Trái Tim Không Ngủ Yên

Tình yêu, người ta không thể nào định nghĩa được. Có chăng chỉ nói hay diễn tả nhưng dù nói, dù diễn tả, dù viết, dù dùng thơ ca, dùng nhạc đi chăng nữa cũng chỉ là gợi lên một góc cạnh nào đó của tình yêu, của con tim mà thôi.

Nhiều và rất rất nhiều lời ca tiếng hát và cả những bài diễn văn thật hay để nói về những câu chuyện tình.

Nhạc sĩ Thanh Tùng, trong một lần nào đó cảm hứng của tâm hồn, cảm hứng của trái tim đang yêu đã viết lại cảm xúc của một trái tim đang yêu như thế này :

Nếu anh nói anh vẫn chưa yêu

Là thật ra anh đang dối mình

Còn anh nói đã trót yêu em rồi

Là hình như anh đang dối em

Nếu anh nói anh muốn xa em

Là thật ra anh mong rất gần

Còn anh nói đã muốn quên em rồi

Là trong tim anh luôn nhớ em

Rồi một ngày vắng em, bước chân buồn tênh

Rồi từng ngày nhớ em, trái tim không ngủ yên

Thôi xin em hãy hờn dỗi như ngày mới quen nhau

Thôi xin em hãy hờ hững như là đã xa nhau.

Nếu anh nói anh muốn xa em

Là thật ra anh mong rất gần

Còn anh nói đã muốn quên em rồi

Là trong tim anh luôn nhớ em

Ca từ sao mà hay quá ! Cảm xúc sao mà hay quá !

Rồi một ngày vắng em, bước chân buồn tênh

Rồi từng ngày nhớ em, trái tim không ngủ yên.

Nhớ đến độ mà trái tim không ngủ.

Con người là như vậy đó bởi lẽ sinh ra trong chúng ta, ai ai cũng có một quả tim. Quả tim đó để nói lên tấm lòng, nói lên tình yêu của mỗi người.

Có một trái tim không phải thổn thức trong thổn thức của tình yêu nam nữ, tình yêu đôi lứa nữa mà trái tim ấy thổn thức, thao thức vì yêu thương nhân loại và đặc biệt yêu thương cái đám người tội lỗi thất tín bất trung.

Cùng trong dòng chảy yêu thương của Chúa Cha, Chúa Giêsu vì vâng lời Cha của mình đã xuống trần gian, cùng chung chia, cùng đồng thân đồng phận với con người. Trong cái thân phận làm người đó, Chúa Giêsu rất gần và thật gần để có những cảm xúc của con người. Chúa Giêsu không ở trên cao cũng chẳng ở bên ngoài con người để nói về tình yêu, để diễn tả tình yêu nữa mà Chúa Giêsu đi vào cuộc đời con người và hơn thế nữa, Chúa Giêsu đã đi vào lòng người.

Vâng lời Cha chỉ duy nhất có một điều đó là yêu và yêu cho đến cùng. Đến trần gian, sinh ra trong trần gian và chết trong trần gian này Chúa Giêsu chỉ muốn nói một điều là Chúa yêu thế gian, Thánh Gioan tông đồ đã xác quyết điều đó : ”Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một cho thế gian, để những ai tin vào Con Một Người sẽ không phải chết mà còn được sống đời đời “(Ga 3,16).

Cha yêu thế gian nên đã sinh ra, đã trao gửi tình yêu của mình đến trong trần gian.

Tình Yêu của Cha đã hoàn thành sứ mạng một cách trọn hảo.

Một Giêsu chạnh thương cái đám cưới nghèo Cana ở Ga 2,1-11 đánh dấu ngày hoạt động công khai của mình. Giữa cái cảnh hết rượu bi đát của đôi tân hôn, Giêsu đã làm cho tiệc cưới đang vui bỗng vui hơn bởi thứ rượu hảo hạng được cất và chỉ đem ra khi thực khách ngà ngà say.

Trong Máccô 10, 46-52, Máccô đã thuật lại lòng cảnh thương của Giêsu dành cho anh mù Batimê.

Mátthêu chương 9, câu 36 diễn tả : “Ðức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt”.

Trong Mc 1,41, Máccô diễn tả : Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!”

Trong Mt 14, 13-21, Mátthêu lại gợi cho chúng ta hình ảnh của Giêsutrông thấy một đoàn người đông đảo, thì chạnh lòng thương, chữa lành các bệnh tật của họ. Giêu cũng chạnh thương đám đông bơ vơ vất vưởng để rồi làm phép lại hóa bánh cho họ ăn.

Gặp hai người mù tại Giêrikhô, “Đức Giêsu chạnh lòng thương, sờ vào mắt họ. Tức khắc, họ nhìn thấy được và đi theo Người” (Mt 20,34).

Gặp đám tang người con trai của một bà goá thành Naim: “Chúa Giêsu trông thấy bà, liền chạnh lòng xót thương. Chúa nói: Bà đừng khóc nữa. Rồi Ngài lại gần, chạm vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giêsu nói: Hỡi người thanh niên, tôi bảo anh, hãy chỗi dậy. Người chết liền ngồi dậy và bắt đầu nói” (Lc 7,13-19).

Khi thuật lại phép lạ Chúa cho ông Ladarô sống lại, thánh Gioan viết: “Lòng Người thổn thức và xao xuyến” (Ga 11,33) và “Đức Giêsu đã khóc” (Ga 11,35).

Khi thấy đám đông không có gì ăn. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường” (Mt 15,32). Rồi, Đức Giêsu đã làm phép lạ lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá để nuôi hơn bốn ngàn người (x. Mt 34,39).

Khi các kinh sư và người Pharisêu bắt một người phụ nữ phạm tội ngoại tình đến trước Chúa Giêsu. Họ nói với Người là theo luật Môsê, người phụ nữ đó phải bị ném đá cho chết, Chúa Giêsu đã tìm cách cứu người phụ nữ đó vừa khỏi bị ném đá vừa khỏi tội. Chúa Giêsu cứu một cách nhẹ nhàng. Sau cùng Chúa nói với người phụ nữ đó một lời cũng rất dịu dàng: “Không ai lên án chị sao. Tôi cũng vậy. Tôi không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (x. Ga 8,3-11).

Chúng ta thấy tấm lòng Chúa Giêsu dạt dào tâm tình cảm thương. Cảm thương ấy được diễn tả bằng việc giải cứu những người khổ đau.

Giêsu là vậy đó.

Nhìn vào hình Thánh Tâm của Chúa Giêsu, chúng ta thấy người họa sĩ đã gửi hồn của mình nơi Trái Tim của Chúa Giêsu và đặc biệt nơi ánh mắt của Chúa Giêsu. Ánh mắt của Chúa Giêsu chạm đến những người nhìn Ngài một cách trìu mến dù ở bất cứ góc cạnh nào và Trái Tim của Chúa Giêsu cũng lộ ra để bày tỏ lòng thương cảm vô bờ bến.

Chỉ những ai cảm nhận được tình yêu Giêsu nơi đời mình thì mới có thể chia sẻ tình yêu mà mình nhận được từ Giêsu nơi anh chị em đồng loại.

Có thể cũng vì hờn ghen, cũng vì danh vọng, vì đồng tiền và chức vị mà làm cho trái tim ta hóa ra cứng như đá.

Trái Tim của Giêsu luôn thổn thức và chẳng bao giờ ngủ yên được bởi Ngài luôn luôn chạnh thương và nhất là chạnh thương những con người yếu hèn và tội lỗi.

Nhìn lên Thánh Tâm Chúa Giêsu thật kỹ, thật lâu và thật sâu để ta đụng, ta chạm và ta cảm thấy một tình yêu vô bờ bến luôn dõi bước theo ta trong từng ngày sống của cuộc đời.

Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu

Anmai, CSsR

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment