Truyền Giáo và Tân Phúc Âm Hóa

Trong bối cảnh  tục hoá hôm nay; công cuộc truyền giáo của Giáo Hội hầu như đã bị…khựng lại bởi những trở lực không thể vượt qua. Chính vì nhận thức được mối hiểm nguy đó mà THĐ GiámMục thế giới  lần thứ 13 đã được tổ chức  tại Ro Ma từ ngày 10 đến 28/10/2012  bàn về chủ đề Tân Phúc Âm hoá để thông truyền đức tin Ki Tô giáo. Với mục đích đề ra như vậy nhưng thực tế cho thấy qua việc gọi là Tân Phúc Âm Hoá này, đức tin chẳng những chẳng có chút chi khởi sắc mà ngày càng sa sút.

Tân Phúc Âm Hoá để thông truyền đức tin mà rồi đức tin vẫn cứ…mất. Tại sao  vậy ? Tất cả nguyên do là bởi THĐ đã muốn vực dậy một thứ đức tin hoàn toàn không phải là đòi hỏi của Tin Mừng “ Thế giới hôm nay dường như ngày càng vắng bóng Thiên Chúa. Vì thế một mặt phải làm sao để củng cố  các Ki Tô Hữu vẫn đang sống đức tin để họ không chao đảo và rơi vào nguy cơ rời bỏ đức tin đồng thời giúp những người đã rời bỏ Giáo Hội tìm lại được đức tin. Mặt khác trước trào lưu thế tục hoá cần nỗ lực Phúc Âm Hoá các lãnh vực của cuộc sống  để chúng được thấm nhuần tinh thần Phúc Âm. Đó là nhiệm vụ của Tân Phúc Âm hoá” ( Gm Giu Se Nguyễn Năng – Truyền giáo: Tân Phúc Âm hoá trong THĐ Giám Mục lần thứ 13).

Trước hết cần xác định đức tin được đề cập ở đây là tin vào sự hiện hữu của đấng thần linh Tạo Hoá. Nhưng nếu quả thực đức tin là thế đó thì không nhất thiết phải …củng cố và củng cố cũng chẳng để làm gì.. Tại sao ? Bởi vì đó hoàn toàn không phải là đối tượng đức tin của việc truyền giáo vốn là lệnh truyền của Chúa Ki Tô Phục Sinh “ Hãy ra đi khắp thế gian. Rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Ai tin và chịu Phép Rửa thì được cứu. Còn ai không tin sẽ bị luận phạt” ( Mc 16, 15).

Lệnh truyền của Đức Ki Tô là hãy ra đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Những ai tin vào Tin Mừng đó thì được cứu. Ngược lại không tin sẽ bị luận phạt. Lý do phải tin mới được cứu là bởi đó là Tin Mừng về Nước Trời nội tại “ Người Pharisieu hỏi Chúa Giê Su về Nước ĐCT chừng nào đến thì Ngài đáp = Nước ĐCT không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng sẽ không nói được = Đây này hay đó kia. Vì này Nước ĐCt ở trong các ngươi” ( Lc 17, 20 -21).

Không thể nói Nước Trời ở đây hay ở kia bởi vì nó siêu việt cả  không gian lẫn thời gian. Mặc dầu Nước Trời siêu việt như thế nhưng mầu nhiệm thay  lại hiện hữu ngay ở nơi cung lòng mỗi người chỉ cần đầy đủ lòng tin và hết lòng tìm kiếm ắt sẽ gặp. Việc truyền  giáo đáng lẽ cần phải  truyền giảng Tin Mừng Nước Trời nội tại nầy nhưng Giáo Hội trải qua bao thế kỷ  đã không theo lệnh truyền  của Đức Ki Tô để rồi phải gánh chịu hết  khủng hoảng này đến khủng hoảng khác.

I/-  Khủng hoảng truyền giáo.

          Nguyên nhân của mọi nguyên nhân đưa đến khủng hoảng truyền giáo phát xuất từ nơi quan niệm  Thiên Chúa Tự Mạc Khải “ Hiến chế Mạc Khải viết = Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm Thánh ý Ngài. Công cuộc mạc khải này được thực hiện bằng các hành động và lời nói liên kết với nhau. Tuy nhiên Thiên Chúa không trực tiếp nói với hết mọi người nhưng Ngài nói với những người được đặc ân và qua họ Ngài nói với Dân Ngài và với tất cả mọi người”. Trong thời Cựu Ước Thiên Chúa…tự mạc khải  qua các ngôn sứ. Còn trong Tân Ước  dĩ nhiên Thiên Chúa vẫn tự mạc khải nhưng là qua Đức Ki Tô. Cũng vì Thiên Chúa mạc khải qua Đức Ki Tô thế nên tất cả  công cuộc truyền giáo là rao truyền về Đức Ki Tô “ Thật vậy từ ban đầu, rao giảng Tin Mừng ( euangelizesthai) có nghĩa là loan báo biến cố cứu độ hay việc công bố  long trọng sự kiện : Đức Giê Su là Chúa và là đấng Cứu Độ khởi đi từ Tin Mừng Phục Sinh của Đức Giê Su Ki Tô, Người đã chiến thắng sự chết” ( Nguồn Simonhoa – Lời Chúa và công cuộc rao giảng Tin Mừng ).

Không rao gỉang Tin Mừng mà lại loan báo biến cố  cứu độ. Điều  ấy  tất nhiên đưa đến việc phủ nhận  sứ mạng thiên sai của Đức Ki Tô “ Ta còn phải rao giảng Tin Mừng Nước ĐCT cho các thành thị khác. Vì cốt tại việc đó mà Ta được sai đến” ( Lc 4, 43). Phủ nhận sứ mạng rao giảng Tin Mừng để quay sang rao giảng về Đức Ki Tô khiến không những việc truyền giáo bị trệch hướng mà Đức Ki Tô cũng không thể được nhận biết đúng như Ngài là. Nên nhớ trong số 20 Công đồng được triệu tập thì đã có  19 CĐ  mục đích là để chống lạc giáo và việc chống lạc giáo này tất cả đều xoay quanh vấn đề bản tính của Chúa Giê Su.

Với “ Ảo Thân Thuyết” ( Doce’tisme) thì không chấp nhận  nhân tính của Chúa Giê Su. Họ cho rằng thân xác của Ngài là loại thân xác thiêng liêng không thể chịu đau khổ. Với phái Ario thì chỉ có Chúa Cha là Thiên Chúa thật là tuyệt đối còn Chúa Con cũng chỉ là tạo vật không thể đồng vĩnh cửu với Chúa Cha. Còn với phái Apolinaire thì trái lại Ngôi Lời đảm nhận một bản tính nhân loại không có linh hồn  đồng thời cũng là Đấng Thần Linh Tạo Hoá nhập thể v.v…

Đức Ki Tô Đấng Thiên Sai nay lại trở thành Đấng Thần Linh Tạo Hoá nhập thể. Đây là hậu quả  không thể tránh của quan niệm Thiên Chúa tự mạc khải. Đang khi đó Thiên Chúa là Đấng chẳng ai từng thấy biết ngoại trừ Đức Ki Tô và những ai Ngài muốn mạc khải “ Cha Ta đã giao mọi sự cho Ta. Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và kẻ nào Ta muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22). Mạc khải nghĩa của nó là vén tấm màn để chỉ cho thấy sự thật còn ẩn giấu bên trong. Sự thật ấy tuỳ từng đối tượng có khi Chúa Giê Su gọi đó là Nước Trời có khi gọi là Đấng Cha. Dù được gọi bằng danh xưng nào thì đó cũng là Thực Tại vượt ngoài suy tư lý luận của con người. Thực Tại mầu nhiệm ấy không thể suy không thể luận mà chỉ có thể tin. Chính bởi vậy khi đưa ra lệnh truyền rao giảng Tin Mừng, Đức Ki Tô mới kèm theo điều kiện  cần  phải tin để được cứu…Nhận ra như vậy  cho thấy công cuộc truyền giáo của Giáo Hội trong bất kỳ không gian thời gian nào cũng phải tiếp nối sứ mạng của Đức Ki Tô đó là rao giảng Tin Mừng  Nước Trời.

II/-  Truyền giáo là rao giảng Tin Mừng Nước Trời

          Cho đến nay vẫn còn có sự lầm lẫn về Thánh Danh  Giê Su Ki Tô, đó không phải là một  tên riêng như bao tên khác chẳng hạn Giu Se, Phê Rô hay Gioan v.v.. Ki Tô ám chỉ cho Đấng được xức dầu mang sứ mạng cứu thế. Ghép hai danh từ Giê Su và Ki Tô làm một tức là nhìn nhận Chúa Giê Su là Đấng Cứu Thế. Các tôn giáo khác  chẳng hạn Do Thái giáo, Hồi giáo  họ không bao giờ công nhận Chúa Giê Su là cứu thế. Đối với ngoại đạo đã vậy còn người…trong đạo cũng thế; việc nhìn nhận Chúa Giê Su Cứu Thế không phải là điều đương nhiên nhưng là một quá trình của sự nhận biết và lòng tin. Chúa Giê Su ngay từ buổi sơ khai Giáo Hội đã được các Tông Đồ giảng dạy  Ngài đích thực là Đấng Ki Tô “ Mỗi ngày tại đền thờ hoặc ở nhà họ không ngớt dạy và giảng Chúa Giê Su là Đấng Ki Tô” ( Cv 5, 42).

Nhìn nhận Chúa Giê Su là Đấng Ki Tô đó không phải là đương nhiên nhưng là quá trình của nhận biết và lòng tin. Mặt khác sự nhận biết và lòng tin ấy lại chỉ có thể có được  cho những ai tin và sống Tin Mừng Nước Trời. Khởi đầu công cuộc cứu thế Đức Ki Tô rao giảng “ Thời đã mãn, Nước ĐCT đã gần đến các ngươi hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 15). Lòng tin và sự ăn năn sám hối là hai điều kiện thiết yếu để trở về với Nước Trời ở nơi mình. Dẫu vậy tin vào Tin Mừng  là điều rất khó bởi lẽ tin như thế có nghĩa là tin Nước Trời hiện hữu ở nơi chính mình.

Chúng ta tin Chúa Giê Su là Đấng Ki Tô bởi vì Ngài đã rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Ngược lại nếu Chúa không rao giảng Tin Mừng thì Ngài không phải là Cứu Thế. Tại sao ? Bởi vì Chúa cứu bằng cách  đem lại Sự Thật cho con người “ Nếu các ngươi cứ ở trong đạo của Ta thì thật là môn đệ Ta. Các ngươi sẽ nhận biết Sự Thật và Sự Thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31).

Con người do bởi ảnh hưởng của Tội Nguyên Tổ  nên phải sống trong vòng  vô minh điên đảo, không nhận biết Sự Thật Con Thiên Chúa ở nơi mình ( St 1, 26). Đức Ki Tô xuống thế đem lại Sự Thật bằng cách rao giảng Tin Mừng có nghĩa đó là một cái Tin đem lại nỗi Mừng Vui lớn lao cho những ai nhận biết ( Giác Ngộ ) Bản Tính đích thực của mình. Tin nhận Sự Thật  Đức Ki Tô rao giảng thì sẽ có được niềm vui lớn. Ngược lại không tin thì chống báng cho lời Chúa là vu khoát phạm thượng “ Người Do Thái lại lấy đá để ném Ngài. Chúa Giê Su nói = Ta do Cha ta mà tỏ nhiều việc lành cho các ngươi, vậy vì việc nào trong đó mà các ngươi lại ném đá Ta ? Người Do Thái đáp = Ấy chẳng phải  vì một việc lành mà chúng ta ném đá ngươi đâu nhưng vì lộng ngôn ngươi vốn là người mà lại tự tôn là ĐCT” ( Ga 10, 31 -33).

Người Do Thái ghét bỏ và giết hại Chúa Giê Su bởi vì họ không chấp nhận Sự Thật. Tuy nhiên cũng chính vì Sự Thật  đó mà Ngài đã được sai xuống  thế gian “ Như Cha đã sai Con đến thế gian thì Con cũng sai  họ đến thế gian. Con vì họ đã biệt ra Thánh hầu cho họ cũng nhận biết Sự Thật  mà được nên Thánh vậy” ( Ga 17, 18). Nhận biết Sự Thật đó là tất cả mục đích của con đường Đạo và đồng thời cũng là sứ mạng  được sai đi vô cùng khó khăn mà Giáo Hội phải đảm nhận “ Này Ta sai các ngươi đi khác nào như chiên con giữa muông sói” ( Lc 10, 3). Khó khăn là thế nhưng Giáo Hội vẫn vượt qua, đó không phải do nơi tài trí khôn ngoan của con người nhưng  tất cả nhờ ở nơi Đức Maria, Đấng là Mẹ của Nhiệm Thể.

III/- Vai trò của Đức Maria trong công cuộc truyền giáo

          Đức Maria là Mẹ của Chúa Giê Su điều ấy không ai phủ nhận nhưng nói Ngài là Mẹ thật của hết thảy tín hữu thì đây lại là vấn đề khác. Dĩ nhiên Đức Maria không sinh ra ta phần xác nhưng là phần tâm linh có nghĩa mỗi người từ khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội thì đã mang nơi mình ơn gọi làm Con Chúa “ Chỉ có một thân thể một Thánh Linh cũng như trong sự kêu gọi mình mà anh em đã được gọi đến một hy vọng một Chúa một đức tin một phép rửa một ĐCT là Cha mọi người Ngài vượt trên mọi người suốt qua mọi người và ở trong mọi người” ( Ep 4, 4 -6(.

Chúa Giê Su dạy các môn đệ  cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha và hàng ngày chúng ta vẫn đọc kinh này có thể nhiều lần. Dẫu vậy có ai thật sự cảm nhận Thiên Chúa là Cha mình không ? Nếu Thiên Chúa quả thật là Cha thì chúng ta là con của Ngài, hoàn toàn không khác một mảy  với Chúa Giê Su. Bên ngôi mộ trống Chúa hiện ra với bà Madalêna và nói  “ Chớ đụng chạm đến Ta vì Ta chưa lên cùng Cha. Nhưng hãy đi đến cùng anh em Ta mà nói với họ rằng = Ta lên cùng Cha cũng là  Cha các ngươi. Cùng ĐCT Ta cũng là ĐCT các ngươi” ( Ga 20, 17).

Giống như Chúa Giê Su, hết thảy  đều là Con Thiên Chúa nhưng có điều khác biệt lớn lao này đó là Ngài thì nhận biết còn chúng ta thì không. Lý do khiến con người không nhận biết là vì đã không nhìn nhận Đức Maria là Mẹ. Để nhận biết Đức Maria là Mẹ thì phải  nên giống như Thánh Gioan dưới chân Thánh Giá khi  nhận lời phó chúc của Chúa “ Kìa là Mẹ con. Từ khi  đó môn đệ ấy rước bà về nhà mình” ( Ga 19, 22 ).

Để rước Đức Mẹ về nhà tâm hồn mình thì phải có lòng tôn sùng Ngài, thực thi những lời khuyên dạy = Cố gắng cải thiện đời sống  siêng năng chuyên cần lần chuỗi Mân Côi, đến với Chúa Giê Su Thánh Thể hàng ngày…Chính những việc thực hành ấy sẽ làm cho Chúa  Giê Su ngày càng được lơn lên trong ta. Chúa có lớn lên thì ta mới có thể làm việc của Chúa tức truyền giáo được.

Sự nghiệp truyền giáo của Giáo Hội từ bấy lâu nay có được phát triển và đem lại kết quả hay không tất cả  là nhờ ở nơi Mẹ. Chúng ta thấy trong bất kỳ thời điểm khó khăn nào đều có sự can thiệp của Đức Mẹ  hòng cứu vãn  công cuộc truyền giáo  đang có nguy cơ sụp đổ. Năm 1858 Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức xác nhận tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội. Năm 1917 hiện ra với ba trẻ chăn chiên để ban bố mệnh lệnh Fatima và những năm gần đây tại Na Du ( Đại Hàn ) tại Mễ Du ( Nam Tư ) v.v..Trong tất cả những lần hiện ra ấy  Đức Mẹ chỉ nhắc đi nhắc lại  với con cái Hãy ăn năn cải thiện đời sống quay trở về với Chúa. Việc cải thiện đời sống này  ví như việc làm lắng trong nước. Tâm có lắng trong, định tĩnh thì mới có thể nhận biết Sự Thật  bản tính Con Thiên Chúa ở nơi mình.Ý nghĩa sâu xa của việc truyền giáo  chỉ có thể ở nơi sống Sự Thật và rao truyền Sự Thật ấy ra cho người khác.

 

Phùng  Văn  Hoá

Chia sẻ Bài này:

Related posts