Vấn đề “Trợ Tử” dưới cái nhìn tâm linh

Một toà án dân sự ở Leuven bên Bỉ đã truyền rằng  Nhà Điều Dưỡng Thánh Augustino của Giáo hội Công Giáo tại Bỉ không có quyền từ chối trợ tử vì lý do lương tâm. Bệnh nhân trong vụ án này là một phụ nữ 74 tuổi bị ung thư phổi, cuối cùng được  đưa ra khỏi  nhà điều dưỡng để về nhà riêng của mình, ở đó một bác sĩ đã chích một liều gây tử vong. Toà truyền rằng Nhà Điều Dưỡng Thánh Augustino phải trả tiền  phạt là 3000 euro ( khoảng 3320 Mỹ kim ) và 1000 Euro cho mỗi một trong ba đứa con của người phụ nữ đã chết vì “ Các đau khổ không cần thiết về tinh thần và thể chất” ( Nguồn Vietcatholic News –  Đặng Tự Do 8/7/2016 ).

Đúng là làm ơn mắc oán; nhà điều dưỡng chỉ vì đã không chịu giúp bà cụ  chết ( Trợ Tử ) mà đã phải chịu án phạt  tổng cộng lên tới mười ngàn đô la Mỹ. Trợ tử nói cho dễ hiểu mục đích là để giúp  người bệnh được chết cách mau chóng. Tại sao không giúp người ta…chết mà lại bị kết án ?  Đó là vì đã vi phạm  quyền được chết  mà luật pháp nhiều nước Âu châu trong đó có Bỉ đã công nhận. Chết cách mau chóng  có nghĩa cái chết ấy đến trước số mệnh của một người. Chúng ta vẫn  nói người ta  sống chết có số để ám chỉ cho con người ai cũng được trời ban cho số mạng thọ yểu khác nhau. Chưa …tới số thì chưa chết dù cho có bị tai nạn khủng khiếp đến đâu chẳng hạn như rớt máy bay hàng trăm người chết nhưng vẫn có người không chết bởi vì…chưa tới số ?

Nói tới số mạng thì không thể không đụng chạm tới một vấn đề nghiêm trọng khác đó là mệnh trời ( Thiên Mệnh ). Đức Khổng Phu Tử nói về mệnh thế này “ Phần ư đạo vị chi mệnh, hình ư nhất vị chi tính. Hoá ư âm dương tượng hình nhi phát vị chi sinh. Hoá ư âm dương tượng hình nhi phát vị chi sinh. Hoá cùng số vị chi tử. Cố mệnh giả tính chi thỉ giã, tử giã sinh chi chung giã, hữu thỉ tắc tất hữu chung hỹ” ( Chia một phần ở trong đạo tự nhiên của trời đất ra gọi là Mệnh. Rõ hình ra ở cái lý nhất quán ai cũng như ai gọi là Tính. Biến hoá ở âm dương mà thành ra có tượng có hình gọi là Sinh. Hoá đến cùng số hết gọi là Tử. Cho nên Mệnh là cái bắt đầu của Tính. Tử là cái cuối cùng  của Sinh. Có cái bắt đầu  thì ắt là có cái cuối cùng vậy  – T.T. Kim – Nho Giáo Quyển Thượng ).

Cái lẽ sinh tử, tử sinh ấy thật là huyền vi và người quân tử theo quan niệm Nho giáo là người biết vâng theo mệnh trời mà sống, không oán trời mà cũng chẳng  trách người “ Thượng bất oán thiên, hạ bất vưu nhân cư dị dĩ sĩ  mệnh” ( Trên không oán trời dưới không trách người  cứ bình dị mà đợi mệnh – Trung Dung ). Thái độ bình dị…đợi mệnh ở đây hoàn toàn không  mang tính chất tiêu cực thụ động mà  chỉ có những trang quân tử mới có thể làm được. Lý do là vì  người quân tử  thì biết được mệnh trời và mệnh trời ấy lại chẳng có ở đâu xa ngoài mình. Mệnh trời không ở đâu xa ngoài mình, đây là quan niệm của minh triết Đông phương nhưng cũng  không khác gì với Đạo Chúa “ Đạo  ở gần ngươi, ở trong miệng ngươi và ở trong lòng ngươi tức là Đạo Đức Tin mà chúng tôi rao giảng đây” ( Rm  10, 8 ). Cũng vì tin Đấng Chúa ( Đạo ) ở nơi mình thế nên Thánh Phao Lô nói “ Bởi chẳng một ai trong chúng ta vì mình mà sống. Cũng chẳng một ai vì mình mà chết. Vì nếu chúng ta sống là sống cho Chúa. Nếu chúng ta chết là chết cho Chúa. Vậy nên chúng ta hoặc sống hoặc chết đều thuộc về Chúa ” ( Rm 14, 7 -8).

Vì mình mà sống có nghĩa là vì “ Cái Tôi” mà sống. Nếu không vì “Cái Tôi” mà sống thì  cũng không vì  “Cái Tôi” mà chết. Nhận định này là của Thánh Phao Lô một con người đã nhận chân ra lẽ Đạo. Trái lại người đời thì ai cũng chỉ vì “ Cái Tôi” mà sống mà chết. Một khi đã chỉ vì “ Cái Tôi” mà sống thì chắc chắn  không sao có thể tránh khỏi khổ đau khi  chết. Tại sao vậy ? Bởi vì “ Cái Tôi”  không có thực chất đó hoàn toàn chỉ là một thứ vọng chấp. Có hai thứ vọng chấp về “ Cái Tôi”. Một là chấp xác thân này là mình và hai là chấp tâm tưởng này là mình. Bởi chấp thân là mình  thế nên suốt cả cuộc đời  chỉ lo làm sao cho thân được no đủ khoẻ  mạnh sống lâu…Thế nhưng xác thân chỉ là sự cấu hợp của Tứ Đại ( Đất, Nước, Gió, Lửa ). Cái gì có cấu hợp  thì cũng có lúc phải huỷ hoại ly tan.  Xác thân do bởi cấu hợp và là cái túi chứa khổ thế nên Lão Tử nói “ Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giã, vị ngô hữu thân. Cập ngô vô thân ngô hữu hà hoạn” ( Ta sở dĩ có mối lo lớn là vì ta có thân. Bằng như không có thân làm sao có khổ  – ĐĐK chương XIII ) Cái chấp thứ hai là chấp tâm tưởng là mình. Cũng bởi vì chấp tâm tưởng là mình thế nên mới phát sinh kiêu căng tham lam đố kỵ ganh ghét đủ thứ.

Chấp xác thân là mình là một cái chấp có tính nguyên thuỷ ( Câu sinh ngã chấp ) và cái chấp ấy đã được cả triết và thần học nhìn nhận. F. Nietzhe ( 1844 – 1900 ) đại diện cho Triết Hiện Sinh Vô Thần  lớn tiếng thoá mạ  Đạo Công giáo “ Tôi muốn nói một lời với những người  khinh miệt thân xác. Họ không cần thay đổi lời giảng dạy. Nhưng họ nên từ biệt thân xác họ và như vậy họ trở thành câm. Đứa trẻ nhỏ nói = Tôi là xác và hồn. Tại sao người ta không nói như các trẻ ?” ( T.T. Đỉnh – Triết Học Hiện Sinh ).

Tôi là thân xác, thân xác là tôi, lập luận này không thể không diễn ra nơi các thuyết duy vật vô thần. Tuy nhiên ngay cả với những triết gia hữu thần như Gabriel Marcel ( 1889 – 1973 ) cũng  cứ mãi loay hoay với quan điểm  coi xác thân như là chủ thể “ Cho nên phải nhờ xác chủ thể tôi mới có vũ trụ bên ngoài. Thành thử vấn đề của thân thể là vấn đề nòng cốt bởi vì sự giải quyết các vấn đề khác đều tuỳ thuộc vào quan niệm ta có về thân thể ta. Để nói lên tất cả ý nghĩ của ông về vấn đề này Marcell đã viết câu lạ lùng này = Tôi là thân xác tôi = Je suis mon corps” ( T.T.Đỉnh Sđd )

Thật sự thì chẳng có chi để …lạ lùng, đó chẳng qua chỉ là cái chấp mang tính triết học và chính cái chấp triết học ấy đã là khởi nguyên của phong trào Tục Hoá hôm nay. Một khi đã nhìn nhận tục hoá thì đương nhiên con người phải có những thứ quyền  như quyền ly dị, quyền phá thai quyền đồng tính kết hôn và quyền…được chết !!! Người ta đưa ra lý luận rằng nếu công nhận quyền được sống thì  tại sao lại không có quyền được chết ? Mặc dầu vậy đây vẫn là vấn đề gây tranh cãi về mặt đạo đức và hầu như không thể giải quyết. Thật ra về cái quyền…được chết này  nó không liên quan gì tới  việc tự tử. Nếu tự tử  là tự mình  giết mình thì quyền được chết  lại phải nhờ đến người khác giúp. Trường hợp bà cụ 74 tuổi bị ung thư  là một ví dụ. Bà ấy  được đưa vào Nhà Điều Dưỡng Thánh Augustino  trong thời gian bao lâu không biết  và rồi người thân đã đón về nhà nhờ ông bác sĩ chích cho  mũi thuốc độc thì mới có thể chết cách mau chóng được.

Qua vụ việc này chúng ta thấy cái gọi là quyền được chết ấy thật ra không phải để dành cho người bệnh nhưng là cho bác sĩ hay ý tá kẻ được giết người cách  hợp pháp. Làm cho người khác chết trong  trường hợp này chẳng những không bị luật pháp kết tội trái lại còn được cho là việc nhân đạo. Lý do là vì đã tránh cho người bệnh khỏi phải chịu những cơn đau dữ dội  khó thể chịu nổi. Người ta có thể viện lẽ  đàng nào cũng chết vậy  thay vì cứ để kéo dài  những nỗi thống khổ ấy thì chi bằng giúp cho người ấy chết sớm đi  chẳng phải là…tốt hơn sao ?

Nói như thế thì cũng không ..sai xét trên quan điểm Tục Hoá có nghĩa không có Thần Thánh có thưởng phạt đời sau gì hết. Nếu quả thật chết là..hết thì chịu đau khổ ở cõi đời này nào có ích lợi gì đâu ? Thế nhưng chết không phải  hết nhưng  là  để bước  vào đời sau vô cùng tuỳ theo những việc lành dữ mà mình đã làm trong kiếp sống này “ Ta sẽ tuỳ công việc của mỗi người trong các ngươi mà báo ứng” ( Kh 2, 23 ). Sự báo ứng ở đây chính là cái nghiệp, làm lành sẽ được hưởng quả lành, làm dữ sẽ phải lãnh quả dữ “ Người thiện do lòng chứa thiên mà phát ra điều thiện,. Kẻ ác do lòng chứa ác mà phát ra điều ác. Vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra” ( Lc 6, 45 ).

Có chứa thiện thì mới có thể làm thiện và việc làm thiện ấy  không  chi có thể sánh bằng  con đường bỏ mình theo Chúa “ Ai muốn theo Ta  thì hãy từ bỏ mình hàng ngày vác thập tự giá mình mà theo. Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì phải mất còn hễ ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì sẽ cứu được. Vì được lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn mình thì nào được ích gì ?” ( Lc 9, 23 -25).

Thập tự giá là một thứ khổ hình chỉ dành cho các tử tội thời Do Thái xưa kia. Tuy nhiên vác thập giá theo Chúa lại là việc lành tối thượng vì thập giá  giúp ta bỏ được mình. Đối với việc bỏ mình này thế gian không có cách chi hiểu và theo được “ Bởi chưng người Do Thái đòi dấu lạ, người hy Lạp tìm sự khôn ngoan. Nhưng chúng ta rao giảng Chúa Ki Tô chịu đóng đinh trên thập tự giá. Điều này đối với người Do Thái là đá vấp phạm, đối với dân ngoại là sự ngu dại. Song đối với những người được chọn bất luận Do Thái hay Hy Lạp thì Chúa Ki Tô là quyền năng của ĐCT và sự khôn ngoan của ĐCT” ( 1C 1, 22 -24 ).

Sống ở đời không ai lại muốn khổ đau cho mình. Thế nhưng với những kẻ được chọn thì lại lấy đó  làm một thứ niềm vui. “ Mẹ Agnes de Jesus hỏi chị Teresa:

–         Sao sáng nay con vui vẻ thế ?

–         Con vui vì đã được chịu hai sự khó nhỏ. Không gì làm con vui tươi bằng những sự khó cỏn con như thế.

Lại một lần khác mẹ hỏi:

–         Hôm nay con đau đớn lắm phải không ?

–         Thưa mẹ, không dữ dằn gì, một trinh nữ muốn  hy sinh cho Tình Ái mà còn ghê sợ chút  quà Bạn Thánh gửi đãi  thì làm sao ? Lúc nào con chịu nổi ngần nào Bạn Thánh gửi cho con ngần ấy không bao giờ phải lo quá. Giá như chốc nữa Người gửi thêm đau đớn Người cũng gửi thêm sức chịu đựng. Tuy nhiên chẳng khi nào con dám xin Chúa gửi  cho đau khổ cả thể vì con hèn sức yếu đuối lắm. Con mà xin  thế những đau khổ ấy sẽ thuộc về con và riêng sức con phải gánh lấy. Nhưng sức riêng con thì có làm nên trò trống gì bao giờ ?” ( Chuyện Một Tâm Hồn – Chương XII Cười Trước Và Trong Đau Khổ ).

Thánh Teresa Hài Đồng Giê Su nói mình vui lòng chịu đựng chứ không xin Chúa gửi đau khổ đến. Xin gửi khổ đau đến là muốn thách thức Chúa. Trái lại vui chịu khổ đau vì Thánh Ý Chúa lại là một ơn phúc lớn lao chỉ dành cho những kẻ được chọn “ Nếu chúng ta cùng chết với Đức Ki Tô thì chúng ta sẽ được cùng sống lại với Người, đó là niềm tin của chúng ta” ( Rm 6, 8 ).

Phùng  Văn  Hoá

Chia sẻ Bài này:

Related posts