Sống gửi thác về

          Triết học có ba nan đề cho đến nay vẫn không thể giải quyết. Một là con người bởi đâu sinh ra. Hai là sống trên đời để làm gì và ba là chết rồi đi đâu ?  Thật  ra  trong ba vấn nạn ấy chỉ có  vấn nạn con người sinh bởi đâu mới quan trọng  vì chưng nếu biết sinh bởi đâu  thì sẽ biết chết đi đâu. Một khi đã biết sinh bởi đâu chết đi đâu  thì ắt sẽ biết sống trên đời để làm gì.

Sự thất bại của cả triết  và thần học  trong việc giải quyết vấn đề sinh và tử ấy  tất  nhiên  phải  có cái nguyên nhân của nó vậy nguyên nhân đó là gì ? Câu trả lời quả thật không khó, thế nhưng lại không dễ để mà chấp nhận. Sở dĩ  triết/ thần học từ bấy lâu nay không thể giải quyết  đó là vì đã bị khống chế bởi quan niệm Đấng Tạo Hóa. Một khi quan niệm Đấng Tạo Hóa đã được đặt ra thì cả triết lẫn thần học đều  bị cuốn hút vào đó để rồi đưa đến hai thái cực. Một bên thì ra sức  chứng minh cho sự hiện hữu của Thiên Chúa như là Đấng Tạo Hóa. Một bên thì quyết liệt phản bác sự…hiện hữu ấy cho đó chỉ là một thứ dự phóng đam mê cần phải …giết chết  để con người được sống ( F. Nietzche ).

Bị  cuốn hút vào quan niệm Đấng Tạo Hóa thế nên thay vì hỏi con người bởi đâu sinh ra thì lại muốn biết về cái căn nguyên sinh thành vũ trụ. Giả thử như khoa học có thể biết được cái căn nguyên sinh thành ấy đi nữa thì đó cũng chỉ là một thứ tri thức vô bổ chẳng mảy may  quan hệ đến cuộc nhân sinh tức chẳng giải quyết được gì vấn đề khổ đau của con người.

Tất cả nguyên  nhân gây khổ đau cho con người là do bởi vô minh che lấp chân  tính. Một khi chân bản tính bị che lấp  thì con người ngụp lặn trong tội mà không biết đó là tội. Không biết tội để rồi mãi sống trong tội thì sẽ  không  sao tránh  khỏi đưa đến cái chết về phần tâm linh “  Tư dục đã hoài thai thì sanh ra tội lỗi, tội lỗi đã lớn lên thì sản sinh sự chết” ( Gc 1, 15 ).

Tội lỗi khiến con người  không biết mình sinh ra là Hình Ảnh Thiên Chúa là Con Thiên Chúa ( St 1, 26 ). Tuy mang danh phận Con Chúa nhưng lại không nhận biết Thiên Chúa Đấng là Cha mình. Cũng chỉ vì không nhận biết  danh phận Con Chúa ấy nên con người mới chấp cho cái xác thân hữu hạn này là mình. Đang khi ấy  xác thân xét ra chỉ là cái túi chứa khổ. Khổ vì đói rét ốm đau khổ vì môi trường mưa nắng lụt lội bão tố.

Mặt khác cũng bởi không nhận biết danh phận Con Chúa thế nên con  người mới sợ chết  và cứ muốn sống mãi ở cõi  gian trần này. Chết là quy luật của đời sống hễ có sống thì phải có chết có hợp thì phải có tan. Xác thân là do các duyên hợp lại thì đến khi các duyên không còn hợp nữa thì phải rã  phải tan có gì phải lo ? Người ta  vẫn nói chết  đồng nghĩa với mất và cái sự mất đi ấy  chỉ là sự tan rã của các duyên nào có quan hệ  chi đến  phẩm giá  mình là Con Chúa ?

Đã có sống thì phải có chết nhưng cái phải chết ấy chỉ là phần vật chất xác thân. Tuy nhiên còn có một sự sống không bao giờ…mất đó là Sự Sống Đời Đời. Trước khi nộp mình chịu chết Chúa Giê Su đã tha thiết dâng lên Chúa Cha lời khẩn nguyện “ Cha ơi ! Giờ đã đến xin tôn vinh Con hầu cho Con tôn vinh Cha cũng như Cha ban cho Con quyền bính trên mọi xác thịt hầu hễ ai Cha đã ban cho Con  thì Con sẽ ban cho họ Sự Sống Đời Đời. Còn Sự Sống Đời Đời  là nhận biết Cha  tức là Chân Thần duy nhất  cùng Giê Su Ki Tô mà Cha đã sai đến” ( Ga 17, 1 -3 ).

Chúa nói ban cho Sự Sống Đời Đời có nghĩa cần phải nhờ đến mạc khải của Ngài chúng ta mới có thể nhận biết Thiên Chúa là Cha mình “ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và người Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22 ). Biết Cha ở đây hoàn toàn không phải là tri thức về Thiên Chúa như của Thần học. Thần học chỉ có thể đưa đến  cho ta  một khái niệm nào đó về Thiên Chúa chứ không phải thực tại Thiên Chúa như Ngài là. Lầm khái niệm với thực tại đó là sai lầm mang tính chí tử của Thần học suốt bao thế kỷ nay và cũng do nơi sai lầm ấy người ta đã không thể nhận ra cội nguồn Con Thiên Chúa được sinh ra ở nơi mỗi người.

Nhờ Đức Ki Tô để nhận biết  phẩm giá Con Thiên Chúa và cũng chính sự nhận biết ấy sẽ đem lại cho chúng ta Sự Sống Đời Đời. Tin nơi mạc khải của Đức Ki Tô chúng ta bước đi theo Ngài hầu trở về Nhà Cha là nơi chỉ vì u mê mà mình đã bỏ ra đi. Bỏ nhà cha mình ra đi, hết thảy chúng ta đều như đứa con hoang trong dụ ngôn “ Người con hoang đàng” nó chỉ tỉnh ngộ khi nhận ra tình cảnh khốn khổ của mình “ Khi tỉnh ngộ nó bèn nói rằng: Biết bao người làm thuê cho cha ta còn được bánh ăn no nê dư dật mà ta đây lại phải chết đói. Ta sẽ đứng dậy trở về cùng cha mà thưa rằng: Cha ơi ! Con đã lỗi phạm với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con của cha nữa xin đãi con như đứa làm thuê cho cha vậy” ( Lc 15, 17 -18 ).

Cái hành vi….đứng dậy  của người con hoang đàng ấy cũng phải là của mỗi người chúng ta những người đã quyết tâm theo Chúa. Thế nhưng để có được cái quyết tâm ấy thì trước hết cần phải nhận ra cõi sống thế gian chỉ là cõi  phù vân giả tạm. Chúng ta sống ở nơi này chỉ trong một thời gian nào đó thôi rồi cũng phải ra đi phải chết. Tuy rằng có chết đấy nhưng đó không phải là hết chẳng còn gì nữa nhưng là để trở về  với Thiên Chúa Đấng là Cha mình. Con  người  sống  là sống trong cõi tạm để  rồi trở về đó là ý nghĩa của câu ngạn ngữ “ Sinh ký  tử quy”, sống chỉ là gửi còn chết mới là về..

Vấn đề đặt ra cho nhân loại đông tây kim cổ chính là ở cái chữ “ Về” này đây. Đức Khổng tuy không cho chết là hết nhưng chủ trương bất tri “ Vị tri sinh an tri tử” ( Chưa biết  được việc sống  thì biết thế nào việc chết – Luận Ngữ ). Về phần Lão Tử thì ông  không cho chết là còn hay mất nhưng nói sự trở về “ Phản giả Đạo chi động. Nhược giả Đạo chi dụng” ( Trở lại là cái động của Đạo yếu mềm là cái dụng của Đạo – ĐĐK chương 40 ). Phản hay phản phục nghĩa của nó là phục hồi lại cái bản tính nguyên sơ của con người. Sự phục hồi ấy cần thực hiện trong tinh thần vô vi, làm mà như không làm. Con đường vô vi của Lão Tử đúng là minh triết đấy thế nhưng vì quá cao siêu nên không thể đi vào cuộc  sống

Để đi vào cuộc sống  thì duy chỉ có con đường tâm linh tôn giáo và Đạo Chúa đã giải quyết vấn đề khổ đau  ấy bằng con đường Tình yêu “ Ngày nay Ta bắt trời và đất làm chứng cho ngươi rằng Ta đã đặt trước mặt ngươi sự sống và sự chết, sự phước lành và sự rủa sả. Vậy hãy chọn sự sống hầu cho ngươi và dòng dõi ngươi được sống. Hãy thương mến Giehova ĐCT ngươi vâng theo tiếng phán của Ngài và trìu mến Ngài vì Ngài là sự sống ngươi và làm cho ngươi được sống lâu dài  đặng ngươi được ở trên ĐẤT  mà Đức Giehova đã thề hứa ban cho tổ phụ ngươi là Apraham, Isaac và Giacop” ( Đnl 30. 19 -20 ).

Có hai con đường để con người chọn lựa một  đưa đến sự chết cùng với sự chúc dữ và một đưa đến sự sống cùng với sự  ban  phúc lành. Người có đạo tất nhiên phải chọn con đường Tình Yêu để được sống và con đường Tình  Yêu ấy chính là yêu thương Đấng Chúa ở nơi mình. Để ý sẽ thấy trong Kinh Thánh nhất là phần Cựu Ước khi nói về Thiên Chúa bao giờ cũng có kèm theo chữ “ Ngươi” nghĩa là Thiên Chúa của ngươi hoặc ở trong ngươi. Chúng ta chỉ có thể yêu  mến Thiên Chúa và vâng nghe Tiếng  Chúa ở trong chính mình,  làm sao có thể khác  được ?

Yêu mến và vâng nghe Tiếng Chúa ở nơi mình, đây chính là cốt tủy của Con Đường Tình Yêu. Đức Ki Tô từ trời xuống thế  cũng không ngoài mục đích  nào khác là để chỉ cho chúng ta Con Đường Tình yêu ấy “ Điều răn của Ta đây này: các ngươi hãy yêu thương lẫn nhau cũng như Ta đã yêu thương các ngươi. Chẳng ai có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà bỏ đi mạng sống mình. Ví thử các ngươi làm theo điều ta truyền cho thì các ngươi là bạn hữu của Ta. Ta chẳng còn gọi các ngươi là tôi tớ nữa vì tôi tớ chẳng biết việc chủ làm. Nhưng Ta gọi các ngươi là bạn hữu vì Ta từng tỏ cho các ngươi mọi điều Ta đã nghe biết ở nơi Cha ta” ( ga 15, 12 -16 ).

Lý do khiến được trở nên bạn hữu là vì Chúa đã tỏ cho  chúng ta  được biết những gì Ngài đã nghe được  ở nơi Cha Ngài. Đến phần mình chúng ta cũng phải  làm sao…nghe được Tiếng Chúa thì mới  xứng được gọi là  Ki Tô Hữu tức  nên bạn hữu  của Đức Ki Tô. Nghe và thực thi Tiếng Chúa  đó là chúng ta đang dấn bước trên con đường Tình yêu để về Nhà Cha là cõi hằng sống đời đời.

Để có thể bước đi trên  Con Đường Tình yêu về với Cha thì phải từ bỏ có nghĩa không được dính bén mọi sự thế gian “ Chớ yêu thương thế gian cũng đừng thương yêu các vật  ở thế gian nữa. Nếu ai thương yêu thế gian thì tình thương yêu Cha chẳng có ở trong người ấy vì mọi sự trong thế gian như tư dục của xác thịt tư dục của mắt và sự kiêu căng của đời sống này  đều chẳng phải từ Cha bèn là từ thế gian mà ra. Vả thế gian với tư dục của nó đều qua đi song ai làm theo ý chỉ của ĐCT thì tôn tại đời đời” ( 1Ga 2, 15 -17 ).

Thế gian cùng với tư dục của nó đều đang qua đi một cách đáng sợ. Thật vậy chưa bao giờ nhân loại lại đã gặp phải những tai ương khốn khổ như bây giờ nào môi trường ô nhiễm nặng nề nào chiến tranh dịch bệnh  tràn lan nào thiên tai động đất núi lở sóng thần  diễn ra dồn dập ngày càng đe dọa nhân loại  đưa  tới diệt vong.

Những tai họa ấy là điềm báo trước cho Ngày Của Chúa đã gần thật như  đang ở ngưỡng cửa. Có hai điềm báo rõ nhất  ngày càng lộ rõ đó là sự xuất hiện của các tiên tri giả và tình thương yêu của con người  đang  giảm dần cho tới khi tắt hẳn “ Nhiều tiên tri giả sẽ dấy lên và lừa dối lắm kẻ. Lại vì cớ sự gian ác thêm nhiều nên tình thương yêu của phần đông sẽ nguội dần. Song ai bền đỗ đến cùng thì người ấy sẽ được cứu” ( Mt 27, 11 -13 ).

 

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts