi việc con tôi gặp một tờ flyer mời trẻ em tham dự chạy đua đường trường và cháu đòi tới ghi tên tham dự dù chưa chạy bao giờ. Buổi sáng hôm đó tôi và nhà tôi chở con tới chỗ thi. Chúng tôi nhìn theo đám trẻ khoảng hai chục đứa chạy khuất bóng, và đứng chờ. Một em về nhất, rồi em thứ nhì, thứ ba, tư, năm… mãi tới hơn mười em về, khá lâu rồi mà vẫn chưa thấy con mình đâu. Các em về sau chạy khá chậm nên về lẻ tẻ, cách quãng. A, kia rồi, con tôi! Mà sao lại như …lê lết thế kia? Khi con tới gần, tôi mới biết là giầy của nó đã …há mõm! Tội nghiệp con tôi, bố mẹ chỉ biết chở tới chỗ chạy đua mà chẳng để ý xem giày của con mình có đủ tốt để chạy không.

Sau lần ấy, hai đứa con tôi tham gia vào một tổ chức điền kinh để được huấn luyện và đi dự các buổi thi đua trong vùng và với các thành phố hoặc tiểu bang khác. Mỗi lần đưa con đi đua, tôi ngồi chơi dưới bóng mát và đọc sách chờ con đua xong. Một lần kia tôi chán đọc sách, bèn rời chồ ngồi và lần mò đi xem con mình về tới đích ra sao. Tôi vạch đám đông đi tới thật gần. Thằng con thứ hai của tôi đang chạy sau 2,3 đứa, chợt ngẩng lên và thấy tôi đang đứng ngay đó, mắt nó vụt sáng lên và bất thần chạy vọt lên trên và …về nhất một cách bất ngờ! Tôi nhớ mãi khoảnh khắc “ngựa về ngược” này của con, có lẽ là do ánh mắt của mẹ con chạm nhau! Con tôi thường đoạt giải trong các cuộc thi chạy 200, 400 mét và nhảy xa, và được đủ điều kiện tham dự các cuộc thi toàn quốc. Sau này tôi mới biết cháu có mộng đi tham dự Olympic, nhưng rất tiếc tôi đã không biết để mà khuyến khích và nâng đỡ con.

Cũng cháu thứ hai này đã lên đại học sớm và tốt nghiệp khi mới 20 tuổi. Khuyên cháu học gì cũng lắc đầu, và nhất định chọn cùng ngành của mẹ là Information Systems. Hơn 20 năm trước, tôi đi làm ban ngày và buổi tối học tiếp cho xong. Trong suốt thời gian này tôi mang bầu cháu thứ hai và ngày nào cũng “mang” cháu đến trường trong bụng mình, còn cháu lớn lúc đó gần 4 tuổi tối nào cũng đòi theo mẹ tới lớp, nên nhà tôi làm tài xế cho cả nhà! Sau đó tôi qua Calif ở khoảng 9 năm, và đã trở lại nơi này cũng cả gần chục năm, bây giờ hai cháu lớn cũng ra trường ở cùng đại học mà tôi đã tốt nghiệp khi xưa. Tôi khuyến khích các cháu phải học lên cao nữa để khỏi uổng khả năng Chúa ban.

Các cháu rất tích cực với các sinh hoạt của các sinh viên Việt Nam, và gần đây đã cùng các bạn tổ chức một cuối tuần hội thảo đầu tiên của các sinh viên VN trong vùng Trung Tây nước Mỹ. Các cháu nhờ tôi làm phần trình bày về văn hoá ẩm thực VN và dạy các sinh viên nấu các món căn bản Việt Nam đã được tôi tiêu chuẩn hoá cách đong lường gia vị cho ai cũng có thể nấu rất dễ dàng. Tôi là bậc cha mẹ duy nhất đến tham dự, và có đem theo cả hai cháu nhỏ. Tới đó tôi mới lấy làm tiếc cho các bậc phụ huynh khác đã không có mặt ở đó để thấy tận mắt khả năng và nhiệt tình của các sinh viên trên dưới 20 tuổi. Không chứng kiến việc các em làm, cha mẹ khó tôn trọng con đúng mức, và cứ nghĩ con mình chẳng làm nên cơ đồ gì! Tôi cũng tiếc cho các em nhỏ tuổi hơn không được tới đó để ngưỡng mộ anh chị mình và noi gương. Tôi nói các cháu lần sau phải mơi phụ huynh và gia đình tham dự, và hứa sẽ giúp các cháu đảm trách việc này.

(Còn tiếp)

Nguyễn Thị Kim Loan

VietCatholic News

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment