- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Thinh Lặng trong Phụng Vụ

Công đồng Vatican II được mệnh danh là Công Đồng của sự canh tân  và một trong những chủ đề cần  phải canh tân  trước hết đó là phụng vụ “ Trong việc canh tân và phát huy Phụng Vụ Thánh cần phải hết sức quan tâm đến việc tham dự trọn vẹn và tích cực của toàn thể Dân Chúa bởi phụng vụ là nguồn  mạch  trước tiên và thiết yếu. nơi đây các tín hữu kín múc lấy tinh thần Ki Tô Hữu đích thực và đó là điều phải được những mục tử chăn dắt các linh hồn tận tâm hướng dẫn trong mọi hoạt động mục vụ” ( HC về phụng vụ Thánh – Số 14 ).

Hiến chế nói tham dự Phụng Vụ cần trọn vẹn và tích cực. Vậy thế nào là trọn vẹn và tích cực ? “ Sự  tham gia tích cực không có nghĩa là chạy theo chủ nghĩa  Duy Hành Động như thể chúng ta phải hoà nhập vào cộng đoàn Phụng Vụ  theo cách làm hết điều này đến điều kia một cách liên tục. Cách thực hành này  biến cử hành Phụng Vụ giống như một chuyến bay …không trạm dừng ( non – stop ) hay một bản nhạc không nốt lặng và quãng lặng hoặc tệ hơn nữa như một chương  trình văn nghệ  với các tiết mục  nối tiếp nhau không ngừng nghỉ. Trái lại một trong những cách thức  quan trọng nhất để có thể canh tân chính chúng ta khi tham dự Phụng Vụ là dễ dàng  tập trung vào tâm hồn mình ( cầm lòng cầm trí ) cũng như suy niệm trong thinh lặng. Nhờ vậy chúng ta có thể nhận rõ những  thúc bách của Chúa Thánh Thần nơi thẳm sâu tâm hồn. Vì giống như mọi cách thức  cầu nguyện, cốt yếu  của Phụng Vụ là người tham dự phải thinh lặng chăm chú hướng về Thiên Chúa  để rồi Thiên Chúa chăm chú nhìn đến  chúng ta” ( NS CG & DT số 244 Tháng 4/2015 – Lm Giu Se  Phạm Đình Ai – Dòng Thánh Thể – Thinh lặng trong cử hành Phụng Vụ ). ).

Một câu hỏi khác đó là cần thinh lặng  nhưng  vào thời điểm nào  trong Thánh Lễ ?  “ Thông thường cả cộng đoàn cùng nhau thinh lặng lắng nghe Lời Chúa và tiếp tục thinh lặng thêm một chút sau Bài Đọc I và Bài  Đọc II của Thánh Lễ và sau bài giảng. Một loại thinh lặng khác được áp dụng là sau khi Rước Lễ. Quy chế Sách Lễ Ro Ma  đề  cập  đến việc phải tuân giữ “ Sự Thinh Lặng Thánh”  sau khi mọi người đã hợp lễ xong. Lại nữa Sách Lễ Ro Ma chỉ thị rằng mọi người phải giữ thinh lặng giây lát sau khi linh mục nói = Chúng ta hãy cầu nguyện….”.

Ở đây ta thấy Sách Lễ Ro Ma chỉ nhấn mạnh những khi cần thinh lặng  là sau các Bài Đọc hoặc sau khi Hiệp Lễ  hoặc sau khi linh mục chủ tế nói = Chúng ta hãy cầu nguyện v.v… Tuy nhiên sự thinh lặng ấy không phải chỉ  cần có…sau khi  đọc xong các bài Thánh Thư hoặc Phúc Âm, các lời cầu của chủ tế nhưng nó cần phải có…đang khi những việc ấy diễn ra. Chúng ta biết trong các Thánh Lễ bao giờ cũng có hai phần, một phần dành cho vị chủ tế, một phần dành cho giáo dân tham dự Thánh Lễ. Khi vị chủ tế dâng lời cầu nguyện hoặc làm nghi thức truyền phép thì giáo dân  phải thinh lặng. Sự thinh lặng ấy là dĩ nhiên bởi có như thế thì người tham dự  mới có thể  lãnh hội được những gì cần lãnh hội.

Tham dự Thánh Lễ hay bất cứ sự kiện nào thì người ta cũng chỉ lãnh hội được bằng sự chú tâm. Đây phải chăng chính là ý nghĩa của sự tích cực khi tham dự Thánh Lễ mà CĐ Vatican II  muốn canh tân ? Nếu hiểu tích cực  chỉ có thể có bằng sự chú tâm thì sự chú tâm ấy  không thể chỉ cần có trong các Thánh Lễ mà nó phải diễn ra trong suốt cuộc đời mọi nơi mọi lúc. Tại sao sự chú tâm  lại là cần thiết  trong mọi nơi mọi lúc ? Đó là bởi chỉ với sự chú tâm ấy  mà con người mới có thể quay trở về với Thiên Chúa Thực Tại. Quan niệm chân thực nhất của Phụng Vụ phải là  phụng vụ Đấng là Thực Tại ở trong tâm linh mỗi người. Bên bờ giếng Gia Cop Chúa Giê Su nói với người đàn bà xứ Sa Ma Ri “ Đàn bà kia ơi, hãy tin Ta giờ đến các ngươi thờ lạy Cha chẳng tại  trên núi này cũng chẳng tại Gierusalem. Các ngươi thờ lạy điều các ngươi không biết còn chúng ta thờ lạy điều cbhúng ta biết vì sự cứu rỗi đến từ dân Do Thái. Nhưng giờ  sắp đến và nay đã đến rồi khi kẻ thờ lạy thật hãy lấy tâm linh và lẽ thật mà thờ lạy Cha vì Cha vẫn tìm kiếm người dường ấy để thờ lạy Ngài” ( Ga 4, 21 -23).

Qua việc truyền dạy của Đức Ki Tô cho thấy có hai cách thờ lạy ( phụng vụ ). Một là thờ lạy đấng mình không biết. Hai là thờ lạy Đấng mình biết. Bởi thờ lạy đấng mình không biết thế nên con người mới cho rằng đấng ấy …ngự ở trên trời hoặc núi nọ đền kia. Trái lại thờ phượng Đấng mình biết  thì phải quay về với Đấng Cha ở nơi chính mình. Đối với việc thờ lạy đấng ở trên trời hoặc núi nọ đền kia thì việc thinh lặng là vô nghĩa. Ngược lại chỉ có Đấng là Cha mới cần sự thinh lặng. Tại sao ? Bởi vì Đấng Chúa là Cha ấy  luôn làm việc trong thinh lặng “ Có những nhà tu đức quả quyết Thiên Chúa nói với chúng ta không những qua Kinh Thánh và lời kinh khẩu nguyện mà còn qua thinh lặng. Thinh lặng là quê hương của Thượng Đế. Thiên Chúa là sự thinh lặng vĩnh cửu và cư ngụ nơi thinh lặng. Thiên Chúa là bạn hữu của thinh lặng ( Mẹ Teresa Calcutta )Thinh lặng là ngôn ngữ đầu tiên của Thiên Chúa. Ngôn ngữ mà Thiên Chúa nghe rõ nhất là Tình Yêu Thinh Lặng (Thánh Gioan Thánh Giá ). Những ý tưởng này không khác gì với những lời của nhà thần bí Meister Eckhart = Tôi đã không nói Thiên Chúa yêu thích sự thinh lặng hay yêu thích những  người phụng thờ thầm lặng mà là Thiên Chúa giống như sự thinh lặng” ( Ns Cg & Dt số 244 đã dẫn ).

Thiên Chúa giống như sự thinh lặng bởi Ngài là Đấng Vô Phân Biệt “ Ngài khiến mặt trời soi trên kẻ ác cùng người thiện. Mưa cho người công chính cũng như kẻ bất chính” ( Mt 5, 45). Nếu Thiên Chúa chỉ…mưa cho người công chính thì đời sống này không thể có. Thiên Chúa làm tất cả mà như không làm gì cả. Lão Tử nói “ Đạo thường vô vi. Nhi vô bất vi” ( Đạo thường không làm. Nhưng không gì không làm = ĐĐK chương 37 ) Đạo thường ở đây ám chỉ cho sự thường hằng bất diệt. Đạo ấy dường như không làm nhưng đâu đâu cũng có sự thể hiện của Đạo = Tình thương yêu, trật tự, sự quy hướng chân lý v.v…Một khi Đạo đã là vô vi làm mà như không làm thì để trở về với Đạo tức Đấng Cha ấy thì duy nhất chỉ có một con đường đó là thinh lặng.

Hiểu như thế thì sự thinh lặng không thể chỉ  cần thiết trong Phụng Vụ mà cần phải diễn ra trong suốt cả đời sống mọi nơi mọi lúc. Để có thể thinh lặng trong suốt đời sống như thế thì phải  làm sao …nghe được Tiếng Chúa ở nơi mình. Thế nhưng để nghe Tiếng Chúa thì trước hết cần phải nghe  được tiếng nói của tư tưởng mình. Người đời sở dĩ lầm lạc là bởi đã không phân biệt  được  tiếng nói của tư tưởng; chúng hoặc  là khổ lạc hoặc là thiện ác v.v..Con người nghĩ mình sống với thân xác  nhưng thực sự là sống với tư tưởng. Nói cách khác chính tư tưởng mới là cái quyết định  cho  hành động. Có nghĩ ăn mới ăn, có nghĩ đi bên phải mới đi sang bên phải. Có nghĩ đi bên  trái mới đi sang bên trái. v.v…

Tư tưởng quyết định cho hành động, Đức Ki Tô cũng nói không khác “ Vì từ lòng mà phát ra những ác tưởng tàn sát ngoại tình gian dâm trộm cắp làm chứng dối và lộng ngôn” ( Mt 15, 19). Tư tưởng là cái quyết định cho hành động, tư tưởng ác thì hành động ác, tư tưởng lành thì hành động lành. Bởi tư tưởng có tính quyết định như thế nên nhất thiết cần phải  nghe tiếng nói của nó bằng cái Tâm Vô Phân Biệt. Người đời có ba cách nghe. Một là nghe và không nghe, đó là trường hợp chung cho tất cả phàm phu chúng ta. Không nghe là khi bị  điếc, lãng tai hoặc bị ngăn che  bởi tường vách v.v..Thế nhưng dù có nghe hoặc không nghe  người ta cũng đều phát khởi ý niệm yêu ghét lấy bỏ. Hai là nghe mà không nghe; đây là trường hợp của những người tu theo Tiểu Thừa PG. Họ ngăn không cho tư tưởng tiếp xúc với ngoại cảnh có nghĩa không khởi tâm phân biệt yêu ghét lấy bỏ. Với cách nghe mà không nghe này  nó đã khiến cho Thực Tại bị ngăn bít không thể tiếp xúc với Thực Tại  cuộc sống. Ba là phép nghe như không nghe  mà lại nghe như thật của Pháp Phản Văn Văn Tự Tánh. Nghe như không nghe tức là nghe hết mọi thứ tiếng của tư tưởng nhưng không phân biệt cái gì cần nghe, thích nghe  và cái gì không cần nghe hay thích nghe.

Nghe để phân biệt nhà đạo chúng ta gọi đó là chia lòng chia trí. Sự chia trí này không ai không mắc phải. Đang chăm chú  nghe Thánh Thư hoặc Phúc Âm chợt thấy có con chim sẻ đậu trên đầu tượng Thánh Giu Se, tâm trí bèn hướng về nó để rồi cứ lan man nghĩ ngợi hết chuyện này chuyện kia. Cái sự chia lòng chia trí ấy khiến cho tâm quên mất mình đang nghe cái gì. Lời Chúa vẫn lọt qua tai đó nhưng chẳng lưu lại được. Sở dĩ có sự lưu lại này bởi vì Tâm được ví như một cái kho chứa ( Tạng Tâm ). Tâm chứa cái gì thì sẽ có được cái ấy, chứa điều thiện  lành sẽ có điều thiện lành. Chứa điều xấu ác sẽ có điều xấu ác. “ Người thiện do chứa thiện mà phát ra điều thiện. Kẻ ác do chứa ác mà phát ra điều ác” ( Mt 12, 35).

Sự chứa chấp ở nơi Tâm như vậy là hết sức quan hệ. Mặc dầu vậy người đời lại coi thường, cứ mặc tình chứa chấp những  tư tưởng xấu ác để rồi phải gánh chịu hậu quả xấu  mà không biết. Nghe với Tâm phân biệt như thế sẽ khiến ta đánh mất thực tại tức nhữing gì đang diễn ra trong hiện thời. Tâm một thời ( Sát Na ) không thể chứa được hai Thức. Có Thức khổ thì không có Thức vui ( Lạc )Lời Chúa là một loại Thức Vui bởi vì đó là Lời Hằng Sống “ Vì lời ĐCT  là lời hằng sống, linh động sắc hơn mọi gươm hai lưỡi đâm thấu đến nỗi chia hồn linh khớp tuỷ. Biện biệt tư tưởng và ý định của lòng” ( Dt 4, 12 ).

Con người phải sống triền miên trong khổ đau chỉ vì đã chấp chứa nơi Tâm những tư tưởng gian tham xấu ác. Đang khi đó mục đích của tôn giáo là để đem lại cho ta sự an vui đích  thực bằng cách  đơn giản mà lại  hết sức hữu hiệu đó là thay vì chứa chấp điều xấu ác thì hãy chấp chứa  những điều lành thiện. Muốn chứa chấp điều lành thiện thì nhất định là phải sống với  Tâm  Vô Phân Biệt  và đó cũng là cách thế phụng vụ Thiên Chúa cách chân thật nhất. Khi nghe Lời Chúa qua các bài đọc trong Thánh Lễ thì phải nghe với Tâm Vô Phân Biệt tức không chia lòng chia trí. Nghe với Tâm Vô Phân Biệt như thế chính là sự thinh lặng trong Phụng Vụ. Sao có thể nói thế ? Bởi vì thinh lặng ở đây không phải chỉ là thời khắc không ngôn từ và kh6ng có hành động nào diễn ra. Thinh lặng thật sự là sự dứt bặt của tư tưởng tức không chia lòng chia trí ( phân tâm ).

Thánh Lễ dĩ nhiên là phương thế  phụng vụ Thiên Chúa tối hảo. Thế nhưng ngoài Thánh Lễ phụng vụ còn có Thánh Lễ cuộc đời. Nói cách khác mục đích Thánh Lễ phụng vụ là để làm lan toả Thánh Lễ cuộc đời. Sự hiến tế của Đức Ki Tô  có thể là vô ích  nếu không có Thánh Lễ cuộc đời. Tại sao ? Bởi vì  việc phụng vụ Thiên Chúa chính là để cho ta có thể trở về với Ngài cũng là Nước Trời nội tại ở trong ta “ Hãy nhóm lại và vào các thành bền vững và thinh lặng tại đó vì Giêhova ĐCT chúng ta đã khiến chúng ta thinh lặng” ( Jr 8, 14)

 

Phùng  Văn  Hoá

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]