Vĩnh hằng và tạm bợ

Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi (2Cr 5, 14).

Sáng ngày 29 tháng 04 năm 1917, giáo xứ Trinh Vương B1, tổ chức Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi thánh đường mới, thay cho ngôi nhà thờ cũ xuống cấp đã có nhiều rạn nứt. Đức cha Giuse phụ tá Trần Văn Toản giáo phận Long Xuyên chủ tế và giảng lễ. Cha Tổng đại diện, và hơn 30 quí cha từ nhiều giáo xứ khác về dâng lễ đồng tế cùng với Đức cha phụ tá. Trong đó đặc biệt có cha Giuse Phạm văn Chức, cha chánh xứ, giáo xứ Bích Du thuộc giáo phận Thái Bình, miền Bắc cùng đến dâng lễ. Tôi chú ý nhiều đến câu Kinh Thánh được treo trang trọng ngay trung tâm buổi lễ: “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5, 14).

Tôi chú ý vì hơn 30 mươi năm trước, cũng tại nơi đây, cũng trong Lễ đặt viên đá đầu tiên, khi tiến hành xây dựng hai gian Cung Thánh, và tu sửa sáu gian nhà thờ, thầy bốn, nay là cha Phanxicô Nguyễn Hải Minh cũng chọn câu Kinh Thánh “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi”, và cũng treo nơi trung tâm buổi lẽ. Thuở đó, tôi còn ở đây, và được ở trong ban tổ chức buổi lễ.

Vĩnh hằng và tạm bợ

Từ trong buổi lễ, tôi miên man nghĩ đến sự vĩnh hằng và sự tạm bợ. Qua lược thuật đôi chút về lịch sử giáo xứ Trinh Vương, là người con xa quê nhiều năm, tiềm thức tôi gợi nhớ lại, đây là ngôi thánh đường thứ tư đang xây dựng kể từ năm 1956. Ngôi thánh đường thứ nhất được làm bằng gỗ, do cha cố Giuse Nguyễn Ngọc Linh xây dựng, để có nơi cho bà con giáo dân sớm hôm cầu nguyên, khi họ chân ướt chân ráo mới di cư từ miền Bắc vào Nam, và từ các trại định cư Lạc An và Trạch Đông ở Đồng Nai Biên Hòa xuống miền Cái Sắn. Ngôi thánh đường thứ hai được xây bằng ciment, mái tôn, do thầy Giuse Phát cùng giáo dân xây dựng. Tôi nghĩ, dù ngày đó cha cố Giuse, hay thầy Vinh Sơn Phát không treo bandron: “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi”, nhưng trong tận đáy lòng các Ngài, cũng như trong lòng bà con giáo dân lúc đó, cũng đang được thúc bách mạnh mẽ bởi “tình yêu Chúa Kitô”. Ngôi thánh đường bằng gỗ, tre lá, xây tạm bợ đó theo thời gian đã qua đi, không còn để lại một vết tích nào cả. Đó chính là sự tạm bợ của vật chất. Trong khi “tình yêu Chúa Kitô” là điều vĩnh hằng đang được từ thế hệ cha ông truyền lại cho các thế hệ con cháu. Đó chính là sự vĩnh hàng về tinh thần. Và đó chính là ngôi thánh đường trong tâm hồn mọi người. Đẹp biết bao!

Cũng chính trân quí sự vĩnh hằng, ngôi thánh đường trong tâm hồn, mà trong phần giảng lễ, Đức cha phụ tá đã liên hệ đến lời tâm tình của Đức cha phụ tá Anphonsô Nguyễn Hữu Long, giáo phận Hưng Hóa, Chủ Tịch Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng của HĐGMVN, một giáo phận mới có 235.000 giáo dân trên hơn 6 triệu ruỡi dân với 28 dân tộc anh em, trong tổng số 54 dân tộc, một giáo phận rộng nhất trong 26 giáo phận Việt Nam (Diện tích giáo phận là 58.000 km2/ diện tích VN là 331. 210km2). Lời tâm tình của Đức cha phụ tá giáo phận Hưng Hóa là: “Khi đi gặp gỡ những người anh em thuộc nhiều sắc tộc nơi các bản làng với ước mong mang Tin Mừng gieo rắc đến nơi đó, để anh em cùng được nhận biết Thiên Chúa mà thờ phượng. 10 giờ đêm theo qui định nơi đây, người lạ phải ra khỏi bản làng. Vì thế, tôi phải dời bản làng đến một giáo xứ gần nhất để qua đêm cách đó 200km. Khi tới nơi thì gà vừa gáy, 3 giờ sáng hôm sau.”

Tôi tự hỏi, động lực nào để các nhà truyền giáo từ bao thế kỷ trước, đã truyền lửa loan báo Tin Mừng tới các thế hệ truyền giáo hôm nay, để các Ngài luôn có ngọn lửa rực cháy, với sức mạnh phi thường không hề quản ngại mọi thử thách, gian nan, ngay cả nguy hại đến mạng sống để đem Tin Mừng đến muôn nơi. Xin thưa: “Tình Yêu Chúa Kitô thôi thúc bách tôi”. Đó chính là giá trị vĩnh hằng, đến muôn đời. Đúng như lời Chúa đã phán: “Trời đất này sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (Lc21, 33).

Suy nghĩ về ngày Sabát

Qua tâm tình của Đức cha phụ tá Anphongsô, tôi nghĩ đến đoạn Kinh Thánh của thánh Luca chương 6 từ câu 1 đến câu 5 : “Vào ngày Sabát, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ bứt lúa, vò trong tay mà ăn. Nhưng có mấy người Pha-ri-sêu nói “tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày sabát?”. Đức Giêsu trả lời: “Các ông chưa đọc chuyện này trong sách nào? Vua Đavít đã làm gì khi thuộc hạ khi đói bụng? Vua vào nhà Thiên Chúa lấy bánh tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. Rồi Người nói: “Con người làm chủ ngày sa bát”. Như thế, luật lệ là để phục vụ con người, chứ không phải con người phục vụ lề luật. Thật đáng tiếc! Người thời nay thường làm ngược lại điều Chúa dạy…

Giá trị của vật chất

Nói như thế, không có nghĩa là tôi coi thường giá trị của những ngôi thánh đường vật chất bằng tre lá gỗ tôn, hay ciment cốt thép có bản vẻ chu đáo, xây dựng mỹ thuật nguy nga. Nói chung, những ngôi thánh đường bằng vật chất, mà chỉ chú tâm đề cao ngôi thánh đường trong tâm hồn. Không, chính những ngôi thánh đường bằng vật chất đó, do mồ hôi nước mắt, với bao công sức của các vị chủ chăn và giáo dân ngày đêm lo lắng, tần tảo ngược xuôi hầu có đủ điều kiện để xây dựng. Nó thể hiện được tấm lòng, thể hiện được sự khát khao của lòng yêu mến Thiên Chúa. Đó chính là vật chất chuyển tải được tấm lòng. Quí biết bao! Vì Chúa đã nói: “Nếu Chúa không xây nhà, thợ nề vất vả chỉ là uổng công” (Tv 127)

Một thoáng nhìn lại việc chuẩn bị xây dựng ngôi thánh đường mới giáo xứ Trinh Vương. Từ thai nghén ý tưởng xây dựng ngôi thánh đường mới, cha Giuse đã bàn bạc với giáo dân và những người giầu tâm huyết và kinh nghiệm, kết quả đi đến thống nhất cũng mang nhiều dấu ấn và thử thách. Khi đã đồng lòng thì từ bản thiết kế, tiếp đến điều chỉnh để được sự chấp thuận của đạo và đời cũng là những thử thách, mà ngay lúc đầu cha con chưa nhận ra. Tiếp đến bao ngày tháng, ngoài việc tận lực trong xứ, cha xứ cùng ban hành giáo còn “lang thang” khắp nơi, từ miền quê lên thành phố, rồi đến cả những vùng cao nguyên để vận động, để xin sự trợ giúp. Cha con đã gõ cửa khắp nơi, từ trong xứ, đến ngoài xứ, từ trong nước, đến ngoài nước. Chúa thương, bà con khắp nơi đều mở lòng với việc xây dựng nhà Chúa: “Tôi trong xứ, bác phương xa. Cùng nhau xây dựng mái nhà cha chung”.

Đạo tại tâm

Tôi nhớ mãi câu chuyện của cha giáo Mt Hoàng Đình Ninh khi đến thăm một gia đình vào dịp Tết Nguyên Đán. Người chồng trong gia đình này luôn nói: “Đạo tại tâm”. Chính vì thế, anh không đi dự lễ hay tham gia các sinh hoạt của giáo xứ nói riêng, và giáo hội nói chung. Cha Mt nói:

“Anh nói đạo tại tâm thì đúng quá rồi, nhưng anh à! Nếu hôm nay ngày Tết, con cháu anh cũng nói : “Hiếu tại tâm” rồi không con cháu nào đến thăm, chúc tuổi anh thì anh nghĩ sao? Anh có buồn và la mắng chúng không:”. Người chồng đó yên lặng. Cha Mt nói tiếp: “Đạo mình cũng thế anh ạ, anh không hề thăm viếng Chúa, dù Chúa đã dạy anh, ngày chúa nhật phải dành thời gian dự Thánh lễ để thăm viếng, cảm tạ Chúa, anh không nghe lời. Anh nghĩ Chúa có buồn không?”. Người chồng cũng yên lặng. Cha Mt kể tiếp một thời gian sau, người chồng đó đi lễ ngày chúa nhật đều đặn. Như thế, cần cân bằng coi trọng cả vật lẫn tinh thần.

Chúa hiện ra với hai môn đệ trên đường đi Emmau

Tôi ghi lại những dòng này vào ngày chúa nhật 20 tháng 04, đúng vào ngày lễ Chúa hiện ra với hai môn đệ trên đường đi Emmau. Tôi suy nghĩ, các môn đệ đã đi theo Chúa, được Chúa dạy dỗ mọi điều, đã mắt thấy tai nghe tận tường điều Chúa nói, việc Chúa làm, và nhất là bao phép lạ nhãn tiền trong ba năm trời theo Chúa. Các Tông Đồ, hơn ai hết phải có niềm tin sắt son vững vàng về đời sống vĩnh hằng mai sau, thân xác này chỉ là tạm bợ “Sinh Ký tử qui”. Điều Chúa đã dạy dỗ bao lần. Thế mà, Khi Chúa chịu chết, các môn đệ đã hoảng sợ bỏ đi, người trốn nơi ngày, người nấp nơi kia. Các Ngài không còn nghĩ gì đến đời sống vĩnh hằng mại ngày, mà chỉ lo cho thân xác yếu hèn  tạm bợ, mau hư nát được an toàn. Chính vì thế, Chúa đã hiện đến bằng con người thật, cùng đi với hai môn đệ, để nhắc nhở và khôi phục niềm tin, khôi phục lại đời sống cho các Tông đồ. Và nhờ đó, các Ngài đã hồi tỉnh, nhận ra và nhờ Chúa Thánh Thần các Ngài đã hăng hái đi loan báo Tin Mừng, Chúa Đã sống lại thật!

Phần kết

Vĩnh hằng là những gì tồn tại mãi mãi, không hề hư mất, còn tạm bợ là những gì mau qua, sẽ biến mất theo năm tháng. Người Công Giáo tin rằng, con người có hai phần, phần hồn có đời sống vĩnh hằng, còn thân xác sẽ mau qua. Linh hồn mỗi người muốn có đời sống vĩnh hằng tột đẹp sống bên Chúa sau khi thân xác chết đi, thì thân xác phải tuân giữ điều Chúa đã dạy bảo, được tóm gọn là:

MẾN CHÚA VÀ YÊU NGƯỜI.

Cursillista Inhaxiô Đặng Phúc Minh

Chia sẻ Bài này:

Related posts