- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Sống tinh thần Mùa Chay

Chúng ta đã vào Mùa Chay. Cũng như mọi năm, Mùa Chay bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro và kéo dài trong 40 ngày. 40 ngày này nhằm chuẩn bị cho chúng ta sống mầu nhiệm Cuộc Thương khó của Chúa Giêsu, đón nhận Cái Chết và mừng ngày Phục sinh của Người.

Ngoài ra, Mủa Chay còn nhắc cho chúng ta thời gian 40 đêm ngày Chúa ăn chay cầu nguyện, trước khi công khai ra truyền đạo, để mặc khải cho nhân lọai sứ mệnh cứu nhân độ thế của Người. Trong Mùa Chay, Hội Thánh muốn đón nhận sứ điệp cứu độ với một tấm lòng quảng đại đặc biệt. Vì thế, Hội Thánh rất chú ý lắng nghe những lời của Chúa Kitô loan báo Nước Thiên Chúa. Lời nói cuối cùng của Người chính là cái chết trên cây thập tự để làm lễ giao hoà chúng ta với Thiên Chúa.

Vậy có 3 ý tưởng chính cho chúng ta suy nghĩ và đem ra thực hành trong Mùa Chay.

1. Thánh giá

Trong Mùa Chay, mọi người chúng ta phải chú ý đặc biệt nhìn lên Thánh giá để tìm hiểu thêm ý nghĩa hùng hồn mà Thánh giá muốn nói với chúng ta. Khi nhìn lên Thánh giá, chúng ta không chỉ nhớ lại những biến cố đã xảy ra cách đây hơn 2.000 năm mà còn đón nhận một bài học gửi cho thời đại chúng ta, cho người ngày nay vì “Đức Kitô hôm qua cũng như hôm nay và muôn đời vẫn là một” (Dt 13,8). Thánh giá của Người là một lời kêu mời mạnh mẽ thúc giục chúng ta ăn năn hối cải và thay đổi đời sống, vì chính Người đã bằng lòng chịu chết treo trên cây thập tự để cứu chuộc chúng ta, để biến đổi chúng ta từ tình trạng là những kẻ thù nghịch với Thiên Chúa trở nên con cái và thừa hưởng gia nghiệp muôn đời. Cho nên, chúng ta phải coi lời kêu gọi này là gửi đến cho mỗi người và mọi người nhân dịp Mùa Chay. Nói khác đi, sống Mùa Chay có nghĩa là nhờ Chúa Giêsu mà thay đổi đời sống và quy hướng về Thiên Chúa.

2. Cầu nguyện

Ý tưởng thứ hai là cầu nguyện. Trong Tin Mừng, rất nhiều lần Đức Giêsu nói đến cầu nguyện và gắn liền cầu nguyện với thay đổi đời sống. Phải cầu nguyện, tiếp xúc với Thiên Chúa mới mong thay đổi được đời sống, vì nhờ cầu nguyện, con người chúng ta được lay động thức tỉnh, do đấy nhìn ra những điều cần phải thay đổi trong đời sống của mình mà ăn năn hối cải. Trong Mùa Chay, chúng ta phải cầu nguyện, cố gắng cầu nguyện, tìm ra thời giờ và những nơi để cầu nguyện. Cầu nguyện đưa chúng ta ra khỏi thái độ dửng dưng và làm cho chúng ta nhậy cảm với những điều có liên quan đến Chúa và các linh hồn. Cầu nguyện cũng giáo dục lương tâm chúng ta và Mùa Chay rất thích hợp cho công việc này. Trong Mùa Chay, Hội Thánh nhắc bảo chúng ta phải xưng tội để lương tâm được trong sạch mà sống Mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Kitô, không phải trong phụng vụ mà thôi nhưng trong cả tâm hồn nữa.

3. Ăn chay, chia sẻ

Làm phúc, chia sẻ và ăn chay là những phương thế liên hệ mật thiết với nhau để giúp chúng ta ăn năn hối cải. Ăn chay không chỉ có nghĩa là bớt ăn hay không ăn mà còn có nghĩa là thắng mình, là đòi hỏi với chính mình, sẵn sàng từ chối ăn uống và chấp nhận hy sinh những vui thích. Và làm phúc có nghĩa là chia sẻ vui buồn với người khác, giúp đỡ người khác, nhất là những ai lâm cảnh thiếu thốn, chia sẻ cho họ không chỉ của cải vật chất mà còn cả tinh thần nữa. Chính vì thế, chúng ta phải tỏ ra cởi mở đối với người khác, biết nhận ra những nhu cầu của họ và cảm thông những nỗi đau buồn của họ, đồng thời tìm cách đáp ứng những nhu cầu đó và làm cho những nỗi đau thương của họ vơi nhẹ đi.

Như vậy, cầu nguyện để kết hợp với Thiên Chúa đồng thời cũng hướng chúng ta tới tha nhân. Khi chúng ta đòi hỏi đối với bản thân và quảng đại đối với tha nhân, nhất là đối với những ai đau khỗ và thiếu thốn là chúng ta sống kết hợp với Chúa Kitô chịu đau khổ và bị đóng đinh vì Người tự đồng hoá với họ như Người nói: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đã hỏi han.” (Mt 25,35-36).

Trong Mùa Chay, chúng ta thường nghe đọc: “Đây là lúc Chúa thi ân, đây là ngày Chúa cứu độ.” Vậy, chúng ta hãy tận dụng thời gian này vì là thời thuận tiện và là thời Chúa ban ơn để chúng ta sám hối và tin vào tin Mừng như Chúa dạy: “Thời kỳ đã mãn và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào tin Mừng.” (Mc 1,15).

Lm. Anrê Đỗ xuân Quế, OP

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]