Kinh Kính Mừng làm thay đổi cuộc đời Nhạc sĩ Vũ Thành An

Kinh Kính Mừng làm thay đổi nhạc sĩ Vũ Thành An thành Thầy phó tế Vũ Thành An. Thật kỳ diệu, không có điều gì mà Thiên Chúa không làm được.  


Nhạc sĩ Vũ Thành An, người nổi tiếng với các “Bài Không Tên” của anh trước ngày 30-4-1975, chính thức được Tổng Giám Mục Portland là Đức Cha John G. Vlazny truyền chức thánh Phó Tế vào lúc 10:00 giờ sáng ngày Thứ Bảy 23-11-2002 tại Nhà Thờ Chánh Tòa số 18th Ave góc Couch St., thành phố hoa hồng Portland thuộc tiểu bang Oregon, Hoa Kỳ.

Nhạc sĩ Vũ Thành An đã gởi đi 500 thư mời cho các thân hữu, trong khi nguồn tin cho biết ban tổ chức thuộc Tòa Tổng Giám Mục Portland cũng đã gởi đi trên 1.000 thiệp mời khác đến các giới chức Việt Mỹ và các tôn giáo bạn. 

Theo chương trình, một thánh lễ đồng tế gồm nhiều linh mục cùng dâng lễ dưới sự chủ tế của Đức Tổng Giám Mục Portland John G. Vlazny sẽ diễn ra lúc 10:00 giờ và Nhạc sĩ Vũ Thành An sẽ tự nằm úp mặt xuống đất ngay dưới chân bàn thờ để tượng trưng cho sự chết đi trong trần thế và sau đó được vực dậy để lãnh nhận chức thánh là Phó Tế vĩnh viễn do vị Giám Mục Portland truyền chức theo giáo luật của tòa thánh Vatican. Chức Phó Tế là chức 6 trong khi các Linh mục là chức 7 trong phẩm trật các chức thánh của giáo hội La Mã. Chức Phó Tế sẽ vĩnh viễn là một vị tu sĩ, không còn được lấy vợ hay quan hệ tình ái, không được dâng thánh lễ hay ban phép bí tích giải tội như các linh mục, nhưng được quyền đọc thánh thư và giảng đạo trước cộng đồng giáo dân tại các thánh đường và hành sử các quyền khác như một trợ tá cho linh mục.

Sau thánh lễ truyền chức, Tòa Tổng Giám Mục Portland có tổ chức một buổi tiếp tân lớn tại trường học của nhà thờ chánh tòa. Được biết là hoa tươi và điện văn chúc mừng của các linh mục, tu sĩ, giáo dân và thân hữu từ các tiểu bang Hoa Kỳ và từ nhiều quốc gia khác khắp thế giới đã gởi về tràn ngập. Vào buổi chiều cùng ngày, Cộng đồng giáo dân Việt-Mỹ cũng sẽ tổ chức một thánh lễ tạ ơn lúc 05:00 giờ chiều tại Nhà thờ Đức Mẹ Sầu Bi (Our Lady of Sorrows) trên khu núi du lịch nổi tiếng của Portland và sẽ do Linh mục chánh xứ Amancio Rodrigues chủ tế tại SE 52th Ave và Woodstock Blvd., Portland, OR 97206. Một cuộc tiếp tân và văn nghệ sau thánh lễ tạ ơn để nghe các bài Thánh ca mới nhất do Nhạc sĩ Vũ Thánh An viết sau khi ông theo đạo Công Giáo.

Trong thiệp mời gởi thân hữu đến dự thánh lễ thụ phong chức Phó Tế, Nhạc sĩ Vũ Thành An có kèm theo một cuốn sách nhỏ viết bằng tiếng Việt và tiếng Mỹ với tựa đề “Một Người Con Hoang Đàng”. Cuốn sách nhỏ như một ký sự dưới tựa đề “Tôi được cứu từ đáy vực sâu”, Nhạc sĩ Vũ Thành An kể rằng “Từ khi có trí khôn tôi vẫn luôn thao thức với câu hỏi “Mình ở cuộc đời nầy để làm gì”” Những bài giảng tại học đường đã không trả lời thỏa đáng. Rồi cũng như bao người khác, tôi lớn lên theo những cuốn hút thông thường. Cuốn hút đầu tiên là tình yêu đôi lứa. Tôi đã say đắm trong các cuộc tình đến nỗi sao lãng cả việc học hành. Sau những lãng mạn lúc đầu, các cuộc tình đó đã đem lại cho tôi nhiều đau khổ…! Cuốn hút thứ hai là danh vọng. Tôi đã cố ngoi lên để tìm một chỗ đứng trong xã hội. Tôi cũng đã lên một chỗ tương đối thật đấy, nhưng tôi đã không tìm được hạnh phúc tôi mong tưởng, có khi chính vì cái hư danh ấy đôi lúc lại còn làm tôi đau đớn tận sâu thẳm trái tim..”

Trước khi Công Sản vào cưỡng chiếm Miền Nam, Nhạc sĩ Vũ Thành An là Trung Tâm Trưởng Dân Vận Chiêu Hồi tại Gia Định. Sau ngày 30-4-1975, Cộng Sản đã bắt Vũ Thành An đi học tập cải tạo tại các trại giam ở Bắc Việt. Trong cảnh lao tù đày ải, người vợ yêu quý của anh cũng quay mặt bởi không thể đợi chờ. Vũ Thành An kể trong tập sách nhỏ rằng “Tôi đã khốn đốn trong các trại giam tại Bắc Việt. Một trong những khốn khổ mà tôi phải chịu là chứng mất ngủ. Đây là hậu quả của những bất toàn về cả tâm sinh lý cộng thêm sự nghiền xay của hoàn cảnh. Từng đêm dài tôi đã thức trắng, sức khỏe dần yếu đi, không có thuốc để chữa chạy. Tình trạng nầy kéo dài cả năm trời, từ đầu năm 1980 đến 1981. Một buổi tối kia đa số anh em trong phòng đã say ngủ, tôi nghe hai anh nói chuyện với nhau, chỉ cách chỗ tôi nằm chứng hai thước. Tôi nghe anh Nguyễn Văn Lai nới :”Khi nào tôi khó ngủ tôi chỉ cầu nguyện bằng cách đọc vài kinh Kính Mừng là ngủ được ngay”..”

Nhạc sĩ Vũ Thành An kể tiếp: “Mặc dù lúc ấy tôi chưa có đạo, nhưng bài kinh Kính Mừng thì tôi đã biết. Năm 17 tuổi tôi có một người bạn gái, lúc đó sự liên lạc giữa chúng tôi là những trang thư và những buổi hẹn hò trong sân nhà thờ. Gặp chỉ để nói với nhau đôi câu. Một hôm đôi tay rất đẹp trinh trắng của Uyên đã trao tôi trang giấy có ghi bài kinh Kính Mừng với nét chữ thật nắn nót. Uyên bảo tôi học thuộc đi, và… tôi đã thuộc. Cuối năm đó tôi thi rớt.. Không những gia đình tôi không cho đi chơi tự do nữa mà chính tôi cũng tự nhũ phải quyết chí trở lại việc học hành. Lúc tôi gặp Uyên là tôi đang ở riêng, sau đó tôi dọn vềø ở chung với gia đình; cộng thêm sự ngăn cản của gia đình Uyên nên chúng tôi không gặp nhau nữa. Cho đến bây giờ tôi cũng không biết Uyên ở đâu. Uyên đã xa tôi nhưng kinh Kính Mừng ở lại.” Câu chuyện theo đạo Công Giáo của Nhạc sĩ Vũ Thành An đã bắt đầu như thế, nghe bạn tù kháo nhau rằng khi họ mất ngủ thì đọc kinh Kính Mừng. Vũ Thành An chợt nhớ đến Uyên là người yêu đầu tiên đã chép kinh Kính Mừng cho anh học thuộc, và trong cơn tuyệt vọng ở trại tù Bắc Việt, anh đã nhẫm đọc kinh Kính Mừng.. và đêm đó anh đã ngủ ngon giấc. Vũ Thành An kể :”Sau đó tôi đã ngủ được khoảng một tuần lễ liên tiếp. Một buổi sáng thức dậy, nhìn qua cửa sổ phòng giam thấy nắng xuân vàng ấm chiếu trên luống rau cải xanh do các bạn tù trồng ngoài sân, tự nhiên tôi nói với bố Vũ Công Định nằm bên cạnh :”Bố Định ơi, chắc là con theo đạo Chúa quá!” Bố Định là một tù nhân, không có đạo, ít nói, nghe vậy bố chỉ cười. Bố Định bảo Vũ Thành An đến gặp Thượng Nghị Sĩ Nguyễn Văn Mân cùng ở chung phòng 1 tại trại giam Hà Tây để hỏi vì cụ Mân là người Công Giáo.

Vũ Thành An kể tiếp :”Món quà đầu tiên sau khi tôi cầu cứu Đức Mẹ là bệnh mất ngủ đã không còn hành hạ tôi nữa. Sau đó anh em đạo Thiên Chúa đã cho tôi tình thân ái mà trước đó tôi không có. Các anh đã hướng dẫn đạo cho tôi để chờ ngày Rửa Tội. .. Rồi đến ngày ấn định, tôi đã xin ngưng lại. Tôi cảm thấy chưa sẵn sàng về tâm lý, hơn nữa tôi sợ.. Tôi sợ nếu cán bộ biết được sẽ ra sao đây” Trong suốt một tháng sau đó tôi đã thao thức rất nhiều và tôi tin chắc rằng anh em cũng cầu nguyện cho tôi nhiều. Tôi xin ngưng lại việc rửa tội, ít tiếp xúc với anh em nhưng tôi bắt đầu sáng tác thánh ca. Bài đầu tiên là “Cha Là Ngôi Trời Có Thật”, sau đó là các bài “Mẹ Ơi Cứu Con Ra Khỏi Nơi Này”, và “Hãy Nhìn Lên Trời Cao”. Sau hơn một tháng suy gẫm, tôi đã vượt qua được trở ngại tâm lý vì biết bao nhiêu người tài giỏi của nhân loại đã quỳ gối trước Chúa Ki-Tô huống chi tôi ” Về nỗi sợ hãi Cộng Sản thì tôi còn gì nữa mà tiếc nuối! Nếu có phải vì theo Chúa mà bị kỷ luật thì phước hạnh biết bao, như khi xưa Chúa đã giảng trên núi thánh trong Tám Mối Phúc Thật. Vậy thì nếu Cộng Sản biết tôi theo đạo mà có cùm gông, thậm chí giam tôi mãi tôi cũng vui lòng cam chịu. Và từ đó tôi đã quyết tâm theo Chúa. Tôi đã xin anh em tù định lại ngày rửa tội cho tôi là ngày 19-3-1981. Trước ngày rửa tội tôi đã hồi hộp như cô dâu sắp tới ngày cưới. Anh em thì thầm bàn tính sắp đặt. Một buổi chiều kia, lúc nói chuyện với một người bạn tù tôi đã ước ao rằng “Nếu như khi dội nước rửa tội xong mà đèn điện bật sáng thì hay biết mấy !” Ở trại Hà Tây có điện, cứ chập tối thì đèn được cán bộ trực trại bật sáng lên, giờ giấc lúc sớm lúc muộn bất thường…. Buổi tối hôm đã định, khi trời còn sáng đã có tiếng kẻng nhập buồng. Khi nhập buồng xong, cán bộ khóa cửa thì trời đã nhá nhem tối. Anh em chúng tôi hẹn nhau trước, lặng lẽ chuẩn bị cho lễ rửa tội. Hai ngọn đèn dầu được thắp lên ở góc trong cùng – tầng trên – chỗ nằm liền nhau của các anh Nguyễn Vạn Hùng (hiện cộng tác với báo Thời Luận) và anh Nguyễn Văn Độ (đã mất khi sang tới Hoa Kỳ). Buổi lễ diễn ra nghiêm trang. Hình như cả phòng đều biết nên đã giữ yên lặng khác thường. Khi bác Nguyễn Thành Tiên vừa dội nước vừa đọc “Tôi rửa anh nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần..” Thì chừng một hai giây sau thì đèn điện chớp hai lần rồi bật sáng hẵn! Sự việc đã xảy ra đúng như tôi ao uớc. Chúa đã tặng tôi món quà đầu tiên để nâng đỡ tinh thần yếu đuối của tôi…” 

Sau đó Nhạc sĩ Vũ Thành An đã bị cán bộ Cộng Sản gọi lên điều tra :”-Anh đã được kết nạp vào đạo Công Giáo phải không ” Tôi trả lời:- Đạo Công Giáo không phải là một đảng phái nên không có chuyện kết nạp. Chỉ có việc rửa tội thôi. – Ai rửa tội cho anh ” – Trong trại nầy không có ai là Linh mục. Chỉ có linh mục mới rửa tội được thôi.. – Thế anh có tin đạo Chúa không ” – Đó là chân lý tôi đang theo.” Cán bộ Cộng Sản muốn tìm cho được ai âm mưu và lãnh đạo Công Giáo trong trại tù, nhưng không khai thác được nên đành cảnh cáo Vũ Thành An.

Nhạc sĩ Vũ Thành An qua định cư tại Portland, Oregon theo diện HO. Anh thành lập và hiện điều hành Đài Phát Thanh Việt Nam Hải Ngoại tại Oregon được hơn 5 năm. Cùng thời gian, anh đã xin đi tu và được Tòa Giám Mục Portland cho theo học khóa Đại học Thần Học và nay anh được Đức Tổng Giám Mục John G. Vlazny chủ tế lễ truyền chức thánh Phó Tế vĩnh viễn vào sáng Thứ Bảy 23-11-02 nầy. Trả lời phỏng vấn của ký giả Hạnh Dương, Nhạc sĩ Vũ Thành An cho biết sau khi nhận chức Phó Tế, Tổng Giám Mục Portland sẽ bổ nhiệm anh đến phụ trách tại một Giáo xứ Hoa Kỳ với tư cách làm phó cho một vị linh mục chánh xứ. Tuy nhiên, về mặt cuộc sống thì anh vẫn tiếp tục phụ trách đài phát thanh Việt Nam Hải Ngoại. Anh nói rằng, những mối tình và những bản tình ca, những “Bài Không Tên” là những kỷ niệm, bây giờ anh sẽ sáng tác các bài Thánh Ca và các ca khúc mang tính nhân bản kêu gọi tình người.

Hạnh Dương

Theo Việt Báo online

Chia sẻ Bài này:

Related posts