Phục Sinh – hôm qua, hôm nay và mãi mãi!

Khi Phục Sinh sắp đến, tôi suy ngẫm về sự sống lại của Chúa Giêsu cũng như tầm quan trọng của sự Phục sinh. Sự sống lại của Chúa Giêsu có ý nghĩa thế nào đối với những môn đệ thời bấy giờ – tất cả những người đã tin vào Ngài trong suốt thời gian Ngài sống trên thế gian? Và sự sống lại của Ngài có ý nghĩa gì đối với chúng ta ngày hôm nay?

Cho đến khi Chúa Giêsu ăn buổi ăn mừng Lễ Vượt Qua cuối cùng với các một đệ của Ngài, chỉ một giờ trước khi Ngài bị bắt, bị xét xử và rồi bị giết, các môn đệ của Ngài đã hiểu rằng Chúa Giêsu chính là Đấng Mêsia được nói đến trong Thánh Kinh (Cựu Ước). Tuy nhiên, sự hiểu biết của họ về sứ mệnh Mêsia của Ngài khác với sự hiểu biết của chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta nhìn Chúa Giêsu từ sự hiểu biết rằng Ngài chính là Con Thiên Chúa, ngôi thứ hai trong Ba Ngôi, rằng Ngài đã chết cho tội lỗi của chúng ta, đã gánh lấy hình phạt thông qua cái chết trên thập giá và rằng Ngài đã sống lại từ cõi chết.

Ngay Buổi Tiệc Ly, Chúa Giêsu vẫn chưa chết và vẫn chưa trỗi dậy từ cõi chết, và sự hiểu biết của các môn đệ về Chúa Giêsu chính là Đấng Mêsia dựa vào những lời trong Sách Thánh và những lời tiên báo của Ngài.

Những người Do Thái vào thế kỷ thứ nhất tin và trông chờ rằng Thiên Chúa sẽ gửi Đấng Mêsia, như đã được nói đến trong xuyên suốt Sách Thánh. Dựa vào sự giải thích của họ về Sách Thánh, Đấng Mêsia, Đấng được xức dầu, sẽ là Vua của Israel. Vị Vua này sẽ chiến thắng tuyệt đối những kẻ đang đàn áp dân Do Thái – đế quốc Rôma đang nắm quyền vào thời Chúa Giêsu – và sẽ mang đến sự hoà bình và công lý thật sự trên toàn cõi đất. Sự trông chờ vị vua sẽ giải phóng dân tộc Israel khỏi sự đàn áp và cai trị bởi những vương quốc khác nhau mà họ đã phải chịu đựng suốt nhiều thế kỷ.

Sự hiểu biết của những môn đệ về Chúa Giêsu chính là Đấng Mêsia cho đến cái chết của Ngài vẫn chỉ dựa vào lời giải thích này. Họ trông đợi Chúa Giêsu sẽ trở thành vua của Israel. Đây chính là ý nghĩ phía sau lời thỉnh cầu của hai anh em Giacôbê và Gioan (con ông Giêbêđê) được ngồi bên tả và bên hữu của Chúa Giêsu một khi Ngài nắm quyền. Nói cách khác, họ muốn có được vị trí nổi bật khi Ngài cai trị Israel.

Hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan đến gần Đức Giêsu và nói: “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây.” Người hỏi: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?” Các ông thưa: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.” Đức Giêsu bảo: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức rối với ông Giacôbê và ông Gioan. (Mc 10,35-38.41)

Ngay cả khi Chúa Giêsu ở cùng với các môn đệ của Ngài sau khi Ngài sống lại, họ vẫn hỏi khi nào Ngài sẽ giải phóng Israel và khôi phục vương quốc:

“Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?” (Cv 1,6)

Khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Ngài về cái chết sắp đến của Ngài, điều ấy rất khó để họ chấp nhận, bởi vì theo cách hiểu chung của người Do Thái về vai trò của Đấng Mêsia thì Đấng Mêsia không thể bị giết chết. Chúng ta nhìn thấy được phản ứng tiêu cực của Phêrô – và thiết nghĩ những người khác cũng cảm thấy tương tự như thế – trong đoạn thuật lại của Matthêu:

Chúa Giêsu cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Kitô. Từ lúc đó, Đức Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” Nhưng Đức Giêsu quay lại bảo Phêrô: “Xata, lui ra đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” (Mt 16,20-23)

Chúa Giêsu không muốn loan tin Ngài chính là Đấng Mêsia, có lẽ bởi vì điều này sẽ khiến Ngài vướng vào mâu thuẫn chính trị với chính quyền Rôma. Chính quyền Rôma phải nhanh chóng giập tắt bất cứ điều gì đe doạ đến quyền cai trị của họ, và chắc chắn sẽ loại trừ bất cứ ai có chủ trương lật đổ sự cai trị của họ hoặc tự xưng mình là vua của quốc gia mà họ đang nắm quyền.

Chúa Giêsu đã nghiêm cấm các môn đệ của Ngài loan tin về Ngài là ai. Tại sao Chúa Giêsu lại bảo những môn đệ mình làm như thế? Bởi vì theo nhận thức của người Do Thái, Đấng Mêsia sẽ không chết ở Giêrusalem – Đấng Mêsia của họ sẽ giành lại quyền cai trị Israel và sẽ cai trị trong sự công chính, và sự cai trị ấy sẽ ảnh hưởng đến toàn cõi đất. Chúa Giêsu đã phản ứng trước lời căn ngăn của Phêrô: Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.

Theo cách nhìn tự nhiên, phản ứng của Phêrô là hoàn toàn dễ hiểu, cũng như việc Giacôbê và Gioan xin Chúa Giêsu cho họ một vị trí quyền lực khi Ngài trị vì vương quốc trần thế của Ngài. Sự trông chờ của họ chính là một vương quốc nơi thế gian được đứng đầu bởi vị vua được xức dầu, Đấng Mêsia.

Những sự kiện xảy ra trước Lễ Vượt Qua càng làm tăng thêm sự mong đợi của họ. Việc nhìn thấy đám đông dân chúng, những người đến Giêrusalem để mừng Lễ Vượt Qua, tay cầm những cành lá tung hô Chúa Giêsu, hô to: “Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Chúc tụng vua Israel!” (Ga 12,13), khiến các môn đệ càng háo hức hơn! Chúa Giêsu đến thủ đô (điều mà Đấng Mêsia được trông đợi), và rất nhiều người tuyên xưng Ngài là vua. Và họ cũng không nằm ngoài suy nghĩ như thế. Mọi người nghe về việc Ngài vừa làm cho bạn của Ngài là Lazaro từ cõi chết sống lại. Suốt thời gian thực hiện sứ mệnh của Ngài, Ngài đã chữa lành vô số bệnh nhân, Ngài đã hoá bánh cho hàng ngàn người ăn một cách thật kỳ diệu, Ngài đã giảng dạy một cách uy quyền… Việc Ngài vào thành khiến cho những ai không biết Ngài là ai, hoặc không biết điều gì đang diễn ra, sẽ thắc mắc, và đám đông dân chúng đi theo Ngài đã nói: Người này là “Ngôn sứ Giêsu, người Nazareth, xứ Galilê” (Mt 21,11).

Sự mong đợi của đám đông dân chúng về việc Chúa Giêsu chính là Đấng Mêsia rất lớn. Tuy nhiên, mọi thứ đều không diễn ra như mong đợi. Chỉ trong vòng vài ngày, Chúa Giêsu đã bị bắt, bị tra tấn và đã chết – bị kết án bất công và bị giết một cách tàn nhẫn dưới bản án thấp hèn nhất, một bản án mà theo người Do Thái chính là dành cho kẻ xúc phạm đến Thiên Chúa (Đức Kitô đã chuộc chúng ta cho khỏi bị nguyền rủa vì Lề Luật, khi vì chúng ta, chính Người trở nên đồ bị nguyền rủa, vì có lời chép: Đáng nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên cây gỗ! Như thế, là để nhờ Đức Giêsu, các dân ngoại cũng được hưởng phúc lành dành cho ông Abraham, và để nhờ đức tin, chúng ta được ơn Thiên Chúa đã hứa tức là Thần Khí. – Gl 3,13-14). Đấng Mêsia được trông đợi trừng trị những kẻ thờ tà thần, chứ không phải chịu bạo hành bất công dưới bàn tay của quân dữ. Niềm hy vọng của những người kỳ vọng nơi Chúa Giêsu chính là Đấng Mêsia vỡ tan – lại thêm một Đấng Mêsia giả nữa, theo cách nghĩ của họ.

Bạn có thể tưởng tưởng cú sốc này nặng nề như thế nào đối với các môn đệ. Người Thầy yêu dấu mà họ theo, Người mà họ chắc chắn chính là Đấng Mêsia, đã chết. Họ hoang mang và thất vọng, được nhìn thấy rõ trong câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmau vào ngày Chúa sống lại. Chúa Giêsu Phục Sinh đến gần và bước đi cùng họ. Khi Ngài hỏi về cuộc trò chuyện của họ, họ đứng lặng và trông buồn bã. Trong cuộc trò chuyện, họ đã nói:

Phần chúng tôi, trước đây, vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng cứu chuộc Israel. (x. Lc 24,19-23)

Niềm hy vọng của họ về việc Chúa Giêsu chính là Đấng Mêsia đã bị tiêu tan, và họ vô cùng đau buồn trước cái chết của Ngài. (x. Lc 24,13-21)

Nhưng sau đó, sự sống lại của Chúa Giêsu đã thay đổi tất cả! Thiên Chúa đã cho Đấng bị xem là Mêsia “giả” sống lại từ cõi chết. Người Do Thái không hề nghĩ Đấng Mêsia sẽ sống lại từ cõi chết, vì thế, người Do Thái nói chung và những môn đệ nói riêng đều không nghĩ Chúa Giêsu sẽ hoàn thành lời hứa trong Sách Thánh theo cách ấy.

Trước đó không lâu, trước tin Chúa Giêsu cho Lazaro sống lại từ cõi chết, những thượng tế đã đi đến kết luận rằng Đức Giêsu phải chết:

Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta. Một người trong Thượng Hội đồng tên là Caipha, làm thượng tế năm ấy, nói: “Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,48-50)

Trong suốt thời gian xét xử Chúa Giêsu, vị thượng tế hỏi liệu Chúa Giêsu có phải là Đấng Cứu Thế, Đấng Mêsia không, và sau khi nghe câu trả lời khẳng định của Chúa Giêsu, câu trả lời bao gồm lời được viết trong Sách Đanien về Con Thiên Chúa sẽ ngồi bên hữu Thiên Chúa, vị thượng tế và những người cùng phe với ông quyết định Đức Giêsu phải chết (x. Mt 26,63-66). Họ kết tội Ngài là phạm thượng, và theo luật của họ, tội này phải tử hình. Những người trong giới lãnh đạo Do Thái khước từ Ngài, họ không tin Ngài chính là Đấng Mêsia đã được hứa ban, và sợ rằng, nếu Ngài sống, đế quốc Rôma sẽ tiêu diệt đền thánh của họ cũng như dân tộc của họ.

Phongxiô Philatô, người đưa ra bản án tử hình Chúa Giêsu về tội tự xưng mình là vua, có vẻ như ông không xem Đức Giêsu là một mối đe doạ, nhưng vì sự khăng khăng của đám đông dân chúng và của những thế lực Do Thái, ông chọn cách làm theo luật (Ông Philatô tìm cách tha Người. Nhưng dân Do Thái kêu lên: Nếu ngày tha nó, ngài không phải là bạn của Xêda. Ai xưng mình là vua, thì chống lại Xêda. – Ga 19,12). Không thể có vị vua nào mà không thông qua sự thừa nhận của Rôma, vì thế, theo luật về tội chống lại Rôma, Ngài đã bị đóng đinh. Tấm bảng mà Philatô treo trên thập giá viết: “Giêsu Nazareth, Vua dân Do Thái” (Mt 27,37).

Chúa Giêsu bị xử tử hình bởi vì những người đứng đầu Do Thái không thừa nhận Ngài là Đấng Mêsia, và bởi vì Rôma nói rằng không một vị vua nào không được trao quyền có thể sống. Tuy nhiên, biến cố lạ thường và không mong đợi về việc Chúa Giêsu sống lại đã làm đảo ngược bản án của người Do Thái và Rôma.

Mặc cho theo luật của Roma, những ai muốn làm vua sẽ phải chết, và theo những gì những người đứng đầu Do Thái tin rằng Chúa Giêsu không phải là Đấng Mêsia, chính Thiên Chúa đã lật đổ sự phán quyết của họ, phê chuẩn cho Chúa Giêsu là Vua và là Đấng Mêsia bằng cách làm cho Ngài sống lại từ cõi chết. Thiên Chúa đã xác nhận Ngài.

Điều này cũng làm cho những gì Chúa Giêsu giảng dạy về chính Ngài và về Thiên Chúa Cha, về Vương quốc của Đức Chúa và ơn cứu độ trở nên hữu hiệu. Sự sống lại chứng thực rằng Chúa Giêsu đích thực là Đấng Mêsia, cùng với sự ngự xuống của Chúa Thánh Thần, đã tạo nên một sự hiểu biết mới về Thiên Chúa. Tầm quan trọng của sự sống lại vào thời Chúa Giêsu chính là sự minh chứng cho những gì Chúa Giêsu nói về Ngài và Ngài là ai.

Trước lúc sống lại, các môn đệ chưa hiểu hết những gì Chúa Giêsu đã nói với họ về cái chết và sự sống lại của Ngài. Tuy nhiên, sau khi Ngài trỗi dậy, suốt 40 ngày trước khi Ngài lên Trời, Ngài đã giải thích những lời Kinh Thánh cho họ hiểu.

Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa. (Cv 1,3)
Bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh. Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24,27.32)

Sự nhận biết rằng thông qua việc mặc lấy xác phàm, cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, ơn cứu độ trở nên được dành cho tất cả, đó cũng chính là nguyên nhân các môn đệ loan truyền về Đức Giêsu Phục Sinh. Đó là lý do tại sao những tác giả sách Tân Ước viết về tầm quang trọng của Phục sinh, công bố sự sự thật Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa, rằng chúng ta được tái sinh, rằng chúng ta được bảo đảm có được ơn cứu độ và rằng nếu không có Phục sinh thì niềm tin của chúng ta sẽ trống rỗng.

Chúc tụng Thiên Chúa là Thân phụ Đức Giêsu, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giêsu đã từ cõi chết sống lại. (1 Pr 1,3).
Thiên Chúa nhắm mắt bỏ qua những thời người ta không nhận biết Người. Bây giờ, Người truyền cho người ta rằng mọi người ở mọi nơi phải sám hối, vì Người đã ấn định một ngày để xét xử thiên hạ theo công lý, nhờ một người mà Người đã chỉ định. Để bảo đảm điều ấy với mọi người, Thiên Chúa đã là cho vị này sống lại từ cõi chết. (Cv 17,30-31)
Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ. (Rm 10,9)
Nếu Đức Giêsu đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng. (1 Cr 15,14)

Sự Phục sinh chính là sự minh chứng rằng Thiên Chúa đích thực đã đến trong thế gian theo một cách thức mới, thông qua Con Một của Người trong thân phận con người. 50 ngày sau khi Chúa Giêsu về trời, Chúa Thánh Thần cũng đến trong thế gian theo một cách thức mới, chính là ngự trị trong lòng mỗi tín hữu. Những sự kiện này đã thôi thúc các môn đệ và Giáo Hội sơ khai loan tin cho khắp thế giới vào thời của họ. Họ đã chia sẻ tin mừng rằng thông qua Chúa Giêsu và sự cái chết của Ngài trên thập giá, nhân loại có thể giao hoà với Thiên Chúa.

Đối với các môn đệ năm xưa và đối với chúng ta ngày hôm nay, Phục sinh chính là nền tảng của niềm tin và niềm hy vọng Kitô hữu. Những môn đệ tiên khởi, dù lúc đầu đã phải đối mặt với những niềm hy vọng bị tan vỡ bởi những sự trông đợi của họ, nhưng không lâu sau đã được nhìn thấy rằng, bởi vì Chúa Giêsu đã sống lại, nên những gì Ngài đã nói, đã làm và đã hứa, đều là sự thật. Sự thật ấy trường tồn xuyên suốt lịch sử cho đến thời đại của chúng ta ngày nay. Đấng Mêsia, Đấng Kitô sống lại, Con Một Thiên Chúa, ngôi thứ hai trong Ba Ngôi, đã minh chứng bản tính thần thiêng của Ngài, và minh chứng rằng chúng ta có thể tin tưởng nơi Ngài, bởi vì Ngài đã chết cho tội lỗi của chúng ta, đã làm những điều không thể và đã sống lại từ cõi chết.

Bởi vì Ngài đã chết cho tội lỗi của chúng ta và đã sống lại từ cõi chết, nên chúng ta biết được rằng tất cả những gì Ngài đã nói đều là sự thật: rằng chúng ta có được ơn cứu độ, rằng chúng ta có được sự sống vĩnh cửu, rằng Thánh Thần ngự trị trong tâm hồn chúng ta, rằng chúng ta được hứa sẽ được đáp trả những lời nguyện xin, rằng Ngài sẽ dẫn dắt chúng ta khi chúng ta cầu xin Ngài. Sự chia cách giữa chúng ta và Thiên Chúa đã được nối lại. Chúng ta là con cái của Ngài, chúng ta sẽ được sống cùng Ngài mãi mãi, và chúng ta có thể mang những người khác đến với Ngài thông qua đời sống chứng tá đức tin của chúng ta.

Bởi vì Ngài đã trỗi dậy, cũng như hoa trái đầu mùa, chúng ta cũng sẽ được sống lại khi đến thời. Bởi vì sự Phục sinh, chúng ta cũng được đảm bảo có được ơn cứu độ, sống một cuộc sống tràn đầy Kitô, và được sống cùng với Thiên Chúa vinh quang mãi mãi.

Hãy hân hoan trong niềm vui, trong tầm quan trọng tột cùng của Phục Sinh – hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Chúc mừng Lễ Phục Sinh tràn đầy hồng ân!

An Nhiên

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment