Tổ phụ Abraham và việc đối thoại

Tại hội nghị kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn  “ Nostra  Aetate” tổ chức tại đại học Công Giáo Hoa Kỳ từ 19/5 đến 21/5/2015, đức hồng y Kurt Koch nói rằng hiện nay vẫn còn là quá sớm để tham gia vào một cuộc đối thoại  “ tay ba” giữa ba tôn  giáo độc thần “ Chúng ta hiện không có đối thoại tay ba và đối với chúng tôi vẫn còn quá sớm để thực hiện điều này vì đôi khi chúng ta đề cập đến một  Abraham đại kết, điều  này rất rõ ràng là một vấn đề hay đấy. Nhưng mặt khác chúng ta có một lối giải thích rất khác nhau về Abraham và chúng ta  không thể phủ nhận vấn nạn  đó và trong cuộc thảo luận liên tôn điều rất quan trọng là chúng ta cũng phải giải quyết sự khác biệt trong giải thích về Abraham” ( Nguồn Vietcatholic News – 24/5/2015 – Đức hồng y Kurt Koch: Triển vọng đối thoại tay ba Công giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo vẫn còn xa vời).

Lý do không thể tổ chức cuộc đối thoại “ tay ba” ấy là vì đã có sự khác biệt trong lối giải thích về Abraham. Để có thể đạt được kết quả trong đối thoại thì trước hết cần  tìm ra được  những điểm tương đồng và điểm tương đồng  cốt yếu hiện nay cho cả ba tôn giáo đó là họ cùng nhìn nhận Abraham là tổ phụ. Tuy cùng nhìn nhận tổ phụ nhưng mỗi tôn giáo lại giải thích Abraham theo chủ quan của mình và vì thế  nên không có cách gì có thể đối thoại. Cùng nhận làm tổ phụ nhưng họ có thực là con cái Abraham không ? Để được làm con cái Abraham thì phải có đức tin “ Vậy anh em phải biết rằng kẻ nào có đức tin người ấy là con cái của Abraham” ( Gal 3, 7 ).

Có đức tin ở đây tức là tin vào lời hứa của Thiên Chúa cho tổ phụ. Thiên Chúa có ba lời hứa cũng gọi là Giao Ước cho tổ phụ. Một là Giao Ước Ban Đất Hứa, hai là Giao Ước  Thành Lập Dân Riêng, ba là Giao Ước Ban Đấng Cứu Thế. Ba Giao Ước này quyện chặt với nhau để làm nên một tổng thể duy nhất gọi là Cuộc Hành Trình Đức Tin của Dân Chúa.

I/- Giao Ước Ban Đất Hứa.

          Chúa Giehova phán cùng Abraham rằng  “ Ngươi hãy ra khỏi quê hương vòng bà con  và nhà cha ngươi mà đi đến XỨ Ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân tộc lớn. Ta sẽ ban phước cho ngươi cùng làm nổi danh ngươi và ngươi sẽ thành một nguồn phước đức” ( St 12, 1 -2). Abraham vâng lệnh Thiên Chúa từ giã quê hương bản quán  để đi đến XỨ sẽ được chỉ cho và XỨ  ấy tưởng chừng như đã đạt được khi Abraham cùng gia quyến vào ngụ trong xứ Canaan “ Hãy ngửng mặt lên nhìn từ chỗ ngươi ở cho đến phương bắc phương nam phương đông và phương tây. Vì cả xứ nào ngươi thấy Ta sẽ ban cho ngươi và cho dòng dõi ngươi đời đời” ( St 13, 14 -15).

Khi đến Canaan Abraham nghĩ rằng đây chính là Đất Hứa. Thế nhưng Thiên Chúa đã cho  ông một thị kiến “ Vả khi mặt trời vừa lặn thì Apram ngủ mê: Này một cơn kinh hãi tối tăm nhập vào mình người. Đức Giehova phán cùng Apram = Phải biết rằng dòng dõi ngươi sẽ ngụ trong một xứ chẳng thuộc về chúng nó, làm tôi  mọi cho dân xứ đó và bị họ hà hiếp bốn trăm năm. Nhưng Ta sẽ đoán phạt dân mà dòng dõi ngươi sẽ làm tôi mọi tại đó. Rồi khi ra khỏi xứ thì  sẽ được của cải rất nhiều. Còn ngươi sẽ bình yên về nơi tổ phụ  hưởng lộc già sung sướng rồi qua đời” ( St 15, 12 -15).

Thị kiến cho thấy dân Do Thái sẽ bị lưu lạc sang đất  Ai Cập  và làm nô lệ hơn bốn trăm năm. Sau khoảng thời gian lâu dài đó, dưới sự dẫn dắt của Mai Sen dân Do Thái với cuộc hành trình gian khổ hơn bốn mươi năm trong sa mạc, chiến đấu và chiến thắng biết bao kẻ thù,  họ đã trở về lại miền đất Canaan. Mặc dầu vậy đây vẫn chưa phải là đất “ Đượm sữa và mật”  ( ĐNL 26, 15) như lời đã hứa. Dân Do Thái cho tới tận ngày nay sau mấy ngàn năm họ vẫn đinh ninh đất Canaan nơi miền Trung Đông máu lửa ấy là lãnh thổ mà  Đấng Chúa Giehova đã ban cho họ.

Cũng do nơi niềm tin ấy mà Do Thái giáo không thể có đức tin nơi Đức Gie Su Ki Tô Đấng Cứu Độ  duy nhất “ Nhưng nay Gie Su đã được chức phụng sự  càng tôn quý hơn, chánh như Ngài đã làm đấng  trung bảo của một Giao  Ước tốt hơn. Vì nếu Giao ước thứ nhất  không chỗ trách được thì chẳng cần tìm chỗ nào cho cái thứ hai” ( Dt 8, 6 -7). Nếu Giao Ước thứ nhất ( Cựu Ước ) không chỗ trách  có nghĩa Canaan chính thật là  Đất Hứa thì không cần  chi tới lời hứa thứ hai ( Tân Ước ). Canaan không phải là Đất Hứa, đó chỉ là hình bóng của Nước Trời mầu nhiệm mà lối vào chỉ có thể  thông qua con đường thực hiện nội tâm “ Sau những ngày đó ( ngày ra khỏi đất Ai Cập ) Ta sẽ để luật pháp Ta trong tâm ý họ, ghi tạc nó vào long. Ta sẽ làm ĐCT của họ và họ sẽ làm Dân Ta” ( Dt 8, 10 ).

II/-  Giao  Ước Dân Riêng

          Cùng với lời hứa sẽ chỉ cho một XỨ phải đến, Giehova Thiên Chúa còn hứa cho Abraham trở thành tổ phụ của một dân tộc lớn. Thế nhưng người đã gần trăm tuổi vẫn chưa có con nối dõi thì sao có thể là tổ phụ của dân tộc lớn ? Vì vậy Abraham không thể không nêu thắc mắc “ Sau các việc đó  trong sự hiện thấy có lời Đức Giehova phán cùng Apram rằng Hỡi Apram ngươi chớ sợ chi, Ta đây là một cái thuẫn  đỡ cho ngươi. Phần thưởng của ngươi sẽ rất lớn. Apram thưa rằng Lạy Chúa Giehova, Chúa sẽ cho tôi chi ? Tôi sẽ chết không con, kẻ nối nghiệp nhà tôi là Eliese người Damat. Apram lại nói rằng = Này Chúa làm cho tôi tuyệt tự,  một kẻ tôi tớ sanh đẻ tại nhà tôi sẽ làm người kế nghiệp tôi. Đức Giehova bèn phán cùng Apram  rằng kẻ đó chẳng phải là kẻ kế nghiệp ngươi đâu nhưng ai ở trong gan ruột ngươi ra sẽ là người kế nghiệp ngươi. Đoạn Ngài dẫn người ra ngoài và phán  rằng ngươi hãy ngó lên trời và nếu ngươi đếm được các ngôi sao thì hãy đếm đi. Ngài lại phán rằng dòng dõi ngươi cũng sẽ như vậy. Apram tin vào lời hứa của Giehova Thiên Chúa nhưng thực tế cho đến khi ấy đã già mà vẫn  chưa có con. Sara vợ ông nghĩ mình không thể sinh đẻ được bèn bảo với chồng  rằng thôi hãy đến ăn ở với người hầu gái Aga và người này khi biết mình có thai thì lại quay ra tỏ ý  khinh khi  bà chủ.  Sara tức giận nói với chồng đuổi đứa hầu gái ấy đi và nàng ta đang lúc sầu khổ thì được thiên sứ hiện ra yên ủi “ Này ngươi đang có thai sẽ sanh một trai đặt tên là Ích Ma Ên,  vì Đức Giehova có nghe sự sầu khổ của ngươi. Đứa trẻ đó sẽ như một con lừa rừng. Tay nó sẽ địch cùng mọi người và tay mọi người sẽ địch lại nó. Nó sẽ ở  về phía Đông đối mặt cùng hết thảy anh em mình” ( St 16, 1 -12).

Ích Ma Ên tuy là con của Abraham nhưng không do người vợ chính thất là bà Sara sinh ra nên không thể kế nghiệp. Ích Ma ên chính là tổ phụ của dân Hồi giáo và điều này đã ứng nghiệm lời tiên báo của thiên sứ, họ luôn đối nghịch cùng Dân Chúa như hiện nay đang thấy. Chỉ những kẻ nào thuộc dòng chính thất sinh ra mới được kế nghiệp và người kế nghiệp duy nhất của tổ phụ Abraham chính là Isaac do Sara sinh ra khi ấy đã chín mươi tuổi. Ích Ma ên tuy cũng là con của tổ phụ nhưng không được kể là nối dòng tức thuộc Dân Thiên Chúa. Bởi đó không phải tất cả những ai là người Do Thái cũng được kể là Dân Riêng “ Vì những kẻ ra từ Itsraen chẳng phải hết thảy đều là Itsraen đâu. Cũng không phải là vì họ là dòng giống Abraham mà hết thảy đều là con cái đâu bởi duy kẻ ra từ Isaac mới gọi là dòng giống ngươi” ( St 21, 12).Nghĩa là chẳng phải con cái thuộc xác thịt là con cái của ĐCT, duy con cái thuộc Lời Hứa mới được kể là dòng giống vậy” ( Rm 9, 6 -8 ).

Chỉ được kể là con cái Thiên Chúa những kẻ nào tin vào Lời Hứa. Tin sẽ làm cho chúng ta được nên công chính bởi lẽ tin như thế tức là tin vào Đức Ki Tô Đấng Cứu Độ “ Vậy chúng ta phải nói làm sao ? Dân ngoại chẳng theo đuổi sự công chính lại đã được nên công chính tức là sự công chính bởi đức tin. Nhưng dân Itsraen theo đuổi sự công chính của luật pháp mà lại không đạt đến sự công chính ấy. Tại  sao ? Tại họ chẳng nhờ đức tin mà tìm nhưng nhờ công việc. Họ đã vấp phải hòn đá vấp chân như có lời chép rằng = Kìa Ta để tại Sion một  hòn đá vấp chân, một vầng đá vấp  phạm. Ai tin đến đá ấy ắt không bị hổ thẹn” ( Rm 9, 30 -33).

III/-  Giao Ước Ban Đấng Cứu Thế

          Dưới sự lãnh đạo của Mai Sen Dân  Chúa trong cuộc vượt qua đầy gian nan hiểm trở; phải chống trả với biết bao kẻ thù cả trong lẫn ngoài. Mặt khác về cái đích đến là Đất Hứa vẫn còn mù mịt xa vời, dân chúng đã sa đà vào đủ thứ bói toán nhảm nhí quay ra thờ lạy các thần tượng ngoại bang. Mai Sen một lần nữa khẩn cầu Thiên Chúa và Ngài đã ban cho lời hứa “ Ta sẽ lập lên cho chúng một đấng Tiên Tri như ngươi, thuộc trong anh em chúng. Ta sẽ lấy các lời Ta để trong miệng Người thì Người sẽ nói cho chúng mọi điều Ta phán dạy Người” ( ĐNL  18, 18 ).

Thiên Chúa sẽ lập lên một đấng tiên tri giống như Mai Sen và đây chính là Đức Giê Su Ki Tô. Tính chất giống nhau giữa Mai Sen và Đức Ki Tô ở chỗ cả hai cùng mang sứ mạng thiên sai. Mai Sen nhận mình đã được Thiên Chúa sai đi để giải cứu Dân Người “ ĐCT của tổ phụ các ngươi sai ta đến với các ngươi” ( Xh 3, 13 ). Còn Đức Ki Tô lúc nào cũng nhận mình là người được Chúa Cha sai đến “ Bởi Ta chẳng nói tự mình bèn là Cha đã sai Ta đã truyền lệnh cho Ta phải nói điều chi và phải giảng điều chi” ( Ga 12, 49).

Cùng  được sai đi nhưng tính chất lại rất khác biệt. Chúa Giê Su hoàn toàn tự nguyện, dám hy sinh mạng sống cho sứ mạng “ Cha thương yêu Ta vì Ta bỏ mạng sống Ta để lấy lại. Chẳng ai có thể cất mạng sống Ta đi nhưng Ta tự bỏ. Ta có quyền bỏ đi cũng có quyền lấy lại. Mạng lịnh ấy Ta đã nhận lãnh ở nơi Cha Ta” ( Ga 10, 17 -18). Còn Mai Sen trái lại khi nghe dân sự kêu than oán trách thì đã thốt lên lời phàn nàn “ Vậy Mai Sen nghe dân sự khóc lóc kể lể ở nơi nhà mình ở nơi trại mình khi ấy cơn thịnh nộ của Đức Giê Ho Va nổi lên phừng phừng và Mai Sen lấy làm buồn bực về điều đó bèn thưa lên cùng Đức Giê Ho Va rằng = Sao Ngài làm cho  tôi tớ Ngài buồn bã. Sao tôi chẳng được ơn trước mặt Ngài và sao Ngài lại chất gánh nặng của hết thảy dân sự này trên mình tôi ? ( Xh 11, 10 -11)

Sở dĩ có khác biệt trong tinh thần nhận lãnh sứ mạng thiên sai  như thế đó là vì giữa Chúa Giê Su và tiên tri Mai Sen không có cùng một khả năng nhận biết  Thiên Chúa. Chúa Giê Su luôn quả quyết rằng Ngài thấy biết Thiên Chúa “ Các ngươi chẳng từng biết Ngài nhưng Ta biết Ngài. Nếu Ta nói rằng Ta không biết Ngài thì Ta cũng sẽ nói dối như các ngươi vậy” ( Ga 8, 55).

Chúa Giê Su nói Ngài biết Thiên Chúa; cái biết này là biết trực tiếp  không qua bất cứ một trung gian nào. Còn Mai Sen thì phải qua trung gian “ Mai Sen thưa rằng = Tôi xin Ngài cho tôi xem sự vinh hiển của Ngài. Đức Giê Ho Va phán  rằng Ta sẽ làm cho các sự nhân từ  Ta phát ra trước mặt ngươi. Ta hô Danh Giê Ho Va trước mặt ngươi,  làm ơn cho ai muốn làm ơn và thương xót ai muốn thương xót. Ngài lại phán rằng ngươi sẽ chẳng thấy được mặt Ta vì không ai thấy mặt Ta mà còn sống. Đức Giê Ho Va lại phán =  Đây có một chỗ gần Ta. Ngươi hãy đứng trên hòn  đá kia. Khi sự vinh hiển Ta đi ngang qua Ta sẽ để ngươi trong  bọng đá, lấy tay Ta che ngươi cho đến chừng nào Ta đã đi qua rồi. Ta sẽ rút tay lại và ngươi thấy phía sau Ta nhưng không thể thấy mặt Ta” ( Xh 33, 18 -23).

Sự khác biệt giữa Đức Ki Tô với Mai Sen cũng như  hết thảy phàm nhân chúng ta chính là ở  cái sự thấy biết này đây chứ chẳng phải điều chi khác. Về sự thấy biết, dĩ nhiên  không phải là thấy biết bằng con mắt xác thịt nhưng là bằng trí tuệ vô phân biệt (  Huệ Trí  ). Cũng do nơi  sự thấy biết ấy mà Chúa Giê Su nói “ Ta với Cha là một” ( Ga 10, 30).  Tính chất “ Là Một” hoàn toàn không  mang ý nghĩa đồng hóa nhưng là của chân lý kết hợp “ Cha ở trong Con và Con ở trong Cha”. Người Do Thái vì không nhận ra chân lý cao cả này nên đã cho Chúa Giê Su là lộng ngôn phạm thượng để rồi kết án tử Ngài.

Dân Do Thái trước đây vì lầm mà đã giết Chúa, còn ngày nay thần học cũng vì lầm mà đã khai tử Thiên Chúa ( The’ologie de la mort de Dieu ) để thay vào đó là đấng Thiên Chúa làm người có nghĩa vừa là Thiên Chúa Tạo Hóa vừa là  con người. Với đấng  vừa là Tạo Hóa vừa là người  này thì công cuộc Cứu Độ của Đức Ki Tô chẳng còn ý nghĩa gì nữa = Không có rao giảng Tin Mừng cũng chẳng có lời Hứa nào được ban cho tổ phụ.

Thiên Chúa của thần học thuần túy chỉ là một thứ ý niệm chết khô. Đang khi đó Thiên Chúa chân thật phải là Thiên Chúa của Abraham, của Isaac và của Gia Cop. Ấy Ngài chẳng phải là Thiên Chúa của kẻ chết bèn là của kẻ sống bởi ai nấy đều vì Ngài mà sống” ( Lc 20, 37 -38). Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết nhưng là của kẻ sống và kẻ sống đây chính là những kẻ tin vào Lời Hứa của Thiên Chúa cho tổ phụ. Vì chưng Thiên Chúa là Đấng chẳng ai từng thấy biết ( Ga 1, 18 ) thế nên không thể dùng lý trí suy luận để nhận biết Ngài.

Lấy lý trí để hòng nhận biết Thiên Chúa thì cũng chẳng khác nào trèo cây tìm cá ( Duyên mộc cầu ngư ). Cá trên cây chỉ có thể là cá khô, cá chết chứ không phải cá sống. Muốn tìm cá sống thì phải tìm ở dưới ao hồ sông biển chứ sao lại ở trên cây ? Đúng là muốn tìm…cá sống  phải tìm ở dưới ao hồ sông biển nhưng làm sao để …bắt được cá nếu chẳng có phương tiện ? Thiên Chúa đưa  ra mệnh lệnh tìm kiếm  và đồng thời cũng trao phương tiện bằng cách chủ động ban các Lời Hứa tức các Giao Ước để con người thực hiện. Thiên Chúa là Đấng thành tín “ Vậy nên phải nhận biết rằng  ĐCT ngươi tức  ĐCT thành tín. Giữ sự Giao ước và nhân từ cho đến ngàn đời cho những ai yêu mến Ngài và tuân giữ  các giới răn Ngài ( ĐNL 7, 9 ).

Nói đến Giao ước thì phải có kèm theo điều kiện. Điều kiện của Thiên Chúa  đưa ra cho con người là phải hết lòng yêu mến và tuân giữ các giới răn của Ngài. Thiên Chúa luôn giữ Lời Hứa bởi vì Ngài nhân từ và thành tín. Còn về phần  mình chúng ta có  giữ Lời Hứa không ? Yêu mến và tuân giữ các giới răn nói thì dễ nhưng làm thì khó, rất khó nhất là trong những tháng năm tận cùng này “ Bởi lẽ  thời phán xét đã đến  bắt đầu từ Nhà của Thiên Chúa ( Giáo Hội Công giáo Tông truyền ). Nếu việc đó bắt đầu từ chúng ta thì cuối cùng số phận  của những kẻ từ chối không tin vào Tin Mừng của Thiên Chúa sẽ ra sao ? Nếu người công chính còn khó được cứu độ thì người bất chính, kẻ tội lỗi  sẽ ở đâu ? Vì vậy những ai chịu  khổ đau theo Thánh Ý Thiên Chúa hãy phó thác mạng sống mình cho Đấng Thiên Chúa  thành tín và cứ vững tâm làm điều thiện” ( 1Pr 4, 17 -19).

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment