- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Vì loài người chúng tôi

Trong kinh Tin kính, chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng quyền năng, tạo dựng nên trời đất muôn vật. Tuy vậy, lời tuyên xưng vào Chúa và ca ngợi vinh quang của Ngài không giống như lời ca tụng một tác phẩm nghệ thuật hay một công trình kiến trúc. Bởi lẽ, một tác phẩm hay một công trình, dù có hoàn mỹ đến đâu chăng nữa, thì cũng chẳng liên quan gì đến người chiêm ngưỡng, có chăng chỉ là gợi lên sự thán phục đối với tài năng của các họa sĩ hay kiến trúc sư. Sau khi tuyên xưng Chúa Cha là Đấng sáng tạo muôn loài, Chúa Con là “Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”, người tín hữu nói lên mối tương quan giữa mầu nhiệm Thiên Chúa với cuộc sống con người: “Vì loài người chúng tôi, và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế”. Lời tuyên xưng này giống như một điểm kết nối giữa Thiên Chúa cao cả với con người tội lỗi. Nếu loại bỏ ý niệm “vì loài người chúng tôi”, lời tuyên xưng đức tin của người tín hữu chỉ còn là sự chiêm ngưỡng và thán phục Thiên Chúa từ xa mà chẳng có liên quan gì đến đời sống của họ.

1- Một Thiên Chúa vì con người

Lời tuyên xưng đức tin làm thành mối liên hệ giữa Thiên Chúa với con người. Chính Thiên Chúa đã có sáng kiến tạo nên những mối tương giao với mọi loài thụ tạo, trước hết qua công trình sáng tạo, rồi sau đó qua công trình cứu độ. Qua những mối tương giao ấy, Ngài thông ban cho con người vinh quang và sự thánh thiện của Ngài. Hành động sáng tạo của Thiên Chúa cho thấy mối tương giao giữa Thiên Chúa với con người thật rõ ràng: Thiên Chúa là Đấng tạo dựng, con người là tạo vật. Sự thân tình không dừng lại ở mối liên hệ khô khan như giữa người thợ và sản phẩm, mà tiến tới tâm tình Cha–con. Thiên Chúa là Cha, loài người là con. Con người mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa và được Ngài chiều chuộng hơn tất cả những tạo vật khác. Những trang đầu của sách Sáng thế diễn tả mối tương quan này thật thân thương trìu mến, gần gũi và an bình.

Khi mạc khải cho Môisen về chính mình, Thiên Chúa cũng nhấn mạnh tới mối tương quan của Ngài đối với con người. Chúa phán cùng ông Môisen: “Ngươi sẽ nói với con cái Israel thế này: Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp, sai tôi đến với anh em. Đó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia” (Xh 3,15). Qua lệnh truyền này, dường như Ngài muốn nói với Môisen: Danh xưng của Ta, loài người không thể hiểu thấu, vì bản tính của Ta không chỉ được thể hiện qua một tên gọi. Muốn tìm hiểu về Ta, cần phải nhìn lại những gì Ta đã làm trong lịch sử. Thực vậy, khi nói đến Abraham, IsaacGiacóp, bất cứ người Do Thái nào cũng liên tưởng đến một lịch sử ghi dấu bởi những điều kỳ diệu Chúa đã làm vào thời các Tổ phụ. Thiên Chúa không phải là một khái niệm, nhưng là một “Ai đó”, một “Đấng” luôn gần gũi với Dân của Ngài. Những gì Ngài đã thực hiện với các tổ phụ người Do Thái đã cho thấy Thiên Chúa của họ hoàn toàn hơn hẳn khi so với các thần của dân ngoại. Khi nhấn mạnh đến tên của các tổ phụ, Thiên Chúa muốn những người Do Thái đang sống đời nô dịch tại Ai Cập nhận ra nơi Ngài là Đấng Trung tín, sẽ thực hiện lời hứa của Ngài với các tổ phụ. Ngài sẽ giải phóng dân riêng của Ngài khỏi cuộc sống nô lệ, dẫn họ tới bến bờ tự do. Khi những nỗ lực kiếm tìm Thiên Chúa bằng lý trí đã thất bại, ý niệm một Thiên Chúa trong tương quan với con người sẽ giúp chúng ta khám phá ra sự hiện hữu của Ngài: đó là Thiên Chúa của lịch sử. Pascal đã viết lại khám phá và kinh nghiệm cá nhân của mình: “Lửa, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp, chứ không phải là Thiên Chúa của các bậc triết gia và của các bậc trí giả” (Được trích dẫn trong Đức tin Kitô giáo, hôm qua và hôm nay, của Đức hồng y Ratzinger, tr. 146).

2- Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể vì con người

Khi tuyên xưng “vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi”, người tín hữu nhìn lên Đức Giêsu Kitô. Người đã thực hiện sứ mạng trong tình yêu thương phục vụ. “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Cũng như con người là chóp đỉnh tạo thành trong công trình sáng tạo của thời xa xưa, thì nay con người cũng là đối tượng yêu thương của Con Thiên Chúa, Đấng đến trần gian để thực hiện công trình tạo dựng mới. Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, mặc lấy thân phận con người, chia sẻ và cảm thông nỗi vui buồn của cuộc đời nhân thế. Tất cả những điều đó để nhằm chứng minh cho con người thấy tình thương bao la diệu kỳ mà Thiên Chúa dành cho con người. Đấng từ trên cao đã cúi mình xuống nhận lấy thân phận thụ tạo thấp hèn để làm cho con người được trở thành con Thiên Chúa. Đức Giêsu là Thiên Chúa đích thực và cũng là con người đích thực. Người là Thiên Chúa để giúp con người đến gặp gỡ Đấng Tối cao. Người là con người để đưa Thiên Chúa đến kết thân với thụ tạo. Vai trò trung gian của Đức Giêsu phải được hiểu trong khía cạnh này. “Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi”, lời tuyên xưng này đã diễn tả chiếc “cầu nối” kỳ diệu giữa Thiên Chúa và con người. Đề tài tình thương của Thiên Chúa là một trong những điểm nhấn quan trọng trong giáo huấn của Đức Giêsu. Người đã dùng những hình ảnh “con chiên lạc”, “đồng tiền bị mất”, “người cha nhân hậu”… đề diễn tả tình thương của Thiên Chúa đối với con người. Tình thương này xem ra đôi khi hào phóng quá mức, như “Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối hơn là chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15,7). Thiên Chúa đã sai Con của Ngài đến trần gian vì yêu thương con người. Đối với Chúa, con người không chỉ là “một hạt bụi hóa kiếp”, mà họ đáng quý trọng: “Các con đừng sợ: các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần” (Mt 10,31). Cũng vì con người mà Đức Giêsu trong giờ hấp hối đã chọn ý Cha thay vì chọn ý riêng mình, để rồi, khi bước vào lễ tế hy sinh trên thập giá, Người vẫn còn thều thào trước khi trút hơi thở cuối cùng: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

3- Một Giáo Hội vì loài người

Tiếp nối công việc của Chúa Giêsu, cộng đoàn tín hữu ngay từ ban đầu đã hướng tới sứ mạng dấn thân phục vụ con người. Cộng đoàn tiên khởi tại Giêrusalem đã diễn tả rõ nét sự hiện diện của Đấng Phục Sinh. Qua những việc tốt lành của Giáo Hội, người ta nhận ra hình ảnh của Đức Giêsu. Chính vì thế mà “Giáo Hội được gọi là Bí tích, nghĩa là dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hợp nhất toàn thể nhân loại” (Công đồng Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 1). Như một định hướng cho Dân Chúa tại Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam trong Thư năm 1980 đã đề nghị xây dựng một Giáo Hội phục vụ con người như sau: “Sứ mạng của Giáo Hội là tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đến không phải để người ta hầu hạ, nhưng để phục vụ tất cả loài người. Đúng như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã giải thích trong Thông điệp “Đấng Cứu chuộc con người” rằng: ‘Con người là con đường của Giáo Hội’ (Thông điệp số 14). Đây cũng là điểm gặp gỡ giữa Giáo Hội và xã hội trần thế, vì ‘dù tin hay không tin, con người đều phải góp phần xây dựng thế giới cho hợp lý, vì họ cùng chung sống trong thế giới này’ (MV 21)” (Trích Thư chung HĐGM Việt Nam 1980, số 7).

Một “Giáo Hội vì loài người” không thể thờ ơ với hoàn cảnh xã hội và những nỗi ưu tư trăn trở của cộng đồng xã hội. Giáo Hội không phải một lâu đài khép kín, nhưng là một căn nhà mở rộng cánh cửa để ai cũng có thể ra vào, tìm thấy niềm vui, sự chia sẻ và ủi an nâng đỡ. Một trong những sứ mạng hàng đầu của Giáo Hội là thực thi bác ái. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã viết: “Giáo Hội không được chuẩn chước cho mình khỏi việc thực hiện công tác bác ái như là hoạt động tập thể có tổ chức của giáo dân, mặt khác, không có hoàn cảnh nào, trong đó người ta không cần đến bác ái của từng người Kitô hữu, chỉ vì, con người, vượt trên sự công bằng, luôn cần đến tình yêu” (Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu, số 29).

“Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi”, câu tuyên xưng đơn sơ mà ý nghĩa sâu xa là thế. Vì chúng ta mà Thiên Chúa sáng tạo và tiếp tục quan phòng nâng đỡ vũ trụ tạo vật. Vì chúng ta mà Ngài sai con Ngài xuống thế. Vì chúng ta mà Ngài thổi sức mạnh Thần Khí của Ngài vào vũ trụ và vào lòng mỗi người. Vì chúng ta mà Đức Giêsu đã thiết lập Giáo Hội, để qua Giáo Hội, Người ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Vâng, Thiên Chúa đang ở đây, giữa chúng ta. Ngài đã trở nên gần gũi con người qua Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể. “Nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã thực sự trở thành Đấng mà chúng ta có thể kêu gọi. Nơi Ngài, Thiên Chúa mãi mãi đi vào trong cuộc sống với chúng ta” (Hồng y Ratzinger Đức tin Kitô giáo, hôm qua và hôm nay , tr. 136). Nếu thời xa xưa của Cựu ước, con người không thể kêu cầu Danh Thiên Chúa một cách rõ ràng, thì nay, qua Đức Giêsu và nhờ Đức Giêsu, chúng ta có thể thân thưa với Chúa Cha, như người con thảo tâm sự với cha hiền. Nếu thời xa xưa, hình ảnh Thiên Chúa như một vị thần ở cao vời cách biệt cõi đất, thì hôm nay, qua Đức Giêsu, Đấng Tối cao đang hiện diện giữa con người “Ai thấy Thầy là Thấy Cha” (Ga 14,9).

Nếu Thiên Chúa, Đấng chúng ta tôn thờ, luôn luôn hành động vì yêu thương con người, thì con người lại xao lãng bổn phận sống vì tha nhân. Đức Giêsu đã nêu một mẫu gương cho các môn đệ: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Khi tuyên xưng đức tin vào một Thiên Chúa vì loài người, chúng ta, các tín hữu được mời gọi đặt câu hỏi: “Tôi có sống vì anh chị em mình hay không?”. Đó cũng là câu hỏi mà Đức Giêsu đã đặt ra với một người luật sĩ. Liền sau đó là câu chuyện người người Samari tốt lành với lời kết: “Ông hãy đi và cũng làm như vậy” (x. Lc 10, 25-37).

 

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Nguồn: WHĐ

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]