- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Vừa tin Chúa vừa mến Phật, được không?

Truyền giáo gắn liền với hội nhập và việc hội nhập ấy diễn ra không đâu cụ thể và khó khăn cho bằng nơi các cặp hôn nhân khác đạo. Do sự sắp xếp của một người bạn, vị tu sĩ đã được mời đến dự bữa ăn tại nhà hàng cùng với hai vợ chồng, vợ theo Công giáo còn chồng theo Phật giáo ( có phép chuẩn ). Cả hai đều nhất quyết bảo vệ …đạo của mình. Thế nhưng cuộc sống chung đạo ai người ấy giữ,  có thể đi đến chỗ đổ vỡ vì một mối lo chung “ lo là vì sau này không biết giáo dục các cháu theo tôn giáo nào ! dựa vào giáo lý đức Phật hay Chúa Giesu để định hướng cho chúng nó, nên mỗi khi đụng đến vấn đề này là vợ chồng cãi nhau” ( nguồn Lamhong,org 15/11/2013 – Nguyễn ngọc Phú Đa – Truyền giáo ngày nay: Làm sao tin Chúa mà vẫn không mất lòng mến Đức Phật ? ).

Sự xung đột diễn ra giữa các niềm tin tôn giáo là điều không thể tránh lý do là vì ai cũng muốn bảo vệ niềm tin của mình bất chấp nó đúng hay không đúng. Người  vợ rất muốn chồng  phải theo Công giáo. Ngược lại chồng lại muốn vợ phải theo Phật giáo. Vị tu sĩ hỏi  lý do thì cả hai đều có câu trả lời  như nhau là vì gia đình đã theo Chúa hoặc theo Phật từ nhiều đời nay không có cách chi bỏ được. Sau khi biết lý do, vị tu sĩ bèn thuyết giảng cho người chồng theo Đạo Phật về… Đức Phật thế này “ Trước tiên tôi thấy Đức Phật là một đấng rất đáng kính. Ngài đã dám chấp nhận từ bỏ con đường giàu sang nhung lụa chốn triều đình và đã nhất quyết bỏ lại tất cả khi đã giác ngộ ra chân lý “ đời là bể khổ” và ngài đã tìm ra con đường để giải thoát. Con đường ấy được thể hiện trong triết lý Tứ Diệu Đế, Thập Nhị Nhân Duyên và Bát Chính đạo. Qua đó ngài cũng mời mọi người đi theo con đường mà Ngài đã tìm ra để đạt được hạnh phúc. Đức Phật  thật tốt. Tuy nhiên khi được học trò hỏi = Thưa thầy chân lý ở đâu ? Ngài đã không tự nhận mình là chân lý nhưng âm thầm chỉ tay lên trời, chân lý ở trên đó ! Ngài đóng vai trò là người dẫn đưa người ta đến gần Ông Trời, gặp được Ông Trời và được ở với Ông Trời là chân lý tuyệt đối. Vì thế người Công giáo chúng tôi rất mến Đức  Phật,  bởi vì ngài cũng như chúng tôi là tin Ông Trời, gặp được Ông Trời, Thượng Đế, Đấng Tạo Hóa. Tuy có nhiều cách gọi khác nhau nhưng những tước hiệu đó bên chúng tôi gọi  ngài qua một tên chung là Thiên Chúa” ( Nguồn Nguyễn Ngọc Phú Đa đã dẫn ).

Sau khi nghe… thuyết một hồi như thế thì anh chồng có vẻ đắc trí ( nguyên văn ) tỏ ý muốn theo…Chúa nhưng còn gặn hỏi “ Bây giờ làm thế nào để con theo Chúa mà không bỏ Đức Phật. Bởi vì con thương và thấy tội Đức Phật  quá. Con cũng thấy có một số người khi đã tin theo tôn giáo khác thì ngay lập tức họ quay lưng lại với Đức Phật ! Thậm chí họ coi Đức Phật rất tầm thường nếu không muốn nói là báng bổ ngài. Nếu mà thầy bắt con cũng như họ là con nhất quyết  không theo Đạo Chúa đâu. Tôi bảo anh định theo Chúa là đúng rồi bởi vì Chúa là Đấng dựng nên trời đất muôn vật muôn loài trong đó có loài người và cũng có cả Đức Phật  luôn” ( Nguồn Nguyễn Ngọc Phú Đa đã dẫn ).

Chẳng biết chuyện kể này …thật hư thế nào nhưng qua đây cũng có thể thấy được quan điểm của không ít người Công giáo về Đạo Phật cũng như về Đức Phật. Theo họ thì Phật  Thích Ca cũng chỉ là người như bao người khác  đã được tạo dựng bởi Đấng Thần Linh Tạo Hóa và vì thế  chỉ có thể đáng mến chứ không thể tôn thờ. Dẫu vậy cái sự…đáng mến ấy sở dĩ có là vì Đức Phật cũng …tin có Ông Trời !!! Thương  như thế thì  cũng chẳng bằng mười phụ nhau  có nghĩa đã… mạ lỵ Đức Phật  một cách trắng trợn  đó chứ chẳng phải không. Niềm tin có Ông Trời hay còn gọi là Thượng Đế, Ngọc Hoàng Thượng Đế v.v…sinh ra và cai quản muôn loài đó chỉ mang tính chất dân gian chứ không phải tôn giáo. Lấy tính chất dân gian  gán cho tôn giáo, điều ấy không khỏi khiến con đường tâm linh trở nên bế tắc. Làm sao không bế tắc bởi lẽ đường tâm linh là đường tìm kiếm “ Các ngươi hãy tìm Ta và gặp được khi các ngươi tìm kiếm Ta hết lòng” ( Gr 29, 13).

Đường tâm linh là đường tìm kiếm nhưng nên nhớ việc tìm kiếm ấy không phải là tìm cái chi đó ở bên ngoài nhưng là quay  trở về với Đấng ở nơi mình “ Hãy trở lại cùng Ta thì Ta sẽ trở lại cùng ngươi” ( Ml 3, 7). Quay trở về với chính mình, đây là mệnh lệnh của tâm linh tôn giáo nhưng cũng là của  minh triết “ Hãy tìm cho biết về chính mình mày” ( Connais toi – Toi meme ) người ta thấy lời này được khắc ghi trên cổng lối vào Đền Delphe của Hy Lạp cổ như nhắc nhở  con người rằng chân lý chỉ có thể tìm thấy khi biết quay trở về với chính mình. Mặc dầu vậy, đối với triết học thì nhắc nhở chỉ là nhắc nhở bởi lẽ trước sau nó vẫn cứ là duy lý không thể khác. F. Nietzche ( 1844 – 1900 )  ông tổ của triết học hiện sinh vô thần đã nặng lời phê phán Socrate cho rằng ông này “…như người dẫn trẻ đến vườn mà không chỉ cho lối vào = Bảo hãy biết chính mày mà không có phương pháp nên môn sinh người thì tìm vào sinh vật học như Aristote, người thì như Platon thì bám vào thế giới lý niệm. Tất cả mong mỏi tìm biết nhưng rút cục như Faust đi đến chỗ bán linh hồn để mua tri thức mà không đạt được” ( Kim Định – Nhân Bản NXB Ra Khơi 1965 ).

Tất cả mong mỏi tìm biết đến nỗi bán cả linh hồn cũng không được lý do là bởi tri thức ấy muôn đời chỉ là cái biết của sự phân biệt. Bao lâu còn phân biệt là còn thấy có người, có vật ở ngoài mình, thậm chí ngay cả Thiên Chúa khi ấy cũng chỉ là một thứ sự vật, một thứ khái niệm chết khô. Lấy tri thức để hòng tìm biết Thiên Chúa chỉ vô ích, bởi lẽ Thiên Chúa là thực tại  vượt thoát khỏi mọi ý niệm ngôn ngữ.  Tất cả nguyên nhân đưa đến khủng hoảng của Giáo Hội từ trước đến nay là do đã lầm tri thức với thực tại. Chính vì sự lầm lẫn ấy nên thay vì tìm kiếm Thiên Chúa Đấng chưa ai từng thấy biết ( Ga 1, 18 )  thần học lại theo đuổi một thứ tri thức tìm biết về cái  căn nguyên sinh thành vũ trụ “ Triết học là khoa học về vạn vật, lấy những nguyên nhân tối cao để giải nghĩa chúng” ( La Philosophie est la science des choses par leurs causes supremes  Trần Thái Đỉnh – Triết Học Hiện Sinh).

Trong cuộc sống thường nhật, người ta thấy không có gì lại không có nguyên nhân. Cái nhà không thể  tự mình có mà phải có người làm ra cái nhà. Cơm không thể tự chín mà phải có người nấu mới  thành cơm  v.v…và v.v…Từ đó suy ra thì cả vũ trụ này với muôn vàn tinh tú vận hành trong trật tự vĩnh hằng thì lý đương nhiên ắt cũng phải có  đấng sinh ra nó ? Sự…suy ra ấy đã được thần học trong đó có cả Thánh Thomas  Aquino lập luận thế này = mọi sự đều có nguyên nhân nhưng do không thể có một chuỗi vô tận các nguyên nhân ngẫu nhiên nên chuỗi này nhất thiết phải dừng lại ở một nguyên nhân đầu tiên hay còn gọi là nguyên nhân tối cao và đó chính là Thượng Đế là Tạo Hóa.

Thật sự thì trong thiên nhiên vạn vật không có bất cứ cái gì do ngẫu nhiên nhưng nếu bảo rằng cần có Đấng Tạo Hóa để điều hòa trật tự trong vũ trụ thì đấng ấy nếu có xét ra cũng chỉ tương đương như một kiến trúc sư  hay một nhà quản trị thôi sao ? Mặt khác Tạo Hóa chẳng lẽ chỉ điều hòa trật tự trong vũ trụ thiên nhiên còn con người thì sao ? Đang khi đó chính con người và cuộc sống tức hạnh phúc hay khổ đau của nó mới là đối tượng tôn giáo cần nhắm tới. Tôn giáo có mặt  không phải là để  nêu lên  những vấn nạn siêu hình nhưng là để giải quyết nó cho đến tận căn. Đức Phật trả lời cho vị Tỳ Kheo “ Này Malunkyaputta, Như Lai không hề nêu lên vấn đề thế gian có vĩnh cửu hay không, thế gian có giới hạn hay vô tận. Tại sao ? Bởi vì những điều ấy không tạo ích lợi, không thể làm nền tảng cho đời sống phạm hạnh, không chấm dứt sân hận phiền não, không dẫn đến sự dập tắt, sự vắng lặng, trí tuệ, sự giác ngộ hay là Niết Bàn. Vì vậy Như Lai không đề cập đến những vấn đề ấy” ( Thiền sư Nãrada Thera – Đức Phật và Phật Pháp ).

Đức Phật không trả lời những vấn nạn siêu hình bởi nó chẳng ích lợi gì cho việc chấm dứt khổ đau. Để chấm dứt khổ đau thì chỉ có một con đường đó là nhận biết sự thật. Ngay sau khi thành đạo, Đức Phật thuyết giảng về bốn sự thật ( Tứ Diệu Đế ) đó là:  1/- Khổ Đế – Cõi đời là đau khổ dù cho có danh vọng giàu có tài trí đến đâu cũng không ai có thể thoát khỏi sinh lão bệnh tử, xa lìa người thân,  gần gũi kẻ thù. 2/- Tập Đế – Tất cả những khổ đau ấy không phải do ngẫu nhiên nhưng đã được kết tập từ nhiều đời nhiều kiếp. Nói cách khác khổ đau chỉ là cái quả của cái nhân do chính mình gây ra. 3/- Diệt Đế – Nếu khổ chỉ là cái quả của nhân do mình gây ra thì cũng chỉ có mình mới có thể chấm dứt nó. 4/- Đạo Đế – Có tám con đường ( Bát Chánh Đạo) tức phương pháp tu hành cần noi theo để đi đến chỗ an lạc tuyệt đối Niết Bàn.

Đức Phật đã từ bỏ ngôi báu thái tử để dấn thân trên con đường tu tập, trải qua muôn vàn hiểm nguy gian khổ mới có thể đem đến cho nhân loại con đường giải thoát sinh tử ấy. Đối với những người theo Phật ( Phật Tử ) thì việc biết ơn là lẽ đương nhiên và sự biết ơn ấy còn đi đôi với lòng yêu mến bởi vì Ngài đã đem đến cho mình con đường thoát khổ một cách chắc chắn. Người ta vẫn nói có biết thì mới mộ mến, còn ngược lại thì không ( Vô tri bất mộ ). Có thể nói người Công Giáo chúng ta sở dĩ không có lòng mến mộ Đức Phật  là vì  đã thiếu sự hiểu biết cần thiết về Ngài cũng như  con đường của Ngài. Chính bởi vậy vấn đề đặt ra cho việc truyền giáo hội nhập hôm nay là phải làm sao có được sự hiểu biết càng nhiều càng tốt về Đạo Phật.

Rất có thể có những e ngại  rằng nếu hiểu Đạo Phật, biết đó là con đường chân chính thoát khổ  thì người ta sẽ bỏ Công giáo để theo Phật giáo hay chăng ? Thực tế điều ấy cũng đã xảy ra, có ký giả người Ý, ông Vittorio Messori đã thưa với đức Gioan Phao lo 2 = “ Như đức Thánh cha đã biết hình như giáo lý  giải thoát của Phật Giáo đang lôi cuốn một số lớn người tây Phương như để thay thế cho Ki Tô giáo hay như một thứ bổ túc ít ra là về những gì liên quan tới kỹ thuật tu đức và thần bí” ( Bước Vào Hy Vọng – Câu hỏi số 14 ).

Có một số lớn trí thức tây Phương bị giáo lý PG lôi cuốn đó là thực tế không thể phủ nhận. Tuy nhiên cần nhận ra lý do của nó, phải chăng là vì giáo lý Công giáo của chúng ta thực sự có vấn đề, nghĩa là vẫn còn xiển dương một Đấng Thần Linh Tạo Hóa. Một khi còn xiển dương đấng được gọi là Tạo Hóa ấy thì  sẽ không bao giờ có thể nhận ra vai trò  Thiên Sai của  Đấng Cứu Độ “ Vừa rạng ngày Ngài ra đi đến nơi vắng vẻ. Có quần chúng kéo đi tìm Ngài theo kịp, muốn giữ Ngài lại không cho Ngài đi khỏi họ. Nhưng ngài nói cùng họ rằng  Ta cũng cần phải rao giảng Tin Mừng Nước  Đức Chúa Trời cho các thành thị khác, vì cốt tại việc đó mà Ta được sai đến” ( Lc 4, 42 -43).

Rao giảng Tin Mừng Nước Trời, đó cũng là rao giảng sự thật bởi vì Nước Trời ấy là nước nội tại…trong tâm mỗi người ( Lc 17, 20 -21). Con người do bởi vô minh che lấp thế nên không thể  nhận biết và sống với Bản Tinh Chân Thật của mình. Bản tính ấy với Đạo Phật là Phật Tánh. Còn với Đạo Chúa là phẩm vị Con Thiên Chúa. Bao lâu còn bị trói buộc trong vòng vô minh mà Kinh Thánh gọi là Tội Nguyên Tổ ấy  thì con người không sao có thể thoát khỏi khổ não. Phật Thích Ca cũng như Chúa Giesu Ki Tô xuất hiện ở nơi cõi thế cũng không ngoài mục đích  rao giảng sự thật để cứu vớt chúng sinh thoát khỏi sự trói buộc của vô minh đó thôi. Dẫu vậy chúng ta cần nhận ra sự khác biệt giữa Phật Thích Ca và Chúa Giesu Ki Tô trong công cuộc cứu khổ cứu nạn này.

Phật Thích ca rao giảng Bốn Sự Thật ( Tứ Diệu Đế ) như là  nguyên lý tối thượng phải theo hầu thoát khổ. Còn Chúa Ki Tô thì lấy chính mạng sống mình làm giá cứu chuộc “ Ấy vậy Cha thương yêu Ta vì Ta bỏ mạng sống ta để lấy lại. Chẳng ai có thể lấy mạng sống Ta được nhưng Ta tự bỏ. Ta có quyền bỏ đi cũng có quyền lấy lại. Mạng lịnh ấy Ta đã nhận lãnh ở nơi Cha Ta” ( Ga 10, 17 -18).

Bởi Chúa Ki Tô đã chịu chết để vâng phục Thánh Ý, chính vì vậy nên Ngài cùng với Chúa Cha đã trở nên một “ Ai tin Ta chẳng phải tin Ta nhưng là tin Đấng đã sai Ta. Còn ai thấy ta tức là thấy Đấng đã sai Ta. Ta là sự sáng đến thế gian hầu hễ ai tin ta thì chẳng cứ ở trong tối tăm. Nếu ai nghe lời Ta  mà không vâng giữ thì Ta chẳng xét đoán kẻ đó, vì Ta đến chẳng để xét đoán nhưng để cứu rỗi thế gian” ( Ga 12, 44).

Tin và theo Chúa đó là bảo đảm chắc chắn cho phần rỗi đời đời của mỗi người lý do bởi vì lòng tin ấy sẽ dẫn đưa ta đến với Chúa Cha “ Ta là đường là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6). Tin theo Chúa để được cứu rỗi thế nhưng tin Chúa thế nào được nếu không ở trong Giáo Hội do Người  thiết lập ? Lý do cần phải “ Ở” trong Giáo Hội bởi mỗi  Ki Tô Hữu chúng ta dầu là giáo sĩ hay giáo dân cũng đều là chi thể trong Thân Mầu Nhiệm Chúa Ki Tô. Là chi thể thì phải gắn kết với thân mới có thể sinh hoa kết quả, trái lại thì không. Những con người gọi là trí thức Tây phương đó đã rời bỏ Giáo Hội để ngả theo Phật giáo, họ có được gì đâu ngoài ra một mớ kiến thức vô bổ về triết học này nọ. Phương pháp dù có hay đến đâu nhưng nếu không áp dụng thực hành đến nơi đến chốn thì  chẳng những chẳng ích lợi gì mà còn mang họa.

Người Công giáo nếu có mến Phật thì cũng chỉ nên coi  đó như một phương pháp tu tập giúp ta đi sâu vào bản tâm mà thôi.. Còn như  nói rằng mến Phật chỉ vì  ngài cũng tin có…Ông Trời như mình thì  quả là lố bịch. Trong bất cứ thời nào bản chất của Giáo Hội vẫn là theo đuổi việc truyền giáo thế nhưng việc truyền giáo ấy  sẽ không thể kết quả nếu không rao giảng Tin Mừng Nước Trời của Đức Ki Tô, bởi vì chỉ với Nước Trời ấy mà con người mới “ Hòa” được với  Thiên Chúa và với nhau “ Mọi sự  đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ  Đức Ki Tô  mà cho chúng ta được hòa giải với Người và trao cho chúng tôi chức vụ giải hòa” ( 2C 5, 18).

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]