- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Truyền giáo, vấn đề cần đặt lại

Nhìn vào những con số thống kê chúng ta thấy tình hình truyền giáo của Giáo Hội thật không  có chi sáng sủa. Qua hai mươi thế kỷ truyền giáo số người tin theo Chúa Ki Tô vẫn là một thiểu số đáng  lo ngại so với dân số thế giới ngày càng gia tăng. Hiện nay dân số thế giới đã lên đến trên 5 tỷ người thế mà số tín hữu Công giáo chỉ được 900 triệu, nhưng 50% là ở Nam Mỹ còn triệu kia rải rác ở châu Âu, Bắc Mỹ, Châu Á, châu Úc và châu Phi. Riêng tại châu Á một lục địa với hơn 3 tỷ người trong đó chỉ có 3% là người Công giáo…..Trên đây chỉ là những con số  trên giấy tờ, trong sổ sách còn thực tế họ có sống đạo và sống cái đạo nào đó mới là vấn đề…

Mặt khác lại dựa trên những con số để cho thấy người ta đã bỏ Công giáo chạy sang các thứ tôn giáo khác cũng chẳng phải là ít. “ Tình  trạng cải đạo từ tôn giáo này sang tôn giáo khác làm biến đổi bản đồ phân bổ tín đồ các tôn giáo hàng ngày. Người ta thống kê có tới 8000 tín đồ Ki Tô giáo ở châu Phi gia nhập các giáo phái mới. Angieri trước năm 1990 có tới 2 triệu người Công giáo nay 90% đã gia nhập các tôn giáo mới. Việc tín đồ tôn giáo nào phải nộp thuế cho tôn giáo đó cũng khiến không ít người phải làm đơn ra đạo. Năm 1993 ở Đức đã có 150.000 người CG xin ra khỏi đạo để khỏi phải nộp thuế. Năm 2010 có 181.000 và năm 2011 là 126.488 người….( Nguồn Lamhong.org – 30/12/2014 – Phạm Huy Thông – Tín đồ tôn giáo thời nay ).

Hẳn có nhiều lý do khiến người ta bỏ Đạo Công giáo, có thể chỉ là để khỏi phải…đóng thuế. Tuy nhiên dù với bất cứ lý do nào thì điều ấy chứng tỏ ngày nay Đạo Công giáo  đã không còn được tin theo nữa. Sự không tin ấy trầm trọng thay lại diễn ra ngay tại Âu Châu cái nôi của Đạo Công giáo từ bao thế kỷ nay “ Âu châu không còn là Ki Tô giáo nữa”. Cùng với nhận định này còn cho thấy có sự xuống dốc thê thảm của lối sống đạo…kiểu Mỹ. Trường Thánh Dismas( Kẻ Trộm Lành) có mục đích để huấn luyện các em giúp lễ. Tại cái trường đào tạo này các em lại chẳng  khi nào đi lễ chủ nhật, chỉ một tháng một lần đi lễ ngày thường. Trong cái gọi là Thánh lễ ấy các em cũng chẳng đọc kinh nào kể cả kinh Tin Kính. Cũng chẳng có giáo viên nào tham dự Thánh lễ, còn cha xứ nhà thờ Thánh Dismas là một người …đồng tính ( Nguồn Vietcatholic – 28/12/2014 Vũ văn An – 2014 là năm của Đức Phan Xi Cô ).

Sống đạo mà ngay các giáo viên tức những người đào tạo các em giúp lễ   chẳng khi nào tham dự Thánh lễ. Còn ông cha xứ  lại là người…đồng tính thì thật …hỡi ôi !!!. Trong tình hình như thế liệu chừng việc truyền giáo còn có ý nghĩa gì  không. Làm sao chúng ta có thể…truyền một cái đạo mà ngay cả những người trong đạo cũng không sống ? Có sống thì mới truyền đạo được, ngược lại thì không. Tình trạng người có đạo  lại không sống đạo là một trong những nguyên nhân quan trọng  nhất  khiến cho việc truyền giáo kể từ sau Công Đồng Vatican II đã bị khựng lại “ Nếu người ta tổng kết những thập kỷ hậu Công Đồng. Những cánh cửa được Công Đồng mở rộng ra đã góp phần đẩy xa khỏi Giáo Hội những người đã “Ở trong” hơn là đem lại gần GH những người còn “ Ở ngoài”. Ngày nay một số người không do dự  kéo chuông báo tử khi nhận thấy rằng trong GH sự bền vững và kỷ cương trong đức tin đã mất đi sức mạnh của chúng và bị đe dọa bởi những khuynh hướng ly tâm hoặc bởi những quan điểm thần học bất chấp giáo huấn của Huấn Quyền Giáo Hội” ( Đgh Gioan Phaolo II – Bước Vào Hy Vọng- Câu hỏi số 23 của ký gỉa Vittorio Messori ).

Cánh cửa mở rộng tức CĐ Vatican II thay vì để đón “ người ngoài” vào thì lại đẩy “ người bên trong” ra. Thực trạng này diễn ra cách nay  đã nửa thế kỷ. Còn bây giờ cánh của chẳng những…mở rộng lại còn…mở toang ra thì người ở “ bên trong” còn bị đẩy ra xa chẳng biết tới  mức nào ? Cái gọi là cánh cửa mở rộng  của CĐ Vatican II đó chính là chủ trương Đại Kết và Hội Nhập Văn Hóa. Với Đại Kết chẳng qua đó là sự đánh đồng  chân lý, không còn phân biệt đâu là Đời đâu là Đạo, đâu là chánh giáo đâu là tà giáo. Cũng vì sự đánh đồng ấy mà đã đưa đến chủ trương Hội Nhập tức là hòa nhập với thế gian  để rồi  đi đến chỗ hoàn toàn đánh mất căn tính của mình.

Căn tính hay còn gọi là bản chất của  Đạo Công Giáo là truyền giáo theo lệnh truyền của Đức Ki Tô “ Hãy ra đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Ai tin và chịu Phép Rửa thì được cứu. Ai không tin sẽ bị luận phạt’ (Mc 16, 15 -16). Căn tính của Đạo Công Giáo là truyền giáo và truyền giáo có nghĩa là rao truyền Tin Mừng của Đức Ki Tô. Nhận ra như thế để cho thấy người ta sẽ đánh mất căn tính Công Giáo một khi không còn rao truyền Tin Mừng của Đức Ki Tô để thay vào đó là một Tin Mừng khác. Thế nhưng như Thánh Phao Lô quả quyết không hề có Tin Mừng khác “ Tôi lấy làm lạ cho anh em sao lại vội lìa khỏi Đấng đã kêu gọi anh em bởi ân sủng của Đức Ki Tô mà theo Tin Mừng khác. Nhưng không có Tin Mừng khác đâu chẳng qua là có mấy kẻ quấy rối anh em muốn canh cải Tin Mừng của Đức Ki Tô đó thôi. Nhưng dẫu chúng tôi hoặc thiên sứ trên trời giảng cho anh em một Tin Mừng nào khác với Tin Mừng chúng tôi đã rao giảng cho anh em thì người ấy đáng bị nguyền rủa. Tôi đã nói trước rồi nay lại nói nữa = Nếu ai rao giảng cho anh em một tin Mừng nào khác với Tin Mừng anh em đã nhận lãnh thì người ấy đáng bị nguyền rủa” ( Gal 1, 6 -9).

Thánh Phao Lô đề cập tới Tin Mừng “ anh em đã nhận lãnh” đó là Tin Mừng Nước Trời do Đức Ki Tô rao giảng “ Vừa rạng ngày, Chúa Giesu ra đi đến nơi thanh vắng. Có quần chúng kéo đi tìm ngài theo kịp muốn giữ Ngài lại không cho đi khỏi họ. Ngài nói cùng chúng rằng = Ta còn phải rao giảng Tin Mừng  Nước ĐCT cho các thành thị khác. Vì cốt tại việc đó mà Ta được sai đến” ( Lc 4, 42 -43). Chúa Giesu khẳng định cách dứt khoát rằng sứ mạng được sai đến của Ngài là để rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Sứ mạng ấy cần phải được tiếp nối và đó là lý do của việc thiết lập Giáo Hội. Nói cách khác Giáo Hội có mặt là để tiếp nối sứ mạng rao giảng Tin Mừng Nước Trời mà  Chúa  đã khởi sự. Chúa Ki Tô Phục Sinh hiện ra nói với các Tông Đồ “ Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy thể nào thì Thầy cũng sai các con thể ấy. Ngài phán điều ấy rồi thì hà hơi trên họ mà rằng = Hãy nhận lãnh Thánh Linh. Hễ các ngươi tha tội cho ai thì tội ấy được tha. Còn hễ các ngươi cầm buộc ai thì người đó bị cầm buộc” ( Ga 20, 21 -23).

Có câu hỏi quan trọng không thể không được đặt ra đó là tại sao Chúa lại trao cho Giáo Hội quyền bính tối thượng như thế cùng với sứ mạng rao giảng Tin Mừng? Câu trả lời chỉ có thể là vì Tin Mừng ấy là của Đức Ki Tô về Nước Trời mầu nhiệm nội tại “ Người Pharisieu hỏi Chúa Giesu về Nước ĐCT chừng nào đến thì Ngài đáp = Nước ĐCT không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng sẽ không nói được = Đây này hay đó kia, vì này Nước ĐCT ở trong các ngươi” ( Lc 17, 20 -21). Đối với con người khi nói đến Nước Trời  thì ai cũng nghĩ đó hẳn phải là một thứ Nước cao sang ở …trên Trời. Nhưng nay Đức Ki Tô lại nói nước ấy có ngay ở trong lòng mỗi người thì làm sao có thể tin cho được.? Mặc dầu vậy đó mới là Tin Mừng mà Đức Ki Tô rao giảng đồng thời trao sứ mạng ấy lại cho Giáo Hội.

I/-  Truyền giáo là rao giảng Tin Mừng của Đức Ki Tô

          Truyền giáo là rao giảng Tin Mừng Nước Trời theo lệnh truyền của Đức Ki Tô. Thế nhưng vì không tin có Nước Trời …ở trên Trời nên việc truyền giáo trở thành vô nghĩa cần  nên….dẹp bỏ “ Phải chăng đã đến lúc nên dẹp chuyện  truyền giáo, giảng đạo đang khi mà đa số nhân loại đang lâm cảnh nghèo đói  và thay vào đó bằng những chương trình thăng tiến con người ? Làm như vậy thì liệu có biến Hội Thánh thành một cơ quan cứu tế xã hội hay không ? không thiếu người đã nghĩ như vậy nhất là từ phía Tin Lành. Do ảnh hưởng của  Karl Barth, Vicedom chủ trương rằng việc truyền giáo tiên vàn là công trình của Chúa “ Mission Dei” nghĩa là để Chúa lo liệu. Chúng ta không nên bận tâm đến việc chiêu dụ người ta trở lại đạo, thành lập Giáo Hội; bổn phận chúng ta là âm thầm làm chứng tá qua việc phục vụ nhân loại, cải biến thế giới trở thành môi trường hợp với nhân đạo hơn. Cần phải xóa bỏ biên cương phân biệt đạo đời đi bởi vì khi chống đói giảm nghèo là chúng ta đang phục vụ Nước Chúa rồi” ( nguồn Thời Sự Thần Học số 18 tháng 12.1999 – Tấn Hứa – Những vấn đề Thần Học Truyền Giáo).

Điều thần học nói “ Cần dẹp bỏ việc truyền giáo với lý do là vì đa số nhân loại đang lâm cảnh nghèo đói”  thì quả là hết sức ngược đời. Tại sao ? Bởi lẽ chính vì nhân loại còn nghèo còn đói nên mới cần truyền giáo. Tuyệt đại đa số nhân loại ngày nay đúng là đang còn nghèo đói nhưng đó không phải  là nghèo đói về mặt vật chất xác thân nhưng là nghèo đói về mặt tâm linh. Nghèo đói lại không biết rằng mình nghèo đói để rồi hô hào nhau …dẹp bỏ truyền giáo, đây quả thật là nỗi bi đát cùng cực của nhân loại ngày nay.

Đức Ki Tô vì một đại sự nhân duyên đã từ trời xuống thế rao giảng Tin Mừng với mục đích là để khai ngộ cho con người con đường sự thật “ Chúa Giesu phán cùng những người Do Thái đã tin Ngài rằng = nếu các ngươi  cứ ở trong đạo của Ta thì thật là môn đệ Ta. Các ngươi sẽ nhận biết Sự Thật và Sự Thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 -32). Sự Thật mà Chúa rao giảng đó cũng chính là Nước Trời mầu nhiệm nội tại. Tại sao ? Bởi vì Nước Trời ấy  là Thực Tại bất sinh bất diệt cũng còn được gọi dưới nhiều danh xưng khác  như  Con Thiên Chúa, Chốn Nghỉ Ngơi Đời Đời, Nước Hằng Sống, Sự Sống Muôn Đời, Nước Thiên Đàng v.v…Nhận biết Sự Thật có nghĩa là nhận biết một Thực tại vốn dĩ vẫn ở nơi mình mà mình không biết. Bởi không biết nên con người cứ phải sống mãi trong vòng trói buộc của vô minh = Giả lại cho là thật, thật lại cho là giả. Xác thân là giả hợp nay còn mai mất lại cho đó là mình để rồi gây ra không biết bao nhiêu là giống tội độc dữ, tự gây khổ cho mình và cả cho người.

Đức Ki Tô rao giảng Sự Thật với mục đích để cho con người  thoát khổ nhưng thế gian vì u mê ám chướng nên đã giết bỏ Ngài như một tên tội đồ. Thế nhưng  chính là do nơi cái chết nhục nhã ấy mà đạo của Ngài mới thành  “ Quả thật Ta nói với các ngươi nếu hạt lúa mì chẳng rơi xuống đất mà chết đi thì nó chỉ trơ trọi một mình. Nhưng nếu chết đi thì kết quả nhiều” ( Ga 12, 24).

Cái chết của Chúa là cái chết cứu chuộc. Tuy nhiên cái chết ấy sẽ trở nên vô ích nếu không có những chứng nhân để  tiếp tục rao giảng Tin Mừng  cũng như loan truyền  sự chết và sống lại của Đức Ki Tô.

II/- Truyền giáo  và việc làm chứng cho Tin Mừng

          Đương thời Chúa  đã nhiều lần nói với các Tông Đồ về cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Ngài. Nhưng đến khi việc ấy xảy ra thì các ông vẫn tỏ ra hết sức hoang mang  lo lắng. Chúa Ki Tô Phục sinh hiện ra và trấn an họ “ Ấy đó là lời Ta nói cùng các ngươi đương khi còn ở với các ngươi. Thể nào mọi điều ghi chép về Ta trong Sách luật  Mai Sen, các tiên tri và Thánh vịnh cần phải ứng nghiệm. Rồi Ngài mở tâm trí để họ hiểu Kinh Thánh  lại phán cùng họ = Có chép rằng Đấng Ki Tô phải chịu khổ hại, ngày thứ ba sẽ từ kẻ chết sống lại và phải nhân danh Ngài mà rao giảng sự ăn năn, sự tha tội cho muôn dân muôn nước bắt đầu từ Gierusalem. Các ngươi sẽ là chứng nhân về mọi việc đó’”( Lc 24, 44 -48).

Mọi việc cần làm chứng đó, trước hết là việc  Đức Ki Tô có rao giảng Tin Mừng và Tin Mừng ấy là về Nước Trời mầu nhiệm nội tại. Tại sao cần làm chứng về việc Đức Ki Tô có rao giảng Tin Mừng ? Lý do bởi vì đó là sứ mạng của Ngài đồng thời đây cũng là sứ mạng mà Chúa đã trao cho Giáo Hội “ Hãy ra đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn dân…Sứ mạng rao giảng Tin Mừng  đã được Chúa báo trước là sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn trở ngại “ Này ta sai các ngươi  đi khác nào như chiên giữa muông sói” ( Mt 10, 16 ).

Muông sói ở đây có thể là các nhà lãnh đạo tôn giáo, các vua chúa quan quyền thế gian hoặc ý thức hệ này nọ. Phero sau khi đã chữa lành bệnh tật cho một số người thì bị dẫn đến trước mặt quan thượng tế An Ne cùng các đồng sự; họ răn đe ngăn cấm không được rao giảng thì ông mạnh dạn nói “ Chúng tôi phải nghe theo các ông hơn là nghe theo ĐCT, điều ấy trước mặt ĐCT phải  hay không các ông hãy tự xét lấy. vì chúng tôi không thể không nói những điều mình đã thấy và đã nghe” ( Cv 4, 19 -20).

Truyền giáo luôn phải đi đôi với việc làm chứng bởi vì truyền giáo có nghĩa là nói về những điều mình đã thấy đã nghe. Trong trường hợp của Phê Rô không có  chi để nói bởi vì ngài là người …đã thấy đã nghe. Còn với Phao Lô bởi không sống cùng thời với Chúa Giesu  nên ông cũng chẳng thấy chẳng nghe những điều Chúa nói, những việc Chúa làm. Mà đã không thấy không nghe như vậy  thì làm chứng sao được, phải chăng chứng ấy là không đáng tin ?  Thật sự thì không phải vậy, việc làm chứng của Phao Lô cũng như của biết bao chứng nhân khác về sau mặc dầu không thấy không nghe trực tiếp với Chúa nhưng tất cả họ đều là những con người đã được thúc đẩy bởi Tinh Yêu của Chúa Ki Tô “ Tình Yêu của Đức Ki Tô thúc bách tôi” ( 2C 5, 14).

Chứng nhân là những người  đã được thúc đẩy bởi Tình Yêu của Đức Ki Tô và đó là Tình yêu hiến thân “ Chẳng ai có sự thương yêu lớn hơn là vì bạn hữu mà bỏ mạng sống mình. Ví thử các ngươi làm theo điều Ta đã truyền cho thì các ngươi là bạn hữu của Ta. Ta chẳng còn gọi các ngươi là tôi tớ nữa vì tôi tớ không biết điều chủ mình làm. Nhưng Ta gọi các ngươi là bạn hữu vì Ta từng tỏ cho các ngươi điều Ta đã nghe biết ở nơi Cha Ta” ( Ga 15, 13 -15).

Những điều Đức Ki Tô đã nghe biết ở nơi Cha đó là có một Thực Tại mầu nhiệm nội tại ở nơi chính Ngài đồng thời cũng ở trong hết thảy mọi người  không khác chi với Ngài một mảy, chỉ cần hết lòng tìm kiếm quay về là gặp. Thực tại ấy Chúa Giesu đã nghe đã thấy và Ngài cũng muốn cho mọi người được nghe được thấy. Đây phải là toàn bộ mục đích của việc rao giảng Tin Mừng  cũng như  công cuộc truyền giáo của Giáo Hội. Hiểu như vậy thì truyền giáo và rao giảng Tin Mừng  luôn phải gắn bó mật thiết với nhau. Không thể tách biệt hơn nữa còn phủ nhận Tin Mừng  của Đức Ki Tô thì tất yếu không sao tránh khỏi  đưa đến bế tắc trong việc truyền giáo. Tại sao ? Bởi vì một khi đã phủ nhận Tin Mừng của Đức Ki Tô thì làm gì còn có đức tin và  sự sám hối ? Nên nhớ Đức Ki Tô khi trao lệnh truyền truyền giáo Ngài nói “ Ai tin và chịu  Phép Rửa thì được cứu. Còn ai không tin sẽ bị luận phạt” Lòng tin và sự sám hối  luôn đi đôi với nhau, có  thật tình sám hối thì mới có đức tin, có đức tin thì mới  tin được lời Chúa = Nước Trời  chẳng ở đâu xa mà ngay ở nơi mình. Có tin nhận  được như thế thì truyền giáo mới là việc của Chúa do Chúa thúc đẩy.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]