- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Thời của hoài nghi

Ai viếng Nhà Thờ Thánh Phêrô ở Rôma đều chú ý tới hình ảnh kiến trúc của hai “cánh tay” rộng mở, vươn ra từ thánh đường như chào đón khách hành hương từ muôn phương vào Giáo Hội. Ấy thế nhưng nếu để ý tới dữ kiện và chứng cớ, ta thấy cứ một người bước vào vòng ôm cửa trước đó, thì gần như bốn người bước ra cửa sau.

Với viễn tượng ảm đạm ấy, Đức Bênêđíctô XVI đã triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới để thảo luận chủ đề “tân phúc âm hóa để truyền giảng đức tin Kitô Giáo”. Song song với việc ấy, ngài còn công bố một “Năm Đức Tin”. Cuộc họp Tháng Mười năm ngoái, ngoài các giám mục đại diện khắp thế giới, còn có 45 chuyên viên và 49 quan sát viên, trong đó có 10 chuyên viên nữ và 19 quan sát viên nữ, một sự tham dự của nữ giới lớn nhất xưa nay

Phần lớn các chẩn đoán do các giám mục đưa ra liên quan tới thách đố đối với đức tin và Giáo Hội trong thế giới hậu hiện đại đều chính xác. Một trong các chẩn đoán đó là chủ nghĩa hòai nghi khá phổ biến đối với khả năng biết sự thật trong thế giới ngày nay. Nhà xã hội học James Davison Hunter gọi hiện tượng này là “tan vỡ” (dissolution), một rạn nứt giữa tri thức và ngôn ngữ khiến người ta không còn tin tưởng lời lẽ sẽ chuyên chở được ý nghĩa chính xác hay phát biểu được bất cứ điều gì chân thực một cách khác quan nữa. Sự tan vỡ này xuất hiện cả trong văn hóa trí thức lẫn trong văn hóa bình dân. Ngay một số sinh viên thần học cũng hoài nghi không muốn coi thần học như một tìm kiếm có tính học thuật.

Hiện tượng trên có thể đọc thấy nơi vợ chồng Jacques và Raissa Maritain. Hai vợ chồng triết gia này vì lao đao với khả thể biết sự thật ấy, đã cam kết rằng nếu biết chắc mình không thể đạt tới sự thật, họ sẽ quyên sinh. Dĩ nhiên, phản ứng này quá bi đát đối với hiện tượng tan vỡ văn hóa, nhưng nó cũng cho thấy điều này: muốn cuộc đời có ý nghĩa, đáng sống, ta cần một cảm nhận nào đó về sự thật. Nhiều người trong nền văn hóa ngày nay không coi trọng cam kết của vợ chồng Maritain; nhưng có lẽ đúng như Henry David Thoreau từng nói, phần lớn con người thời nay sống trong một trạng thái ngã lòng thầm lặng. Sự thất vọng này không biểu lộ qua cam kết tự vận, nhưng quả họ không còn một cảm nhận nào về ý nghĩa hay mục đích nữa. Lời Chúa Giêsu trong Tin Mừng Mátthêu nói lên trạng huống này: “Khi thấy đám đông, Ngưới mủi lòng thương xót họ, vì họ… như chiên không có người chăn” (Mt 9:36). Vì những thách đố này, ta phải tiến hành ra sao cuộc đối thoại với văn hóa mà Tin Mừng và lương tri vốn mời gọi ta như những con người của đức tin?

Cơn bệnh hiện đại

Có lẽ không ai chẩn đoán trạng huống hiện đại trên hay hơn triết gia Đức theo trường phái Tôma là Josef Pieper. Viết sau Thế Chiến II và dựa vào ngôn từ của truyền thống đan việc xưa, ông gọi cơn bệnh tâm linh này là biểu hiện thời nay của chứng acedia (tẻ lạnh, biếng nhác tâm linh). Đối với Pieper, acedia là việc “thiếu thanh thản sâu xa”, bắt nguồn từ việc người ta từ khước không dành cho chính bản thân mình sự đồng thuật của ý chí, nhất là vì bản thân ấy vốn được tạo dựng giống hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa (St 1:26). Con người nhân bản chỉ tìm được sự thanh thản chân thực của mình trong việc chiêm niệm vẻ đẹp và sự tốt lành của Thiên Chúa và liên hệ với chúng. Dù acedia có thể xuất hiện dưới trạng thái trầm cảm (và do đó, người ta đôi khi đã dịch sai là lười biếng hay biếng nhác), nhưng thông thường hơn, trong thế giới ngày nay, nó xuất hiện dưới trạng thái cực kỳ bận bịu: bận bịu theo đuổi hoạt động, thành tích, thu góp, bất cứ điều gì miễn biện minh được sự hiện hữu của tôi trong lòng một thế giới rõ ràng vô nghĩa và giúp tôi quên khuấy cái cảm thức chán nản nhức nhối đang ám ảnh cuộc hiện sinh thường ngày của tôi.

Giáo Hội là người quản lý nhiều tài nguyên tâm linh rộng lớn, trong đó đáng kể có phụng vụ, lời Chúa và Thánh Thể. Những tài nguyên này trực tiếp nói với nỗi đau khổ và tình trạng acedia của con người nhân bản trong thế giới hậu hiện đại. Cố gắng chuyên chở các tài nguyên này một cách chân chính, hòa bình, đầy yêu thương vả cảm thông thực sự là vấn đề sống chết đối với nhiều người và là nhiệm vụ chính của tân phúc âm hóa. Trong bối cảnh Tây Phương, thiển nghĩ các suy tư về thần học luân lý sau đây có thể có ích.

Thoát ra ngoài “cuộc chiến tranh văn hóa”. Thời Chúa Giêsu cũng như thời nay, cuối cùng, người ta cũng sẽ được chân lý của Tin Mừng thuyết phục nhờ lời kêu gọi thấu tâm gan và vẻ đẹp nguyên tuyền của chân lý nơi Chúa Kitô. Trêu chọc hay hạ giá về chính trị những ai bất đồng với ta chỉ tổ phát huy hận thù, ghanh ghét và đố kị mà thôi. Tệ hơn nữa, điều này còn chia rẽ cả các chi thể của cùng Nhiệm Thể Chúa Kitô. Thiển nghĩ tội không thể tha thứ chống lại Chúa Thánh Thần mà Tin Mừng Máccô 3:29 và Tin Mừng Mátthêu 12:30 nói đến dám là tội cổ vũ cái thứ chia rẽ này. Vả lại, ta cũng không biết chắc liệu trách nhiệm của ta có phải là “Kitô hóa” nền văn hoá hiện đại hay không. Tin Mừng theo Thánh Gioan bảo ta rằng: “Nước Ta không thuộc thế gian này. Vì nếu nước Ta thuộc thế gian này, thì những người theo Ta đã chiến đấu để Ta khỏi bị trao nộp” (18:36). Chiến tranh văn hóa là cuộc chiến có tính bạo lực, dù chỉ bằng ngôn từ, thì tại sao “các kẻ theo Ta” lại phải cầm vũ khí? Tất nhiên, điều này không có nghĩa ta phải quay mặt khỏi những cam kết công cộng hay văn hóa, hoặc cuộc chiến chống bất công, miễn là phải tiến hành cuộc chiến này theo phương cách phù hợp với Tin Mừng.

Đừng cạnh tranh với nền văn hóa bình dân thời thượng (pop culture). Câu nói của người xưa luôn luôn đúng: “chiết trung là sứ điệp”. Nói cho cùng, kỹ thuật hiện đại, dù hữu ích, hình thức truyền thông nổi bật nhất của nó vẫn chỉ cổ vũ sự hời hợp và thường rất tầm thường, và cố gắng lắm, nó cũng không có khả năng cổ vũ được sự chiêm niệm sâu sắc, là thứ duy nhất có thể giải quyết được tính tẻ nhạt, biếng nhác tâm linh (acedia) của thời đại. Con người thời nay, nhất là giới trẻ, có thể “ngửi” được sự thiếu thành thật, dù xa cả hàng dặm, và các phương tiện truyền thông hiện đại không thể nào nắm bắt hay chuyên chở trọn vẹn các biểu thức tươi đẹp của truyền thống Công Giáo.

Rút ra những gì xưa cũ và những gì mới mẻ từ kho báu của ta (Mt 13:52). Nhà giáo sử Jaroslav Pelikan từng nhận định rằng công đồng chung nào cũng cần cả trăm năm mới thực thi được trọn vẹn viễn kiến và óc thiên phú của mình. Nếu đúng như thế, thì ta mới ở giữa đường thể hiện trọn vẹn Công Đồng Vatican II, một diễn trình vẫn còn đang tiếp diễn. Nét thiên phú của Công Đồng được mô tả qua hạn từ Pháp Ngữ ressourcement (trở về nguồn). Lý tưởng là trở về nguồn cội, về Thánh Kinh và kho khôn ngoan của Giáo Hội sơ khai và trung cổ, để có thể nói với thế giới hiện đại về sự thật của tình yêu Chúa Kitô. Truyền thống Công Giáo rất tươi đẹp trong các phát biểu sự thật của nó và ta có thể làm chứng cho nét tươi đẹp của truyền thống đó bằng man vàn cách thế khác nhau.

Duy trì chân lý. Ngày nay, việc bênh vực đức tin xem ra không còn giống như trong các thế kỷ qua. Chắc chắn nó không giống như thứ chủ nghĩa phản động chống lại thời cận đại dưới hình thức tân kinh viện của thế kỷ 19. Nếu muốn cho việc trình bày chân lý của ta có sức lôi cuốn con người hiện đại, thì việc trình bày này phải có tính chú giải (hermeneutical). Nghĩa là, phải trình bày Tin Mừng như chứa đựng các chân lý chủ yếu và vượt thời gian về bản chất Ba Ngôi của Thiên Chúa, về con người nhân bản và về sáng tạo, một cách nào đó khiến nó được giải thích và đem vào cuộc sống bằng nhiều cách khác nhau, nhiều như con số các Kitô hữu còn sống, đã qua đời hay sắp đến. Tuy nhiên, đây không phải là chủ nghĩa duy tương đối. Luật tin và Kinh Tin Kính Nixêa-Constantinốp vẫn còn đó để làm chuẩn mực. Ấy thế nhưng, giữa các chuẩn mực này, vẫn có man vàn cách thế sống thực Tin Mừng một cách hân hoan.

Mô phỏng mối liên hệ của người phục vụ. Điều này áp dụng cho mọi Kitô hữu, chứ không riêng các vị giám mục, dù các vị này có trách nhiệm chuyên biệt về phương diện này. Kitô Giáo chỉ được tôn trọng là con đường sự thật nếu các nhà lãnh đạo thừa hành trách nhiệm và quyền bính của mình theo mô thức tôi trung lãnh đạo của Chúa Kitô (rửa chân, chẳng hạn, trong Ga 13). Các tín hữu và những người vô tín ngưỡng thời hậu cận đại này thường có khuynh hướng hoài nghi bất cứ ai thi hành bất cứ hình thức uy quyền nào, và cách duy nhất khiến họ tin tưởng Giáo Hội đủ để lắng nghe sứ điệp của Giáo Hội là họ thấy các nhà lãnh đạo Kitô Giáo sống cuộc sống cao thượng, thậm chí thầm lặng và không khoa trương. Thực ra, điều này áp dụng cho mọi người vì “Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội” vốn nói tới chức linh mục của mọi tín hữu. Vả lại, đây cũng là yếu tố chủ yếu của lời mời gọi mọi người nên thánh. Các Kitô hữu có thể thể hiện tài lãnh đạo chân chính của mình ở nhiều lãnh vực công cộng: kinh doanh, truyền thông, giáo dục, văn chương, nghệ thuật, học thuật, chính trị và hành chính, cũng như các chức vụ chính thức của Giáo Hội phẩm trật. Kiểu tôi trung lãnh đạo này, muốn gây được ảnh hưởng, đòi ta phải chú ý tới các đặc điểm trong đời sống tư của ta, tới vai trò ta đảm nhiệm và tới định chế ta thuộc về. Nhờ đảm nhiệm một cách có ý thức các vai trò đặc thù của Kitô hữu và các biểu hiện của lời mời gọi nên thánh, ta sẽ trở thành hiện thân của Tin Mừng bằng nhiều cách sáng tạo khác nhau và làm cho mọi khía cạnh của văn hóa trở thành sống động.

Mohandas Gandhi coi sứ mệnh và công việc của đời ông nhân danh công lý là “một thử nghiệm của sự thật”. Với cách tiếp cận sự thật có tính chú giải của họ, con người hiện đại cho rằng sự thật chỉ có thể được khám phá nhờ kinh nghiệm sống, và kinh nghiệm này thường kéo theo những khúc ngoặt và những bước đi lầm lẫn dẫn tới đường cùng. Nhưng nếu ta tin Chúa Thánh Thần vẫn đang hướng dẫn Giáo Hội, thì, như ca sĩ Emmylou Harris thường nói, ta chỉ có thể “rơi vào [đường cùng] ơn thánh”. Ta không nên mơ mộng hão huyền rằng mọi người trong nền văn hóa của ta sẽ quay về với Tin Mừng và Giáo Hội, nhưng quả đang có một sự khát khao phổ quát đối với chân lý; và Giáo Hội có vai trò riêng biệt trong việc đề xuất Chúa Giêsu Kitô là “đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14:6) cho cộng đồng nhân loại. Bất chấp các sợ sệt và bấp bênh về tương lai Giáo Hội và về nền văn hóa hậu hiện đại, các “cánh tay” dang rộng của Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô vẫn tiếp tục thách thức để ta cởi mở và hy vọng.

Vũ Văn An

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]