- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Rừng là nhà

Trong mối tương quan với các dân tộc thiểu số tại Việt Nam, đặc biệt là các dân tộc miền cao nguyên, nghiên cứu và kinh nghiệm cho chúng ta một sự thật, đó là họ gắn với nùi rừng, hay có thể nói rừng là nhà của họ. một cảm giác mà bất cứ ai thuộc các sắc tộc miền cao đều có khi về thành phố, đó là cảm giác nhớ rừng.

Trong chương trình giúp cho một số thanh thiếu niên người dân tộc miền núi về trọ học ở Sàigòn, người quản lý chương trình cố gắng lo cho các em tập sống văn minh, những thói quen vệ sinh thường thức và những phương tiện có phần tiện nghi ở thành phố, tuy nhiên, chương trình thường vấp phải nhiều trở ngại, một số các em không thể thich nghi với cuộc sống thành phố, nếu có em nào cố gắng thich nghi để tạm sống thì những chuyến trở về nhà dù ngắn ngủi vài ngày nghỉ cũng đủ để lột xác các em về lại nguyên trạng, các em thích lang thang trong rừng kiếm củi, bắt chim, hái trái cây rừng, hơn là giam mình vào trong bốn bức tường làm việc sạch sẽ và phòng ngủ ngăn nắp. Một mái đầu với tóc quăn tít cháy nắng khi trở lại thành phố khác hẳn với cái đầu tóc gội bằng sữa gội đầu của dân “kẻ chợ”.

Trong một số các cuộc hội thảo trước đây của những vị có trách nhiệm đào tạo, khi suy tư về việc đào tạo hàng Giáo Sĩ người bản xứ, một câu hỏi được đặt ra để nghiên cứu: phải chăng đã đến lúc chúng ta không nên ép các chủng sinh người thiểu số tham dự vào các chương trình đào tạo có phần phương Tây mà chúng ta đang áp dụng, phải chăng đã đến lúc chúng ta cần phải có một Chủng Viện để đào tạo Giáo Sĩ người bản xứ giữa núi rừng, và một chương trình theo đặc tính và văn hóa của họ. Vì kéo họ ra khỏi núi rừng là kéo họ ra khỏi nhà, khoác cho họ một không gian không có hồn của họ.

Cái hồn là cái quan trọng, người ta đã thử nghiệm, một thành phố được xây dựng thông minh và tiện ghi đến mấy, cũng vẫn không thu hút được người dân đến cư ngụ, nếu thành phố đó không có cái hồn của một quá trình khai hoang lập làng. Cái mà người Việt tinh tế gọi là “nhà” trong nỗi nhớ nhà.

Kể từ khi thiết lập, những thế kỷ đầu của kỷ nguyên Kitô Giáo, Đan Viện luôn ẩn mình trong các khu rừng, một vùng đất rộng lớn đến độ có nhiều làng mạc của người dân đến định cư, vây quanh Đan Viện, lui tới làm việc trong Đan Viện và hưởng những ơn ích thiêng liêng cũng như vật chất của Đan Viện. Đời sống Đan Tu gắn liền với việc cầu nguyện và lao động, họ chìm đắm trong cầu nguyện, bầu khí tĩnh mịch của thiên nhiên, họ chăm chỉ lao động và cầu nguyện ngay trong khi lao động. Họ chiêm ngắm Chúa trong thiên nhiên, trong cây cỏ, trong sự trong xanh của bầu trời, trong sự mênh mang của đất đai.

Sau năm 54 ở miền Bắc và sau 75 ở miền Nam, Nhà Nước tước đoạt rất nhiều nhà cửa và đất đai của các Dòng Tu, nhân danh quyền sở hữu thuộc về toàn dân nhưng dần dần các nhà cửa đất đai đó rơi vào tay các đại gia đỏ, họ tha hồ vơ vét, kinh doanh làm giàu trên đồng vốn là đất đai nhà cửa của các Dòng Tu, thực tế ngày một lộ ra những nhân vật tham nhũng nặng nề, phá hoại tài nguyên của đất nước, tài sản của nhân dân, trong đó các Dòng Tu bị thiệt hại nhiều nhất, thật bất công…

Câu chuyện ở Thiên An, Huế, không khác gì những câu chuyện ở các Dòng Tu khác, 107ha đất rừng thông đã là một “miếng mỡ” mà quan chức cán bộ thèm thuồng khi cơn sốt đất được đẩy lên cao ngất ngưởng. Nhưng bức thư trả lời nhà cầm quyền ở Huế của các Đan Sĩ trong Đan Viện đã đưa câu chuyện Thiên An sang một hướng khác (Thư ngày 31.12.2017), kế hoạch nuốt trọn đất đai Đan Viện Thiên An trở thành khúc xương khó nuốt cho họ.

Từ lâu, lợi dụng lòng chân thành, cả tin, sự nhu mì và tính đơn sơ của các nhà tu, họ thường gây chia rẽ nội bộ, đem miếng mồi ngon để dỗ dành, là cho phép được làm điều này, tạo sự dễ dãi cho điều kia, đánh thẳng vào lòng yêu thương mục tử mà nhử cho phép làm mục vụ cái nọ cái kia. Họ tung hỏa mù dọa nạt đủ thứ, rồi cũng đã dùng đến cả thủ đoạn “nắm xôi” đầy hứa hẹn cho các “chú Bờm” tham quyền hám lợi. Như sách Khải Huyền đã tiên báo, đã có những chiến thắng hả hê của “con rồng” trước sự nhượng bộ của những ai cả tin nhẹ dạ, cuối cùng đã mất hết tất cả trước lòng tham không đáy và sự xảo quyệt tinh vi của thế gian.

Tuy nhiên, ngược hẳn lại, cũng vẫn có không ít thành công của những tập thể biết khôn ngoan, kiên nhẫn, đoàn kết và hợp nhất với nhau, lấy quyền lợi của Hội Thánh làm ưu tiên và lấy tình huynh đệ làm chuẩn mực, lấy sự thật làm mục đích, lấy công bằng và yêu thương làm khí giới. Bức thư hồi đáp ngày 31.12.2017 của các Đan Sĩ tại Thiên An cho Nhà Nước ở Huế là một thí dụ diển hình cho nhận định vừa nêu trên.

Kinh Thánh đã cho thấy “con rồng” sẽ không tha chúng ta, “một phần ba tinh tú trên trời” sẽ bị nó cuốn xuống đất, nhưng cái thời của nó chỉ là… “một thời và nửa thời”, chỉ có Thiên Chúa là bền vững mà thôi, chỉ có Chân Lý là vĩnh cửu, Chúa Giêsu bước vào trần gian để làm chứng cho Sự Thật, theo Chúa là sống chết với Sự Thật là vậy. Thế gian đừng lầm tưởng rằng dễ mê hoặc được “người của Chúa”.

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 5.1.2018, theo Ephata 779

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]