- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Ý nghĩa Thánh lễ

Thư gửi Bạn Hiền XIII

Bạn thân mến,

Chắc là bạn đã tham dự rất nhiều Thánh lễ? Vâng, tôi cũng vậy; tôi cũng đã tham dự Thánh lễ rất nhiều lần. Ðáng tiếc cho tôi vì tuy đã tham dự Thánh lễ nhiều lần, nhưng mãi đến nay, đã trên 60 tuổi, tôi mới hiểu được ý nghĩa của Thánh lễ. Nếu bạn đã hiểu ý nghĩa của Thánh lễ rồi thì bạn thật là có phước; còn nếu bạn vẫn như tôi ngày nào, đi lễ chỉ là để đi lễ, đi lễ vì thói quen, đi lễ vì sợ tội hay vì một lý do nào khác, thì xin bạn hãy đọc bài này, bạn sẽ hiểu được sự cao trọng của Thánh lễ, bạn sẽ biết được Thánh lễ sinh ơn ích cho bạn nhiều đến như thế nào, bạn sẽ luôn tham dự Thánh lễ cách sốt sắng, bạn sẽ yêu mến Chúa Giêsu cách sâu đậm hơn, và nhất là bạn sẽ cố gắng tham dự Thánh lễ thường xuyên hơn. Thật vậy, thưa bạn. Những thay đổi trong đời sống đức tin mà tôi vừa nêu ra không phải là những gì tôi hứa là tôi sẽ làm cho bạn đâu. Không, tôi chẳng làm được gì cho bạn, mà tôi cũng không có hứa hẹn gì cả. Trong lá thư này, tôi chỉ nêu ra ý nghĩa của những phần phụng vụ chính trong Thánh lễ, và những ơn ích mà Thiên Chúa sẽ bạn cho bạn mỗi khi bạn tham dự Thánh lễ cách sốt sắng mà thôi. Nhưng nếu bạn muốn tham dự Thánh lễ cách sốt sắng thì bạn phải hiểu ý nghĩa của Thánh lễ.

Thưa bạn, trong Thư gửi Bạn Hiền XI, tôi đã chia sẻ với bạn là nếu chúng ta muốn dâng lên Thiên Chúa của lễ để đền bù cho tội lỗi của chúng ta cách cân xứng thì của lễ của chúng ta, dù lớn hay nhỏ, phải thánh thiện như Thiên Chúa là Đấng thánh thiện, phải tinh tuyền như Thiên Chúa là Đấng tinh tuyền và phải toàn vẹn như Thiên Chúa là Đấng toàn vẹn. Trong lá thư này, tôi xin được thêm là không phải chỉ có của lễ đền bù, mà tất cả chúng ta, ngoại trừ Mẹ Maria, không ai có thể có được bất cứ một của lễ nào là duy nhất, thánh thiện, tinh tuyền và tuyệt hảo đáng được Thiên Chúa chấp nhận. Công nghiệp của chúng ta cũng vậy, tất cả những việc lành mà chúng ta làm, cho dù đối với chúng ta có lớn lao tới đâu, cũng chỉ là những việc làm trong bổn phận của người tôi tớ; chúng ta phải làm vì đó là bổn phận của con cái đối với cha mẹ, chứ thực ra, chúng ta không có công nghiệp gì trước mặt Chúa. Dĩ nhiên Mẹ Maria vẫn là ngoại lệ, và tôi cầu xin được có cơ hội để chia sẻ với bạn về Mẹ. Còn bây giờ, tôi xin được lặp lại là, ngoại trừ Mẹ Maria, chúng ta không làm gì để có thể gọi là công nghiệp trước mặt Chúa. Tất cả những của lễ của chúng ta dâng lên Thiên Chúa cũng vậy, không có của lễ nào đáng được Thiên Chúa chấp nhận ngoại trừ của lễ ấy được dâng qua Chúa Giêsu.

Nhưng nói như vậy có phải là chúng ta không nên dâng gì lên cho Thiên Chúa, và cũng không cần làm việc lành nào để lập công hết, có đúng không? Thưa không! Hoàn toàn không! Vì tuy không xứng đáng được Thiên Chúa chấp nhận, của lễ chúng ta dâng lên Thiên Chúa vẫn làm đẹp lòng Người, những việc lành chúng ta làm cũng vậy, làm vui lòng Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta càng có nhiều của lễ, càng làm nhiều việc lành càng tốt. Ðiều đáng nhớ là của lễ chúng ta dâng thì làm đẹp lòng Thiên Chúa; việc lành chúng ta làm, làm vui lòng Người, nhưng Người có chấp nhận hay không là tuỳ Người, là tuỳ của lễ đó, việc lành đó có xứng đáng để Người chấp nhận hay không. Ðó là những của lễ chúng ta dâng lên Thiên Chúa mà không dâng nhờ vào Chúa Giêsu, với Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu. Còn Thánh lễ? Thánh lễ thì hoàn toàn khác. Thánh lễ là của lễ hy tế duy nhất được Thiên Chúa chấp nhận; chẳng những chấp nhận mà Thiên Chúa lại vui lòng chấp nhận và luôn luôn chấp nhận. Tại sao vậy? Thưa vì khi bạn dâng của lễ nào lên Thiên Chúa thì của lễ đó là của bạn; còn Thánh lễ – Thánh lễ chính là công trình cứu chuộc chúng ta của Chúa Giêsu, và như vậy, Thánh lễ là việc làm, là công nghiệp của Chúa Giêsu chứ không phải là của chúng ta. Ðã vậy, của lễ mà chúng ta dâng trong Thánh lễ lại là chính Chúa Giêsu, là Thiên Chúa, vì thế Thiên Chúa không thể nào từ chối chính mình được.

Bạn thấy chưa, Thánh lễ cao trọng biết là dường nào! Vâng, Thánh lễ cao trọng và sinh ơn ích cho bạn nhiều đến độ giả như bạn có một mình xây cất và hiến dâng một vương cung thánh đường, thì của lễ này, so với Thánh lễ, cũng coi như là không có. Thánh lễ sinh ơn ích cho bạn nhiều đến độ giả như bạn có hiến thân mình chịu chết vì danh Chúa thì công nghiệp này, so với Thánh lễ, cũng chỉ là số không. Ðiều này thì dễ hiểu, vì như tôi vừa chia sẻ, của lễ dâng lên Thiên Chúa trong Thánh lễ chính là Chúa Giêsu, vì thế chúng ta không thể có của lễ nào khác, không thể có công nghiệp nào khác có thể so sánh với chính Chúa Giêsu cho được. Bạn đồng ý chứ? Tôi biết bạn đồng ý, nhưng tôi cũng biết là bạn sẽ hỏi: Nếu như mọi việc lành của chúng ta dâng lên Thiên Chúa, đối với chúng ta dù có lớn lao tới đâu, cũng chỉ làm đẹp lòng Người, chỉ làm vui lòng Người, trong khi đó thì Thánh lễ nào cũng được Thiên Chúa vui lòng chấp nhận; Thánh lễ lại sinh ơn ích cho chúng ta nhiều đến độ không có lời cầu nào khác, không có công nghiệp nào khác có thể sinh ơn ích cho chúng ta nhiều bằng Thánh lễ; vậy thì tội gì mà phải ăn chay hãm mình? Tội gì mà phải nay cầu mai nguyện? Tội gì mà phải làm bất cứ một việc lành nào khác? Sao ta không cứ sáng say, chiều xỉn, tối lừ đừ, cuối tuần bỏ ra 2 tiếng đồng hồ đi lễ, như vậy chẳng phải là thượng sách hay sao? Bạn ơi, đường lên nước trời mà đơn giản, thênh thang và dễ dàng như vậy thì có gì để tôi chia sẻ với bạn nữa? Nhưng bạn biết, đường lên nước trời là đường hẹp, là đường gập ghềnh khó đi; vì thế chúng ta cần phải có Chúa Giêsu, chúng ta cần phải đón nhận mọi ơn ích mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua Thánh lễ. Những ơn ích mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua Thánh lễ là những ơn ích nào?

Bạn thân mến, trước đây bài thánh thư và bài Cựu ước được coi là không quan trọng bằng bài Tin Mừng (Lời Chúa) cho nên trên cung thánh có hai toà giảng (bục đọc sách), một dành cho linh mục để đọc Tin Mừng, và một dành cho thừa tác viên Lời Chúa để đọc Thánh thư, bài Cựu ước cũng như để thông báo, thông tin trong giáo xứ… Gần đây hơn, Hội Thánh nhận biết toàn bộ Kinh Thánh là Lời Chúa, mà Thiên Chúa lại là Ngôi Lời, cho nên phần Phụng vụ Lời Chúa, cũng là Phụng vụ Thiên Chúa, đi đôi với phần Phụng vụ Thánh Thể, để cả hai, tuy là hai phần phụng vụ riêng biệt, nhưng chỉ có một hành vi tôn thờ duy nhất. Một hành vi tôn thờ duy nhất vì phần Phụng vụ Lời Chúa là cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu được tái hiện, và là để xác định Cựu uớc là Lời Chúa. Phần Phụng vụ Thánh Thể cũng thế, cũng là sự tái hiện cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu trên Ðồi Canvê trên bàn thờ. Cả hai phải đi đôi với nhau, phải kết hợp với nhau nên một, và như vậy là cả hai phần phụng vụ đều quan trọng như nhau. Vì thế, bây giờ trên cung thánh cũng vẫn chỉ có một bàn thờ cho phần phụng vụ Thánh Thể, nhưng chỉ có một toà giảng mà thôi. Toà này phải được trang hoàng như một bàn thờ, và không ai ngoài linh mục hay thầy phó tế và các thừa tác viên Lời Chúa được phép dùng toà này, và chỉ được dùng toà này cho việc đọc và giảng dạy Lời Chúa mà thôi. Khi di chuyển Sách Thánh trong Thánh lễ cũng vậy, phải rước Sách Thánh; tức là phải có đèn sáng đi trước hay đi hai bên như khi rước Thánh Thể vậy. Như vậy, nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội càng ngày càng hiểu biết Thiên Chúa cách sâu đậm hơn và đã nhận ra Thánh lễ, từ đầu tới cuối, là công trình cứu chuộc chúng ta của Chúa Giêsu, qua đó Thiên Chúa hoàn thành Mầu nhiệm Ơn Cứu Chuộc, vì thế Thánh lễ bắt đầu từ khi linh mục tiến lên bàn thờ và chấm dứt sau khi ngài ban phép lành. Vậy những ai đến trễ về sớm mà không có lý do chính đáng thì chẳng những là người đó phạm giới răn thứ nhất của Hội Thánh mà còn phạm luôn cả điều răn thứ ba trong mười điều răn của Thiên Chúa nữa. Ðiều đáng ghi nhớ là ý nghĩa của Thánh lễ, sự cao trọng của Thánh lễ, và mọi ơn ích mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua Thánh lễ không hề thay đổi. Sự thay đổi, có chăng, chỉ là sự hiểu biết của chúng ta về Thánh lễ mà thôi. Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa, sự cao trọng, và những ơn ích mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua Thánh lễ.

Bạn thân mến, như tôi vừa chia sẻ, Thánh lễ bắt đầu từ phần Nhập lễ là lúc linh mục tiến lên bàn thờ. Tham dự phần này là lúc chúng ta tưởng nhớ dân Do Thái xưa khi họ tiến vào đất hứa. Là lúc chúng ta được cùng với Chúa Giêsu tiến vào Thành Thánh Giêrusalem trong vinh quang của một đức vua. Tuy không cầm và rước lá như trong ngày Lễ Lá nhưng trong lời ca tiếng hát, chúng ta cũng như con Thành Giêrusalem xưa, reo hò, hát khen, chúc tụng con Vua Ðavít, chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến. Quan trọng và cao cả hơn hết là chúng ta được tiến vào bàn tiệc thánh Nước Trời; tiến vào dự tiệc cưới Con Chiên. Ðây là những ơn ích đầu tiên mà Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Thánh lễ; chúng ta không thể thiếu phần này được.

Sau khi tiến vào Thành Thánh Giêrusalem Chúa Giêsu làm gì? Thưa, Người làm sạch đền thờ bằng cách đánh đuổi những người buôn bán ở đó. Phần này giúp chúng ta tưởng nhớ dân Do Thái xưa khi họ vượt qua Biển Ðỏ trước khi vào đất hứa. Họ phải vượt qua Biển Ðỏ để được thanh tẩy khỏi mọi ô uế, và như thế, họ được trở nên xứng đáng đứng trước nhan thánh Chúa trên Núi Sinai. Chúng ta cũng vậy, sau khi linh mục tiến lên bàn thờ, chúng ta cũng làm sạch mình, làm sạch Ðền Thờ Chúa Thánh Thần bằng cách xưng thú tội lỗi của chúng ta qua Kinh Cáo Mình hoặc Kinh Thương Xót, hoặc cả hai để kêu cầu lòng Chúa thương xót, và xin Chúa tha tội. Khi kết thúc phần này, linh mục nguyện: ‘Xin Thiên Chúa là Cha toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.’ Ðây là lời xá giải, và vì là lời xá giải, nên chúng ta, tất cả những ai tham dự Thánh lễ đó mà thành tâm thống hối ăn năn thì được tha hết mọi tội nhẹ, và nếu bạn không mắc tội trọng thì bạn được trở nên xứng đáng, cùng với linh mục cử hành mầu nhiệm thánh. Như vậy, ơn ích thứ hai mà chúng ta nhận được khi tham dự Thánh lễ là ơn tha thứ hết mọi tội nhẹ. Tội trọng không được tha ở đây vì tội trọng đã làm cho tội nhân xa cách Chúa rồi nên người mắc tội trọng không được rước lễ trước khi xưng tội. Thế nhưng người mắc tội trọng vẫn được và buộc phải dự lễ ngày Chúa Nhật.

Bây giờ thì bạn đã được thanh tẩy, được trở nên xứng đáng cử hành Mầu nhiệm Thánh, và được sẵn sàng dự Tiệc Cưới Con Chiên. Vì những ơn trọng đại này, chúng ta liền cùng nhau chúc tụng, ngợi khen, cảm tạ, tôn vinh và thờ lạy Thiên Chúa qua Kinh Vinh Danh. Dân Do Thái xưa cũng vậy, ngay sau khi vượt qua Biển Ðỏ, được cứu thoát khỏi tay Pharao, họ liền cùng nhau hát Bài ca Vinh thắng để chúc tụng ngợi khen, cảm tạ, tôn vinh và thờ lạy Thiên Chúa (x. Sách Xuất Hành, chương 15). Ðiều quan trọng trong phần này là chúng ta bắt đầu Kinh Vinh Danh bằng lời công bố của các thiên thần trong đêm Giáng Sinh: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm.” (Glory to God in the highest, and on earth peace to people of good will). Như vậy, khi đọc Kinh Vinh Danh thì không phải là chúng ta chỉ tưởng nhớ dân Do Thái xưa trong Bài ca Vinh thắng, mà chúng ta còn hiệp thông với toàn thể triều thần thiên quốc. Sự hiệp thông huyền nhiệm này là ơn ích thứ ba mà chúng ta nhận được khi tham dự Thánh lễ. Sự hiệp thông huyền nhiện này đã được chính Ðức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II dạy trong bài huấn từ Chúa Nhật ngày 3 tháng 11 năm 1996. Ngài nói: “Thánh lễ là thiên đàng ở trần thế.” Rồi ngài cắt nghĩa: “Nghi thức Phụng vụ mà chúng ta cử hành dưới thế là sự hiệp thông nhiệm mầu vào nghi thức phụng vụ trên thiên đàng.” (The litrugy we celebrate on earth is a myterious participation in the heavenly liturgy)

Sau Kinh Vinh Danh, chúng ta bước vào trọng tâm của Thánh lễ; bắt đầu là phần Phụng vụ Lời Chúa. Phần này gồm có bài Cựu ước, bài Thánh vịnh và câu đáp ca, bài Thánh Thư, câu chúc tụng Alleluia, bài Tin Mừng, và phần giải thích Lời Chúa.

Bài Cựu ước là những gì Chúa nói với chúng ta cách gián tiếp, tức là Chúa nói với chúng ta qua các tiên tri, các thánh tổ phụ. Sau khi nghe Lời Chúa phán trong Cựu Ước, chúng ta tiếp tục cùng nhau chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ Chúa bằng những câu Thánh vịnh đi đôi với một câu đáp ca. Dân Do Thái xưa cũng có nghi thức lắng nghe Lời Chúa. Nghi thức này đối với họ là một nghi thức trọng đại và thánh thiêng vì lúc ấy chưa có phần Phụng vụ Thánh Thể. Có thể nói, nghi thức Phụng vụ Lời Chúa của Người Do Thái xưa quan trọng và được tôn kính y như phần Phụng vụ Thánh Thể trong Thánh lễ ngày nay vậy. Sách Nehemia chương 8 diễn tả sự tôn kính Lời Chúa của Dân Do Thái xưa, và tôi xin được tóm tắt như sau: Vào ngày thứ nhất tháng thứ bảy, mọi người tụ họp ngoài trời trước Thuỷ Môn (Water Gate). Thầy Cả Ezra đem sách Luật Moisen (The book of the law of Moses) ra đọc trước cộng đoàn. Ông đọc từ sáng sớm cho đến trưa và mọi người lắng nghe. Ðọc xong, ông nâng sách lên cao rồi mở ra cho mọi người thấy. Khi ông mở sách ra thì mọi người đứng dậy, lúc ấy Thầy Cả Ezra chúc tụng Thiên Chúa là Ðấng Cao Cả; còn toàn dân, họ giơ tay lên cao đáp lại “Amen, Amen!” rồi họ cúi đầu, rạp mình đến sát mặt xuống đất. Bạn thấy chưa, phần Phụng vụ Lời Chúa rất là thánh thiêng ngay từ thời Cựu ước. Tiếp đến là bài Thánh Thư, tức là các huấn từ, các giáo huấn của Hội Thánh được truyền dạy từ thời các tông đồ.

Cao điểm trong phần Phụng vụ Lời Chúa là bài Tin Mừng. Ðây là những gì Chúa Giêsu trực tiếp nói với chúng ta, và chúng ta phải đón nhận lời Người cách trang nghiêm đầy kính cẩn. Nếu bạn đã từng đón tiếp một nhân vật cao cấp nào thì bạn biết là cử toạ phải đứng lên khi người đó bước vào. Cũng có trường hợp chẳng những là phải đứng lên mà cử toạ còn lớn tiếng tung hô người đó nữa. Chúng ta cũng vậy. Ðể đón nhận Lời Chúa, là chính Chúa, với lòng tôn kính; chúng ta đứng lên và cùng nhau tung hô Thiên Chúa bằng một câu chúc tụng, và ngoại trừ mùa chay, câu chúc tụng này bắt đầu và chấm dứt trong tiếng tung hô Alleluia. Vậy phần Phụng vụ Lời Chúa, ngoài là sự giảng dạy của Chúa Giêsu về nước trời, về chính Thiên Chúa, còn là để xác định Cựu ước là Lời Chúa; để cho chúng ta thấy được sự liên tục của Lời Chúa từ Cựu ước sang Tân ước; cho chúng ta thấy Lời Chúa qua huấn quyền của hội thánh; cho chúng ta thấy Lời Chúa không bị giới hạn bởi thời gian, và như thế, để chúng ta thấy được Lời Chúa là Lời Hằng Sống; để chúng ta thấy được Lời Chúa là Lời không qua đi; là của nuôi linh hồn chúng ta; là Lời dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.

Ðiểm đáng chú ý nữa trong phần phụng vụ Lời Chúa là Chúa Giêsu đi rao giảng ba năm; Hội Thánh cũng chia phần phụng vụ Lời Chúa thành 3 năm, A, B và C. Và nếu bạn tham dự Thánh lễ hằng ngày trong suốt 3 năm phụng vụ; thì bạn được nghe tất cả những điều mà Chúa muốn nói với bạn qua những bài Cựu ước, Thánh Thư, Tin Mừng và tất cả các lời nguyện trong Thánh lễ.

Sau bài Tin Mừng là phần giảng giải Lời Chúa. Giảng giải Lời Chúa không phải là phần do Hội Thánh chế ra và thêm vào, mà cũng không phải là phần do linh mục muốn làm thì làm. Ðây là phần phải có để Thánh lễ được đầy đủ, và để mọi người có thể hiểu mà thực hành những lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Ðây cũng là việc mà chính Chúa Giêsu đã làm; Người đã cắt nghĩa ngụ ngôn người gieo giống cho các môn đệ; Người đã giải thích hai chữ ‘tái sinh’ cho Ông Nicodemus; Người giải thích Kinh Thánh cho hai môn đệ trên đường Emmaus. Trong suốt 3 năm rao giảng, Chúa Giêsu không ngừng giải thích cho mọi người về Thiên Chúa, về Nước Trời qua các ngụ ngôn và Người cũng đã trả lời nhiều câu hỏi. Có thể nói, không có phần giảng giải này thì khó để chúng ta hiểu được Lời Chúa; vì thế mà phần này không thể thiếu được, và cũng vì thế mà phần này chỉ được dùng để giảng giải Lời Chúa mà thôi. Thêm vào đó, chỉ có linh mục hay phó tế mới được giảng giải Lời Chúa trong Thánh lễ. Ngoài Thánh lễ thì ai cũng được phép chia sẻ Lời Chúa, kể cả những người không tin vào Chúa. Giáo dân thì không những được phép mà còn có bổn phận phải chia sẻ, phải rao giảng Lời Chúa nữa. Tuy nhiên, những lời rao giảng, những chia sẻ này chỉ là những việc làm trong bổn phận của giáo dân, trên danh nghĩa một Kitô hữu. Những việc làm này không mang ‘ấn tín’ Giáo Hội. Thế nhưng khi cử hành Thánh Lễ,  linh mục thi hành tác vụ của mình trên danh nghĩa Hội Thánh, nên những lời giảng dạy của ngài trong Thánh lễ có mang ‘ấn tín’ Hội Thánh. Ðó là lý do không ai khác ngoài linh mục, hay phó tế được uỷ quyền, được phép giảng dạy Lời Chúa trong Thánh lễ, cho nên trách nhiệm của các linh mục, các phó tế khi giảng dạy trong Thánh lễ rất là nặng nề. Nói chung thì, trách nhiệm của linh mục và của giáo dân tuy có khác, ai cũng phải làm việc với tinh thần trách nhiệm, và phải chịu trách nhiệm việc mình làm.

Trở lại phần Phụng vụ Lời Chúa, những ơn ích mà Thiên Chúa ban cho chúng ta trong phần Phụng vụ Lời Chúa là như chính Chúa Giêsu đã phán: (16) “Phước cho mắt của chúng con, vì chúng được thấy, và cho tai của các con, vì chúng được nghe. (17) Amen, Ta nói cho các con biết, nhiều tiên tri và nhiều người ngay lành ước ao được thấy điều các con thấy nhưng đã không được thấy, ước ao được nghe những gì các con nghe nhưng không được nghe.” (Mt 13,16,17).

Kế đến là Kinh Tin Kính. Khi rao giảng về Thiên Chúa, về Nước Trời, Chúa Giêsu luôn nhấn mạnh đến đức tin – tin vào Lời Người. Chúng ta đọc kinh này ngay sau khi nghe Lời Chúa là để tuyên xưng đức tin của mình. Ðể chúng ta xác định là mình tin chứ không phải vì bị bắt buộc, không phải chỉ là đọc lời tuyên xưng đức tin cho có lệ. Vì thế, những ai thực sự tin thì người đó được công chính hoá vì tin, và họ được kết hợp với Chúa Giêsu trong phần Phụng vụ Thánh Thể. Ðây quả là một ơn ích thật là cao trọng, nhưng nếu bạn không tin thì bạn cũng không nhận được bất cứ một ơn ích nào bởi Thánh lễ mà ra.

Sau Kinh Tin Kính là lời nguyện giáo dân. Ðây là lúc mọi người kết hợp với nhau mà cầu xin cho những nhu cầu, những ước nguyện của cộng đoàn, của giáo hội, của mỗi người chúng ta, và của người xin lễ. Sau đó chúng ta bước vào phần Phụng vụ Thánh Thể.

Phần Phụng vụ Thánh Thể được bắt đầu bằng nghi thức chuẩn bị bàn thờ là nghi thức giúp chúng ta nhớ lúc Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi chuẩn bị phòng ăn Lễ Vượt Qua; để Chúa Giêsu truyền Phép Thánh Thể, truyền Phép Truyền Chức Thánh, và nhất là để Chúa Giêsu dâng Hy Tế Thánh lễ vẹn toàn lên Chúa Cha.

Khi dâng của lễ, trước hết, chúng ta dâng bánh, rượu, và nước. Trong những của lễ này, nước là tạo vật hoàn toàn là của Chúa; còn bánh và rượu, cả hai đều là sản phẩm của những gì Chúa ban cộng với sự cộng tác của chúng ta là sức cần lao của con người. Ðiều này được xác định khi linh mục nâng dĩa có bánh lên mà chúc tụng: “Lạy Chúa…, chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này là hoa mầu ruộng đất và công lao của con người,…” Rồi ngài nâng chén rượu lên mà chúc tụng: “Lạy Chúa…, chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con rượu này là sản phẩm từ cây nho và công lao của con người,…” Ðó là rượu và bánh; nước thì tôi sẽ nói đến sau. còn sức cần lao của con người – tất nhiên sức cần lao của con người ở đây phải là sự thi hành thánh ý Chúa, phải là những công đức làm đẹp lòng Chúa; có như thế thì bánh, rượu, nước, và sức cần lao của con người mới được dùng làm của lễ để dâng lên Thiên Chúa. Ðiều này cũng có nghĩa chúng ta phải dùng mọi sự vào việc làm sáng danh Chúa, ngược lại là chúng ta dùng của cải Chúa ban vào những việc không đúng.

Kế đến, chúng ta dâng của lễ của mỗi người chúng ta. Của lễ này không phải chỉ là đồng tiền bỏ dỏ, vì ngoài Thánh lễ ngày Chúa Nhật, ít có việc quyên tiền trong các Thánh lễ khác; mà có quyên thì cũng không phải là ai cũng được ban cho khả năng đóng góp về tài chính. Thành ra, của lễ của chúng ta là số tiền bỏ giỏ, nhưng quan trọng hơn, còn là mọi việc lành chúng ta làm, mọi đau khổ chúng ta chịu, và mọi công đức làm sáng danh Chúa khác mà chúng ta tích cóp từ Thánh lễ chúng ta tham dự trước đó cho đến Thánh lễ mà chúng ta đang hiện diện. Của lễ này chính là sức cần lao của con người mà linh mục nêu ra ở trên. Tóm lại, của lễ mà chúng ta dâng lên Thiên Chúa trong Thánh lễ là hoa màu ruộng đất, sản phẩm của cây nho, nước và sức cần lao của con người hay những việc làm theo ý Chúa.

Bạn thân mến, trong Thư gửi Bạn Hiền XI, tôi đã chia sẻ với bạn là Thiên Chúa không bao giờ chấp nhận một của lễ nào mà không duy nhất, không thánh thiện, không tinh tuyền và không tuyệt hảo. Tôi cũng đã chia sẻ là, ngoại trừ Mẹ Maria, chúng ta không ai có thể có được của lễ duy nhất, thánh thiện, và tinh tuyền xứng đáng được Thiên Chúa chấp nhận. Vậy mà sức cần lao hay những việc làm theo ý Chúa của chúng ta ở trên lại có trong và thuộc về của lễ mà chúng ta dâng lên Thiên Chúa; những việc làm theo ý Chúa của chúng ta này lại không bao giờ có thể là duy nhất, thánh thiện, tinh tuyền, và tuyệt hảo cho được. Như vậy có phải là của lễ này của chúng ta sẽ không được Thiên Chúa chấp nhận không? Xin bạn đọc tiếp.

Sau khi nhận nước rượu và bánh, linh mục hoà một giọt hay một chút nước vào chén rượu. Giọt nước này, ở giây phút này, là biểu tượng cho nhân tính Chúa Kitô (chứ không phải thân xác Chúa Kitô). Rượu cũng vậy. Ở giây phút này, rượu cũng chỉ là biểu tượng cho thiên Tính Chúa Kitô mà thôi. Còn bánh – bánh là biểu tượng cho thân xác Chúa Kitô – khi hoà nước vào rượu, linh mục nguyện: “Nhờ dấu chỉ nước hoà rượu này, xin cho chúng con được tham dự vào thần tính của Ðấng đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con.” Như vậy, qua lời nguyện này, linh mục xin cho chúng ta, mọi người có mặt trong Thánh lễ, được tham dự vào thần tính của Chúa Kitô. Lời thỉnh cầu này có được Chúa Cha chấp nhận không? Thưa, khi dâng lời thỉnh cầu này lên Chúa Cha, linh mục đệ đạt lời thỉnh cầu của mình nhờ vào ‘Ðấng đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con’ là Chúa Kitô. Cách xin của linh mục ở đây tương tự như khi một đứa con, nhờ vào danh tánh người mẹ mà xin cha mình điều gì. Vì nhờ vào danh tánh người mẹ nên sau khi xin, người con thêm, con đã xin mẹ rồi và mẹ đã cho rồi. Trường hợp linh mục ở đây thì hơi khác. Khác ở chỗ là đứa con cậy vào danh tánh mẹ mình thì khó cho người cha từ chối, nhưng ông vẫn có thể từ chối. Còn linh mục, ngài xin Chúa Cha cậy vào danh Chúa Kitô; mà Chúa Kitô và Chúa Cha là một nên Chúa Cha không thể từ chối lời cầu xin này của linh mục được. Vậy thì chắc chắn là khi tham dự Thánh lễ, chúng ta được tham dự vào thần tính Chúa Kitô. Khi chúng ta được tham dự vào thần tính Chúa Kitô thì, vì đoái thương, Chúa Kitô cũng thông phần vào nhân tính của chúng ta. Lúc ấy, của lễ của chúng ta và của lễ của Chúa Giêsu, là chính Chúa Giêsu, trở nên một; lúc ấy mọi sự bất toàn trong của lễ của chúng ta được thánh hóa và làm cho trở nên duy nhất, thánh thiện, tinh tuyền, và toàn vẹn bằng công nghiệp ơn cứu độ. Của lễ này là của lễ mà chúng ta dâng nhờ Người, với Người, và trong Người nên của lễ này bao giờ cũng được Chúa Cha chấp nhận. Bạn thấy chưa, Thánh lễ cao trọng và sinh nhiều ơn ích cho chúng ta biết là dường nào! Satan biết điều này rõ hơn chúng ta nên, bằng mọi cách, y quyết tâm phá Thánh lễ.

Nhưng chúng ta tham dự vào thần tính của Chúa Kitô bằng cách nào? Khi nào? Trước hết, tham dự là một động từ kép; là sự tập hợp của hai hành động ‘tham gia’ và ‘dự vào’. Muốn tham gia thì phải cộng tác, phải đóng công, góp của. Muốn dự vào thì, điều kiện tiên quyết là phải có mặt, phải hiện diện. Sau đó, người dự phần còn phải làm cái việc mà mọi người có mặt cùng làm cho mục đích của sự hiện diện chung, trong trường hợp này là rước lễ.

Vậy, để trả lời cho hai câu hỏi trên, chúng ta tham gia vào thần tính Chúa Kitô bằng cách đem sức cần lao của con người mà làm cho sản phẩm của cây nho thành rượu nho; đem sức cần lao của con người mà làm cho cho hoa màu ruộng đất trở nên bánh. Sức cần lao ở đây không phải là sức cần lao trực tiếp dùng vào việc làm bánh và nấu rượu mà là tất cả mọi công việc hầu làm sáng danh Chúa. Còn dự vào – chúng ta dự vào thần tính Chúa Kitô khi chúng ta rước lễ; khi chúng ta đón nhận Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Kitô. Ðây là một đặc ân – đặc ân được dự vào. Ðặc ân này do “Ðấng đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con” ban cho. Còn thông phần – Chúa Giêsu thông phần vào nhân tính của chúng ta vì ‘đoái thương’. Thế nhưng ngay khi linh mục nhận bánh và hoà nước vào rượu nho thì chúng ta vẫn chưa được tham gia vào thần tính của Chúa Kitô vì bánh và rượu hoà nước, ở giây phút này, vẫn chỉ là biểu tượng cho mình và máu Chúa Kitô mà thôi. Mãi đến lúc, qua lời nguyện Thánh Thể, khi mà linh mục nói: “… vì này là Mình Thầy,…” thì ngay cái khoảnh khắc ấy, bánh liền trở nên (Transubstantiate) Mình Thánh Chúa Kitô, và, cũng qua lời nguyện Thánh Thể, khi mà linh mục nói: “… vì này là chén Máu Thầy,…” thì cũng ngay cái khoảnh khắc ấy, rượu hoà với nước liền trở nên Máu Thánh Chúa Kitô. Và vì sức cần lao của chúng ta có trong cả Bánh Thánh lẫn Rượu Thánh nên khoảnh khắc này cũng là lúc của lễ của chúng ta và của lễ của Chúa Giêsu trở nên một. Chúng ta bắt đầu được tham gia vào, chứ chưa dự vào, thần tính Chúa Kitô từ lúc này. Ðây cũng là lúc Chúa Kitô hoàn toàn thông phần vào nhân tính của chúng ta. Chúa Giêsu thông phần vào nhân tính của chúng ta là Chúa Giêsu xuống thế làm người; vì thế Mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể cũng thực sự tái hiện vào lúc này. Ðây là mầu nhiệm đức tin.

Làm sao linh mục lại có thể biến bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô? Thưa không phải là linh mục làm việc này bằng khả năng của mình. Khi linh mục nói lời truyền phép là ngài thi hành mệnh lệnh của Chúa Giêsu: ‘Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.’ Nên khi nói lời truyền phép là linh mục nói trong con người Chúa Kitô (In persona Christi). Nghĩa là, trong cái giây phút mà linh mục nói lời truyền phép thì ngài là Chúa Kitô. Mà Chúa Kitô lại là Thiên Chúa, là Ngôi Lời nên Lời nào Người phán thì Lời đó phải nên trọn. Vì vậy mà sau khi truyền phép, khi linh mục nâng chén có Máu cùng với Thánh Thể Chúa Kitô lên thì ngài nguyện: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người mà mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời”, chứ không nguyện, chính nhờ bánh và rượu, với bánh và rượu, và trong bánh và rượu, mà… đến muôn đời.

Bạn thân mến, bây giờ thì bánh đã thực sự trở nên Mình Thánh, và rượu có hòa nước đã thực sự trở nên Máu Thánh Chúa Kitô. Bây giờ thì Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Giêsu cũng thực sự đang hiện diện trên bàn thờ. Vậy Chúa Giêsu đang hiện diện trên bàn thờ trong trạng thái nào? Sống hay chết?

Thưa, trước khi truyền phép, nước là biểu tượng cho nhân tính, và rượu là biểu tượng cho thiên tính chúa Kitô. Sau khi truyền phép, rượu có hoà nước này trở nên Máu Thánh Chúa Kitô thì Máu này là chính Chúa Kitô trong cả thiên tính lẫn nhân tính của Người. Mà thiên tính thì không chết được, nhân tính cũng không chết được vì là tính và vì đã kết hợp với thiên tính. Nhưng thân xác Chúa Giêsu thì khác. Thân xác Chúa Kitô bây giờ là Con Chiên bị sát tế; trái tim Người đã bị lưỡi đòng đâm thâu, và đã đổ hết máu mình ra vì chúng ta nên thân xác Chúa Giêsu bây giờ là thân xác chết, thực sự chết. Vì thế mà từ khi linh mục bắt đầu đọc lời truyền phép, thì lúc ấy cuộc tử nạn của Chúa Giêsu trên Ðồi Canvê thực sự bắt đầu tái hiện trên bàn thờ, và đây là mầu nhiệm đức tin – Mầu nhiệm Chúa Chịu Chết. Nhưng nếu thân xác Chúa Kitô trên bàn thờ bây giờ là thân xác chết thì, khi rước lễ, có phải chúng ta rước Mình Thánh Chúa Kitô còn ở trong cõi chết không? Thưa không. Vì trong phần hiệp lễ, sau nghi thức chúc bình an và trước khi rước lễ, khi linh mục cầm Bánh Thánh, bẻ ra, rồi lấy một miếng nhỏ bỏ vào chén có Máu Thánh, thì lúc đó là lúc thân xác còn trong cõi chết của Chúa Giêsu kết hợp với nhân tính và thiên tính cúa Người và Người liền phục sinh. Cho nên khi chúng ta rước lễ là chúng ta rước Chúa Giêsu đã sống lại, có đầy đủ thân xác, máu, linh hồn, nhân tính và thiên tính. Ðây là mầu nhiện đức tin – Mầu nhiệm Chúa Sống Lại.

Mầu nhiệm Chúa Giêsu chịu chết và phục sinh đã được Thiên Chúa Cha cho thấy ngay khi Người tạo dựng Ông Adong và Bà Evà trong Sáng Thế Ký 2,7, 21-23 như sau: (7) “Thiên Chúa lấy đất sét từ lòng đất mà nắn thành người nam rồi Người thổi sự sống vào lỗ mũi của ông ta, nhờ thế mà người nam trở thành sinh vật sống động. (21) Rồi thì Thiên Chúa làm cho ông ngủ say, trong khi ông ngủ, Người lấy một cái xương sườn của ông rồi lấy thịt của ông mà đạy chỗ đó lại. (22) Sau đó Người dùng cái xương sườn mà Người đã lấy từ người nam mà tạo nên người nữ. Khi Người đem người nữ đến cho người nam, (23) người nam nói: “Ðây rồi, người này là xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi; người này sẽ được gọi là ‘người nữ’ vì từ ‘người nam của bà’ mà người này được tạo thành.”

Bạn có thấy Chúa Giêsu chết và phục sinh trong đoạn Phúc Âm ở trên không? Này nhé: Chúa Cha tạo dựng Ông Adong bằng đất sét, là vật liệu lấy ra từ lòng đất, cộng với công trình nắn nót (forming) của Người; Chúa Giêsu cũng làm cho bánh trở nên thân mình bằng hoa màu lấy ra từ lòng đất cộng với sức cần lao của con người. Khi ông Adong còn là cục đất, chưa có sự sống, thì cũng là lúc Chúa Giêsu chết nằm trong mồ. Khi Chúa Cha thổi hơi vào lỗ mũi Ông Adong, lúc ấy thân xác trong cõi chết của ông được kết hợp với thần khí Thiên Chúa, là linh hồn của ông, thì lập tức, ông có sự sống. Khi linh mục bỏ miếng Bánh Thánh nhỏ, là thân xác còn trong cõi chết của Chúa Giêsu vào Máu Thánh, là thiên tính kết hợp với nhân tính, là hơi thở Thiên Chúa, thì Chúa Giêsu cũng lập tức sống lại. Khi Chúa Cha lấy cái xương sườn, một phần rất nhỏ bé của Ông Adong mà tạo nên người nữ, thì người nữ này là người nữ đầy đủ, có mình, máu, linh hồn và nhân tính và Chúa Cha không hề thêm gì vào. Khi Chúa Giêsu bẻ bánh cũng vậy, là Người bẻ chính thân mình. Mỗi miếng Bánh Thánh tuy chỉ là một vụn nhỏ, vẫn là Chúa Giêsu đầy đủ và vẹn toàn, có mình, máu, linh hồn, nhân tính, và thiên tính, và Chúa Giêsu cũng không thêm gì vào bánh này vì là bánh không men. / Khi ông Adong nhận Bà Evà là xương bởi xương, thịt bởi thịt của mình để cả hai trở nên một thì lúc ấy linh mục rước Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Kitô. Lúc ấy linh mục “… được tham dự vào thần tính Ðấng đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con” (Giáo dân thì chưa) và cũng lúc ấy thì Chúa Kitô cũng đoái thương thông phần vào nhân tính ngài. Như vậy là Chúa Giêsu kết hợp với linh mục như Ông Adong kết hợp với Bà Evà vậy. Thế nhưng, sự kết hợp này không phải là sự kết hợp giữa con người của linh mục với Chúa Kitô, bởi vì khi dâng Thánh lễ, linh mục thừa hành tác vụ của mình trên danh nghĩa Hội Thánh nên sự kết hợp này là sự kết hợp giữa Chúa Kitô và Hội Thánh. Sự kết hợp này làm cho Hội Thánh trở thành hiền thê, trở thành nhiệm thể Chúa Kitô. Và vì, ở lúc này, linh mục rước Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Kitô trên danh nghĩa hội thánh; các thừa tác viên Thánh Thể và các phó tế không được phép rước lễ vào lúc này, nhưng các linh mục đồng tế thì phải rước lễ vào lúc này.

Trở lại Thánh lễ, bây giờ chúng ta bước vào phần hiệp lễ, và chúng ta bắt đầu phần này bằng Kinh Lạy Cha. Tôi biết ai cũng thuộc và hiểu kinh này nên tôi chỉ nêu ra một liên hệ mật thiết giữa kinh này và Thánh lễ. Ðó là khi Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy xin cho được lương thực hằng ngày (daily bread), thì ngoài nhiều ý nghĩa khác, ý chính là Người dạy chúng ta hãy xin cho được rước Bánh Thánh hằng ngày, nhưng một cách gián tiếp, Người cũng dạy chúng ta hãy xin cho được có Thánh lễ hằng ngày. Bởi nếu không có Thánh lễ thì không có Bánh Thánh, không có lương thực nuôi linh hồn chúng ta hằng ngày. Ðây là lý do nữa để Satan tìm mọi cách phá bỏ Thánh lễ. Cách phá bỏ Thánh lễ hữu hiệu nhất mà Satan dùng là ‘thanh toán’ các linh mục. Không có linh mục thì không có Thánh lễ. Không có linh mục thì giáo dân chỉ là ‘quân vô tướng, hổ vô đầu’, nhất định là phải tan rã. Chúng ta phải cầu nguyện rất nhiều cho các linh mục. Cách phá hoại Thánh lễ nữa của Satan là làm cho giáo dân không hiểu Thánh lễ. Không hiểu, không biết thì không mến không mộ. Ðã không mến, không mộ thì giáo dân cũng không tham dự Thánh lễ; mà nếu có tham dự thì cũng chỉ là để cho có mặt mà thôi. Hội Thánh biết như vậy, nên Công đồng Trentô (Trent 1545-1563) đã truyền cho những người có trách nhiệm chăm sóc các linh hồn phải giảng giải thường xuyên về Thánh lễ. Sắc lệnh nói như sau:

“Thượng Hội đồng buộc các mục tử và tất cả những ai có trách nhiệm chăm sóc các linh hồn, phải thường xuyên đích thân hay nhờ người khác giảng giải, trong khi cử hành Thánh lễ, một số phần (những lời) được đọc trong Thánh lễ, và họ phải cắt nghĩa các Mầu nhiệm của Hy tế thánh thiêng cao vời này, đặc biệt vào các ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ.” (Khoá 22, Ch. 8). Trích từ Sách Hy tế Thánh lễ Dẫn Giải do Linh mục Martin Von Cochem, Dòng Phanxicô, viết. Tôi thêm 2 chữ “những lời”.

Sau Kinh Lạy Cha là phần chúc lành. Khi linh mục chúc “Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em” thì ngoài là để ban bình an, ngài còn giúp chúng ta sống lại lúc Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ sau khi Người sống lại và chúc: “Bình an cho các con.” Cao điểm trong phần hiệp lễ là khi chúng ta rước Mình và Máu Chúa Kitô hay khi chúng ta rước lễ. Ðây là lúc chúng ta, những người rước lễ cách xứng đáng, được dự vào thần tính Chúa Kitô.

Bạn thân mến, đối với một số người, rước lễ là một nghi thức đơn giản. Mà thực vậy, về hình thức bề ngoài thì rước lễ quả là một nghi thức đơn giản, nhưng thực chất thì lại rất là huyền nhiệm. Huyền nhiệm vì đây là lúc chúng ta dự tiệc cưới Con Chiên dưới thế, và của ăn trong bữa tiệc cưới này chính là Thánh Thể Chúa Kitô. Chưa hết đâu bạn ạ, vì trong bữa tiệc cưới này có một người hầu bàn, người hầu bàn duy nhất. Người hầu bàn này là ai vậy? Mời bạn hãy cùng tôi đọc Phúc Âm theo Thánh Luca chương 12, câu 35-37: (35) “Các con hãy chuẩn bị sẵn sàng và thắp đèn sáng (36) hãy như những người tôi tớ chờ chủ về từ tiệc cưới, hãy sẵn sàng mở cửa cho chủ mình liền ngay khi ông về gõ cửa. (37) Phước cho những đầy tớ mà người chủ thấy còn canh thức khi ông trở về. Quả thực, ta nói cho các con biết, chính ông ấy sẽ thắt lưng, mời họ nằm vào bàn tiệc, rồi tiến hành phục dịch họ.” (Tục lệ nằm khi ăn) (37) Blessed are those servants whom the master finds vigilant on his arrival. Amen, I say to you, he will gird himself, have them recline at table, and proceed to wait on them.”

Tôi xin được miễn bàn về đoạn phúc âm trên ngoại trừ câu “… Quả thực, ta nói cho các con biết, chính ông ấy sẽ thắt lưng, mời họ nằm bên bàn tiệc, rồi tiến hành phục dịch họ”. Câu này, đối với tôi, đã thật là khó hiểu. Khó hiểu vì, ở đời này, thường là tôi tớ thì phải làm việc cho chủ; chẳng những làm việc, làm việc cực nhọc mà có khi còn bị mắng chửi và ngược đãi nữa. Cái chuyện một ông chủ mà lại đi thắt lưng, mời các gia nhân nằm vào bàn tiệc, rồi phục dịch gia nhân của mình thì tôi chưa thấy mà cũng không tin là lại có thể xảy ra ở thế gian này. Nhưng Thiên Chúa là Ngôi Lời. Bất cứ lời nào từ miệng Thiên Chúa phán ra thì lời đó phải nên như lời Người phán. Vậy những gì Thiên Chúa phán trong đoạn Phúc Âm theo Thánh Luca trên trở nên như (Fulfilled) lời Người phán như thế nào? Ðể trả lời cho câu hỏi này, tôi phải dẫn bạn vào Phần Kết lễ.

Kết lễ cũng là một nghi thức bề ngoài xem ra rất là đơn giản; đơn giản đến độ nhiều người cho là không quan trọng nên bỏ ra về ngay sau khi chịu lễ. Thật là đáng tiếc cho những người này vì không hiểu ý nghĩa của Thánh lễ nên họ đánh mất nhiều ơn ích trọng đại. Kết lễ có hai phần, một là phần ban phép lành; hai là khi linh mục chúc mọi người ra về bình an. Từ ban đầu, Người Do Thái đã nhận ra là khi Thiên Chúa chúc lành, thì mọi chuyện sẽ nên như lời Người phán (Xin xem Thư gửi Bạn Hiền IV); vì thế, chúc lành là một nghi thức trọng đại đối với họ. Họ tin là khi chúc lành cho con mình là lúc người cha chúc lành bằng năng quyền được ban cho từ Cha trên trời, và lời chúc lành của cha mình sẽ nên thật. Vì thế mà Esau ghét Jacob là đứa em đã lấy mất lời chúc lành của mình. Nhưng khi ban phép lành cho chúng ta vào cuối lễ, linh mục không ban phép lành bằng năng quyền được ban cho, mà cao trọng hơn thế, ngài ban phép lành cho chúng ta bằng thánh danh Chúa Ba Ngôi. Ngài không kể ra các sự lành như khi Isaac chúc lành Jacob vì Thiên Chúa là nguồn mọi sự thánh thiện nên khi nhận phép lành cuối lễ là chúng ta đón nhận mọi sự thánh thiện. Thêm vào đó, nếu như một người phải chết sau khi tham dự Thánh Lễ, thì phép lành cuối lễ cũng là phép lành cuối đời cho người đó. Sau đó, linh mục tuyên bố: “Lễ xong, chúc anh chị em đi bằng an.” Linh mục không ban phép lành trong danh nghĩa của ngài, thì ngài cũng không chúc chúng ta ra đi bằng an bằng con người của chính ngài. Vì, một lần nữa, khi cử hành Thánh lễ, linh mục thi hành tác vụ của mình trên danh nghĩa Hội Thánh. Cho nên, khi linh mục chúc chúng ta đi bằng an là Hội Thánh chúc chúng ta đi bằng an. Ði đây không phải là đi về nhà, vì qua lời chúc này, Hội Thánh lập lại lệnh truyền của Chúa Giêsu sau khi Người sống lại: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con.”  Thành ra ‘đi’ ở đây là đi rao giảng Lời Chúa; đi sống Lời Chúa, và đi thực thi ý Chúa trong đời sống của chúng ta. Giáo lý Công giáo, số 1332, dạy: Bí tích Thánh Thể được gọi là “Thánh Lễ”, bởi vì trong hành vi thờ phượng mà mầu nhiệm ơn cứu chuộc được thực hiện kết thúc bằng việc sai đi những người trung thành trong đức tin, để họ có thể thực thi ý Chúa trong đời sống hằng ngày của họ.” The Sacrament of the Eucharist is called “Holy Mass” (Missa), because the liturgy in which the mystery of salvation is accomplished concludes with the sending forth (missio) of the faithful, so that they may fulfill God’s will in their daily lives.”

Vậy sau mỗi Thánh lễ, nếu chúng ta ra đi và làm đúng như vậy; tức là chúng ta ra đi rao giảng Lời Chúa, ra đi sống Lời Chúa, ra đi làm sáng danh Chúa, ra đi làm mọi chuyện theo ý chủ nhân của mình thì khi trở lại tham dự Thánh lễ kế, chúng ta mới có của lễ để dâng lên Thiên Chúa. Chúng ta mới có ‘sức cần lao của con người’ xứng đáng để đóng góp vào bánh và rượu. Chúng ta mới có những kết quả tốt mà tường trình lên chủ nhân của mình. Và thưa bạn, lúc ấy chính là lúc ông chủ khen những người đầy tớ trung thành: “Rất tốt, hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín. Bởi ngươi là kẻ đáng tin trong việc nhỏ, Ta sẽ trao cho ngươi những trách nhiệm lớn lao. Hãy vào mà chung vui với chủ ngươi” (Mt 25,23); hãy vào mà tham dự Tiệc Cưới Con Chiên. Lúc đó, chính vị chủ nhân này, là người hầu bàn mà tôi nói đến ở trên, sẽ thắt lưng, sẽ mời chúng ta, những đầy tớ trung thành, nằm bên bàn tiệc, rồi cũng chính ông sẽ tiến hành phục dịch chúng ta bằng cách mà không một chủ nhân nào ở trần gian này làm được, đó là trao chính thân mình làm của ăn trong bữa đại tiệc này. Ðây là lý do mà, trước đây, chỉ có linh mục mới được trao Mình Thánh Chúa trong Thánh lễ. Ðây là lúc chúng ta rước lễ. Ðây là lúc chúng ta được tham dự vào thiên tính Chúa Kitô. Ðây là lúc đoạn Phúc Âm của Thánh Luca ở trên được nên trọn. Cứ thế cuộc sống của một Kitô hữu xoay vần, từ ngày này sang ngày khác, từ Thánh lễ này sang Thánh lễ khác; chúng ta Sống Thánh lễ chứ không phải chỉ tham dự Thánh lễ mà thôi.

Sau cùng, chắc chắn là bạn đã nghe nhiều lần lời giảng dạy này: ‘Không phải là chỉ nghe mà chúng ta phải Sống Lời Chúa.’ Vâng, đúng như vậy! Nhưng khi Sống Lời Chúa, chúng ta không thể bỏ qua lệnh truyền: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.” Không thi hành lệnh truyền này là không Sống Lời Chúa cách đầy đủ. Mà muốn sống Lời Chúa cách đầy đủ thì chúng ta phải Sống Thánh lễ vì Thánh lễ là hành vi tôn thờ duy nhất để chúng ta thi hành lệnh truyền này và để chúng ta đón nhận Lời Chúa. Thành ra nơi nào Thánh lễ được cử hành thì nơi ấy là địa điểm ban phát cả Bánh Hằng Sống lẫn Lời Hằng Sống cho những ai trung thành trong đức tin, trong sự hiệp nhất với Chúa Kitô, và trong sự hiệp thông với Hội Thánh là Hiền Thê và là Nhiệm Thể của Người. Bạn phải siêng năng đến đây mà đón nhận muôn hồng ân cao cả. Nếu có chỗ nào khác cũng làm tương tự như vậy thì xin bạn đừng quên Chúa Giêsu đã cho chúng ta biết trước là có lắm kẻ sẽ mạo danh Người, và chúng sẽ lừa dối được nhiều người (x. Matthêu chương 24). Bạn phải cẩn thận! Lý luận của những kẻ mạo danh Chúa Giêsu khi họ không muốn làm một điều gì Hội thánh Công giáo dạy: ‘Ðiều đó không có trong Kinh Thánh.’ Vậy mà lệnh truyền ‘hãy làm việc này để nhớ đến Thầy’ được viết rành rành trong Kinh Thánh thì họ lại không làm.

Còn hai chữ Thánh lễ? Vâng, hai chữ Thánh lễ không có trong Kinh Thánh, nhưng có gì tôi chia sẻ với bạn về Thánh lễ ở trong bức thư này mà không có ở trong Kinh Thánh không? Xin bạn nghĩ cho kỹ. Bạn có biết Dr. Scott Hahn là ai không? Dr. Hahn đã từng là một nhà truyền giáo Calvinist, là giáo phái đả phá Thánh lễ cách mạnh mẽ nhất. Giáo phái này tin tưởng Thánh lễ là một hành vi phạm thánh nghiêm trọng nhất mà con người có thể phạm. Một hôm vì muốn mắt thấy tai nghe xem ‘tội phạm thánh’ (sacrilege) này của người Công giáo ghê gớm đến như thế nào, ông đã đến xem Thánh lễ. Rồi vì ông là một nhà truyền giáo, một người làu thông Kinh Thánh nên ngay trong Thánh lễ đầu tiên trong đời; ông đã nhận ra ngay là tất cả các phần phụng vụ trong Thánh lễ đều có trong Kinh Thánh. Từ đó, ông bắt đầu tìm hiểu giáo huấn của Giáo hội Công giáo rồi trở thành người Công giáo và hiện là giảng sư Thần học và Kinh Thánh ngay tại Ðại học Công giáo Franciscan University in Steubenville, Ohio. Nếu bạn không tin vào Thánh lễ, sao bạn không thử một lần như Dr. Hahn xem sao. Còn các bạn người Công giáo, các bạn phải tham dự Thánh lễ thường xuyên hơn vì đây là cách duy nhất để của lễ của các bạn được Thiên Chúa là Cha chấp nhận. Ðây là cách hữu hiệu nhất để chúng được cùng với Mẹ Maria đạp đầu Satan. Khi đạp đầu hắn thì đừng quên là chúng ta phải dùng sợi xích Mẹ cho, là Chuỗi Mân Côi, mà trói hắn lại. Xin Chúa chúc lành cho bạn và mọi người trong gia đình bạn.

Thân ái kính chào trong Chúa và Mẹ Maria,

Giuse Phạm Văn Tuyến

Viết xong tại Atlanta ngày 16 tháng 1, năm 2014
Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]