TÍNH CHẤT THOÁT KHỔ CỦA KINH MÂN CÔI

Từ sau Công đồng Vatican II Kinh Mân Côi hầu như đang lụi tàn và có nguy cơ…biến mất. Bởi lý do nào mà Kinh Mân Côi vốn được Giáo Hội sùng mộ vì tính chất cứu khổ cứu nạn của nó mà nay lại lâm hoàn cảnh đáng buồn như vậy ? Chúng ta hãy nghe câu trả lời của vị giáo sĩ có trách nhiệm ở địa phương “ Lộ Đức một thời là thủ đô Kinh Mân Côi mà sau Công đồng kinh này không còn hợp với não trạng  người tín hữu nữa” ( Michel Servant – Ngày Của Chúa ).

Không hợp não trạng và não trạng đây chính là óc duy lý của con người thời đại. Với duy lý thì Kinh Mân Côi nhất định là phải …canh tân để sao cho phù hợp với quan niệm lấy Ki Tô làm trung tâm hay còn gọi là Quy Ki Tô ( Christocentrique ). Do bởi cách hiểu như thế nên  mới có đề nghị cho rằng ngoài ba mầu nhiệm Vui Thương Mừng cần thêm một mầu nhiệm nữa gọi là mầu nhiệm Nhập Thể “ Nếu Chúa Ki Tô không sống các mầu nhiệm Nhập Thể này, nhiệm cục cứu rỗi của Thiên Chúa sẽ bất thành thế nào thì theo tôi Kinh Mân Côi cũng cần có thêm các mầu nhiệm Nhập Thể này của Chúa Ki Tô nữa mới thực sự trọn vẹn” ( Đa Minh Maria Cao Tấn Tĩnh – Bí Mật Kinh Mân Côi ).

Cùng với tính chất Quy Ki Tô, Kinh Mân Côi ( truyền thống ) đã bị hoàn toàn biến dạng trở thành một thứ suy niệm thần học để rồi không ai còn nhận ra đâu là mục đích của kinh nguyện này nữa. Vì không hiểu đúng mục đích  của Kinh thế nên người ta đã đưa ra nhiều cách hướng dẫn sai lạc chẳng hạn “ Chúng ta bắt đầu lần hạt bằng việc làm dấu Thánh Giá = Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần – Amen. Tiếp đến chúng ta đọc Kinh Tin Kính  để tuyên xưng đức tin. Sau đó hạt thứ nhất chúng ta đọc Kinh Lạy Cha , ba hạt tiếp theo chúng ta  đọc ba Kinh Kính Mừng  và hạt thứ bốn là Kinh Sáng Danh  tưởng nhớ đến tình yêu  và tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi. Kế đến cùng với Đức Maria  chúng ta suy niệm  một biến cố trong cuộc đời của Chúa Gie Su ( quen gọi là các mầu nhiệm, các mầu nhiệm này khơi dậy lên trong ta những niềm vui, cuộc khổ nạn  và vinh quang của Chúa Gie Su ) dựa trên Thánh Kinh” ( Lm An Tôn Nguyễn Văn Độ – Báo ĐMHCG số 15/ 11-2014).

Từ xưa đến nay việc đọc Kinh Mân Côi vẫn có phương pháp của nó. Do đó ngay trước khi lần hạt, người chủ sự thường là ông bà quản luôn đọc câu có tính công thức = Phép lần hạt ngắm tắt năm sự Vui hoặc Thương hoặc Mừng. Đã gọi là Phép thì phải  tuân thủ nếu không thì đâu còn gì là Phép ?Trước khi lần hạt  mà lại đọc Kinh Tin Kính sau đó hạt thứ nhất đọc Kinh Lạy Cha rồi ba hạt tiếp theo đọc ba Kinh Kính Mừng để rồi cuối cùng thì suy niệm các biến cố  trong cuộc đời của Chúa Gie Su thì đấy hoàn toàn không phải là Kinh Mân Côi của Đức Mẹ và thật sự thì nó không thể đem lại một chút ơn ích nào cả.

Kinh Mân Côi chỉ thực sự mang lại ơn ích khi ta tuân thủ phương pháp có nghĩa đúng theo cấu trúc đặc biệt của Kinh này. Cấu trúc Kinh Mân Côi gồm ba mùa gọi là Vui Thương Mừng. Mỗi Mùa lại có năm ngắm, mỗi ngắm có năm mươi Kinh Kính Mừng. Khi lần hạt cùng với cộng đoàn thì chia thành hai bè, một bên xướng Kinh Kính Mừng còn bên kia thưa  Thánh Maria…..Dĩ nhiên khi cùng với cộng đoàn như thế thì phải đọc thành tiếng. Khi nào bên xướng đọc dứt Kinh Kính Mừng thì bên thưa mới đọc Kinh Thánh Maria…và ngược lại.
Khi lần hạt Mân Côi cần phải tuân thủ đúng phương pháp  mục đích là để  chúng ta có được sự đồng tâm nhất trí trong cầu nguyện. Sự đồng tâm nhất trí rất đẹp lòng Thiên Chúa này  chỉ có thể có được khi mỗi người biết bỏ đi ý riêng mình. Khi tụng đọc ( ra tiếng ) cần phải cùng một cung bậc âm thanh. Cùng một Mùa cùng một Thứ. Không thể người đọc giọng trầm còn người khác lại giọng cao, hoặc khi thì ngắm thứ nhất khi thì ngắm thứ ba v.v…Mặt khác sự đồng tâm nhất trí ấy lại còn diễn ra trong toàn thể Giáo Hội khi quy định các Mùa phải đọc trong tuần = Ngày Thứ Hai , Thứ Năm đọc Mùa Vui, ngày Thứ Ba, Thứ Sáu đọc Mùa Thương còn ngày Thứ Bảy Chủ Nhật đọc Mùa Mừng.

Sự đồng tâm nhất trí trong cầu nguyện sẽ là sức mạnh vô địch chiến thắng mọi sự dữ. Bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy thần lực của Kinh Mân Côi đó là chiến thắng vang dội tại vịnh Lepant ngày 7 tháng 10 năm 1571 trước đạo quân Hồi giáo hùng mạnh của vua Selim đệ nhị. Kinh Mân Côi được Đức Mẹ trao truyền cho Thánh Đa Minh với mục đích là để chiến đấu và chiến thắng tên cựu thù Sa Tan bởi đó Thánh Benado nói “ Kinh Mân Côi có sức xua đuổi ma quỷ. Làm cho Hỏa Ngục phải run sợ trước Thánh Danh Chúa Gie Su và Mẹ Maria”.

Kinh Mân Côi sở dĩ có sức mạnh chiến thắng ma quỷ như thế chính là do việc duy trì Thánh Danh Gie Su và Maria ở nơi tâm hồn mình. Từ khi nguyên tổ phạm tội cố tình ăn trái cấm bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng thì đã diễn ra cuộc chiến một mất một còn giữa Đức Nữ Trinh Maria và rắn Sa Tan “ Giehova Thiên Chúa phán với con rắn = Ta sẽ làm cho mày cùng Người Nữ, dòng dõi mày cùng dòng dõi Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mày còn mày thì rình cắn gót chân Người.” ( St 3, 15 ).Cuộc chiến giữa Đức Maria và rắn Sa Tan tuy âm thầm nhưng dai dẳng trong tâm hồn người tín hữu và chúng ta chỉ có thể đánh thắng được kẻ thù quỷ quyệt đó với Kinh Mân Côi vì đó quả thật là khí giới của Người Nữ Maria qua tiếng Xin Vâng.

Xin Vâng tức là vâng theo Thánh Ý Thiên Chúa, đó là toàn bộ cốt lõi của việc sống đạo nói chung và của cầu nguyện nói riêng. Đức Ki Tô nói “ Chẳng phải mỗi kẻ nói cùng Ta rằng = Lạy Chúa, lạy Chúa mà vào được Nước Trời đâu. Nhưng chỉ kẻ nào biết làm theo ý chỉ của Cha ta ở trên trời thôi” ( Mt 7, 21 ). Vâng theo Thánh Ý tức là bỏ ý riêng mình đi. Kinh Mân Côi có cấu trúc khác hẳn với các kinh nguyện khác ở chỗ là cứ lặp đi lặp lại một Kinh Kính Mừng. Thế nhưng bởi vì không hiểu mục đích của việc lập đi lập lại như thế để làm gì nên người ta mới cho rằng đó là để tương ứng với 150 Thánh Vịnh. Thực ra vấn đề rất ư đơn giản như đã nói đó chỉ là để  cho ta có thể duy trì được hai Thánh Danh Gie Su và Maria ở nơi tâm hồn.

Người đời thấy mình sống với thân thể, nào ăn uống, nào đi lại nói năng v.v…nhưng thật ra ai ai cũng sống với tư tưởng của mình. Nói cách khác tư tưởng là cái không những quyết định cho mọi việc như ăn uống nói năng đi lại ….mà còn cho cả những nỗi khổ đau bất hạnh hay hạnh phúc sướng vui của mình. Thật vậy có nghĩ ăn mới ăn, có nghĩ đi sang phải sang trái mới đi sang phải sang trái. Không ai nghĩ đi sang phải mà lại sang trái bao giờ. Tội lỗi hay dứt bỏ tội lỗi cũng đều do nơi quyết định của tư tưởng. Con người sống là sống với tư tưởng  thế nhưng tư tưởng lại là cái bất định chỉ theo hoàn cảnh mà sanh tâm; vì vậy nhiều khi muốn không theo con đường tội mà vẫn cứ vướng. Thánh Phao Lo đã nói rất  rõ về tình cảnh không muốn mà vẫn cứ làm “ Vả tôi  biết rằng trong tôi chẳng có điều chi là lương thiện. Vì lòng muốn thì ở nơi tôi nhưng quyền lực làm điều thiện thì lại không có. Cho nên điều thiện tôi muốn thì lại không làm. Còn điều ác tôi không muốn thì tôi lại làm. Song nếu tôi làm điều tôi không muốn thì chẳng còn phải là tôi làm điều đó nữa bèn là tội lỗi ở trong tôi” ( Rm 7, 18 -20 ).

Con người dù cho có muốn làm điều thiện nhưng cũng không thể. Lý do bởi vì không có quyền lực làm điều thiện ngoài ra chỉ có Đức Ki Tô  Đấng đến để giải thoát con người khỏi tội “ Oâi tôi là người khốn nạn dường nào. Ai có thể giải cứu tôi khỏi thân thể của sự chết này ? Cảm tạ Đức Chúa Trời nhờ Chúa Gie Su Chúa chúng ta” ( Rm 7, 24 -25).

Chúa giải cứu chúng ta bằng cái chết của Ngài để lập nên các Bí Tích. Kinh Mân Côi vẫn được xưng tụng là Á Bí Tích có nghĩa đó là quyền lực được ban bởi trời để giúp chúng ta chiến thắng tội lỗi. Với mục đích như thế, Đức  Mẹ trong tất cả những lần hiện ra Ngài đều khuyên nhủ con cái cần phải siêng năng lần hạt để cứu thoát mình cũng như mọi người. Việc siêng năng lần hạt ở đây cần phải hiểu theo hai khía cạnh. Một là việc lần hạt cần thực hiện ở mọi nơi mọi lúc khi có thể và hai là phải có sự tỉnh thức. Kinh Mân Côi có thể thực hành cùng với cộng đoàn tại nhà thờ, trong gia đình nhưng cũng có thể một mình khi làm việc tại công sở hoặc chợ búa, lúc đợi xe  và ngay cả lúc đang đi trên đường….Mặt khác thực  hành Kinh Mân Côi rất cần sự tỉnh thức bởi lẽ chỉ có tỉnh thức thì chúng ta mới có thể in ấn Thánh Danh Chúa Gie Su và Mẹ Maria vào trong thẳm cung linh hồn mình được.

Giữa việc thực hành lời khuyên siêng năng lần hạt của Đức mẹ và tỉnh thức trong cầu nguyện có một mối quan hệ khăng khít với nhau. Có siêng năng lần hạt thì mới có được sự tỉnh thức. Ngược lại có tỉnh thức dù chỉ một phần thôi thì mới ham chuộng và nhận ra giá trị vô song của cầu nguyện. Giá trị của cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi ở chỗ giup ta được Nhớ đến Thánh Danh Gie Su và Maria. Khi ta nhớ  được hai Thánh Danh này thì như lời  Thánh Benado nói sẽ làm cho Hỏa Ngục phải run sợ. Hỏa Ngục là nơi chốn có thực để dành cho ma quỷ nhưng cũng là những  thế lực giam hãm con người trong vòng tội lỗi như lòng tham lòng giận lòng mê ( Tham Sân Si ). Những thế lực này sẽ đưa dẫn chúng ta đến chỗ phải chết về phần tâm linh nếu không tìm cách trừ khử nó đi ngay “ Tư dục đã hoài thai thì sanh ra tội lỗi. Tội lỗi một khi đã lớn lên thì sản xuất sự chết” ( Gc 1, 15).

Trở ngại lớn nhất khi thực hành Kinh Mân Côi đó là sự chia lòng chia trí. Thế nhưng chính sự chia trí chia lòng này lại là phương thế giúp ta lập công với Chúa bằng cách Nhớ đến Thánh Danh Gie Su và Maria. Nhớ đến ai thì đó là ta yêu thương người đó và muốn gặp gỡ với người. Nhớ đến Chúa thì ta yêu mến Chúa và muốn gặp gỡ với Người. Trái lại cứ nhớ đến quỷ đến ma thì đó là ta yêu ma mến quỷ và muốn gặp gỡ với nó trong Hỏa Ngục. Siêng năng thực hành Kinh Mân Côi theo lời khuyên bảo răn nhắc đó là chúng  ta muốn gặp gỡ Chúa trên Nước Thiên Đàng đời đời  bởi chưng đã có lời hứa “ Lòng các ngươi chớ bối rối, đã tin ĐCT thì cũng hãy  tin Ta nữa. Trong Nhà Cha Ta có nhiều chỗ. Bằng chẳng vậy thì Ta đã nói với các ngươi rồi. Ta đi để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi Ta đi để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi thì Ta sẽ trở lại tiếp các ngươi về với Ta hầu cho Ta ở đâu thì các ngươi cũng sẽ ở đó với Ta” ( Ga 14, 1 -3 ).

Lạy Chúa Gie Su chúng con tin Chúa đã chết và đã phục sinh về Trời ngự bên hữu Chúa Cha. Nhưng chúng con cũng tin Chúa sẽ lại đến trong vinh quang một lần nữa để được nghe những lời hết sức êm dịu này “ Hỡi các ngươi là những kẻ được Cha Ta chúc phúc = Hãy đến mà vui hưởng nước đã sắm sẵn cho các ngươi từ thuở đời đời” ( Mt 25, 34).

Phùng Văn Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment