- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Trái tim

Tình yêu là ngôn ngữ trừu tượng, giống như trái tim trong lồng nực, chẳng bao giờ thấy. Thế nhưng, như trái tim, đẩy sức sống cho con người thế nào thì tình yêu cũng làm cho cuộc sống đầy tràn niềm vui thể ấy. Trái tim biểu trưng cho tình yêu, nằm bên trong chứa đầy sức sống. Tượng ảnh trái tim Chúa Giêsu, có điều rất lạ, trái tim ấy nằm ở bên ngoài, ai cũng thấy, một trái tim đang rướm máu…

Trái tim rướm máu ấy không phải là một tình yêu lãng mạn của đôi lứa yêu nhau trong đau khổ, mà trái tim ấy đổ máu vì yêu thương nhân loại đến tận cùng. Trái tim bị đâm thâu, như một vết thương muôn đời mới, một trái tim không ngừng đổ máu vì tình yêu luôn bị chối từ. Một trái tim tiếp tục đổ máu để phát sinh nguồn ơn cứu rỗi.

Trái tim biểu trưng cho cả ý chí và lý trí. Khi con tim xuất phát cho nguồn hiểu biết với tất cả năng lực của lý trí, người ta sẽ nhận ra sức mạnh ý chí trong hành động của yêu thương. Thánh nữ Magarita được nhìn thấy trái tim Chúa biểu lộ đỏ lửa hơn ánh mặt trời. Điều ấy minh chứng rằng “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi…” (Ga 3,16). Trái tim biểu lộ là tấm lòng được thể hiện trong đời sống bằng hành động, lời nói, cử chỉ yêu thương.

Khi biết bằng trái tim, người ta sẽ nhận ra cái biết đó là cái biết của chiều sâu tâm hồn. Cái biết đạt đến mức “hy sinh tính mạng cho người mình yêu” (Ga 15,13). Biết và suy nghĩ bằng trái tim cho nên cái biết và suy nghĩ ấy cũng đi đến sự tha thứ đến cùng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23,34). Tình yêu của trái tim là hành động của hy sinh và tha thứ.

Có một ngạn ngữ viết: “Có một vài thứ mà bạn rất thích nghe nhưng sẽ không bao giờ được nghe từ người mà bạn muốn nghe, nhưng nếu có cơ hội, hãy lắng nghe chúng từ người nói với bạn bằng cả trái tim.” Khi trái tim Chúa biểu lộ ra bên ngoài, Người cũng muốn nói với nhân loại bằng tất cả trái tim của Người về sứ điệp yêu thương: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.” (Ga 3,17-18). Tại sao hôm nay nghe tiếng Người trái tim vẫn còn chai cứng?

Trái tim một năng lực luôn mới. Như máu đổ về tim và tim bắt đầu đẩy những dòng máu mới đi đến từng chi thể và tế bào. Một trái tim nóng luôn luôn đẩy những khát khao cháy bỏng cho cuộc sống tràn đầy. Trái tim Chúa cũng thổn thức như vậy khi Người nói: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong lửa ấy đã bùng lên.” (Lc 12,49). Tình yêu như lửa cháy trong tim mỗi người, nó đốt cháy những ích kỷ, tị hiềm, đốt cháy cái riêng tư để hướng về người khác. Như vậy, trái tim mới tạo nên những nguồn năng lượng mới làm tươi bộ mặt trái đất.

Trái tim còn biểu lộ trạng thái tâm linh của con người, là tiếng nói nội tâm, như Ezekiel loan báo Thiên Chúa sẽ ban tặng trái tim mới: “Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt.” (Ed 36,26). Trái tim cũng được hiểu là tấm lòng, tấm lòng con người hay đổi thay, không luôn thuỳ chung, cho nên trái tim con người cũng mang những thương tật. Những thương tật của trái tim thường mang đến cái chết bất ngờ, chạy chữa không kịp, cũng như tấm lòng của người tội lỗi lúc nào cũng bất an, bất hạnh, đau thương, khốn khổ. Chúa đến để chữa những cõi lòng tan nát khiêm cung, đổi mới con tim chai cứng, ban cho quả tim mới, thần khí mới.

Trái tim Chúa trong trái tim nhân loại. Đó là một cuộc đổi trao để trái tim nhân loại nằm trong trái tim Thiên Chúa. Dù trái tim con người còn nhiều thương tích nhưng chính Chúa đã mang lấy trái tim thương tích ấy trong trái tim chịu lưỡi đòng đâm thâu, để trái tim nhân loại được chữa lành.

Nhìn ngắm trái tim Chúa biểu lộ, xin cho nhân loại chúng con cũng được mang trái tim tinh tuyền, nhân hậu, để đời sống nhân loại chúng con trở nên dễ thương hơn và hạnh phúc hơn.

Lm. Giuse Hoàng Kim Toan
Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]