Trao và Nhận

Lại một năm nữa (năm Nhâm Thìn – 2012) sắp qua và một năm mới (năm Quý Tỵ – 2013) sắp tới. Thêm một cái Tết chồng lên mái đầu bạc trắng với những lo toan xếp đặt “lên xe hoa” về với Đức Hôn phu Giê-su Ki-tô. Cũng đã có một số bài chia sẻ về Lễ Giao Thừa đón Tết Nguyên Đán, cho rằng Giao Thừa là Năm Cũ giao lại những cái thừa cho Năm Mới. Thực ra không phải vậy, chữ “thừa” ở đây không phải là thừa thãi, dư thừa (theo nghĩa thuần Việt); mà phải hiểu theo nghĩa Hán Việt (“thừa” là nhận, như thừa hưởng, kế thừa, thừa nhận). Theo từ nguyên thì giao thừa (交 承) chỉ có nghĩa là “trao nhận”. Vâng, một lúc nào đó có một biến chuyển, một biến thiên, thậm chí một biến cố xảy ra, cái “cũ” lui vào dĩ vãng, giao (交) lại cho cái “mới” thừa (承) kế, thế là có giao thừa. Còn đêm Giao Thừa đón Tết là một thời điểm đã được định trước của một chu kỳ thời gian theo âm lịch (trung bình 360 ngày, không kể năm nhuận). Rõ hơn, đó là giờ Tý (từ 23 giờ tới 01 giờ sáng) trong đêm cuối cùng của một năm (năm cũ chuyển sang năm mới), là lúc tiễn cũ đón mới (“tống cựu nghinh tân”: 送 舊 迎 新).

Ngày cuối năm được gọi là “trừ nhật” (除 日), còn “trừ tịch” (除 夕) là đêm cuối năm. Đó là thời điểm “năm cũ” lui vào dĩ vãng, “năm mới” bắt đầu (theo nghĩa “trừ: thay đổi, hoán đổi”). Còn một thuyết khác (căn cứ vào nghĩa “trừ: bỏ đi, diệt, dẹp”) cho rằng Trừ Tịch là đêm trừ khử tà ma, xua đuổi cái xấu, để cầu điều tốt đẹp, phuớc lộc cho năm mới. Truyền thống dân tộc Việt Nam – và nói chung, của các dân tộc Á Đông – rất coi trọng giờ phút năm cũ bước sang năm mới trong gia đình, bởi quan niệm đó là giờ phút thiêng liêng nhất để 2 vị thần Hành Khiển – một vị bảo trợ năm cũ, một vị bảo trợ năm mới – bàn giao công việc cho nhau. Cụ thể là vị thần trông coi gia đình chấm dứt nhiệm kỳ một năm, bàn giao trách nhiệm ấy cho vị thần kế nhiệm. Người trước trao, người sau nhận, Năm Cũ trao Năm Mới nhận; vì thế mới gọi là Giao Thừa.

Lễ Giao Thừa thường được tổ chức rất trọng thể để mọi người trong gia đình tề tựu đông đủ, trang hoàng nhà cửa, chưng hoa lá, bày lễ vật (cỗ bàn, bánh trái) dâng cúng tổ tiên, khẩn cầu các đấng thần linh ban phước lộc, cầu xin ông bà, tổ tiên phù hộ một năm mới tốt đẹp, gia đình hạnh phúc. Ngày nay dấu ấn để lại không chỉ trong đêm Trừ Tịch âm lịch, mà còn cả trong việc giao ban giữa cũ và mới trong ngành cùng làm việc với nhau và thường tổ chức vào cuối năm dương lịch. Dù âm lịch hay dương lịch thì tháng ngày vẫn trôi theo đúng quy luật vận hành của tạo hoá. Vì thế, lễ Giao Thừa đón Tết Nguyên Đán chính là thời điểm để mọi người suy gẫm làm sao cho cuộc sống tốt đẹp và có ý nghĩa hơn, để từ đó chúc cho nhau mọi điều tốt đẹp, may mắn và hạnh phúc nhất.

Với Ki-tô hữu – cách riêng, với Ki-tô hữu Việt Nam – thì từ trước vô cùng cho đến thiên thu vạn đại, chỉ có một vị thần duy nhất quan phòng vũ trụ và nhân sinh, là Thiên Chúa, là alpha và omega (khởi nguyên và tận cùng). Vào đêm trừ tịch hàng năm, mọi người tất bật chuẩn bị (hoa quả, bánh trái…) cho giờ phút Giao Thừa thiêng liêng đón mừng năm mới. Thế thì tại sao lại không chuẩn bị tâm hồn để đón vị Cứu Chúa đến với chúng ta trong Năm Mới, như Lời Chúa trong Thư của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giê-su. Anh em đừng dập tắt Thần Khí. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa” (Bài đọc 2 – Lễ Giao Thừa – Tx 5, 16-22)?

Vâng, trong bầu khí thiêng liêng và ấm cúng của giờ phút Giao Thừa hàng năm, xin hãy thinh lặng suy niệm về những hồi ức dĩ vãng đã có một Đấng Thiên Sai đến “trao” cho con người sứ vụ tư tế, ngôn sứ, vương giả. Cho đến hiện tại và mãi mãi, Đấng ấy vẫn tiếp tục “trao”, ăn thua là chúng ta có chịu “nhận” hay không và “nhận” như thế nào mà thôi. Vâng, xin hãy tiễn những cái cũ (“tống cựu”) bằng cách sám hối, quyết tâm từ bỏ những sai lỗi; đồng thời sẵn sàng “nhận” cái mới và thực thi bằng tỉnh thức, bằng hành động, bằng cả cuộc sống của bản thân, để chuẩn bị “nghinh tân” – đón “Đấng đã đến và sẽ đến”: ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ, Chúa chúng ta quang lâm – trong giờ phút Giao Thừa trọng đại của ngày cánh chung, một thời điểm đã được định sẵn từ trước vô cùng, nhưng lại đến một cách bất ngờ như kẻ trộm đột nhập, bởi “ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời, hay ngay cả Người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi” (Mt 24, 36-44). Chỉ có như vậy mới thực sự nói lên đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của giờ phút Giao Thừa giữa năm cũ và năm mới, và nhất là giờ phút Giao Thừa giữa cuộc sống trần thế hữu hạn bước sang cuộc sống trường tồn vĩnh cửu mai sau.

Như vậy, người Ki-tô hữu ngoài việc chuẩn bị vật chất để tổ chức lễ Giao Thừa, còn cần phải tập trung hơn vào lãnh vực tâm linh. Vâng, tống tiễn những điều xấu, khu trừ ma quỷ tội lỗi, chính là công việc “sám hối”, để đón tiếp những điều tốt đẹp chính là “canh tân” vậy. Mùa Xuân Mới đã cận kề, Nguồn Sống Mới (Nước Trời) là Mùa Xuân Vĩnh Cửu cũng gần đến, như Lời Hằng Sống đã dạy: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 3, 2). Vậy thì để đón Nguồn Sống Mới ấy, tại sao chúng ta lại không thể sám hối và canh tân để chuẩn bị cho một Lễ Giao Thừa duy nhất là ngày cánh chung, là ngày mà “mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống và các quyền lực trên trời bị lay chuyển. Bấy giờ, dấu hiệu của Con Người sẽ xuất hiện trên trời; bấy giờ mọi chi tộc trên mặt đất sẽ đấm ngực và sẽ thấy Con Người rất uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến. Người sẽ sai các thiên sứ của Người thổi loa vang dậy, tập hợp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương, từ chân trời này đến chân trời kia.” (Mt 21, 29-31)

Ôi! “Lạy Chúa là Cha nhân ái! Chúng con tin tưởng Chúa nhận lời chúng con đang hân hoan cầu xin. Năm mới đang về trên quê hương đất nước chúng con, cúi xin Chúa hằng thi ân giáng phúc gia tăng nơi chúng con lòng nhiệt thành phụng sự Chúa và hăng say phục vụ anh chị em chúng con trong cuộc đời trần thế này, để mai sau được hưởng mùa xuân vĩnh cửu trên Nước Trời. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen. ” (Lời nguyện Tín hữu lễ Giao Thừa).

JM. Lam Thy ĐVD

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment