- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Thiên Chúa cứu độ

Phải nhìn nhận bản chất cuộc khủng hoảng hiện nay là khủng hoảng về Thiên Chúa. Nói cách khác Thiên Chúa được hiểu như một thứ quan niệm đã trở thành vấn đề của thần học “ Trong các ngày từ mùng 10 tới 12 tháng 12 năm 2009 đại hội liên ngành về đề tài “ Thiên Chúa Ngày Nay với Ngài hay không có Ngài thay đổi tất cả” đã diễn ra tại Roma. Đại hội này do Hội Đồng Tòa Thánh Văn Hóa tổ chức với sự tham dự của hàng trăm người gồm nhiều chuyên viên thuộc nhiều ngành khác nhau. Trong sứ điệp gửi các tham dự viên đại hội, đức Thánh cha Biển Đức XVI khẳng định rằng = Vấn đề Thiên Chúa là vấn đề trung tâm đối với thời đại chúng ta ngày nay  trong đó người ta thường giản lược con người vào một chiều kích duy nhất là chiều kích “ hàng ngang” và cho rằng việc rộng mở cho Đấng Siêu Việt không quan trọng. Trái lại tương quan với Thiên Chúa là điều nòng cốt đối với con đường của nhân loại. Giáo Hội và mọi Ki Tô Hữu đều có bổn phận  làm cho Thiên Chúa  hiện diện trong thế giới này và tìm mở lối cho con người đến với Thiên Chúa. Trong tình trạng văn hóa và tinh thần như tình trạng chúng ta đang sống, khuynh hướng gạt bỏ Thiên Chúa  vào lãnh vực riêng tư coi Ngài như không quan trọng và thừa thãi hay chối bỏ Ngài một cách tỏ tường  ngày càng gia tăng” ( Nguồn Radio Vatican – 12/12/2009 – Linh Tiến Khải – Đại Hội Về Thiên Chúa trong thế giới ngày nay”.

        Thật ra chẳng phải cho đến ngày nay người ta mới coi Thiên Chúa như một thứ gì đó thừa thãi cần gạt bỏ mà ngay từ thế kỷ mười chín Thiên Chúa đã bị F. Nietzche  ( 1844 – 1900 ) khai tử “ Điểm then chốt trong phê bình tôn giáo của Nietzche là Thiên Chúa, vì quyền lợi của con người Thiên Chúa không có quyền hiện hữu. Chỉ có thế người ta mới có thể trân trọng như đòi hỏi giá trị của thân thể, sống trung thành với mặt đất này. Chỉ như vậy khái niệm về Sự Sống mới là một khả thể. Chính bọn bệnh hoạn bọn chết dần chết mòn đã khinh rẻ thân thể và mặt đất này và đã bịa ra cái Trời Cao và những giọt máu giải phóng người ta” ( Karl – Heinz Weger S.J – Phê Bình Tôn Giáo qua các tác giả).

        Thiên Chúa không có quyền hiện hữu có nghĩa Thiên Chúa phải chết để con người được sống. Câu nói này của Nietzche phản ảnh cho toàn bộ triết học Hiện Sinh vô thần. Triết Hiện Sinh phê phán cách gay gắt triết học cổ truyền, đặc biệt là triết Aristote, bởi cho đó là triết phóng thể chỉ mải miết tìm hiểu về cái căn nguyên sinh thành vũ trụ tức Đấng Tạo Hóa mà đành quên đi con người. Phê phán triết cổ truyền cũng tức là phê phán thần học bởi thật ra không hề có sự phân định nào giữa triết và thần học. Cả hai đều lấy vũ trụ làm đối tượng cho cái..học của mình “ Triết học là khoa học về vạn vật, lấy những nguyên nhân tối cao để giải nghĩa chúng” ( La philosophie est la science des choses par leurs causes supremes).

        Theo định nghĩa của Kinh Viện ( Scholastique ) thì mục đích thần học chỉ là để giải nghĩa về căn nguyên sinh thành vũ trụ và căn nguyên đó được cho là Đấng Tạo Hóa. Về Đấng Tạo Hóa được cho là căn nguyên  ấy thực chất chỉ là hệ quả việc giải nghĩa Kinh Thánh theo nghĩa đen hay còn gọi là nghĩa mặt chữ ( Sens Litteral ). Việc giải nghĩa Kinh Thánh về Đấng Tạo Hóa như thế không hơn không kém đó chỉ là quan niệm thần học chứ hoàn toàn không phải là Thực Tại Đấng Thiên Chúa Cứu Độ mà con người cần hết lòng tìm kiếm, khẩn cầu và yêu mến “ Hỡi Đức Giehova Ngài là Cha chúng tôi. Danh Ngài là đấng Cứu Độ chúng tôi. Hỡi Đức Giehova sao để chúng tôi lầm lạc xa đường lối Ngài ?” ( Is 63, 16 -17).

        Tôn giáo được hiểu như là con đường tâm linh nhắm mục đích để đạt tới một thực tại siêu việt khỏi mình. Thực Tại ấy tùy từng mỗi tôn giáo, đạo học mà có những tên gọi khác nhau. Với Đạo Phật đó là Phật Tánh,với Ấn Độ giáo là Brahman, với Nho giáo là Thiên mệnh, với  Lão giáo là Đạo. Còn với Thiên Chúa giáo là Đấng Cha Hằng Hữu v.v… Đã có đường ( đạo) thì phải  đi, phải thực hiện nó. Tuy nhiên đường tâm linh là con đường rất nhiều chông gai trở ngại mà trở ngại gay go khó vượt qua nhất  lại chính là tính  chấp ở nơi mỗi người. Tính chấp ấy diễn ra trên hai phương diện, một là chấp ngã cho mình có một “ Cái Tôi” tự tánh độc lập bất biến và hai là chấp pháp là chấp về những quan điểm lập trường này nọ. Cả hai tính chấp ấy  đều hết sức kiên cố khó  phá bỏ.

        Riêng với Thiên Chúa giáo thì cái chấp về quan điểm  Đấng Tạo Hóa là khó giải gỡ nhất. Thế nhưng cũng chính vì  sự chấp chước ấy mà đã khiến  GH Công Giáo lâm vào những cơn khủng hoảng bất tận. Bằng chứng cụ thể và mới nhất đó là “ Đại Hội về Thiên Chúa trong thế giới ngày nay” do Hội Đồng Tòa Thánh về Văn Hóa” tổ chức”. Phải tổ chức đại hội để bàn về Thiên Chúa, điều ấy chứng tỏ cơn khủng hoảng đã lên tới cao trào của nó. Kết cuộc của cơn khủng hoảng này sẽ dẫn đưa nhân loại tới đâu nếu chẳng phải là sự hủy diệt như lời đức Benedicto XVI đã cảnh báo  trong thư gửi đại Hội “ Các kinh nghiệm quá khứ cả các kinh nghiệm không xa chúng ta dạy cho chúng ta biết rằng khi Thiên Chúa biến mất khỏi chân trời của con người thì nhân loại mất hướng và gặp nguy cơ có những bước đi dẫn tới chỗ tự hủy hoại chính mình” ( Nguồn Radio Vatican – 12/12/2009 – Linh Tiến Khải đã dẫn ).

        Giáo Hội quả thật đã và đang mất phương hướng và sự mất hướng này chỉ có thể giải quyết khi nào nhận ra cái nguyên nhân đưa đến cho nó  là do nơi sự dung hòa  đức tin với  lý trí.

I/-  Cuộc dung hòa đức tin và lý trí

        Kinh Tin Kính là bản tóm lược toàn bộ đức tin của Giáo Hội, trong đó việc xác tín Đấng Tạo Hóa là căn bản “ Tôi tin kính Đức Chúa Trời là cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất  muôn vật hữu hình và vô hình…” Tin có Đấng Tạo Hóa  là niềm tin mang tính phổ quát cho cả người có đạo cũng như không có đạo. Thế  nhưng đối với thần học thì niềm tin ấy cần phải có cơ sở nghĩa là có cái lý ( logique ) của nó. Cái lý mà thần học dựa vào để chứng minh cho sự hiện hữu của Thiên Chúa được bao gồm trong cái gọi là “ Vũ Trụ Luận” ( Cosmologie ) của các triết gia cổ đại Hy Lạp. Có hai thứ Vũ Trụ luận, một là vũ trụ thần luận ( The’ogonie ) có nghĩa vũ trụ đã được hình thành và điều khiển bởi các vị thần linh. Hai là Vũ Trụ Luận theo thiên nhiên vật lý trong đó vũ trụ là do các nguyên chất sơ bản tạo thành. Nguyên chất sơ bản ấy Thales ( phỏng 624 – 546 ) cho đó là Nước “ Tất cả là nước” ( Tout  est eau ). Anaximangdre ( 610 – 545 ) cho là  Bất Định ( Tout est infini ). Anaximene ( 585 – 528 ) trái lại nói nguyên chất ấy là Cố Định vì đó là Khí. Heraclite ( 544 – 484 ) cho nguyên chất ấy là Lửa bởi theo ông bất cứ sự vật gì cũng có thể biến đổi thành lửa và lửa cũng có thể biến thành bất cứ sự vật gì.

        Từ Vũ Trụ thần minh luận bước qua Vũ Trụ thiên nhiên vật lý. Burnet đưa ra nhận định “ Khi thôi không kể những chuyện hoang đường nữa là lúc các nhà bác học Milet đã thực sự bước  một bước tiến vĩ đại. Bước tiến ấy là bắt đầu nhìn nhận cùng kỳ lý hay nguyên nhân tối hậu của vạn vật không còn phải ở nơi thần thánh mà lại  ở nơi chính những hành chất sơ bản nội tại trong thiên nhiên” ( Lê Tôn Nghiêm – Lịch Sử Triết Học tây Phương – Quyển một ).

 Nguyên nhân tạo thành vũ trụ không còn phải ở nơi thần thánh mà là  những hành chất  sơ bản ( Nước, bất định, lửa v.v..). Quan điểm này đã đưa triết học đến kết luận có tính quyết định về nguyên lý Hữu Thể Học ( Ontologie ) như sau  “ Từ cái Không, không thể có gì được  hay không thể giản lược cái Có vào cái không”  Hữu Thể Học nói cho dễ hiểu là môn học về Cái Có và Cái Có ấy về sau đã được thần học sử dụng như là một minh chứng cho sự hiện hữu của Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa “ Bất cứ trong giả thuyết có thể có nào chúng ta cũng bó buộc phải tin rằng có một Hữu Thể là nguyên nhân cho mọi hiện hữu mà không bị bất cứ cái gì khác là nguyên nhân cho nó và chính vì vậy Hữu Thể ấy phải có tính chất hoàn hảo vô hạn hơn tất cả mọi sự khác nghĩa là Hữu Thể ấy phải thực sự tự tại, thực sự quyền năng và thực sự tốt lành. Rồi một khi không lệ thuộc một hữu thể nào cả hay một điều kiện hiện hữu nào cả ngoài chính mình ra thì Hữu Thể ấy hiện hữu và tự mình mà hiện hữu ( per se ). Hữu Thể ấy hiện hữu không phải vì có cái khác hiện hữu mà là vì nó hiện hữu một cách thiết yếu nó là Hữu Thể tất yếu” ( L.T.N. – LSTHTP Quyển II ).

Thiên Chúa của Hữu Thể Học dù được gọi là Đệ Nhất nguyên Nhân,  Đệ Nhất động Cơ  hay Hữu Thể tất yếu v.v..thì đó cũng chỉ là những quan niệm thần học chẳng hề có chút chi liên hệ đến con đường Cứu Độ của Đức Ki Tô là đường về với Chúa Cha “ Ta là đường là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ). Một khi Chúa đã khẳng định như thế thì điều ấy có nghĩa ngoài con đường Giesu ra không thể có con đường nào khác có thể dẫn đưa con người đến với Thiên Chúa đích thực là Cha mỗi người.

II/-  Con đường Cứu Độ Giesu

        Như đã biết khủng hoảng hiện nay là khủng hoảng về Thiên  Chúa. Thế nhưng thực ra phải nói đó là khủng hoảng con đường dẫn đến Thiên Chúa. M. Heidegger ( 1889 – 1976 ) triết gia đương đại của TK 20 cho rằng nguyên nhân của mọi cơn khủng hoảng là do Thiên Chúa hiểu như yếu Tính đã bị lãng quên “ Oublie’  de L’ Etre “. “ Quên” Thiên Chúa có nghĩa là quên mất con đường về với Thiên Chúa. Chính bởi vì …quên nên triết học cả Đông lẫn Tây đều đã sa đà vào những mê hồn trận của ý niệm mà không sao thoát ra khỏi được. Trần Cửu Xuyên môn nhân của Vương Dương Minh ( 1472 – 1528 ) khi thấy thầy mình cứ băn khoăn  về cái lẽ suy vi của đạo học mới hỏi = Tiên sinh thở than về việc gì vậy ? Ông nói = Cái lý ấy giản dị minh  bạch như thế mà chìm lấp hằng mấy trăm năm. Trần Cửu Xuyên nói = cũng vì Tống Nho theo cái giải nghĩa của chữ TRI, nhận thức thần làm Tính Thể cho nên sự văn kiến càng ngày càng thêm nhiều mà sự làm ngăn lấp cái  ĐẠO  ngày càng thêm sâu vậy” ( T.T. Kim – Nho Giáo – Quyển hạ ).

        Sở dĩ Nho Giáo trải qua bao đời vẫn cứ chìm lấp trong cái học từ chương ấy là vì  đã nhầm lẫn lấy chữ TRI tức nhận thức thần làm Tính Thể. Bởi nhầm như vậy nên cái học của Nho Giáo tất cả chỉ là giải nghĩa Tính Thể thế này thế khác mà không bao giờ có thể đạt tới Tính Thể. Giải nghĩa về  Tính Thể chỉ có thể đưa đến những ý niệm về Tính Thể chứ không phải Tính Thể như nó là. Sự nhầm lẫn của triết Đông đưa đến chìm đắm trong cái học thế nào thì triết  Tây phương Hy Lạp cũng thế không có gì khác. Lý do là vì cái gọi là “ Nhận thức thần” mà Trần Cửu Xuyên nói đến đó không phải cái chi khác mà đây chính là Lý Trí. Lấy Lý Trí làm  yêu Tính đó là nền tảng của triết học hy Lạp nói chung và Aristoe ( phỏng năm 384 – 322) ) nói riêng khi ông đưa ra câu định nghĩa ‘ người là con vật có lý trí” ( Animal raisonnable ). Câu định nghĩa này đã chi phối toàn bộ các khoa nhân văn cổ đại trong suốt 25 TK qua. Lý do của sự chi phối này là vì câu định nghĩa ấy đã giải gỡ con người ra khỏi sự kiềm tỏa của thần thoại, coi con người chỉ là cái sản phẩm mơ hồ của thần linh, không có một chút giá trị nhân bản nào. Thế nhưng với câu định nghĩa tưởng rằng sẽ mang lại tính độc lập thoát khỏi thần thánh thì nó lại đẩy con người rút cục chỉ  là một thứ khái niệm  còn mờ mịt hơn. M. Heidegger phê phán câu định nghĩa ấy cách nặng nề “ Nền móng câu định nghĩa đó là thú vật ( Zoologique ). Chính trong khung cảnh của câu định nghĩa  trên mà đã kiến tạo nên quan niệm con người của Âu Tây  tất cả những gì là tâm lý, luân lý tri thức luận, nhân bản. Đã từ lâu  chúng ta bị xiêu bạt trong mớ lộn xộn những ý tưởng và khái niệm mượn từ trong các môn đó là vì cứ sự nó đã đặt nền trên một câu định nghĩa đã sa đọa” ( Kim Định – Nhân Bản ).

        Lấy lý trí để làm yếu tính, điều ấy không thể không đưa con người đến chỗ sa đọa. Lý do là bởi lý trí tự thân nó luôn là sự phân biệt tức là thấy Có Ta, Có Người. Phân biệt Ta, Người – Người, Ta đây là một thứ căn bản vô minh mà Kinh Thánh gọi đích danh nó là Tội Nguyên Tổ “ Giehova ĐCT đem người ở vào cảnh vườn Eden để trồng và giữ vườn. Rồi Giehova ĐCT phán dạy rằng ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến. Vì một mai ngươi ăn chắc là phải chết” ( St 2, 15 -17).

        Để có thể …đọc được Sách Sáng Thế chúng ta cần phải hiểu câu chuyện sa ngã của nguyên tổ nơi Vườn Địa Đàng theo nghĩa biểu tượng. Vườn Địa Đàng ( Eden) tượng trưng cho Tâm Vô Phân Biệt. Adam – Eva là hai nguyên lý âm và dương.Con rắn là Lý trí. Sau khi nghe Eva nói lệnh của Đức Chúa Giehova cấm không được ăn trái cây phân biệt thì rắn nói = Hai người chẳng có chết đâu. Nhưng ĐCT biết rằng hễ ngày nào hai người ăn trái cây đó mắt mình mở ra sẽ như ĐCT biết điều thiện điều ác. Lời cám dỗ của rắn hoàn toàn dối trá nhưng cũng rất mực tinh vi- Đúng là mắt hai người đã mở ra sau khi ăn trái cấm nhưng mở ra để thấy mình lõa lồ “ Đoạn mắt hai người đều mở ra thấy mình trần truồng bèn lấy lá cây vả đóng khố che thân” ( St 3, 7).

        Sau khi ăn trái cấm mắt liền mở ra và mắt mở ra ấy là con  mắt xác thịt của sự phân biệt = Thấy có Ta có  người, thấy có trai có gái, có giàu có nghèo, có tốt có xấu, có tâm có vật ở ngoài tâm, thị phi lành dữ thiện ác v.v…Phân biệt thấy có Ta có người đó là nguyên ủy của  toàn bộ sự dữ ở cõi thế gian này. Chính vì sự phân biệt ấy mà nguyên tổ đã bị đuổi khỏi Địa Đàng để gây nên  hệ lụy cho toàn cõi nhân sinh “ Cho nên như bởi một người mà tội lỗi đã vào thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết và như vậy sự chết đã lan khắp mọi người vì mọi người đều đã phạm tội” ( Rm 5, 12).Tội Nguyên Tổ  như vậy là tội phân biệt  và tội này đem lại cho con người cái chết về phần tâm linh thế nên Đức Ki Tô gọi những người  chết về phần tâm linh ấy là ….người chết “ Ngài phán cùng kẻ khác rằng = Hãy theo Ta. Kẻ ấy nói thưa Chúa xin cho tôi về chôn cất cha tôi trước đã. Nhưng Ngài phán = hãy để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn ngươi hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa” ( Lc 9, 59 – 60).

        Xin về chôn cất cha mình là hành vi cao nhất của đạo làm con, ấy vậy mà cũng không được Chúa cho phép. Chúng ta phải lý giải ra sao về điều này, có phải chăng là Chúa Giesu không biết gì đến đạo lý của việc làm người ? Chẳng những chỉ có một trường hợp này mà còn rất nhiều lần khác Đức Ki Tô cũng có những yêu cầu mà người thế gian khó thể chấp nhận “ Ai yêu mến cha hoặc mẹ hơn ta không đáng cho Ta. Ai yêu mến con trai hoặc con gái hơn Ta cũng không đáng cho Ta…Ai không vác thập giá mình hàng ngày mà theo Ta thì chẳng đáng cho Ta. Ai muốn tìm mạng sống mình thì phải mất. Còn ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì sẽ tìm lại được” ( Mt 10, 37 -39).

        Chúa không hề không cho phép con người không được yêu mến mẹ cha con cái mà chỉ nói không được yêu mến họ hơn Ngài. Tại sao Chúa lại không muốn người ta yêu mến cha mẹ con cái hơn Ngài ? Đó là vì tất cả những tình cảm dù là cao quý đó  đều  là những mối giây ràng buộc khiến  con người không thể bước đi trên con đường giải thoát là đường Sự Thật “ Chúa Giesu nói với những người Do Thái đã tin Ngài rằng = Nếu các ngươi cứ ở trong đạo của Ta thì thật là môn đệ Ta. Các ngươi sẽ biết Sự Thật và Sự Thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 -32). Đức Ki Tô quả thật là Đấng Cứu Độ thế nhưng sự cứu độ ấy chỉ đến với con người khi nó nhận biết Sự Thật. Nói cách khác Chúa không thể cứu khi chúng ta không nhận biết Sự Thật. Vậy Sự Thật đó là gì ? Đây là câu hỏi rất cần có câu trả lời thỏa đáng, nếu không thì con đường Cứu Độ sẽ chẳng bao giờ có thể  nhận ra. Có nhiều cái nhìn  khác nhau về Cứu Độ nhưng đáng kể nhất  cho đến nay vẫn là quan điểm cho rằng Giáo Hội là của người nghèo và vì người nghèo. Cũng bởi cho Giáo Hội là của người nghèo và vì người nghèo  nên Nước Trời đã bị tục hóa thế này “ Vậy Nước Thiên Chúa mà Đức Ki Tô rao giảng không phải là một thực thể ở trên trời nhưng là một tình trạng tương lai ở thế gian khi người nghèo không còn nghèo, người áp bức không còn bị áp bức. Nó được biểu thị bằng một ngôi nhà hay một đô thị có tường thành bao quanh” ( Albert Nolan – Đức Giesu trước khi có Ki Tô giáo).

        Cho rằng Nước Trời là tình trạng tương lai ở thế gian khi người nghèo hết nghèo, người  bị áp bức không còn bị áp bức. Điều ấy có thể nói nó đã…xổ toẹt Kinh Thánh nói chung và con đường Cứu Độ của Đức Ki Tô nói riêng. Tại sao ? Bởi như thế thì làm gì mà có Tội Nguyên Tổ, có Người Nữ đạp giập đầu rắn Sa Tan ( St 3, 15 ). Không có Tội Nguyên Tổ, không có Người Nữ là Đức Nữ Trinh Maria thì Đức Ki Tô cũng chẳng ra đời, cũng chẳng rao giảng Tin Mừng v.v..Tất cả phủ nhận ấy đều phát xuất bởi cùng một nguyên nhân đó là do nơi ảnh hưởng của quan niệm Đấng Tạo Hóa. Với quan niệm Đấng Tạo Hóa thì tất yếu không sao tránh khỏi hậu quả là sự phủ nhận Tin Mừng của Đức Ki Tô về Nước  Trời mầu nhiệm nội tại “ Người Pharisieu hỏi Chúa Giesu về Nước ĐCT chừng nào đến thì Ngài đáp = Nước ĐCT không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng sẽ không nói được = Đây này hay đó kia vì này Nước ĐCT ở trong các ngươi” ( Lc 17, 20 -21).

        Không thể nói đây này đó kia bởi vì Nước Trời siêu việt cả không gian lẫn thời gian. Nước Trời siêu việt  không, thời gian như thế mầu nhiệm thay nó lại…có ngay tại cõi lòng mỗi người. Chính bởi Nước Trời nội tại  mà Đức ki Tô nói = “ Luật pháp và tiên tri đến Gioan là hết. Rồi từ đó Tin Mừng của Nước ĐCT được rao giảng ra và ai nấy đều phải nỗ lực mà vào” ( Lc 16, 16 ).

        Phải nỗ lực mà vào thì vào ở đây chỉ có thể là đi sâu vào bản tâm để nhận biết Nước Trời cũng chính là Sự Thật Con Thiên Chúa ở nơi mình. Nước Trời, Nước Thiên Chúa, Nước Hằng Sống, Nước Thiên Đàng, Chốn Nghỉ Ngơi đời đời v.v..Tất cả  những danh xưng ấy đều là những khái niệm được dùng để ám chỉ cho thực tại Tâm duy nhất cũng là Đấng Cha Vô Phân Biệt “ Các ngươi đã nghe phán rằng = Hãy yêu người thân cận và ghét kẻ thù nghịch. Nhưng ta nói cùng các ngươi hãy yêu kẻ thù nghịch các ngươi và cầu nguyện  cho kẻ bắt bớ các ngươi hầu cho các ngươi  được làm con của Cha các ngươi ở trên trời  bởi vì Ngài khiến mặt trời soi trên kẻ ác cùng người thiện.ưa cho người công chính cùng kẻ bất chính” ( Mt 5, 43 -45).

        Chúa nói những lời trên đây là để dành cho những người chưa được giáo hóa bởi vì họ chỉ có thể  tiếp nhận được những gì ám hợp với tâm thức  là cái tâm  còn chứa đầy sự phân biệt. Đối với  tuyệt đại đa số nhân loại nói chung và người Do Thái nói riêng đều tin tưởng có ĐCT hay Thượng Đế là đấng ngự tít trên chốn cao xanh có thể ban ơn giáng họa cho muôn loài. Sự tin tưởng ấy chẳng những vô hại mà còn giúp họ biết ăn ngay ở lành sống theo các chuẩn mực luân lý ở đời. Tuy nhiên đối với triết/thần học lại khác, người ta không bao giờ chấp nhận đấng Thiên Chúa …ở trên trời bởi như thế nó trái với  lý trí suy luận mà cái gì trái với lý trí theo họ đều là ảo mộng. Bởi cho tôn giáo là ảo mộng nên K. Mác  kết tội tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ đầu độc quần chúng bị áp bức. Cũng bởi phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa  nên J.P. Sartre cho rằng dự phóng căn bản của con người là ước muốn trở thành Thượng Đế  nhưng đó chỉ là ảo mộng điên rồ. !!! Thần học một đàng không chấp nhận Thiên Chúa…đấng ở trên trời. Một đàng lại là duy lý thế nên cũng chẳng có cách chi nhận ra con đường Cứu Độ của Đức Ki Tô là đường đi sâu vào bản tâm.

        Chính bởi đường Cứu Độ là đường vào bản tâm thế nên Chúa nói  những ai muốn vào thì phải đi theo con đường hẹp = “ Hãy vào ngõ hẹp, vì ngõ rộng và đường lớn dẫn đến sự hư mất, kẻ vào đó thì nhiều. Song ngõ hẹp đường chật dẫn đến sự sống, kẻ tìm được thì ít” ( Mt 7, 13 -14). Ngõ hẹp ở đây tức là sự bỏ mình “ Ai muốn theo ta thì phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo” ( Mt 16, 24). Còn ngõ rộng đường lớn có thể diễn ra theo bằng hai lối, một là tìm kiếm sự hưởng thụ giác quan = ăn uống nhậu hẹt chơi bời gái gú, hút chích v.v.Hai là dùng lý trí để suy luận này nọ. Cả hai lối ấy đều dẫn đến sự chết bởi như đã biết nguyên ủy của nó phát xuất từ Tội Nguyên Tổ là tội phân biệt ( biết điều thiện điều ác). Tưởng rằng phân biệt theo sự cám dỗ của rắn Sa Tan sẽ được nên giống Thiên Chúa ai ngờ lại sa vào bẫy sập của quỷ dữ !!!. Người ta cho rằng cần phải lấy Thiện để chống Ác nhưng đâu có ngờ rằng càng chống ác bao nhiêu thì ác càng nhiều  và dữ dằn hơn bấy nhiêu. Chủ nghĩa Mác lấy đấu tranh giai cấp muốn triệt bỏ giai cấp tư bản nhưng rồi hậu quả là cả tư bản lẫn vô sản đều lâm vào con đường dở sống dở chết. Cuối cùng chỉ còn lại có mỗi cái đảng CS với toàn quyền sinh sát trong tay.

        Điều mà chủ nghĩa CS đã gây ra biết bao tai họa cho nhân loại  vì đã đi theo con đường của quỷ là đường phân biệt thì nay trong tôn giáo cũng vậy cũng đã bỏ con đường Cứu Độ của Đức Ki Tô là đường Sự Thật để ra sức xiển dương con đường xây dựng Nước Trời ở nơi trần gian này. Xây dựng Nước Trời trần gian thì nào có cần chi tới đức tin để làm gì ? Một khi đức tin đã  không còn thì ngày Chúa đến thật đã gần như ở trước ngưỡng cửa “ Dẫu vậy khi  Con Người đến há sẽ tìm được đức tin trên mặt đất này chăng ?” ( Mt 18, 8 ).

Trà Cổ – Giáng Sinh 2014

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]