Chúa Ban Sức Sống Cho Tâm Hồn Những Kẻ Khiêm Cung, Ban Sinh Lực Cho Những Cõi Lòng Tan Nát!

Từ hơn 20 năm qua, Chị Anne Lécu, nữ tu Đa-Minh, làm việc với tư cách bác sĩ đa khoa tại nhà tù Fléry-Mérogis thuộc vùng phụ cận thủ đô Paris của nước Pháp. Chị gợi lại hành trình Ơn Gọi đời sống thánh hiến và nhất là sứ vụ đặc thù nơi nhà giam, một sứ vụ ảnh hưởng sâu đậm con đường tu đức của Chị.

Tôi chào đời trong một gia đình Công Giáo sống đạo chân thành. Thời sinh viên tôi có cơ hội gặp gỡ các tu sĩ nam nữ Đa-Minh. Tôi cảm thấy thoải mái thân tình khi giao tiếp với Các Vị nên quyết định trở thành nữ tu Đa-Minh và chỉ muốn làm nữ tu Đa-Minh chứ không chọn bất cứ hội dòng nào khác. Thật là một bí nhiệm! Ngay cả việc thực thi nghề nghiệp nơi nhà tù cũng là một bí nhiệm khác! Câu chuyện như sau.

Khi còn là khấn sinh trẻ, tôi tìm kiếm một công việc có lương bổng nhưng chỉ làm bán-phần vì phải dành thời giờ cho môn thần học. Một nữ tu trong cộng đoàn nói với tôi: ”Em nên thử tìm việc nơi nhà tù, vì đã có lần Em nói tới!”. Tôi không nhớ mình đã nói gì nhưng vẫn làm theo lời Chị khuyên. Tôi gọi điện thoại cho nhà tù và gặp đúng nữ bác sĩ vừa xin nghỉ việc. Bà cho biết có một chỗ trống đang cần người. Đó là lý do tôi có mặt tại nhà tù kể từ đó.

Vấn đề không phải tại sao một ngày người ta đến đó, vì không ai có thể biết trước mình có thể ở lại nơi một thế giới thuộc loại này hay không. Vấn đề đáng nói là tại sao tôi có thể ở lại và vẫn còn tiếp tục ở lại.

Tôi ở lại vì tôi thích làm việc cạnh các tù nhân. Họ thường tỏ ra thân thiện với chúng tôi. Nhờ làm việc nơi nhà tù mà chúng tôi khám phá ra có những người giống như chúng ta, bỗng một ngày bị đảo lộn hết – vì muôn ngàn lý lẽ – mà rất có thể cũng sẽ xảy đến với chúng ta. Có những tù nhân có một thời thơ ấu chua cay ảm đạm. Có những tù nhân có những cuộc gặp gỡ xấu xa. Nào ai có thể nói trước điều gì ngày mai sẽ được làm, sẽ phải xảy đến???

Làm việc nơi nhà tù với tư cách nữ bác sĩ đa khoa giúp tôi đọc Phúc Âm với đôi mắt mới, đặc biệt câu viết của Thánh Gioan tông đồ: ”THIÊN CHÚA sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Gioan 3,17). Sự công minh của THIÊN CHÚA khác xa công lý loài người. Đức Chúa GIÊSU KITÔ tự chọn để cho loài người kết án – trong khi Ngài vô tội – chính là để đứng về phía các phạm nhân hầu cho không một phạm nhân nào bị bỏ rơi một mình. Ngay cả việc Chúa chọn chết như một phạm nhân chính là để cứu rỗi thế giới. Đức Chúa GIÊSU KITÔ ở giữa thế gian, ngay giữa cái tồi tệ nhất, để trở thành đích thật ”THIÊN CHÚA ở cùng chúng ta”, cả khi chúng ta cảm thấy mình bất xứng nhất.

Đối với tôi, Tình Yêu và Hy Vọng không phải là tình cảm hời hợt nhưng là những tác động, những chọn lựa. Đức Tin cũng thế. Chính vì chúng ta muốn tin – mặc cho những nghi ngờ – mà chúng ta trở thành tín hữu. Nhà hiền triết Aristote (384-322) nói rằng lòng can đảm chỉ hiện hữu khi người ta sợ. Bởi vì, không sợ gì hết thì chỉ là táo-bạo chứ không phải can-đảm!!! Đức Tin chân thật – theo thánh nữ Têrêxa Hài Đồng GIÊSU – là vẫn tin ngay cả khi không cảm nhận sự hiện diện của THIÊN CHÚA.

Sau cùng, niềm Hy Vọng Kitô là đứng trước ngôi mộ giống như thánh nữ Maria Magdala. Thánh nữ canh thức trước ngôi mộ có Người để rồi ngày hôm sau trông thấy ngôi mộ trống! Hy Vọng là đứng vững trước cái trống rỗng, không màng lưới!!!

Đừng biến THIÊN CHÚA thành thần tượng. Đừng gán cho THIÊN CHÚA những tình cảm mà Ngài không có. THIÊN CHÚA không bị bóp méo. Ngài không muốn đau khổ và chết chóc. Ngài chỉ muốn sự sống con người. Ngài chỉ có thể giải thích sự dữ bằng cách mang lấy nó trên vai, thông phần trọn vẹn nỗi thống khổ của loài người, để con người không đau khổ một mình.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Năm Thánh ngoại thường Lòng Thương Xót. Ngài kêu mời chúng ta trở thành chứng nhân đích thật của Lòng Thương Xót. Lòng Chúa Thương Xót là khi Chúa mang lấy sự thống khổ. THIÊN CHÚA không nghiêng mình xuống con người như ông nhà giàu cúi xuống kẻ nghèo hèn. Không! THIÊN CHÚA đích thân đến chia sẻ thân phận làm người. Trở thành chứng nhân Lòng Chúa Thương Xót chính là vừa trung thành với những gì chính yếu vừa nhạy cảm đối với những giao động trong thế giới ngày nay. Etty Hillesum (Middelburg 1914 – Auschwitz 1943) từng nói: ”Canh chừng THIÊN CHÚA nơi chúng ta”.

THIÊN CHÚA trở nên nghèo đến độ chúng ta phải canh chừng. Bảo vệ THIÊN CHÚA nơi chúng ta và giữa chúng ta chính là sống phụ trội Lòng Thương Xót. Lòng Thương Xót có thể chặn đứng hận thù, chống buộc tội và tránh cám dỗ đổ lỗi cho người khác. Chính vì thế mà Đức Thánh Cha Phanxicô thường nhấn mạnh đến những công trình của Lòng Thương Xót. Lòng Thương Xót tạo mối liên hệ giữa chúng ta. Lòng Thương Xót là hương-dược thoa dịu những mối quan hệ căng thẳng khó khăn. Hãy khẩn cầu THIÊN CHÚA giúp chúng ta biết sống chung trong an bình với Lòng Thương Xót.

 … Có lời rằng: ”Hãy mở đường khai lối, và san cho bằng phẳng, dẹp bỏ mọi chướng ngại trên đường nẻo dân Ta. Bởi vì Đấng muôn trùng cao cả, Đấng ngự chốn vĩnh hằng, Đấng mang danh chí thánh, Người phán như sau: Ta ngự chốn cao vời và thánh thiện, nhưng vẫn ở với tâm hồn khiêm cung tan nát, để ban sức sống cho tâm hồn những kẻ khiêm cung, và ban sinh lực cho những cõi lòng tan nát. Vì Ta chẳng trách cứ luôn luôn, không giận hờn mãi mãi, kẻo hơi thở mọi sinh linh chính Ta làm ra, trước mặt Ta, sẽ phải lụi tàn” (Isaia 57,14-16).

 (cath.ch – apic/gr, 09.01.2016)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Chia sẻ Bài này:

Related posts