“Mẻ cá lớn” trên dãy Trường Sơn

Đọc xong đoạn Phúc âm theo thánh Luca: “ Giảng xong, Ngài bảo ông Simon: “ Chèo ra chỗ nuớc sâu mà thả lưới bắt cá “. Ông Simon đáp: “ Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới “( Lc 5 : 4-6 ). Tôi cảm nghiệm sâu sắc ý nghĩa câu “ Hôm nay Lời Chúa vẫn như còn tươi rói và dẫn đưa tôi nhớ da diết về một mục tử đã “ chèo ra chỗ nước sâu “trên dẫy Trường Sơn .

Những địa danh một thời oanh liệt khi còn chiến tranh như Kon Hơ Ring , Dak-Tô , Tân Cảnh , Dak-Xut , Dak Glei , Ngọc Hồi nằm phía Tây Bắc Kontum giáp Lào và Quảng Nam và cách thị xã Kontum trên dưới 100 cây số . Nơi đây đã ghi dấu không biết bao nhiêu những bước chân truyền giáo va máu xương của các bậc tiền bối từ thời kỳ tiên khởi khoảng từ năm 1853 . Trong thiên hồi ký của cha Pierre Dourisboure xuất bản năm 1929 , Linh Mục Thừa Sai Paris này viết sau khi thầy Sáu Do bị chông đâm ngay gang bàn chân: ”Chúa nhân lành đã muốn cho chúng tôi hiểu rằng những năm tháng ở chốn trần gian lưu đầy này chỉ tốt đẹp cho chúng ta khi nó khởi sự bằng thập giá mà thôi .” Hoặc khi bị dân làng xem những Thừa Sai của Chúa như là những tay sai của ma quỷ , là những kẻ truyền bá các thứ đam mê bẩn thỉu nhất , Ngài viết :“ Nhìn lại lịch sử truyền giáo của Giáo Hội , công việc rao gỉang Tin Mừng lúc khởi đầu luôn luôn gặp khó khăn và bị bách hại . Và nếu có nơi nào mà lúc đầu các nhà truyền giáo không gặp thử thách thì đó là dấu hiệu Chúa không mấy chúc lành, và công việc của họ chỉ gặt hái được ít kết quả . Nếu quỷ dữ khuấy động , tru trếu , gầm thét , đó là vì nó sợ , nó thấy công việc của nó sắp thất bại . Vậy hãy can đảm, khiêm nhường, tin cậy nơi Chúa và chúng ta sẽ đạt được mục đích, bất chấp quỷ dữ và còn khó khăn hơn nữa, bất chấp tội lỗi của chúng ta .” Ngay những năm trước 1975 khi còn sống trong tiểu chủng viện Thừa Sai Kontum, tôi đã chứng kiến cái chết đau thương của cha Sanier khi Ngài di chuyển trên đường bị mìn phát nổ . Hoặc cha Leoni cha sở làng Kon Kơla bị bắn gẫy tay nhưng Ngài vẫn ở lại với những đứa con của Núi rừng này cho tới 1975 .

Đến năm 1997 khi trở lại Kontum thì những địa danh trên vẫn heo hút vẫn thiếu dấu chân của mục tử do hoàn cảnh phức tạp sau năm 1975 . Gặp cha Simon Phan văn Bình tại Nhà thờ gỗ chính tòa Kontum lúc đó Ngài đã 62 tuổi nhưng vẫn đang phải học và nghiên cứu tiếng người dân tộc Sêdang để soạn ra sách giáo lý cùng những tài liệu liên quan đến công việc mục tử của Ngài . Ngài cho biết từ giải phóng đến nay các làng dân tộc công giáo chỉ có các Iao Phu , người quản lý họ đạo thay cho linh mục, hoạt động mục vụ . Chức sắc Iao Phu này được giáo phận dành riêng cho một ngày gọi là Ngày Iao Phu và một quỹ hoạt động gọi là Quỹ Iao Phu giúp họ có phương tiện hoạt động tông đồ . Nơi đây cũng chẳng còn ngôi nhà thờ hoặc nhà nguyện nào mặc dù trước kia đầy đủ kể cả nhà xứ . Mọi sinh họat công giáo đều do giáo dân tự quản . Chỉ những ngày lễ lớn như Giáng Sinh hoặc Phục Sinh họ mới tập trung về Nhà Thờ Chính Tòa Gỗ dành riêng cho giáo dân dân tộc để dọn mình xưng tội va tham dự Thánh Lễ trọng thể .Trong những ngày lễ này các giáo dân được giáo phận lo cho đủ mọi nhu cầu sinh hoạt như củi đốt , chiếu để nghỉ ngơi , gạo và thức ăn nước uống cùng lộ phí . Mãi cho đến năm nay tức 1997 Ngài mới chính thức được chính quyền Tỉnh cho phép đi lại và lo lắng cho con chiên của Ngài đa phần thuộc dân tộc Sêdang rải rác trong các huyện Sa Thầy, Ngọc Hồi, Dak Tô và Dak Glei . Trong vùng sâu vùng xa rộng lớn đầy gian nguy hiểm trở này số làng công giáo dân tộc gồm 130 làng trên tổng số 632 làng của tòan giáo phận , nên nhiệm vụ của Mục tử Dãy Trường Sơn của cha Simon rất nặng nề vất vả .

Khi cha Simon Phan văn Bình về Saigon khám chữa bệnh và đến thăm tôi vào những ngày đầu tháng 2 năm 2004 , tôi mới có dịp hỏi chuyện Ngài . Vẫn nước da bánh mật của người miền núi , tôi mừng rỡ muốn biết “ chỗ nước sâu “ của Ngài ra sao :

– Khó khăn thì nhiều nhưng việc nào làm cha điên đảo suy tư nhiều nhất ?
– Đó là công việc chăm lo sức khỏe cho họ mỗi khi họ cần phải cấp cứu . Nhiều khi đang đêm bất kể giờ giấc, bất kể đường xá xa xôi thác ghềnh, bất kể cơ thể mình có đau ốm hay không, mình vẫn phải đến với họ đem họ đi bệnh viện và lo mọi thủ tục cùng mọi chi phí thuốc men cho đến khi xuất viện. Trong 6 năm nơi vùng sâu vùng xa này mình đã thực hiện được khoảng 400 ca chăm sóc như thế . Dù mệt mỏi hết sức nhưng “ Vâng lời Thầy , tôi sẽ thả lưới “. Đó là kim chỉ nam để mình rao giảng Lời Chúa .

– Còn hạnh phúc lớn nhất đối với Mục Tử Dãy Trường Sơn của cha là gì ?
– Sau những năm kiên trì chăm sóc lo toan tận tình cho sức khỏe của họ , bất kỳ công giáo hay ngoại đạo, mà tôi đón nhận nguyên một làng dân tộc ngoại giáo tự nguyện trở lại . Đây thực sự là niềm hạnh phúc lớn lao nhất mà Chúa đã ban cho. Một mẻ cá lớn trên Dãy Trường Sơn . Đây cũng là hạnh phúc của quí thân bằng cố hữu và quí ân nhân xa gần chưa một lần quen biết và của những ai nâng đỡ đời sống mục tử .

– Uớc mơ hiện nay của cha là gì ?

– Với tuổi 68 như tôi thì chỉ mong sao có thêm anh em linh mục trẻ hơn chia sẻ với tôi nơi cánh đồng truyền giáo Trường Sơn đèo heo hút gió này để tôi còn thời gian thực hiện hai cuốn tự điển Bahnar – Việt và Sêdang – Việt giúp các cháu người dân tộc học văn hoá tốt hơn .

Sau những lời chân tình trên , Ngài gửi tặng tôi những trang bút ký về Trường Sơn đèo heo hút gió . Trong đó Ngài ghi lại :

– 10-02-2003 : Đưa người chết về thôn làng .

Tận dụng chiếc Musso , xếp ghế lại , tôi đặt chiếc quan tài vào trong . Chở về làng Yang Lố Kram gần biên giới Lào . Vừa vước xuống xe , người nhà khóc òa lên inh ỏi . Tiếng khóc báo tang . Người làng lần lượt chạy tới . Tiếng khóc lan truyền từ người này tới người kia . Cả làng đều khóc .

Tôi đứng lặng người . Không hiểu mình đang ở dương gian hay nơi âm phủ . Nhưng lòng tôi dịu lại khi thấy họ yêu thương nhau . Tình yêu chân thật và sơ khai của một tập thể .

Tôi ra hiệu . Họ lặng thinh .Và lời kinh tôi cùng họ dâng lên Chúa cho người quá cố . Mặt trời sắp lặn . Không gian trầm lắng . Buồn tênh ! Từ biệt cho hôm nay và mai sau gặp lại trên Quê Trời .

– 3-05-2003 : Cấp cứu một bà mẹ sanh đôi ở Dak Gia . Một em bé chết . Người mẹ đang trong tình trạng sưng ù cả người .

– 4-05-2003 : Cấp cứu một bệnh nhân nam đau nặng , chân bị liệt .

– 5-05-2003 : Cấp cứu một bà mẹ sanh xong hai ba ngày , đau đi không được như trật khớp xương chậu .

-26-05-2003 : Một người mẹ bồng bế con còn bú mớm , nuôi chồng ở bệnh viện tỉnh đến xin giúp củi , gạo và thức ăn . Bà ở thôn làng Dak Blái , xa cách Kontum hàng 100km rừng sâu hiểm trở .

Tôi rất quí trọng những người mẹ vì đó là hình ảnh sống động của mẹ tôi , của tình mẫu tử , của lòng quảng đại vị tha vô bờ bến . Không hình ảnh nào đẹp hơn hình ảnh người mẹ trong cuộc đời .

– 12-9-2003 : Cấp cứu em bé 9 tháng tuổi .

10g00 tối . Điện thoại reo .Trạm xã xã Dak Ang cách Kontum 115km báo cáo một em bé 9 tháng tuổi , viêm khí quản , nghẹt thở . Tôi lái xe đến nhà tư anh tài xế . Đêm vắng lặng . Chúng tôi thay tay lái cho nhau , qua đồi núi , tiến về Dak Ang . Đường về đêm thật vắng lặng .

– 20-11-2003 : Một người đàn ông nằm chữa bệnh tại trạm xá vãng lai của Nhà Thờ Chính Tòa . Oâng xin được rửa tội vì linh cảm mình không thể sống nữa . Ở thôn làng , ông đã từng tham gia kinh nghĩa với họ đạo . sáng hôm sau ông đã qui hồi tiên tổ . Tôi chở xác ông về làng Yang Lố gần biên giới Lào .

Đó là thành quả của các anh em Iao Phu ( người quản lý họ đạo thay cho linh mục ) Chính họ là người gương mẫu , dậy dỗ , hướng dẫn họ đạo , chủ trì các buổi cầu kinh .

– 7-12-2003 : Hủ bột bà góa Sarepta.

Tâm trạng bà góa Sarepta lấy bột trong hũ làm bánh cho nhà tiên tri mà cứ sợ nó vơi hết cũng là tâm trạng của tôi hôm nay . Sáng sớm đã có người tới khóc than .Điện thoại cấp cứu . Mỏâ sẻ ở bệnh viện . Tiền xe về lại làng . Người bệnh tâm thần cần đi điều trị v. v . . . Nhìn túi tiền chẳng là bao nhiêu . Tôi lấy đức tin nhủ thầm :” Đấy Chúa đến mà ! “. Và lòng vẫn cứ nơm nớp chẳng còn tiền đâu nữa . Nhưng rồi Chúa vẫn cho hũ bột không nhiều mà cũng không vơi .

Quả thật nếu có dư đầy , thì tôi chẳng có gì để phải tin , để cầu xin và ước mơ . Cầu xin có người đồng hành . Ước mơ thấy người nghèo được an ủi và người bệnh hoạn được vơi đi nỗi khổ đau .

Xin mượn câu cuối trong Kinh Truyền Giáo để khấn nguyện : “Xin Đức Mẹ dẫn đưa chúng con trên con đường này – xin các Thánh Truyền Giáo phù trợ chúng con – xin các Thánh Tử Đạo Việt Nam cầu bầu – để đức tin được máu của các Ngài tưới gội trên giang sơn này – trổ sinh nhiều hoa trái làm vinh danh Chúa – và đem lại hạnh phúc cho nhiều người. – Amen. “

Saigon 7/2/2004
Vũ văn Quí

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment