Phản Biện

Chúng ta đang sống trong “thời đại bùng nổ thông tin”. Những thông tin chính xác đã trở thành hàng hóa mang đến nhiều lợi ích cho nhân loại; những thông tin thiếu trung thực, sẽ tạo ra bao mối đe doạ cho con người về nhiều mặt…Thông tin về những phát minh khoa học; về thị trường chứng khoán, thiên tai; chiến tranh, có cả thông tin lừa đảo, cướp dựt…Biết bao loại thông tin đang ngập tràn trên các phương tiện thông tin đại chúng, mà ta gặp trên các nhật báo, tuần báo, nguyệt san, tivi, internet…Chỉ cần vài cái nhắp chuột thì hàng vạn thông tin hiện lên. Quả thật, chúng ta đang choáng ngợp bởi thông tin. Trong đó có thông tin đúng, không đúng; thông tin đáng tin cậy và không đáng tin.

Vai trò của phản biện trong xã hội

Với lượng thông tin đa chiều, lẫn lộn đúng sai như thế, hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải suy nghĩ, phân tích kể cả phải phản biện để xác định độ tin cậy của vấn đề. Từ đó ta mới chọn lựa khi cần sử dụng, hầu tránh được bao điều đáng tiếc có thể xẩy ra.

Vấn đề phản biện đã có từ ngàn xưa, trong hầu hết mọi lãnh vực của nhân loại.

Phản biện giữ một vai trò quan trọng trong đời sống cá nhân, trong cộng đồng xã hội, trong simh hoạt chính trị của một quốc gia, và trong sự phát triển của nhân loại.

Phản biện đang được tôn giáo cũng như xã hội, các quốc gia chú tâm.

Xin đơn cử một vài trường hợp:

Về phía tôn giáo

Trong chuyên đề số 185 Chương trình Chuyên đề Giáo dục thuộc Ban Mục vụ Gia đình TGP Sài Gòn ngày 16/11/2013 với chủ đề: “Tư duy phản biện, nhân tố phát triển xã hội”, do Thạc sĩ Phạm Thị Thuý, Giảng viên Đại học Hành Chánh trình bày.

Trong phạm vi của bài viết, trước khi tìm hiểu các mặt khác của phản biện, tôi xin trích dẫn hai định nghĩa về phản biện của tổ chức World Vision về Kỹ Năng Sống mà diễn giả đã nêu ra:

Tư duy phản biện là một quá trình tư duy biện chứng, gồm phân tích và đánh giá một thông tin đã có, do các cách nhìn khác cho vấn đề đã đặt ra, nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề. Lập luận phản biện phải rõ ràng, lôgic, đầy đủ bằng chứng và công tâm”.

Tư duy phê phán là hoạt động nhận thức của trí óc có đặc điểm nhìn vấn đề một cách hoài nghi tích cực, nhiều chiều, lật lại vấn đề, không xuôi chiều để phân tích độ tin cậy, nhìn nhận vấn đề một cách hợp lý, chỉ ra chỗ không hợp lý. Sau đó, sử dụng lý lẽ, luận cứ, lập luận chặt chẽ, lôgic, có cơ sở thuyết phục để bảo vệ chính kiến, chân lý, lẽ phải, các quan điểm khác nhau”.

Trong lãnh vực giáo dục

Trong Tuyên Ngôn Quốc Tế về Giáo dục Đại học trong thế kỷ XXI của UNESCO đã viết như sau: “Các Đại học phải đào tạo sinh viên trở thành những công dân được trang bị tốt về thông tin, có động lực sâu sắc, có khả năng phản biện, khả năng phân tích các vấn đề, tìm kiếm các giải pháp cho các vấn đề của xã hội, áp dụng chúng và chấp nhận trách nhiệm xã hội”. (Điều 9 khoản b).

Mục đích của phản biện.

Phản biện không phải là: “Vạch lá tìm sâu”; hay “bới lông tìm vết”, chỉ chăm chăm nhìn vào điểm thiếu sót, chỉ nhìn vào hạt cát trong mắt người khác; chỉ nhìn vào điểm xấu, điểm hạn chế của vấn đề; phản biện cũng không phải là tuyên truyền, vận động hầu thuyết phục người khác nghe theo mình, đi theo mình, ủng hộ mình; phản biện cũng không thể là cảm tính, thiên kiến, a dua, hội chứng đám đông, hay mâu thuẫn, ngụy biện, hoặc tranh cãi vì mục đích riêng tư nào đó cho mình, cho phe nhóm mình. Đặc biệt, phản biện không thể thiếu kiến thức chuyên môn về vấn đề mình muốn phản biện…Xã hội đang được chuyên môn hoá mọi lãnh vực.

Phản biện có mục đích giúp ta tránh được hồ đồ, sai sót, ngộ nhận, mà biết được sự thật, tìm được lẽ phải, mau tiến tới chân lý. …Như thế, phản biện có mục đích đem đến cho ta những điều đúng hơn, tốt hơn. Phản biện là hành động của người trưởng thành, người có kiến thức, của đất nước tiến bộ văn minh. Chính nhờ phản biện mà cuộc sống tốt hơn, xã hội tiến bộ, nhân loại văn minh như ngày nay…

Tạo Hoá sinh ra con người, thì chính hai hàm răng là sự phản biện đã giúp chúng ta xé nhỏ, nghiền nát thức ăn. Dạy con: “nhai kĩ nuốt chậm” sẽ tốt cho tiêu hoá, tốt cho sức khoẻ là như thế. Một hình ảnh khác là hai bánh xe nước mía, hai bánh xe của chiếc hộp quẹt quay trái chiều, nhưng cho ra nước mía thơm ngọt, tạo ra lửa thắp sáng, và làm chín lương thực, nuôi sống con người. Tôi nghĩ, đó là những hình ảnh sống động về phản biện giúp ta dễ nhận ra.

Những yếu tố cần có trong việc phản biện.

Trong phần định nghĩa đã giúp ta biết một phần những điều cần có khi phản biện.

Trong khoa học chính xác như toán học, để phản biện người ta cần đến chứng minh, sau đó mới đi đến định lý; trong khoa học thực nghiệm như vật lý, sinh học, hoá học…để phản biện người ta cần đến quan sát, thí nghiêm và thí nghiệm nhiều lần rồi mới đi đến định luật; trong khoa học xã hội nhân văn người ta cần đến những bài phê bình và bình luận, sau đó mới đi đến kết luận. Trong lãnh vực luật pháp, một đạo luật của một quốc gia muốn thông qua thường được phản biện nhiều lần tại Quốc hội từ Hạ viên tới Thượng viên, từ hành pháp sang lập pháp…

Ngoài ra, để phản biện một cách vững vàng, đúng đắn ta cần học hỏi để biết những nguyên lý căn bản của lý trí. Xin nêu:

Bảy nguyên tắc căn bản của lý trí.

Nguyên lý đồng nhất: Vật nào cũng đồng nhất với chính nó. A là A. A không thể là B

Nguyên lý mâu thuẫn: Một vật không thể vừa có vừa không.

Nguyên lý khử tam: Một vật hoặc có hoặc không có, chứ không thể ở trong tình trạng thứ ba được.

Nguyên lý túc lý: Không có cái gì xẩy ra mà không có nguyên nhân.

Nguyên lý nhân quả: Mọi sự kiện xẩy ra đều có nguyên nhân, và cùng nguyên nhân bao giờ cũng sinh ra cùng hậu quả.

Nguyên lý tất định: Mọi hiện tượng đều có các điều kiện nhất định; khi hội đủ các điều kiện, hiện tượng sẽ phải xẩy ra, không thể không xẩy ra được.

Nguyên lý cứu cánh: Không một sinh hoạt nào là không nhằm đạt đến một cứu cánh. (Nguồn: Hướng đến Chân, Thiện, Mỹ, Tg Vũ Đức Sao Biển nhà xuất bản Trẻ 2011).

Sơ đồ tư duy phản biện cúa John Hilsdon, Đại học Plymouth (5W, 1H)

Theo Giáo sư John Hilsdon, trường Đại học Plymouth, một trường Đại học nổi tiếng của Anh quốc, để việc phản biện có được kết quả cụ thể, có luận cứ rõ ràng, ta cần đặt sáu câu hỏi: (5W, 1H) Trả lời các câu hỏi đó sẽ giúp việc phản biện chặt chẽ và vững vàng. Các chữ đó gồm: What: cái gì; When: khi nào; Who: ai; Where: ở đâu; Why: tại sao; How: như thế nào.

Kiểm thảo bản thân

Với người Công giáo, ta dựa vào những điều Chúa và Giáo Hội đã dạy ta phải tin trong kinh Tin Kính; những điều phải giữa trong 10 Điều Răn của Chúa và 6 Điều Hội Thánh, cùng các điều phải chịu trong các Bí tích để nhìn lại chính mình, tức là phản biện với chính bản thân mình trên nền tảng của những điều Chúa và Giáo Hội đã dạy ta vừa nêu trên. Từ đó, ta mau sửa đổi để sống xứng đáng là con cái Chúa, không để mất ơn nghĩa với Người.

Những vấn  đề ngoài khả năng phản biện của con người

Người Công giáo tin các điều trong kinh Tin Kính như: “…Tôi tin kính Đức Giêsu Kitô… chết và táng xác…ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại..” và “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”. Niềm tin đó, con người không thể phản biện. Ta đón nhận niềm tin do Chúa yêu thương Mạc khải (hé mở) cho ta biết.

Biết bao phép lạ được đề cập đến trong Thánh Kinh, và còn bao phép lạ  đã xẩy ra ở khắp mọi nơi trên thế giới. Điều đó nằm ngoài tầm hiểu biết của con người, của khoa học. Bởi bản thân của phép lạ xẩy ra không theo những qui luật tự nhiên thường diễn ra hàng ngày. Những phép lạ được nói đến trong Thánh Kinh như: người chết sống lại, kẻ mù được xem thấy, người què được đi, nước lã hóa rượu, bánh, cá hóa nhiều…

Trong cuộc sống hàng ngày với ngôn ngữ bình dân thì chính sự góp ý một cách thẳng thắn, chân thành, xây dựng là một hình thức phản biện. Điều đó, ta thường gặp trong các mối quan hệ: cấp trên với cấp dưới, chính và phó, chủ và thợ, thầy và trò, giữa cha mẹ và con cái…hoặc ngang bằng đôi lứa giữa người và người trong cuộc sống thường ngày đạo cũng như đời. Ta cần trân trọng và chú ý lắng nghe, đừng thành kiến, phản bác một cách hồ đồ theo ý chủ quan, độc đoán, phiến diện và bảo thủ của mình…Bao điều bất cập sẽ xẩy đến; nguyên tắc sống chung giữa người với người bị phá vỡ, thật đáng tiếc!  Như thế, phản biện hay góp ý thẳng thắn, đối thoại chân thành được ví như sự sàng lọc, sự cọ sát mang ý nghĩa xây dựng với mục đích giúp ta sớm tìm ra sự thật, lẽ phải và chân giá trị của vấn đề.

Để việc sống chung được tốt đẹp, tôi xin được trích dẫn lời dạy của Thánh Công Đồng Vaticanô II trong Hiến Chế Mục vụ về Giáo Hội, phần kết luận số 92.

“…Vì thế, trước hết, chúng tôi muốn cổ vũ ngay trong lòng Giáo Hội sự quí mến, tôn trọng và đoàn kết với nhau bằng cách chấp nhận những dị biệt chính đáng, để cuộc đối thoại giữa những phần tử của một Dân Chúa duy nhất, dù là chủ chăn hay Kitô hữu, luôn mang lại những lợi ích tốt đẹp. Thật vậy, những điều gây chia rẽ không thể lấn át những yếu tố liên kết các tín hữu. Đó là hợp nhất trong những điều thiết yếu, tự do trong những điểm còn nghị ngờ, bác ái trong tất cả mọi sự”. 

Inhaxiô Đặng Phúc Minh

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment