Sự sống đời sau

Rất  khó để trả lời cho câu hỏi có đời sống nào khác sau cái chết của mỗi con người. Tử Cống hỏi Khổng Tử rằng người chết rồi có biết gì nữa không ? Ngài trả lời = Nếu ta nói người chết rồi mà còn biết thì sợ những con cháu hiếu thảo liều chết để theo ông cha. Nếu ta nói người chết rồi mà không biết gì thì sợ con cháu bất hiếu cha mẹ chết  bỏ không chôn. Ngươi muốn biết người chết rồi có biết hay không biết, chuyện đó không phải là chuyện cần kíp ngay bây giờ, rồi sau sẽ biết” ( T.T.Kim – Nho Giáo Quyển thượng ). Câu trả lời có tính lấp lửng của ông Khổng cho ta thấy hai vấn đề. Một là con người chết rồi không biết gì và hai là chết rồi vẫn  còn biết.  Chủ trương chết rồi không còn biết gì là của duy vật. Còn chết rồi vẫn biết là của  duy tâm. Thật ra dù duy vật hay duy tâm, đó chỉ là trên mặt lý thuyết chứ trong thực tế đời sống không ai cho rằng chết rồi là hết, là không còn gì cả. Cứ giả thử như người ta tin thật chết là hết thì chẳng làm gì còn có triết lý  cũng như tôn giáo. Với triết lý thì đó là những câu hỏi được đề ra như  con người sinh bởi đâu, sống trên đời để làm gì, chết đi về đâu v.v… Còn tôn giáo thì tìm cách giải quyết những vấn nạn đó.

Triết, nếu đúng là triết thì phải có cho mình những thắc mắc siêu hình. Đàng này cái gọi là  Chủ Nghĩa Duy vật Biện Chứng  của Mác hoàn toàn không phải là triết mà chỉ là một thứ thuyết lý nhằm biện minh cho mục tiêu đấu tranh chính trị. Chính bởi quan niệm như thế nên Mác  mới  có một câu nói được  coi là phương châm hành động thế này = từ trước tới giờ các triết gia chỉ tìm cách giải thích thế giới thế này thế khác. Trong khi vấn đề chính là ở chỗ  cần phải thay đổi nó. Ai cũng rõ chủ nghĩa Mác và những người theo nó đã thay đổi bộ mặt thế giới đến mức tệ hại  ra sao. Thế nhưng thật oái oăm, điều mà những người  tự nhận duy vật ấy trước đây đã ra công ra sức phủ nhận đời sau thì nay chính họ lại mặc sức tuyên truyền cổ xúy cho cái niềm tin bệnh hoạn được cho là…ngoại cảm ấy.

Phan Thị Bích Hằng là một trong số những nhà ngoại cảm thành công nhất trong việc tìm mộ liệt sĩ và đương nhiên là có khả năng giao tiếp cõi âm “ Theo lịch trình, đoàn chúng tôi vào Hà Tĩnh ngày 12.12.2008 sau khi dâng hương xin phép tại nhà thờ đại tộc ở Tùng Lộc, Cam Lộc đoàn công tác đến nhà thờ tổ họ Hà Huy ở xã cẩm Hưng, Cẩm Xuyên. Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đặt tấm ảnh bác Hà Huy Tập lên án thờ rồi khẩn nguyện sau đó mô tả lại = Người đầu tiên về là cụ Phẩm, cụ nói = Việc chuẩn bị sắm lễ ở nhà thờ sơ sài quá. Cụ phẩy tay một cái rồi đi ngay.

–         Các nhà hoạt động cùng thời với bác Hà Huy Tập hôm nay cũng về, trong đó chỉ thiếu bác Nguyễn văn Cừ.

–         Cụ Tường, thân sinh ra bác Tập thường xuyên đứng sát bác Tập để động viên bác Tập nên chỉ mồ mả để cho thế hệ con cháu rước về với tiên tổ.

–         Bác Hà Huy Tập nói = bác nằm ở 18 Thôn Vườn Trầu đã bao nhiêu năm cùng đồng đội nên hiện nay bác đã coi vùng đất đó gần gũi như quê hương Cẩm Hưng, Cẩm Xuyên rồi. Vì vậy các con đừng tìm kiếm làm gì nữa.

–         Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng thuyết phục bác và mong ước được tìm để được hài cốt của bác về quê hương thì sau đó bác Hà huy Tập chỉ nói = Việc này để bác về họp Chi Bộ xem đã rồi bác sẽ trả lời sau” (Nguồn vanhoanghean.Com – Cuộc tìm kiếm mộ cố TBT hà Huy Tập – 03.10.2010).

Qua cuộc tiếp xúc cho thấy các nhân vật (vong hồn) chẳng những vẫn có  cuộc sống sinh động (nói năng, đi lại, vui buồn thể hiện qua cử chỉ nét mặt) mà còn có cả tổ chức y như khi còn sống (họp chi bộ). Hà Huy Tập một trong những TBT đầu tiên của  đảng CS cùng với  Nguyễn văn Cừ,  Võ văn Tần và Nguyễn Thị Minh Khai đã bị Pháp bắt và xử bắn tại Hóc Môn (Mười tám thôn Vườn Trầu) cách nay đã hơn sáu mươi năm và trong suốt ngần ấy năm  vẫn cứ gặp gỡ chuyện trò và họp chi bộ đảng với nhau y như khi còn sống. Câu chuyện tìm hài cốt liệt sĩ của Bích Hằng cũng như nhiều nhà …ngoại cảm khác đã bị đài truyền hình quốc gia VTV trong một phóng sự nhiều tập của nhà báo Thu Uyên “ Lật Mặt “cho rằng thực chất đó chỉ là lừa đảo “ Thực sự mà nói trong mười năm qua nếu như không có một số kẻ lừa đảo đội lốt tâm linh thì đời sống của nhiều người trong chúng ta đã không đến nỗi mờ mịt thế này. Không phải chúng ta đang đi theo một quy trình ngược của lòng tin sao ? Ban đầu là tin vào con người và những điều tốt đẹp rồi giờ là đi tin cách mơ hồ sợ hãi trong khi lẽ ra phải là ngược lại” (Nguồn tienphong online 29.10.2013).

Sự mờ mịt của nhiều người mà nhà báo Thu Uyên nói tới  đây chẳng phải ai khác mà đó chính là thân nhân của những liệt sĩ. Sau sự phát giác đáng kinh tởm đó, người ta không biết trên bàn thờ tiên tổ nhà mình có phải là xương cốt của con của bố hay chỉ là xương lợn xương bò ? Trong một vụ tìm kiếm khác lần này ( 2008 ) là  thủ cấp tướng Phùng Chí Kiên cũng do Phan Thị Bích Hằng chủ trì  và bằng phương pháp phân tích ADN  người ta phát giác ra đó chỉ là mấy mảnh đá sỏi và một cái…nanh heo rừng !!!

Xương của người hay của lợn đối với người duy vật vô thần nào có chi quan trọng. Thế nhưng lừa bịp thân nhân liệt sĩ khiến người ta mất bao công sức tiền bạc để đem về thờ mấy cái xương súc vật thì thật là táng tận lương tâm. Không có gì khổ tâm cho bằng biết mình bị lừa cái vố đau như thế mà không biết làm gì. Chẳng nhẽ lại vứt mấy cái xương ấy đi, nhưng nếu vứt thì quả thật cũng là vứt đi niềm tin của mình. Con người sống không thể không có niềm tin kể cả niềm tin vu vơ nhảm nhí. Có tin rằng những thân nhân ông bà cha mẹ vợ con tuy rằng đã chết nhưng vẫn còn tồn tại ở một nơi nào đó thì mới giỗ chạp cúng vái tưởng nhớ. Có tin rằng họ chết nhưng vẫn còn có những nhu cầu như khi sống  thì mới đốt vàng mã nào là nhà cửa, tiền bạc xe cộ kể cả quân hầu đầy tớ cho họ được danh giá thỏa mãn. V.v…?

Tin rằng người chết vẫn có cuộc sống tình cảm cũng như nhu cầu cho xác thân = cơm ăn áo mặc nhà cửa v.v…là điều lý trí không sao có thể chấp nhận. Thế nhưng nếu không tin và cho rằng chết là hết thì điều đó lại đưa đến sự phủ nhận yếu tính ở nơi con người. Yếu tính là cái không thể phủ nhận thế nhưng người ta  đã chối bỏ nó bằng hai cách = một cho rằng người là con vật có lý trí ( l” homme raisonnable ) và hai cho người  chính là xác thân ( je suis mon corps ). Cả hai câu định nghĩa người là con vật có lý trí cũng như là xác thân đều đưa đến việc phủ nhận không có sự sống đời sau hay nói cách khác chết là hết…

Vấn đề  Sự Sống Đời Sau đã được Thánh Phao Lô nhiều lần nêu ra và đã bị người Hy Lạp cười nhạo “ Khi chúng nghe đến sự sống lại của kẻ chết, người thì diễu cợt, kẻ thì mỉa mai = Thôi  để lúc khác chúng ta sẽ nghe ngươi nói về việc đó nhé” ( Cv 17, 32 ). Làm sao không  cười khi nghe nói người chết sống lại một khi đã chấp cho rằng người là  thân xác. Là  xác thịt thì phải thối rữa, phải tan hoại đi chứ làm gì có thể có sự sống đời sau được ?

Chấp xác thân là mình đó là nỗi mê có tính nguyên thủy của con người. Đức Kitô xuống thế mục đích là để phá bỏ cái chấp ấy bằng cách rao giảng sự thật Con Thiên Chúa ở nơi mỗi người “ Nếu các ngươi cứ ở trong đạo của Ta thì thật là môn đệ của Ta. Các ngươi sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 -32). Chúa đến để đem lại sự thật nhưng sự thật ấy lại chẳng có ở đâu khác ngoài mình. Bởi đó cho nên tất  cả mọi tư tưởng lời nói việc làm đều phải quay vào bên trong với tâm vô phân biệt = Yêu người thì đừng phân biệt kẻ thân người thù. Bố thí thì đừng cho tay tả biết việc tay hữu làm. Cầu nguyện thì phải quay vào với Đấng Cha ở bên trong mà cầu ( Mt 6, 3 -6). Từ trong yếu tính mỗi người đều là Con Thiên Chúa nhưng bởi mê nên đã quên. Hiểu như vậy thì sống tôn giáo chẳng qua chỉ là cái việc nhớ lại cái mà mình đã quên tức phẩm giá Con Thiên Chúa ở nơi mình “ Hiện nay chúng ta là con cái Thiên Chúa. Còn chúng ta sẽ ra thể nào thì chưa được tỏ ra. Song chúng ta biết rằng khi Ngài hiện ra thì chúng ta sẽ giống như Ngài vì sẽ thấy Ngài như Ngài vốn thật là vậy” ( 1Ga 3, 2)./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment