Yếu tố “Nguyện” trong Cầu Nguyện

          Trong  cơn khủng hoảng toàn diện hiện nay, cầu nguyện cũng không sao tránh khỏi bế tắc và lý do của sự bế tắc này chính là vì người ta đã không biết  đến mục đích  thực sự của việc cầu nguyện. Có nhiều định nghĩa được  đưa ra chẳng hạn  cầu nguyện là hơi thở của linh hồn là đặt mối tương quan kết hợp với Thiên Chúa là tâm tình đơn sơ của người con đối với  cha mình v.v. Cũng do nơi quan niệm về cầu nguyện như thế  nên Thánh lễ đã được coi như một thứ kinh nguyện có giá trị …đặc biệt “ Cha De chaledar nói = Ở Sainh Mersi, Thánh Lễ bắt đầu bằng  những nụ cười trao cho nhau và ngài nhấn mạnh = Như thế là đã dự lễ rồi. Cười là đã …dự lễ, vậy còn việc Rước Lễ thì sao ? “ Càng ngày lời của Chúa = Hãy cầm lấy mà ăn” càng được coi trọng. Lời ấy có nghĩa là Hãy mang lấy cuộc đời Ta. Hãy sống cuộc đời Ta ngõ hầu đời Ta được trao ban cho các ngươi như Ta đã được Chúa Cha trao ban”.

Ngoài Thánh Lễ ra còn có một lối cầu nguyện được coi là chính thức của Giáo Hội đó là Phụng Vụ Giờ Kinh “ Với việc canh tân phụng vụ tháng 07/1969 sách nguyện mới ra đời là Phụng Vụ Giờ Kinh. Sách này được  dịch ra tiếng địa phương  để tín hữu có thể thông công và đã đem lại  vui mừng = Vui vì giờ đây có thể cầu nguyện bằng tiếng mẹ đẻ, vui vì mọi người, linh mục cũng như giáo dân đều hiệp nhất trong một kinh nguyện” ( Andre Seve – Cầu Nguyện Hôm Nay ).

Nói rằng vui vì được cầu nguyện bằng tiếng mẹ đẻ. Vậy hoá ra trước đó thì các tín hữu  cầu nguyện bằng tiếng gì hoặc không có cầu nguyện ? Mặt khác  vui vì linh mục và giáo dân được hiệp nhất trong một kinh nguyện, vậy trước đó không có sự hiệp nhất trong cầu nguyện sao ? Cả hai cái gọi là…vui này chẳng phải là…vui và cũng chẳng tồn tại. Lý do bởi vì với định nghĩa cầu nguyện là kết hợp với Thiên Chúa nhưng Thiên Chúa trong thời đại này đã bị…giết chết ( Theologie de la mort de Dieu ) thì sự kết hợp ấy đã trở thành vô nghĩa. Làm sao con người có thể kết hợp với  một Thiên Chúa …chết ?

Thật sự thì Thiên Chúa không thể chết bởi vì Ngài là đấng Tự Hữu Hằng Hữu ( Ego sum qui sum ). Thiên Chúa không chết nhưng chỉ có những con người  chết về mặt  tâm linh. Một khi đã chết về mặt tâm linh thì con người không thể cầu nguyện bởi chưng để cầu nguyện thì trước hết cần phải có đức tin. Lòng tin có mạnh thì cầu nguyện mới đắc lực. Ngược lại không có đức tin thì cầu nguyện là vô hiệu bởi lẽ cầu nguyện là cách diễn tả tuyệt vời của đức tin ( Lex orandi, lex credendi ).

Sao lại nói cầu nguyện là cách diễn tả tuyệt vời của đức tin ? Đó là vì trong cầu nguyện có cái yếu tố gọi là Nguyện. Cầu mà không Nguyện đó không phải là Cầu Nguyện. Người ta có thể cầu xin cho mình hết ơn này ơn khác, xin cho được như ý,, xin cho đươc phỏng vấn có kết quả, xin cho được  gặp thầy gặp thuốc, xin cho có công ăn việc làm v.v…và v.v…Thế nhưng tất cả những lời cầu xin ấy không phải là cầu nguyện đích thực bởi trong đó không có yếu tố Nguyện.

Nguyện ở đây có hai nghĩa. Một là nguyện được về cái nơi mà mình cầu cho được về. Hai là nguyện vâng làm tất cả mọi việc để xứng đáng được về nơi ấy. Sở dĩ nói  việc cầu hôm nay không thực sự là cầu nguyện bởi vì người ta không có nguyện để được về nơi đâu cả. Đang khi đó kinh nguyện của Đạo Công giáo chúng ta thấy hầu như không có kinh nào lại không có phần Nguyện. Ví dụ trong Kinh Truyền Tin là Kinh khởi đầu cho một ngày sống của Ki Tô Hữu chúng ta đọc “ Xin vì công ơn Chúa chịu nạn chịu chết trên cây Thánh Giá cho chúng con ngày sau khi sống lại  được đến nơi vinh hiển cũng vì công nghiệp chúa Ki Tô là Chúa chúng con. Amen.

Nguyện xin cho được đến nơi vinh hiển là nơi mà  Chúa đã hứa chắc cho những ai có lòng tin, cậy, yêu mến Ngài “ Vì Chúa là đấng phép tắc và lòng lành vô cùng đã phán hứa sự ấy chẳng có lẽ nào sai được. Amen. Chúa là Đấng lòng lành vô cùng một khi đã hứa thì ắt phải được. Tuy nhiên để đạt được lời hứa ấy thì phải vâng làm tất cả những gì Thiên Chúa đã truyền dạy qua Mười Điều Răn “ Con lạy Đức Thánh Thiên Thần khẩn nguyện cho con thông minh sáng láng giữ mười điều răn chừa mọi sự dữ. đến khi con lâm chung xin cùng ĐCT cho linh hồn  con được lên cùng ĐCT và Thánh Thiên Thần hằng sống vui vẻ đời đời chẳng cùng. Amen.

Đức tin và cầu nguyện có một mối tương quan nhất định. Có lòng tin mà không cầu nguyện thì lòng tin ấy không thực. Trái lại cầu nguyện mà không có lòng tin thì việc cầu ấy chỉ là cầu xuông nguyện dối. Sở dĩ người đời nay ngày càng xa rời đức tin  và vì thế cũng không còn thiết tha với việc cầu nguyện đó là bởi  người ta hầu như đã mất ý thức về tội nên cũng chẳng nhận ra được tính chất khổ đau của  đời sống. Có nhận ra cõi nhân gian là cõi khổ luỵ thì mới có lòng cầu mong thoát  khỏi nó. Khổ ở nơi thân vì sinh lão bệnh tử, khổ ở nơi tâm vì dục vọng lôi kéo. Khổ mà không biết là khổ  thế nên cứ trôi lăn trong khổ mà không biết. Cầu xin cho thoát khổ được về nơi vĩnh phúc đó là lời cầu có giá trị  và  chắc chắn sẽ được đáp ứng. Một trong những lời cầu được đáp ứng ấy  chính là lời cầu của Herman ( Thế kỷ thứ 12 ) anh vừa bị dị tật bẩm sinh vừa bị thiểu năng tâm trí. Gia đình  cho rước một thầy dòng về dạy  dỗ trong suốt hai năm mới chỉ học được mấy lẽ đạo cần thiết = Có một Thiên Chúa Ba Ngôi. Tổ tông phạm tội. Ngôi Hai xuống thế làm người…

Cậu bé rất sầu khổ vì tình trạng của mình và đã  van xin với Đức Mẹ cứu chữa. Đức Mẹ hiện ra và ban cho được một trong hai ơn = Một là được trí thông minh hai là được khỏi bệnh tật. Herman đã xin được trí thông minh; điều này rất đẹp lòng Đức Mẹ và Ngài đã ban cho được cả hai ơn trọng ấy. Lời cầu này rất đẹp lòng Đức mẹ  bởi vì nó đã thể hiện một tấm lòng sầu thảm đơn sơ muốn được thoát ra khỏi  cảnh khổ thế gian để về hưởng Nhan Thánh Chúa. Lời cầu của  thiếu niên này chính là gốc tích của Kinh Lạy Nữ Vương mà ngày nay tín hữu chúng ta vẫn thường đọc “ Lạy Nữ Vương Mẹ nhân  lành làm cho chúng con được sống được vui được cậy. Thân lạy Mẹ chúng con là con cháu Evà  ở chốn khách đày kêu đến cùng Ba. Chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khẩn Bà thương….

Có nhận ra thế gian là chốn khách đày là thung lũng đầy nước mắt thì mới  cầu xin cho thoát khỏi nó. Thế nhưng cùng với lời cầu ấy thì phải tin là có một cõi hằng vui hằng sống là Nước Thiên Đàng vĩnh phúc. Mặc dầu vậy tin có  sự hiện hữu của Nước Thiên Đàng và nguyện về đó là việc rất khó. Tại sao ? Bởi vì hết thảy  chúng ta đã sinh ra trong tội và tội đã khiến cho thực tại bị che khuất “ Cho nên như bởi một người mà có sự chết và như vậy sự chết đã lan khắp mọi người vì mọi người đều đã phạm tội” ( Rm 5, 12).

Tội đem đến sự chết về mặt tâm linh và tội đó chính là tội mà nguyên tổ đã cố tình trái lệnh Thiên Chúa để ăn trái cầm “ ĐCT phán dạy rằng = ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn. Nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến vì một mai ngươi ăn chắc là phải chết” ( St 2, 15 -17 ).

Cây biết điều thiện và điều ác gọi là Cây Phân Biệt. Lý do…ăn cây phân biệt sẽ đem lại sự chết bởi vì nó khiến cho con người phải xa lìa thực tại  vô phân biệt. Hai ông bà vừa ăn trái phân biệt thì lập tức bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng “ Vậy Ngài đuổi loài người ra khỏi vườn rồi đặt tại phía đông vườn Địa Đàng các thần Cherubin với gươm chói loà  để trấn giữ con đường đi đến Cây Sự Sống” ( St 3, 24). Loài người tức là  con cháu của Eva là chúng ta đây sẽ không bao giờ có thể được phép trở lại với Địa Đàng  bởi vì cổng phía đông đã bị trấn giữ. Thế nhưng vì lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa  nên lại có lời hứa ban Đấng Cứu Thế qua  Người Nữ Maria “  Thiên Chúa Gia Vê phán với con rắn = Ta sẽ làm cho mày cùng người Nữ dòng dõi mày cùng dòng dõi Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mày còn mày sẽ rình cắn gót chân Người” ( St 3, 15 ).

Sự nghịch thù giữa Người Nữ Maria và rắn Sa Tan ở chỗ = Một đàng Sa Tan luôn cám dỗ con người …ăn trái cấm là sự phân biệt. Một đàng thì Đức Maria lại gìn giữ con cái Người bằng cách xin vâng theo Thánh Ý Thiên Chúa. Khởi đầu của Ơn Cứu Chuộc là Lời Xin Vâng ( Fiat ) của Đức Maria và Lời Xin Vâng ấy sẽ còn được tiếp tục trong  tâm hồn người tín hữu bằng sự câu nguyện không ngưng nghỉ. Chính vì sự Xin Vâng không ngưng nghỉ ấy  mà Đức Mẹ mới khuyên nhủ chúng ta siêng năng lần chuỗi Mân Côi. Việc lần chuỗi Mân Côi này  đã được liên tục cổ vũ nhất là những khi Giáo Hội gặp phải nguy nan sóng gió. ĐGH Leon thứ XIII nổi tiếng nhất trong 53 vị giáo hoàng có lòng sùng kính Đức Mẹ  được cả thế giới Công giáo tặng cho là Giáo Hoàng Mân Côi đã nói = Kinh Mân Côi là một cách sùng kính từ trời ban xuống chẳng còn phương pháp cầu nguyện nào tốt lành và có giá trị bằng”

Không có kinh nào tốt lành và giá trị cho bằng Kinh Mân Côi bởi vì toàn bộ kinh này là một lời nguyện thiết tha của những kẻ muốn thoát khỏi chốn khổ ải để về nơi Thiên Đàng vĩnh phúc.

Phùng  Văn  Hoá

Chia sẻ Bài này:

Related posts